Bộ Nội vụ đề xuất cắt giảm chứng chỉ ngoại ngữ, tin học khi tuyển dụng, bổ nhiệm
Không quy định cụ thể về trình độ tin học, ngoại ngữ với tiêu chuẩn chức danh công chức lãnh đạo, quản lý; tốt nghiệp đại học chuẩn đầu ra thì không phải có chứng chỉ ngoại ngữ, tin học khi tham gia tuyển dụng…
Đề xuất cắt giảm chứng chỉ ngoại ngữ, tin học khi tuyển dụng, bổ nhiệm
Đây là một trong những điểm mới đang được Bộ Nội vụ đề xuất, xin ý kiến về các Nghị định liên quan đến tuyển dụng và các chức danh lãnh đạo, quản lý.
Trên cơ sở Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 8, Bộ Nội vụ đang xây dựng dự thảo Nghị định của Chính phủ, quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức. Liên quan đến chất lượng đầu vào, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân cho biết, việc tuyển dụng công chức trong thời gian qua đã được đổi mới từ thi 4 môn (kiến thức chung, chuyên môn nghiệp vụ, ngoại ngữ và tin học) thành 2 vòng thi điều kiện và thi chuyên môn nghiệp vụ.
Theo ông Tân, điều này góp phần đơn giản hóa thủ tục hành chính, tăng cường tính công khai, minh bạch, nâng cao chất lượng trong công tác tuyển dụng. Tuy nhiên, người đứng đầu ngành nội vụ cũng thẳng thắn cho rằng, quy định hiện hành vẫn chưa được đổi mới về tiêu chuẩn, điều kiện chứng chỉ ngoại ngữ, tin học trong tuyển dụng. Mặc dù khi người đăng ký dự tuyển chưa phải nộp chứng chỉ, nhưng khi hoàn thiện hồ sơ tuyển dụng với thi nâng ngạch công chức vẫn còn quy định điều kiện nộp chứng chỉ ngoại ngữ, tin học.
Đây cũng là một trong những vấn đề nhức nhối mà báo Tiền phong đã có loạt bài phản ánh về những bất cập trong việc sử dụng văn bằng, chứng chỉ, làm khó cho cán bộ, công chức, viên chức trong quá trình tuyển dụng. Tại diễn đàn Quốc hội, vấn đề này tiếp tục nhận được sự quan tâm của rất nhiều đại biểu khi cho ý kiến về việc sửa đổi Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức.
Sau đó, tại Nghị quyết về hoạt động chất vấn, Quốc hội đã yêu cầu tập trung thực hiện các giải pháp, khắc phục hạn chế và rà soát, hoàn thiện các quy định về trình độ ngoại ngữ, tin học trong tuyển dụng, thi, xét, nâng ngạch, thăng hạng viên chức, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại nhằm bảo đảm đánh giá đúng trình độ, năng lực của cán bộ, công chức, viên chức và phù hợp với thực tiễn, gắn với vị trí việc làm. “Việc nghiên cứu để thay đổi quy định về tiêu chuẩn, điều kiện chứng chỉ ngoại ngữ, tin học trong tuyển dụng, nâng ngạch công chức là cần thiết”, ông Tân nhấn mạnh.
So với Nghị định số 24 và 161 của Chính phủ, dự thảo Nghị định lần này bổ sung quy định, trong kế hoạch tuyển dụng phải xác định rõ số lượng vị trí việc làm cần tuyển theo từng ngạch công chức trong phạm vi chỉ tiêu biên chế được giao. Điều này sẽ tạo thuận lợi cho việc bố trí công việc cho những người đạt kết quả thi, nhưng không trúng tuyển do hết chỉ tiêu tại cơ quan đó, nhưng cơ quan khác lại có chỉ tiêu mà không có người trúng tuyển.
Đặc biệt, Nghị định tới đây sẽ rà soát để quy định cắt giảm các loại chứng chỉ ngoại ngữ, tin học trong điều kiện tuyển dụng. Theo Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân, hiện nay, chuẩn đầu ra về ngoại ngữ của sinh viên tốt nghiệp các trình độ trung cấp chuyên nghiệp, cử nhân đều yêu cầu đáp ứng trình độ ngoại ngữ bậc 3. Đồng thời, tại các cơ sở giáo dục đại học hiện quy định chuẩn đầu ra trình độ ngoại ngữ đối với sinh viên khi tốt nghiệp.
Video đang HOT
“Chuẩn đầu ra” này phù hợp với yêu cầu về trình độ ngoại ngữ tương ứng với ngạch công chức tham gia dự tuyển. Tương tự đối với tin học, theo “tư lệnh” ngành nội vụ, do hiện nay yêu cầu sử dụng công nghệ thông tin trong các cơ sở giáo dục cũng như quy định việc tổ chức thi tuyển trên máy tính cũng là bước kiểm tra kiến thức và kỹ năng sử dụng tin học.
“Trong trường hợp người đăng ký dự tuyển có bằng tốt nghiệp tại cơ sở giáo dục chuyên nghiệp, hoặc cơ sở giáo dục đại học đã thực hiện chương trình đào tạo chuẩn đầu ra về ngoại ngữ, tin học mà tương ứng với yêu cầu vị trí việc làm đăng ký dự tuyển thì không yêu cầu phải có chứng chỉ ngoại ngữ, tin học”, ông Tân cho hay.
Cùng với Nghị định liên quan đến tuyển dụng, Bộ Nội vụ cũng đang trình xin ý kiến Chính phủ Nghị định quy định về tiêu chuẩn chức danh công chức lãnh đạo, quản lý trong cơ quan hành chính nhà nước. Tại dự thảo này, Bộ Nội vụ tiếp tục đề xuất không quy định cụ thể về trình độ tin học, ngoại ngữ với các chức danh lãnh đạo.
Cụ thể, Theo Bộ Nội vụ, tại các Quy định của Bộ Chính trị chỉ yêu cầu trình độ tin học và ngoại ngữ cần thiết và phù hợp. Do vậy, để phù hợp với thực tiễn công tác cán bộ hiện nay, Bộ Nội vụ đề xuất không quy định cụ thể yêu cầu về trình độ tin học, ngoại ngữ tại dự thảo Nghị định này mà sẽ thực hiện theo quy định của từng Bộ, ngành, địa phương cho phù hợp.
LUÂN DŨNG
Theo Tiền phong
Các thầy cô hãy bình tĩnh, đừng lo lắng quá
Tất cả giáo viên đừng quá lo lắng, sốt sắng việc đi học - thi các loại chứng chỉ như tin học, ngoại ngữ... chỉ để thăng hạng, nâng ngạch.
Đọc bài viết: "Vừa bước ra khỏi phòng thi thăng hạng nhiều giáo viên Kiên Giang bật khóc nức nở" của tác giả Phan Tuyết đăng trên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, ngày 30/19, tôi rất đồng cảm với nỗi khổ, vất vả và thất vọng của nhiều thầy cô giáo ở tỉnh Kiên Giang khi tham gia kỳ thi thăng hạng giáo viên sau 4 năm chờ đợi.
Nhiều giáo viên ở tỉnh có tổ chức thi thăng hạng thường đặt câu hỏi: cũng là giáo viên cả nhưng tại sao giáo viên tỉnh tôi lại phải vất vả, khổ sở với 4 bài thi: kiến thức chung, chuyên môn, tin học và ngoại ngữ làm trên máy tính, còn giáo viên ở các tỉnh khác rất khỏe, không phải thi, chỉ xét qua hồ sơ thôi?
Bộ Nội vụ, Bộ Giáo dục và Đào tạo từng quy định, thăng hạng giáo viên mầm non, phổ thông công lập từ hạng hai trở xuống thuộc thẩm quyền của Ủy ban Nhân dân tỉnh, thành phố phê duyệt, quyết định chọn lựa hình thức thi hay xét.
Thầy cô không cần quá lo lắng về việc thi hay xét thăng hạng. (Ảnh minh họa: Giaoducthoidai.vn)
Hai năm nay, có một số địa phương dùng hình thức xét hồ sơ để thăng hạng giáo viên.
Song cũng có nhiều địa phương áp dụng hình thức thi, trên cơ sở đủ tiêu chuẩn, điều kiện theo quy định.
Qua thực tiễn, tôi nhận thấy, mỗi hình thức tổ chức thăng hạng đều có ưu điểm và nhược điểm riêng.
Nếu chọn hình thức xét thì cái được là giáo viên đỡ vất vả trong việc học, ôn bài và thi, các thầy cô giáo lớn tuổi có nhiều cơ hội trúng tuyển hơn.
Nhưng đối với giáo viên trẻ, ít thành tích, khó có thể cạnh tranh với giáo viên lớn tuổi, có bề dày thành tích.
Hơn nữa, trong xét, chấm hồ sơ dễ nảy sinh tiêu cực, nghi kị lẫn nhau; nếu đưa ra các tiêu chí, tính điểm không rõ ràng, thống nhất càng dễ dẫn tới sự mất công bằng, khách quan giữa giáo viên này với giáo viên kia.
Nếu chọn hình thức thi thì cái được là, mọi người đều có ý thức học tập, rèn luyện; tính công bằng, minh bạch sẽ cao hơn hẳn so với hình thức xét hồ sơ, các giáo viên trẻ có nhiều cơ hội trúng tuyển hơn do nhạy bén trong làm bài, khả năng tin học và ngoại ngữ khá tốt (so với giáo viên lớn tuổi) .
Trái lại, giáo viên phải chịu áp lực với 4 bài thi trong một thời gian ngắn (1 buổi), các giáo viên lớn tuổi mặc dù có thành tích công tác nhiều nhưng lại chẳng dễ vượt qua môn tin học và ngoại ngữ.
Tôi luôn đồng tình với quan điểm, các giáo viên muốn được thăng hạng cao hơn hạng đang giữ thì phải đáp ứng được các tiêu chí của hạng cao hơn đó.
Các thầy cô giáo không có phấn đấu, rèn luyện, không có các thành tích nổi bật gì về chuyên môn, không vượt qua kỳ thi (nếu có) mà lại luôn trông mong được thăng hạng, chuyển sang ngạch bậc lương mới là điều không thể.
Tôi thiết nghĩ, tất cả giáo viên chúng ta cũng đừng quá lo lắng, sốt sắng việc đi học - thi các loại chứng chỉ như tin học, ngoại ngữ... chỉ để thăng hạng, nâng ngạch.
Nếu mình chưa đủ điều kiện để làm hồ sơ, chưa đủ năng lực để tham gia thi thăng hạng hoặc xét, thi không đạt thì âu cũng là chuyện bình thường.
Cố gắng giữ hạng đang có, đang hưởng là được rồi, ai có chê trách chi đâu.
Hãy gắng sức, toàn tâm cho công việc giáo dục ở tại nhà trường. Các cấp quản lý giáo dục đã chỉ rõ để thầy cô yên tâm:
Không bắt buộc dự xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp. Hiện nay không có bất cứ một quy định nào bắt buộc giáo viên phải đăng ký dự xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp.
Không bắt buộc tham gia học để thi thăng hạng chức danh. Thông tư 28/2017/TT-BGDĐT quy định "Việc cử giáo viên dự xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp phải căn cứ vào vị trí việc làm, cơ cấu chức danh nghề nghiệp, nhu cầu của các cơ sở giáo dục công lập và tình hình thực tế của địa phương".
Những giáo viên được cử không bắt buộc phải tham gia học các lớp đào tạo thi thăng hạng, nếu ai có nhu cầu thì tham gia, ai không có nhu cầu thì thôi.
SÔNG TRÀ
Theo giaoduc.net
Giảm quy định về chứng chỉ ngoại ngữ, tin học trong tuyển công chức Bộ trưởng Nội Vụ Lê Vĩnh Tân yêu cầu giảm quy định về chứng chỉ ngoại ngữ, tin học trong điều kiện tuyển dụng, nâng ngạch công chức; thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức. Bộ trưởng Nội vụ Lê Vĩnh Tân vừa ký quyết định ban hành Kế hoạch xây dựng các nghị định nhằm quy định chi tiết các nội...