Bộ Ngoại giao Việt đã xử lý các vụ việc bảo hộ công dân như thế nào?
Những ngày qua, liên quan đến vụ việc nữ nghi phạm Đoàn Thị Hương – một công dân Việt bị buộc tội sát hại người được cho là Kim Jong Nam, dư luận có nhiều thông tin trái chiều về vấn đề bảo hộ công dân Việt Nam khi gặp “sự cố” ở nước ngoài. Thực tế là đại sứ quán Việt chưa bao giờ bỏ rơi công dân ở nước ngoài mà luôn nỗ lực bảo đảm công dân VN được đối xử đúng với luật định.
Nghi phạm Đoàn Thị Hương xuất hiện ở Tòa án huyện Sepang, bang Selangor (Malaysia) ngày 1/3. (Nguồn: Getty)
Trợ giúp về mọi mặt
Trong Luật Quốc tế, bảo hộ công dân được hiểu (theo nghĩa hẹp) là việc quốc gia thông qua các cơ quan nhà nước có thẩm quyền, tiến hành các hoạt động nhằm bảo vệ các quyền và lợi ích của công dân nước mình ở nước ngoài khi các quyền và lợi ích này bị xâm hại hoặc có nguy cơ bị xâm hại. Còn theo nghĩa rộng, bảo hộ công dân bao gồm cả các hoạt động giúp đỡ về mọi mặt mà quốc gia dành cho công dân nước mình khi ở nước ngoài, kể cả trong trường hợp không có hành vi xâm hại tới công dân của nước này.
Đối với Việt Nam, Công ước Viên về quan hệ ngoại giao năm 1961 (Điều 3) và Công ước Viên về quan hệ lãnh sự năm 1963 (Điều 5) đều quy định: “Cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan đại diện lãnh sự có chức năng bảo vệ quyền lợi của công dân của nước mình trong phạm vi cho phép của luật pháp quốc tế”.
Hiến pháp Việt Nam năm 2013 (Khoản 3, Điều 17) và Luật Quốc tịch 2008 (Điều 6) đều quy định, công dân Việt Nam ở nước ngoài được nhà nước CHXHCN Việt Nam bảo hộ. Các cơ quan nhà nước ở trong nước, cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài có trách nhiệm thi hành mọi biện pháp cần thiết, phù hợp với pháp luật của nước sở tại, pháp luật và tập quán quốc tế để thực hiện sự bảo hộ đó.
Còn trong luật cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài (Điều 8, các khoản 1, 2 và 3), nhiệm vụ bảo hộ công dân được quy định rất rõ: Bảo hộ lãnh sự đối với lợi ích hợp pháp của công dân trên cơ sở tuân thủ pháp luật Việt Nam, pháp luật quốc gia tiếp nhận (nước sở tại) và điều ước quốc tế mà Việt Nam và quốc gia tiếp nhận là thành viên, phù hợp với pháp luật và thông lệ quốc tế. Thực hiện việc thăm lãnh sự và liên hệ, tiếp xúc với công dân Việt Nam trong trường hợp họ bị bắt, tạm giữ, tạm giam, xét xử hoặc đang chấp hành hình phạt tù tại quốc gia tiếp nhận.
Trong trường hợp công dân Việt Nam không thể bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình theo pháp luật và thực tiễn của quốc gia tiếp nhận, cơ quan đại diện có thể thu xếp người đại diện cho họ tại tòa án hoặc cơ quan có thẩm quyền của quốc gia tiếp nhận cho đến khi có người khác làm đại diện cho họ hoặc họ tự bảo vệ được quyền và lợi ích của mình. Thực hiện thăm lãnh sự và liên hệ, tiếp xúc với công dân trong trường hợp họ bị bắt, bị tạm giữ, tạm giam, xét xử hoặc đang chấp hành hình phạt tù.
Bộ Ngoại giao Việt Nam luôn quán triệt, công tác bảo hộ công dân VN ở nước ngoài là một trong những trọng tâm công tác của Bộ và của cơ quan đại diện VN ở nước ngoài.
Video đang HOT
Bảo hộ công dân trên nguyên tắc cẩn trọng và đúng luật
Đối với việc bảo hộ công dân Việt ở nước ngoài, một trong những nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế là nguyên tắc không can thiệp vào công việc thuộc thẩm quyền nội bộ của quốc gia. Do đó, các hoạt động bảo hộ phải được xem xét kỹ và tiến hành cẩn trọng nhằm tránh vượt quá mức hợp lý, gây cản trở hay tác động đến việc thực thi các công việc của cơ quan chức năng của nước sở tại.
Trên thực tế 10 năm gần đây, đại sứ quán Việt chưa bao giờ “bỏ rơi” công dân Việt Nam ở nước ngoài, luôn luôn nỗ lực để bảo đảm công dân Việt Nam ở bất cứ quốc gia nào trên thế giới cũng được đối xử đúng với quy định của pháp luật sở tại và luật pháp quốc tế, trong đó có luật nhân quyền quốc tế.
Cách đây 6 năm, công dân Nguyễn Thanh Ngọc Tuyết, sinh năm 1988 (công dân TP HCM) bị cơ quan có thẩm quyền Malaysia bắt giữ ngày 26/6/2011 do vận chuyển 2,7 kg ma túy từ Châu Phi vào Malaysia. Suốt từ năm 2012 đến 29/3/2016, các phiên xử Nguyễn Thanh Ngọc Tuyết sử dụng luật sư do Tòa án chỉ định. Tháng 3/2016, Tòa án Liên bang Malaysia tuyên án 20 năm tù giam đối với chị Tuyết vì tội vận chuyển ma túy. Trong quá trình 5 năm chị Tuyết bị bắt và xét xử tại Malaysia, ĐSQ Việt luôn thăm lãnh sự, động viên đương sự; làm việc với cơ quan chức năng nước sở tại để quá trình tố tụng diễn ra đúng luật, xét xử công bằng đối với công dân ta.
Cũng tại Malaysia, sau vụ Nguyễn Thanh Ngọc Tuyết đúng 1 năm, Klong K Djoanh – một công dân Việt ở tỉnh Lâm Đồng bị kết án tử hình do vận chuyển ma túy. Trong suốt thời gian từ 2012 đến các lần xử ở cấp phúc thẩm, đương sự sử dụng luật sư do Tòa chỉ định. Trong quá trình xét xử đó, ĐSQ cũng luôn sát cánh động viên, thăm hỏi đương sự, đồng thời thăm lãnh sự, làm việc với cơ quan chức năng nước sở tại để quá trình tố tụng diễn ra đúng luật, xét xử công bằng đối với công dân Việt.
Rất nhiều lao động Việt Nam từ Libya đã được trở về với gia đình nhờ nỗ lực của ngành ngoại giao Việt Nam
Một vụ nữa, năm 2012, cảnh sát Hà Lan bắt Vũ Hoàng Giang (TP. Hà Nội) do Giang đã tham gia vào vụ lấy cắp 1,5 tỉ địa chỉ email, lấy thông tin thẻ tín dụng, chiếm đoạt hàng triệu USD; tạm giữ 60 ngày để điều tra; dự kiến sẽ dẫn độ sang Mỹ theo đề nghị của Bộ Tư pháp Mỹ. Trong quá trình tố tụng tại Hà Lan, luật sư Jan Willem Bosman do cảnh sát giới thiệu thực hiện vai trò là luật sư cho Vũ Hoàng Giang. Trong vụ án này, cơ quan đại diện Việt Nam luôn theo sát diễn biến vụ việc, kịp thời động viên đương sự; làm việc với cơ quan chức năng nước sở tại để quá trình tố tụng diễn ra đúng luật, công bằng với công dân Việt ở nước ngoài.
Còn nhớ riêng trong năm 2014, Việt Nam đã thực hiện nhiều việc bảo hộ công dân tại nước ngoài. Trong đó đáng chú ý những vấn đề bảo hộ công dân liên quan đến những sự kiện nổi bật trong nước và thế giới như vụ Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trái phép, sơ tán lao động tại Libi, xử lý khủng hoảng tại U-crai-na, trợ giúp các nạn nhân vụ MH17…
Vụ việc mới nhất về nghi phạm Đoàn Thị Hương ở Malaysia
Vụ án tại Malaysia, Đoàn Thị Hương là nghi phạm có tính chất đặc biệt nghiêm trọng và phức tạp, liên quan đến công dân nhiều quốc gia. Các biện pháp bảo hộ trong vụ này bị giới hạn trong khuôn khổ cho phép của pháp luật quốc gia sở tại, đó là pháp luật Malaysia.
Thực hiện các quy định phù hợp với thông lệ quốc tế, cơ quan đại diện Việt Nam tại Malaysia đã thực hiện đúng chức năng nhiệm vụ của mình liên quan đến bảo hộ công dân Đoàn Thị Hương. Cụ thể: Đại sứ quán Việt Nam đã làm việc với cơ quan chức năng sở tại làm rõ các thông tin liên quan, theo dõi chặt chẽ để xác minh thông tin. Tuy nhiên, đây là vụ án nghiêm trọng do vậy phía Malaysia chưa cho phép tiếp xúc lãnh sự đối với các nghi phạm ngay sau khi bị bắt giữ. Sau đó, Đại sứ quán Việt Nam tại Malaysia đã được phép tiếp xúc lãnh sự và hỏi thăm sức khỏe của Đoàn Thị Hương.
An ninh được thắt chặt bên ngoài phiên tòa xét xử Đoàn Thị Hương hôm 1/3 (Nguồn: Getty)
Tại phiên tòa ngày 1/3/2017, đại diện Đại sứ quán Việt Nam tại Malaysia đã có mặt để bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho Đoàn Thị Hương tại tòa.
Ngày 2/3, đại diện Cục Lãnh sự – Bộ Ngoại giao đã có cuộc gặp với gia đình công dân Đoàn Thị Hương để giải thích tiến trình tố tụng của vụ án và hướng dẫn gia đình về việc hỗ trợ pháp lý cho Đoàn Thị Hương theo đúng quy định của pháp luật nước sở tại và thông lệ quốc tế. Trước đó, Cục Lãnh sự – Bộ Ngoại giao đã thông báo cho gia đình công dân Đoàn Thị Hương về việc thăm lãnh sự và sức khỏe của Đoàn Thị Hương.
Đại sứ quán Việt Nam tại Malaysia vẫn đang tiếp tục triển khai các biện pháp bảo hộ công dân trong phạm vi thẩm quyền để bảo đảm tiến trình tố tụng diễn ra công bằng, khách quan, không phân biệt đối xử, cũng như đảm bảo mọi quyền lợi hợp pháp của công dân Việt Nam, trong đó có việc hỗ trợ tìm luật sư phù hợp với quy định pháp luật của nước sở tại.
(Theo Ngày Nay)
Luật sư Việt Nam không được bào chữa cho Đoàn Thị Hương
Ngày 3/3, luật sư Đỗ Ngọc Thịnh, Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam (LĐLS) cho biết, luật sư Việt Nam sẽ không thể bào chữa trực tiếp cho Đoàn Thị Hương trong vụ giết người ở Malaysia nhưng đã xây dựng phương án hỗ trợ tư pháp.
Chị Đoàn Thị Hương bị cảnh sát dẫn giải tại tòa.
Trước đó, ngày 1/3, chị Đoàn Thị Hương (SN 1988, ở Nghĩa Hưng, Nam Định) bị 1 tòa án tại Malaysia kết tội mưu sát với khung hình phạt cao nhất là tử hình. Theo cáo trạng, ngày 13/2, Hương và 1 nữ nghi phạm người Indonexia cùng 4 người khác (đã lẩn trốn) có chung âm mưu sát hại ông Kim Chol (quốc tịch Triều Tiên).
Ông Chol bị 2 nữ nghi phạm đầu độc bằng chất VX - 1 loại vũ khí hóa học tại sân bay Kuala Lumpur KILA2 và tử vong sau đó. Tại tòa, Hương cho rằng mình vô tội, bị người khác lừa gạt. Phiên tòa tiếp theo dự kiến diễn ra ngày 13/4 để công tố viên thu thập thêm chứng cứ.
Cùng ngày, Liên đoàn Luật sư Việt Nam đã gửi công văn sang Bộ Ngoại giao và Bộ Tư pháp đề nghị 2 bộ tạo điều kiện cho LĐLS cử luật sư sang hỗ trợ pháp lý cho Hương. Luật sư Thịnh cho biết cần ý kiến chính thức từ 2 bộ bởi đây là trường hợp nghi phạm ở lãnh thổ ngoài Việt Nam.
Liên đoàn Luật sư Việt Nam cũng xây dựng phương án ban đầu để nhóm luật sư hỗ trợ Hương triển khai hoạt động. Tuy nhiên, luật sư Việt Nam sẽ không thể bào chữa trực tiếp cho Hương.
Ông Thịnh nói: "Mình sẽ hỗ trợ pháp lý bằng cách cung cấp cho luật sư Malaysia những tài liệu, căn cứ, chứng cứ có thể đảm bảo quyền lợi tốt nhất của Đoàn Thị Hương... Việc này các luật sư phải dùng kỹ năng, nghiệp vụ của mình để phối hợp với luật sư nước bạn; phải khai thác nội dung, tình tiết vụ việc để có thể bảo vệ quyền lợi hợp pháp tốt nhất cho Hương. Phương án cụ thể sẽ được xây dựng sau khi có văn bản đồng ý chính thức, giờ chúng tôi chỉ phác thảo 1 số nét như vậy".
Căn nhà của gia đình chị Hương tại Nam Định
Theo ông Thịnh, hiện tại giữa Việt Nam và Malaysia chưa có hiệp định hỗ trợ tư pháp song phương nên các cơ quan tư pháp 2 bên cần chủ động phối hợp với nhau. Liên đoàn Luật sư Việt Nam chỉ có trách nhiệm bảo vệ quyền con người, quyền công dân trên cơ sở tôn trọng luật pháp Malaysia.
Ông phân tích: "Vai trò của luật sư Malaysia hiện rất quan trọng trong việc giúp tòa xét xử nhưng để họ làm tốt rất cần luật sư Việt Nam tham gia hỗ trợ. Vấn đề đặt ra là Hương có phạm tội mưu sát hay không? Hành vi của Hương có phải bị lừa gạt bởi 1 nhóm khác hoặc vô ý trong trường hợp này? Chúng ta phải làm rõ nếu bị lừa gạt hoặc không nhận biết những hậu quả hành vi của mình thì đó là tình tiết giảm nhẹ... Chúng ta phải làm những gì tốt nhất cho công dân Việt Nam kể cả họ có là người thế nào".
Chiều 3/3, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết hiện các cơ quan chức năng đang rốt ráo xử lý trường hợp của Đoàn Thị Hương. Tuy nhiên, do đang phối hợp nội bộ nên chưa thể cung cấp thông tin cho báo chí và người dân.
(Theo Tiền Phong)
Liên đoàn Luật sư xem xét hỗ trợ tư pháp cho Đoàn Thị Hương Liên đoàn Luật sư Việt Nam sẽ bàn bạc với Bộ Ngoại giao và triển khai công tác bào chữa cho bị cáo Đoàn Thị Hương đang bị xét xử về tội giết người tại Malaysia. Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam Đỗ Ngọc Thịnh sáng nay cho biết Liên đoàn đang xem xét hỗ trợ tư pháp cho Đoàn Thị...