Bố mẹ làm truyền hình, 9X vẫn bỏ trường Báo để chuyển nghề cắt tóc: ‘Cuộc sống không được làm điều mình thích thì thật vô nghĩa’
Trở thành sinh viên chuyên ngành Truyền hình của Học viện Báo chí và tuyên truyền, Hoàng Vĩnh Lộc (21 tuổi, ở Hà Nội) được bố mẹ đặt nhiều kì vọng, gửi gắm nhiều hoài bão.
Trái lời bố mẹ, từ bỏ định hướng của gia đình để theo đuổi đam mê
Trở thành sinh viên chuyên ngành Truyền hình của Học viện Báo chí và tuyên truyền, Hoàng Vĩnh Lộc (21 tuổi, ở Hà Nội) được bố mẹ đặt nhiều kì vọng, gửi gắm nhiều hoài bão. Người ta bảo ‘Con nhà tông không giống lông cũng giống cánh’, có bố mẹ đều làm truyền hình nên chàng trai trẻ này sẽ có nhiều lợi thế khi đi theo định hướng của gia đình.
Hoàng Vĩnh Lộc trong chương trình talkshow Ngược: Bỏ đại học để theo đuổi đam mê
Nhưng khác với kì vọng từ bố mẹ, Vĩnh Lộc lại ‘thích tóc, thích trải nghiệm và làm những công việc liên quan đến tóc’ . 9X luôn mong ước được cầm kéo trổ tài, tạo ra những kiểu tóc thời thượng.
Trong thời gian học năm nhất tại Đại học (cuối năm 2017, đầu 2018), ngoài lúc ở trên lớp, Vĩnh Lộc còn tranh thủ đi học thêm nghề cắt tóc.
Càng đam mê với nghề cắt tóc, cậu bạn càng cảm thấy chán nản việc học ở trường. ‘ Mình cứ nghĩ, nếu tiếp tục học mà không có cảm giác thoải mái, hào hứng thì chỉ lãng phí thời gian và công sức mà thôi. Trong khi đó, mình lại rất tập trung học cắt tóc và cảm thấy luôn vui vẻ, hứng thú với công việc này nên dần dần có suy nghĩ muốn bỏ học‘.
Đứng giữa hai lựa chọn, chàng trai trẻ quyết định nghe theo tiếng gọi của đam mê.
‘Lúc em báo tin, bố me phản đối cực kỳ gay gắt’ – Lộc tiếp lời.
Từ nhỏ, Lộc vốn ở với bà, không ở cùng bố mẹ. Khi đưa ra quyết định này cũng chỉ có bà ủng hộ, mẹ Lộc kịch liệt phản đối, bố thì mặc kệ.
‘Khó khăn nhất có lẽ phải nói đến việc bố mẹ cắt hết tất cả các khoản trợ cấp. Khi đó, em không biết làm thế nào để có tiền theo học nghề cắt tóc. Bà nói là sẽ vay tiền cho em đi học, nhưng em lại thấy rất ngại: ‘Tại sao lại là vay bà? Tại sao không phải là bố mẹ?’.
Một chàng trai mới bước qua tuổi 18, Lộc chống chếnh rồi cũng bắt đầu tìm mọi cách để thoát ra bằng được sự thiếu thốn đó.
‘Suốt khoảng 2 năm gần như em không có mặt ở nhà: ngày đi học cắt tóc, tan học đi làm thêm ở quán cà phê, đêm thì bế tắc, không biết chia sẻ với ai nên em lại ra đường, tìm bạn bè tâm sự’ – Lộc kể, đôi mắt cậu bắt đầu hoe đỏ.
Từng nản lòng, sợ thất bại nhưng lại mạnh mẽ vượt qua khó khăn
Không ít lần, Vĩnh Lộc suy nghĩ về quyết định bỏ học của mình. Nếu đi theo định hướng gia đình, Vĩnh Lộc sẽ có nhiều cơ hội việc làm ổn định sau khi tốt nghiệp, còn con đường trở thành thợ cắt tóc thì đầy khó khăn, thách thức mà bản thân cậu bạn chẳng có chút lợi thế nào.
‘Nhưng nếu bây giờ quay lại, mình càng sợ thất bại hơn. Vì bản thân đã không đáp ứng đủ điều kiện qua môn, sẽ phải học lại hầu hết các môn ở đại học. Chưa kể nếu trở lại học, mình không dám chắc có đủ quyết tâm để cố gắng không. Mình suy nghĩ nhiều đêm nhưng rồi tự nhủ, đâm lao thì phải theo lao, nhất là phải tự tin vào bản thân rằng mình sẽ vượt qua được’, 9X tâm sự.
Những lúc khủng hoảng như vậy, Vĩnh Lộc lại may mắn nhận được sự hỗ trợ từ bạn bè. Nhiều người ủng hộ, không ngần ngại gợi ý cho cậu bạn thử nghiệm tay nghề trên chính tóc của họ. Nhờ thế, 9X càng quyết tâm và tin tưởng vào con đường mình lựa chọn.
Còn trẻ, lại nhiệt huyết với đam mê nên Vĩnh Lộc học việc rất nhanh chóng. Chăm chỉ sáng tạo và học hỏi từ những đồng nghiệp có kinh nghiệm mà trình độ của Lộc ngày càng chuyên nghiệp hơn. Cậu bạn đã có thể tự tin đảm nhiệm vai trò thợ chính của một tiệm cắt tóc nổi tiếng.
Mỗi lần hoàn thành một kiểu đầu thời trang cho khách và nhận được lời khen, 9X cảm thấy vui và hào hứng. Dù công việc ‘cầm kéo’ không mang lại một nguồn thu nhập lớn nhưng nếu biết cách chi tiêu, Vĩnh Lộc cũng cảm thấy đủ. Quan trọng là bản thân được sống đúng với đam mêcủa mình.
‘ Đến giờ mình đã thành thạo, có chút tự hào về công việc nhưng bố mẹ vẫn không ủng hộ. Mình cũng không giận hay oán trách gì ai vì tâm lý phụ huynh đều mong muốn cho con mình những điều tốt nhất. Nếu được ủng hộ thì mình có động lực hơn nhưng không có cũng không sao cả. Chỉ cần làm việc chân chính, đi lên bằng thực lực thì mình không có gì phải hối hận cả‘, Lộc bày tỏ.
2 năm gắn bó với nghề cắt tóc, Lộc bảo, có 3 yếu tố quyết định để trở nên chuyên nghiệp. Đó là tố chất, tư duy và bản lĩnh. Tố chất là có năng lực theo đuổi đam mê, tư duy là sự nhạy bén, nắm bắt xu hướng còn bản lĩnh là ‘tinh thần thép’ khi làm nghề để không bị ảnh hưởng bởi những vấn đề xung quanh.
Lộc chia sẻ, nghề làm tóc thu nhập theo đầu, làm nhiều ăn nhiều, làm ít ăn ít. Nếu làm đều đặn thu nhập sẽ khoảng 30.000 đồng/h. Lộc làm phép so sánh, nếu học 4 năm đại học ra trường, cậu có thể có mức lương 10 triệu/tháng, còn ở nghề tóc, nếu chăm chỉ cậu cũng có thể kiếm được ngần ấy.
‘Sự chênh lệch có chăng nằm ở sự ổn định và sự phát triển của mình’ - Lộc đắn đo – ‘Nhưng 4 năm mà không có niềm vui thì thật vô nghĩa’.
Chỉ mới ngoài 20 tuổi, còn khá trẻ để bắt đầu những dự định mới, Vĩnh Lộc cũng nhắn nhủ tới các bạn trẻ, nhất là các em học sinh đang chuẩn bị bước vào giảng đường đại học: ‘ Phải cân nhắc với lựa chọn của mình để đưa ra quyết định đúng đắn nhất. Phải tự tin với khả năng của bản thân và thêm sự nhiệt huyết nữa để tìm được môi trường học, ngành nghề phù hợp‘.
"Hot girl báo chí": Nghệ thuật nằm bên tay trái
Huyền Trang hay còn gọi là Trang Emma, hiện đang là sinh viên chuyên ngành báo Phát thanh, Học viện Báo chí và Tuyên truyền. Cô nàng được biết đến với danh xưng "hot girl báo chí" và sớm bén duyên với nghệ thuật từ đầu năm nhất đại học.
Ngay khi còn nhỏ, Huyền Trang đã có niềm say mê và dành tình yêu đặc biệt cho nghề báo. Bởi vậy, sau khi tốt nghiệp THPT, 10X quyết định nộp hồ sơ xét tuyển vào ngôi trường mơ ước là Học viện Báo chí và Tuyên truyền.
"Báo chí không phải là cơ duyên mà thật sự là đam mê của mình. Mình đã đầu tư rất nhiều công sức để tham gia ôn luyện và thi tuyển vào trường. Trở thành sinh viên khoa Phát thanh - Truyền hình giúp mình đặt được viên gạch đầu tiên cho mục tiêu trở thành một phát thanh viên, biên tập viên giỏi trong tương lai", Huyền Trang chia sẻ.
Với kết quả xuất sắc là 3 năm học sinh giỏi và 7,4 điểm bài thi môn năng khiếu, Huyền Trang được nhận vào Học viện Báo chí và Tuyên truyền theo phương thức xét tuyển học bạ. Trước đó, Huyền Trang từng là học sinh chuyên Sử của trường THPT Nguyễn Trãi (Hải Dương).
Khi quyết định theo học báo chí, Huyền Trang không nhận được sự ủng hộ từ gia đình. Với tâm lý sợ con gái học báo sẽ vất vả, bố mẹ Trang ngăn cản và định hướng cô đăng ký dự thi vào các ngành học nhẹ nhàng hơn. Tuy nhiên, với tình yêu và sự quyết tâm dành cho báo chí, Huyền Trang dần thuyết phục được bố mẹ cho mình theo đuổi đam mê.
Cô gái sinh năm 2000 luôn xác định nhiệm vụ trọng tâm của mình chính là học tập. Bởi vậy, Huyền Trang luôn dành thời gian để nghiên cứu và hoàn thành các bài tập trên lớp, trau dồi kỹ năng nghiệp vụ báo chí. Điều này giúp cô bạn duy trì được thành tích học tập khá tốt tại giảng đường.
Sở hữu gương mặt sáng và đôi mắt to, Huyền Trang đã nhanh chóng lọt vào ống kính máy ảnh trong ngày nhập học và được ưu ái với danh hiệu "hot girl báo chí". Bất ngờ trở nên nổi tiếng giúp Trang nhận được nhiều sự quan tâm và yêu mến của cộng đồng mạng. Cô nàng đã thu hút được hơn 13 nghìn lượt theo dõi trên trang cá nhân.
Không chỉ vậy, đây còn là đòn bẩy giúp Huyền Trang nhanh chóng bén duyên với nghệ thuật ngay từ năm nhất đại học. Ban đầu, Trang nhận được lời mời đi chụp mẫu, chụp lookbook cho các nhãn hàng và nhiếp ảnh gia. Dần dần, cô nàng lấn sân sang diễn xuất và tham gia nhiều bộ phim sitcom thu hút giới trẻ như: Cua Mề, Bầu trời năm ấy, Thanh xuân người cầm bút...
Mới đây, Huyền Trang đảm nhiệm vai chính trong phim ngắn "Dưa hấu và Bạc hà", được chiếu trong chương trình "Phút cuối 2020" của Học viện Báo chí và Tuyên truyền. Dù đã tham gia nhiều hoạt động bên ngoài, nhưng khi được đóng góp cho các sự kiện của trường vẫn khiến nữ sinh chuyên ngành Phát thanh cảm thấy bồi hồi, xúc động.
Đối với Huyền Trang, làm nghệ thuật không chỉ để thỏa niềm say mê mà còn giúp cô nàng có một khoản thu nhập ổn định. Trang cho biết, lĩnh vực này cũng hỗ trợ rất nhiều cho việc học và theo đuổi nghề báo của cô nàng.
"Nghệ thuật giúp mình phát triển khả năng sáng tạo và xử lý tình huống linh hoạt hơn. Những kỹ năng này giúp mình rất nhiều trong quá trình học tập, đi tác nghiệp và biên tập tin tức. Bên cạnh đó, học báo cũng giúp mình nhạy bén hơn với các xu hướng và định hình phong cách của bản thân, dễ dàng nắm bắt những cơ hội mới", 10X nói.
Rất có duyên với nghệ thuật, song Huyền Trang không quên ước mơ lớn nhất của mình là trở thành một phát thanh viên, biên tập viên. Đối với nữ sinh Hải Dương, báo chí vẫn mang lại cảm giác yên tâm hơn trong tương lai. Còn nghệ thuật vẫn luôn là nghề tay trái, bổ trợ và giúp Huyền Trang có thêm cảm hứng sáng tạo và là chất xúc tác để cô nàng hoàn thành tốt công việc chính của mình.
Ước mơ lớn nhất của Huyền Trang là trở thành một phát thanh viên giỏi
Vốn là một người cẩn thận và tỉ mỉ, Huyền Trang luôn vạch ra những kế hoạch, mục tiêu cụ thể để phấn đấu hoàn thành. 10X luôn muốn hướng đến hình ảnh một người phụ nữ độc lập, có sự nghiệp vững vàng và chủ động trong cuộc sống.
Huyền Trang nhận định: "Theo mình, quan niệm phụ nữ yếu đuối, cần được yêu thương và bảo vệ không sai. Nhưng nếu người phụ nữ đó vừa xinh đẹp, thông minh, vừa có sự nghiệp riêng và tự chủ về tài chính sẽ còn thu hút và quyến rũ hơn rất nhiều".
Sắp tới, Huyền Trang sẽ lên kế hoạch rèn luyện ngoại ngữ, bồi dưỡng các kỹ năng mềm và nghiệp vụ báo chí để viết tiếp ước mơ trở thành một phát thanh viên giỏi. Ngoài ra, cô nàng cũng tiếp tục trau dồi các kỹ năng diễn xuất nhằm nắm bắt những dự án nghệ thuật mới, đặc sắc và đa dạng hơn.
Ảnh: NVCC
9X dốc cạn tiền đi du lịch một mình 600 ngày Hai năm qua, Thùy Trang (25 tuổi) một mình rong ruổi khắp 40 tỉnh thành trong nước, đi Thái Lan 10 lần, Trung Quốc 5 lần, đi Hàn 2 lần. Ở tuổi 25, Nguyễn Thùy Trang tự hào với hành trình "600 ngày lang bạt" khắp 40 tỉnh thành Việt Nam, đi gần 10 nước khu vực Đông Á và Đông Nam Á....