Bộ Nội vụ kết luận: 54 trường hợp bổ nhiệm sai quy trình
“Còn 54 trường hợp chưa đáp ứng đầy đủ điều kiện, tiêu chuẩn về lý luận chính trị; chứng chỉ quản lý nhà nước; ngoại ngữ; tin học. Bổ nhiệm một Phó Giám đốc Sở Y tế khi chưa thực hiện các quy trình xét chuyển thành công chức” – đó là một trong những nội dung thông báo kết luận Thanh tra của Bộ Nội vụ tại tỉnh Bến Tre.
Hình minh họa (Ảnh: Tiền Phong).
Thanh tra Bộ Nội vụ vừa có thông báo kết luận thanh tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về quản lý biên chế, tuyển dụng, nâng ngạch, bổ nhiệm, quản lý hồ sơ công chức, công tác cải cách hành chính, cải cách chế độ công vụ, công chức và việc ký hợp đồng làm công tác chuyên môn nghiệp vụ trong các cơ quan hành chính nhà nước của UBND tỉnh Bến Tre.
Thông báo kết luận nêu rõ, trong kỳ thi tuyển công chức năm 2014 do UBND tỉnh Bến Tre tổ chức đã tuyển dụng 108 công chức (trong đó, chuyên viên 99, chuyên viên cao đẳng 4, ngạch cán sự 5). Tỉnh đã phê duyệt nhu cầu tuyển dụng 8 chỉ tiêu ngạch cán sự hoặc chuyên viên có chung yêu cầu trình độ từ trung cấp trở lên. Đáp án thi môn kiến thức chung và môn nghiệp vụ chuyên ngành không có thang điểm chi tiết.
Trưởng Ban chấm thi chưa thực hiện tổ chức trao đổi để thống nhất báo cáo Chủ tịch Hội đồng thi xem xét, phê duyệt đáp án, thang điểm chi tiết của đề thi trước khi chấm. Kết quả các bài thi không thể hiện hai giám khảo chấm thi độc lập, có bài thi chấm không sát với đáp án, thang điểm. Đáng chú ý, có một bài thi môn nghiệp vụ chuyên ngành (hình thức thi trắc nghiệm) được thành viên chấm thi chấm 52,5 điểm, trong khi thực tế bài thi chỉ được 47,5 điểm.
Video đang HOT
Trong hai kỳ thi nâng ngạch công chức từ ngạch nhân viên, cán sự lên ngạch chuyên viên và tương đương năm 2014 và 2016, tỉnh Bến Tre có 130 công chức trúng tuyển (trong đó ngạch chuyên viên: 121 công chức; ngạch kế toán viên: 3 công chức; ngạch kiểm lâm viên: 2 công chức; ngạch kiểm soát viên thị trường: 3 công chức; ngạch kiểm dịch động vật: 1 công chức).
Tại kỳ thi nâng ngạch công chức năm 2014, kết quả các bài thi không thể hiện hai giám khảo chấm thi độc lập. Một số bài thi chấm chưa sát với đáp án, thang điểm. Một bài thi môn ngoại ngữ (hình thức thi trắc nghiệm tiếng Anh) được chấm 51 điểm, trong khi thực tế bài thi này chỉ được 47 điểm…
Về việc bổ nhiệm, qua kiểm tra trực tiếp 243 hồ sơ bổ nhiệm (thẩm quyền của Chủ tịch UBND tỉnh có 60 hồ sơ và thẩm quyền của Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị có 183 hồ sơ) cho thấy việc bổ nhiệm công chức lãnh đạo, quản lý được UBND tỉnh Bến Tre và các cơ quan, đơn vị cơ bản thực hiện theo quy định. Đa số các trình tự, thủ tục bổ nhiệm được triển khai trên thực tế.
Tuy nhiên, vẫn còn 54 trường hợp chưa đáp ứng đầy đủ điều kiện, tiêu chuẩn về lý luận chính trị; chứng chỉ quản lý nhà nước; ngoại ngữ; tin học. Một số trường hợp được bổ nhiệm lại còn chậm so với quy định. Bổ nhiệm một Phó Giám đốc Sở Y tế khi chưa thực hiện các quy trình xét chuyển thành công chức.
Kiểm tra trực tiếp tại 10 cơ quan, đơn vị cho thấy hồ sơ công chức thuộc thẩm quyền quản lý của Chủ tịch UBND tỉnh không được lưu giữ tại Sở Nội vụ. Một số hồ sơ công chức của các cơ quan, đơn vị còn thiếu các thành phần tài liệu như: văn bằng, chứng chỉ, lý lịch tư pháp, phiếu bổ sung lý lịch, phiếu đánh giá cán bộ, công chức hàng năm, kê khai tài sản hàng năm; tài liệu liên quan đến việc bổ nhiệm, bổ nhiệm lại không được lưu giữ trong hồ sơ công chức. Việc báo cáo công tác quản lý hồ sơ công chức hàng năm chưa được thực hiện theo quy định; hầu hết các cơ quan, đơn vị không thực hiện việc mở sổ đăng ký, sổ giao nhận, sổ theo dõi khai thác, sử dụng hồ sơ cán bộ, công chức.
Theo Danviet
Bổ nhiệm cán bộ: Phải có cơ chế kiểm soát quyền lực người đứng đầu
Thời gian vừa qua, dư luận không khỏi bức xúc trước hàng loạt vụ việc liên quan tới công tác bổ nhiệm cán bộ.
Bà Trần Vũ Quỳnh Anh - được bầu vào Ban Chấp hành Đảng ủy Sở Xây dựng Thanh Hóa (nhiệm kỳ 2015-2020). Ảnh: Thanh Niên
Từ những cái tên như Trịnh Xuân Thanh, Vũ Quang Hải, Vũ Minh Hoàng... cho tới Trần Vũ Quỳnh Anh với những cách thức bổ nhiệm "lạ lùng - thần tốc" nhưng vẫn được bao biện bằng cụm từ "đúng quy trình" trước khi chân tướng sự việc lộ rõ. Rồi cả câu chuyện "một người làm quan, cả họ được nhờ" tưởng chừng chỉ có ở thời phong kiến cũng xuất hiện tại nhiều nơi trên cả nước, mà mới đây nhất đã xảy ra tại tỉnh Hải Dương.
Chưa dừng lại tại đó, có những đơn vị cấp sở bổ nhiệm tràn lan, bất hợp lý. Vừa mới đây, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu Bộ Nội vụ khẩn trương kiểm tra, làm rõ việc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Thái Nguyên bổ nhiệm thừa... 23 cán bộ.
Những ví dụ nêu trên chỉ là điển hình, chưa thể phản ánh hết những bất cập trong công tác bổ nhiệm cán bộ thời gian qua. Tưởng chừng với quy trình tương đối chặt chẽ, việc bổ nhiệm cán bộ sẽ được thực hiện công khai, minh bạch để chọn ra những người có tài, có đức, xứng đáng với những vị trí quản lý nhằm giúp cho bộ máy Nhà nước hoạt động tốt hơn. Nhưng nhìn vào thực tế nêu trên, người dân, dư luận không khỏi lo ngại về những tiêu cực phía sau công tác được cho là quan trọng và có phần nhạy cảm này.
Hàng loạt câu hỏi được đặt ra từ phía dư luận như: Có hay không những tiêu cực, tham nhũng để sắp đặt những "chiếc ghế" cho những "vị quan" không xứng đáng? Có hay không việc những cá nhân nắm giữ chức vụ cao, lợi dụng quyền lực để chi phối, "điều khiển" quá trình bổ nhiệm nhân sự?...
Có thể nói, quy trình bổ nhiệm cán bộ vốn được xem là dân chủ, minh bạch, khách quan đã bộc lộ những lỗ hổng, bất cập nên tình trạng tiêu cực mới xảy ra. Nếu tất cả đều chuẩn chỉ thì không thể có chuyện bổ nhiệm đúng quy trình nhưng cuối cùng cán bộ được bổ nhiệm vẫn không đảm bảo, gây nên những bức xúc trong nhân dân, dư luận.
Những hạn chế bộc lộ trong quy trình bổ nhiệm cán bộ được tập trung nghiên cứu, chỉ rõ. Ban Tổ chức Trung ương đã kịp thời sửa đổi, bổ sung các quy định, nâng quy trình bổ nhiệm cán bộ từ 3 lên 5 bước và vận dụng thí điểm vào việc xử lý tình huống trong công tác cán bộ ở một số địa phương. Và trong tuần vừa qua, Bộ Chính trị đã có kết luận về sửa đổi, bổ sung một số quy định về công tác cán bộ với quy trình bổ nhiệm qua 5 bước chặt chẽ.
Điểm mới căn bản của quy trình "5 bước" là đã công khai, minh bạch hóa tiêu chuẩn, bổ nhiệm cán bộ, phát huy trí tuệ và trách nhiệm của tập thể, đẩy mạnh phân cấp quản lý cho cấp ủy trong việc quản lý và quyết định công tác cán bộ. Cơ chế giám sát việc thực hiện các quy trình công tác cán bộ cũng được đề cao hơn.
Từ đây, trách nhiệm của cá nhân, nhất là người đứng đầu, trách nhiệm của tập thể trong việc giới thiệu, quy hoạch, bổ nhiệm và sử dụng cán bộ đã được minh định. Từ đây, người đứng đầu khó có cơ hội làm tắt, làm sai cũng như khó có cơ hội sắp đặt cán bộ theo ý đồ cá nhân, nhóm lợi ích hoặc bổ nhiệm ồ ạt khi bước vào giai đoạn "hoàng hôn nhiệm kỳ".
Đây được xem là bước cải tiến cần thiết nhằm tạo ra bước chuyển biến căn bản sau những vấn đề nổi cộm về công tác nhân sự trong thời gian qua. Tuy nhiên, quy trình suy cho cùng vẫn chỉ là công cụ và công cụ này cần được đặt trong tay của những người nắm giữ, triển khai đủ sự công tâm với tinh thần, trách nhiệm cao nhất. Cần có cơ chế kiểm soát quyền lực của người đứng đầu, đặc biệt là quy trình bổ nhiệm phải được giám sát một cách chặt chẽ của tập thể và nhân dân.
Theo P.V (ANTĐ)
Bình Định: Vì sao chưa thể bổ nhiệm lãnh đạo Sở GD&ĐT? Hiện tỉnh Bình Định đang thiếu lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) thế nhưng vẫn không thể bổ nhiệm. Vì sao lại như vậy? Ngày 11.7, UBND tỉnh Bình Định cho biết vừa có văn bản gửi Bộ GD&ĐT về việc điều chỉnh, bổ sung tiêu chuẩn chức danh Giám đốc, Phó giám đốc Sở GD&ĐT. Theo ông Hồ Quốc...