Bộ Ngoại giao Mỹ khuyên người dân chuẩn bị di chúc trước khi tới Triều Tiên
Bộ Ngoại giao Mỹ cảnh báo người dân nước này có thể tới Triều Tiên nếu muốn, nhưng nên chuẩn bị sẵn các phương án, bao gồm cả di chúc, để đối phó với tình huống xấu nhất.
Sinh viên Otto Warmbier từng bị Triều Tiên bắt giam và qua đời năm 2017 (Ảnh: Reuters)
Theo Fox News, Bộ Ngoại giao Mỹ tuần trước đã đăng tải một thông báo trên trang web của cơ quan này, trong đó nói rằng bất kỳ ai có ý định tới Triều Tiên đều nên chuẩn bị cho tình huống xấu nhất là không thể quay trở về Mỹ.
“Chính phủ Mỹ không thể cung cấp các dịch vụ khẩn cấp đối với công dân Mỹ tại Triều Tiên vì Mỹ không có quan hệ ngoại giao và lãnh sự với Triều Tiên”, thông báo cho biết.
Theo Bộ Ngoại giao Mỹ, công dân nước này muốn tới Triều Tiên cần phải được sự cho phép đặc biệt, vốn chỉ cấp cho “những trường hợp hạn chế”, của chính phủ Mỹ. Sau khi được cấp phép, những người tới Triều Tiên cần chuẩn bị cho tình huống xấu nhất, bao gồm việc soạn sẵn di chúc, đồng thời sắp xếp kế hoạch tổ chức đám tang và phân chia tài sản cho người thân trong gia đình và bạn bè.
Video đang HOT
“Soạn thảo di chúc và chỉ định người thụ hưởng quyền lợi bảo hiểm cũng như người ủy quyền phù hợp, thảo luận kế hoạch với những người thân thích về các vấn đề như chăm sóc, giám hộ con cái, thú nuôi, tài sản, đồ đạc hoặc các tài sản khác như bộ sưu tập, tác phẩm nghệ thuật,… hay tang lễ”, thông báo của Bộ Ngoại giao Mỹ nêu rõ.
Cảnh báo trên trang web của Bộ Ngoại giao Mỹ về Triều Tiên (Ảnh: Dailymail)
Bộ Ngoại giao cũng kêu gọi người dân phải chuẩn bị “kế hoạch bất ngờ cho các tình huống khẩn cấp” được cập nhật trên các nền tảng mạng xã hội hoặc hệ thống cảnh báo của cơ quan này. Theo Bộ Ngoại giao, mặc dù Đại sứ quán Thụy Điển tại Triều Tiên là cơ quan bảo vệ quyền lợi của công dân Mỹ ở đây, song giới chức Mỹ không thể đảm bảo rằng phía Thụy Điển có thể tiếp cận với người Mỹ nhanh chóng để cứu trợ trong lúc cấp bách.
Tháng 11/2017, Tổng thống Donald Trump đã xếp Triều Tiên vào nhóm các nước tài trợ khủng bố. Trước đó, Bình Nhưỡng từng được đưa ra khỏi nhóm này vào năm 2008, dưới thời cựu Tổng thống George W. Bush. Ông Trump viện dẫn cái chết của sinh viên Otto Warmbier làm lý do cho quyết định của mình.
Trước đó, Otto Warmbier đã tới Triều Tiên du lịch năm 2016 và bị chính quyền sở tại bắt giam sau khi cáo buộc sinh viên này lấy cắp một biểu ngữ tuyên truyền của Triều Tiên. Warmbier đã bị giam giữ tại Triều Tiên trong hơn một năm và qua đời hồi tháng 6 năm ngoái sau khi được Bình Nhưỡng trả về Mỹ vài ngày.
Thành Đạt
Theo Dantri
Mỹ vẫn âm thầm đàm phán ngoại giao với Triều Tiên
Giới chức cấp cao của Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết Washington vẫn đang âm thầm theo đuổi các biện pháp ngoại giao trực tiếp với Triều Tiên dù Tổng thống Donald Trump từng tuyên bố đây là việc làm lãng phí thời gian.
Tổng thống Mỹ Donald Trump(trái) và Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un (Ảnh: AFP)
Reuters dẫn lời một quan chức cấp cao của Bộ Ngoại giao Mỹ ngày 31/10 cho biết ông Joseph Yun, nhà đàm phán Mỹ chịu trách nhiệm kết nối với Triều Tiên, đã liên hệ với các nhà ngoại giao của phái đoàn Triều Tiên tại Liên Hợp Quốc thông qua "Kênh New York". Các cuộc gặp diễn ra vào thời điểm cuộc khẩu chiến giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đang nóng lên khiến nhiều người lo ngại về nguy cơ xảy ra xung đột quân sự.
Những bình luận trên của quan chức ngoại giao Mỹ là dấu hiệu rõ ràng nhất cho thấy Washington vẫn đang đàm phán trực tiếp với Bình Nhưỡng dù Tổng thống Trump từng tuyên bố những biện pháp ngoại giao như vậy là "vô nghĩa".
Mặc dù một số quan chức Mỹ và Triều Tiên nói rằng các hoạt động kết nối giữa ông Joseph Yun và phía Triều Tiên bị kiểm soát, nhưng nguồn tin ngoại giao Mỹ cho biết các cuộc đàm phán này "không bị hạn chế, cả về tần suất lẫn nội dung". Theo nguồn tin, một trong số những vấn đề mà ông Yun đề cập với phái đoàn Triều Tiên là đề nghị Bình Nhưỡng "dừng thử nghiệm" bom hạt nhân và tên lửa.
Trước đó, khi Tổng thống Trump bắt đầu nhiệm kỳ tổng thống hồi tháng 1, vai trò của ông Yun chủ yếu tập trung vào việc thuyết phục Triều Tiên trả tự do cho các con tin Mỹ bị Bình Nhưỡng bắt giữ. Tuy nhiên, nguồn tin ngoại giao cho biết nhiệm vụ của ông Yun hiện đã được mở rộng hơn.
"Kênh New York" là một trong số ít kênh liên lạc mà Mỹ sử dụng để kết nối với Triều Tiên dù Bình Nhưỡng từng tuyên bố nước này không hứng thú với các cuộc đàm phán với Washington trước khi phát triển thành công tên lửa gắn đầu đạn hạt nhân phóng tới lãnh thổ Mỹ.
Cuộc tiếp xúc cấp cao gần đây nhất giữa ông Yun và phía Triều Tiên là khi nhà đàm phán Mỹ tới Triều Tiên hồi tháng 6 để đề nghị Bình Nhưỡng thả Otto Warmbier, sinh viên Mỹ bị Triều Tiên bắt giữ vì lấy trộm biểu ngữ tuyên truyền hồi năm ngoái.
Thành Đạt
Theo Dantri
Bình Nhưỡng lên án Mỹ cấm công dân tới Triều Tiên Triều Tiên lên án việc Mỹ cấm công dân tới nước này, gọi đây là kế hoạch "dơ bẩn" của Washington nhằm hạn chế giao lưu nhân dân hai nước. Du khách xuống máy bay hãng Air Koryo ở Bình Nhưỡng, Triều Tiên. Ảnh: AP. Bộ Ngoại giao Mỹ ngày 2/8 thông báo mọi công dân mang hộ chiếu Mỹ sẽ bị cấm...