Bố mẹ đi làm ăn xa và những hệ lụy
Những năm qua, ở một số vùng quê trong tỉnh vì hoàn cảnh khó khăn, nhiều cặp vợ chồng đã rời bỏ làng quê lên chốn đô thành làm ăn hay đi xuất khẩu lao động, để lại những đứa con ở nhà. Thiếu vắng bàn tay chăm sóc, dạy dỗ của bố mẹ, không ít hệ lụy đã xảy ra với lũ trẻ.
Nhiều thanh niên đã sa vào các tệ nạn xã hội khi không có sự kèm cặp của bố, mẹ. Trong ảnh: Các học viên nữ đang cai nghiện tại Cơ sở cai nghiện số 1, đóng trên địa bàn xã Hoàng Giang ( Nông Cống).
Có dịp vào Cơ sở cai nghiện số 1, đóng trên địa bàn xã Hoàng Giang (Nông Cống), nghe những câu chuyện về những mảnh đời đã dấn sâu vào “nàng tiên trắng” mới thấy “hành trình” đi đến tệ nạn xã hội của các đối tượng là rất đa dạng: Người vì ham chơi, đua đòi để thể hiện đẳng cấp; người vì vợ chồng bỏ nhau, chán nản với cuộc sống chốn thôn quê lên thành phố tìm cơ hội “đổi đời”; người thì bị lôi kéo, ép buộc… Bên cạnh đó, cũng có không ít trường hợp do bố mẹ đi làm ăn xa, con cái ở nhà phải tự chăm nhau hoặc được phó thác cho người thân, đến khi chúng sa vào tệ nạn xã hội hoặc vướng vào vòng lao lý thì đã quá muộn.
Câu chuyện của em N. T. O., sinh năm 1986, quê ở huyện Hậu Lộc là một trong số đó. Từ nhỏ bố, mẹ O. đã đi làm ăn xa, để 2 anh em ở nhà tự chăm nhau. Vì không có bố mẹ kèm cặp bên cạnh nên anh em O. tha hồ tự do, thích gì thì làm nấy. Mới 12 tuổi em đã lêu lổng giao du với các đàn anh, đàn chị có máu mặt ở quê và rồi vào một ngày O. bị chính chị hàng xóm chích ma túy vào người để lôi kéo em vào con đường nghiện ngập.
O. thản nhiên cho chúng tôi biết: “Vì còn quá nhỏ nên em chưa nhận thức được tác hại của ma túy. Để có tiền chích ma túy, em vừa đi học vừa giắt ma túy vào vạt áo rồi mang cho các đối tượng nghiện trong vùng. Sau 5 năm nghiện ma túy thì bố mẹ em mới phát hiện ra. Lúc này bố mẹ quay về giúp đỡ em thì đã muộn vì em đã đắm chìm với những cơn phê thuốc. Từ một người trung chuyển thuốc, em dần trở thành đối tượng chuyên bán thuốc và rồi cuối cùng em cũng bị công an bắt. Đây là lần thứ 2 em vào cơ sở để cai nghiện. Lần thứ nhất, gia đình cho em đi cai nghiện tự nguyện. Sau những ngày, tháng vật vã trong cơ sở, được sự giúp đỡ của cán bộ, nhân viên tại đây, em đã cắt cơn nhưng vì muốn được tự do sớm nên em đã bỏ trốn khỏi cơ sở khi còn khoảng 4 tháng nữa là hết thời hạn cai nghiện. Trở về nhà, em lại bị bạn bè lôi kéo, tiếp tục ngập chìm trong những làn khói trắng; lần này em đang quyết tâm cai nghiện bằng được để hòa nhập cộng đồng, làm lại cuộc đời”.
Không đắm chìm vào những cơn phê thuốc và thác loạn như O. nhưng mới 16 tuổi, M.V.T. ở huyện Tĩnh Gia đã đi ăn trộm để có tiền tiêu. Sinh ra và lớn lên trong một gia đình có hoàn cảnh kinh tế khó khăn, bố T. bỏ mẹ con em đi từ khi em đang còn nhỏ, gánh nặng cơm áo gạo tiền dồn lên đôi vai của mẹ. Mẹ T. đành phải để em ở nhà cho người em trai, còn mình vào Nam đi làm thuê kiếm tiền gửi về nuôi con. Vì mưu sinh nên vợ chồng người cậu ruột cũng vất vả lo kinh tế gia đình, không thường xuyên bảo ban T. được. Để có tiền tiêu vặt, vào một ngày tháng 10-2018, T. đi qua nhà hàng xóm – vốn là một cửa hàng tạp hóa, thấy trong nhà đã tắt điện, T. nảy sinh ý định vào nhà để trộm tài sản. Khi vào được nhà, T. lấy trộm chiếc túi của chủ nhà, trong đó có 3,5 triệu đồng tiền mặt cùng với các loại thẻ cào điện thoại. Vụ việc bị phát hiện, Cơ quan Cảnh sát Điều tra Công an huyện Tĩnh Gia đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can.
Sau nhiều năm để lại 2 đứa con nhỏ cho ông bà nội nuôi, vợ chồng chị Nguyễn Thị Yến, quê ở huyện Quảng Xương đã mua đất, xây dựng được ngôi nhà kiên cố cho các con ở quê rồi lại tiếp tục “lên đường” vào Nam mưu sinh, để lũ trẻ ở nhà. Trong ngôi nhà mới, các con chị được sinh hoạt khá đầy đủ tiện nghi nhưng lại thiếu đi bàn tay chăm sóc, dạy bảo của bố mẹ. Thế rồi chúng thích gì làm nấy, ông bà nội ở kế bên cũng không thể nhắc nhở nổi. Nghe ông bà phản ánh các con có dấu hiệu học hành sa sút, ham chơi, không nghe lời dạy bảo của ông bà, vợ chồng chị Yến vội bàn với nhau, một người ở lại kiếm tiền, còn người kia phải về trông nom con cái, nhà cửa. Tâm sự với chúng tôi, chị Yến chia sẻ: “May mà em trở về bên các con kịp thời, chứ chậm nửa năm là đứa con gái đầu nhà em không thi nổi vào cấp 3 chị ạ. Khi trở về, em phải đi đến gặp thầy giáo, cô giáo tìm hiểu tình hình học tập của con rồi nhờ thầy, cô giáo kèm cặp thêm. Có sự kèm cặp của mẹ, sự dạy bảo của thầy giáo, cô giáo, cháu thi vào cấp 3 vừa đủ điểm. Mặc dù phải xa chồng, nhưng giờ em không đi vào Nam nữa mà ở nhà ra biển gom ít tôm, ít cá mang lên thành phố bán kiếm thêm đồng chi tiêu trong nhà; tối đến vẫn có thể nhắc nhở các con học hành được. Làm ra nhiều tiền mà con cái hư hỏng cũng bằng không chị ạ”.
Video đang HOT
Qua câu chuyện của chị Yến, chúng tôi nhận thấy không phải ông bố, bà mẹ nào cũng nhận thức được vấn đề, chịu hy sinh một phần lợi ích kinh tế, tình cảm vợ chồng để trở về dạy bảo con cái như vợ chồng chị Yến. Đặt mục tiêu và mải mê kiếm tiền, đến khi quay trở về thì con cái đã hư hỏng. Nói về những nguyên nhân dẫn đến con cái dễ sa ngã vào tệ nạn xã hội, ông Đoàn Ngọc Loan, Trưởng Phòng Tổ chức – Hành chính, Cơ sở cai nghiện số 1, cho biết: Mấy chục năm làm trong nghề, ông được tiếp xúc với rất nhiều đối tượng nghiện ma túy, mỗi đối tượng đi đến với con đường nghiện khác nhau, nhưng ông nhận thấy rằng: Môi trường cuộc sống gia đình có ảnh hưởng rất lớn đến sự hình thành và phát triển tâm lý cũng như nhân cách của trẻ. Những đứa trẻ mà cha mẹ có mối quan hệ phức tạp như: Ly thân, ly hôn… có xu hướng nghiện cao hơn. Những gia đình điều kiện kinh tế khá giả mà nuông chiều thái quá để cho con em mình có điều kiện giao du, chơi bời quá trớn cũng rất dễ bị mắc nghiện. Bố mẹ đi làm ăn xa, buông lỏng quản lý, ít quan tâm đến con cái hay nuông chiều thái quá cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến đứa trẻ dễ tiếp cận với ma túy và trở thành kẻ nghiện ma túy.
Vì vậy, theo ông Loan, các bậc phụ huynh cũng đừng vì lợi ích kinh tế quá mà bỏ mặc sự dạy dỗ con cái cho ông bà, nhà trường, xã hội. Con trẻ rất cần sự quan tâm, chăm sóc, kèm cặp, định hướng của bố mẹ, nhất là với các em đang ở độ tuổi mới lớn với tâm lý tò mò, thích được thể hiện mình. Ở tuổi này, nếu thiếu sự gần gũi, chỉ dẫn của người lớn thì rất dễ bị kẻ xấu lợi dụng, lôi kéo vào những việc làm phi pháp. Và đã có không ít vụ việc trẻ em vị thành niên phạm tội mà nguyên nhân xuất phát từ việc thiếu sự quan tâm của người lớn.
Lê Nhân
Theo baothanhhoa.vn
Bộ Công an có văn bản đề nghị xem xét vụ "Lừa đi Đức để chiếm đoạt tiền"
Ngày 16/9, lãnh đạo Công an tỉnh Thanh Hóa cho biết, đã nhận được văn bản của Văn phòng Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an về nội dung đơn khiếu nại của bà Phạm Thị Hằng và 36 công dân trong vụ việc tố cáo lừa đảo đi Đức để chiếm đoạt tài sản.
"Chúng tôi đã nhận được văn bản của Văn phòng Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an về vụ việc này. Hiện các đơn vị chức năng đang tiến hành các thủ tục cần thiết để kiểm tra, xác minh, báo cáo Bộ và trả lời công dân", lãnh đạo Công an tỉnh Thanh Hóa nói.
Chị Hằng tiếp tục gửi đơn mong cơ quan chức năng sớm làm rõ vụ việc
Như Công lý đã phản ánh, theo đơn tố cáo của chị Phạm Thị Hằng (SN 1990, trú tại Khu 6, phường Ba Đình, Bỉm Sơn, Thanh Hóa), tháng 4/2017 chị lên Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Thanh Hóa và có quen với Phạm Thị Hương (SN 1988, trú tại xã Vạn Thiện, Nông Cống, Thanh Hóa). Hương tự giới thiệu đang làm bên quản lý thị trường của tỉnh, có bố là Phạm Thanh Bảo sở hữu nhà hàng lớn bên Cộng hòa liên bang Đức. Từ đó chị Hằng và Hương thường xuyên nói chuyện với nhau qua mạng xã hội.
Tháng 10/2018 hai người gặp lại nhau tại một đám cưới ở Bỉm Sơn. Hương lúc này nói đã chuyển công tác ra Trung ương làm việc và nhà hàng bên Đức của bố Hương đang cần người phục vụ với mức lương 60 triệu/tháng. Chị Hằng nghĩ đây là cơ hội tốt để người quen ra nước ngoài lao động nên nhận lời giới thiệu. Hương hứa sẽ đưa 5 người đi qua Đức làm việc, nếu đóng tiền sớm thì 20/2/2019 sẽ bay. Tất cả hồ sơ, thủ tục đều do Phạm Quang Hạnh (SN 1983, quê Hải Phòng, bạn Hương) giải quyết.
Giấy nhận tiền của Hương ghi rõ mua vé máy bay cho người lao động đi Đức
Phạm Quang Hạnh tiếp tục môi giới có thể đưa người qua Đức làm cơ khí ô tô và điều dưỡng. Sau đó Hương, Hạnh thu tiền và hồ sơ của 32 người, mỗi người phải nộp cho 2 đối tượng này từ 185 đến 243 triệu đồng. Tổng số tiền 37 người nhẹ dạ, cả tin này đưa cho Hương lên tới 7,031 tỷ đồng.
Sau khi có tiền, các đối tượng bắt đầu sử dụng chiêu "câu giờ" với hàng tá lý do như thủ tục cấp visa chậm, chạy bằng B2 tiếng Đức khó khăn để chiếm đoạt tiền. Nhiều lần người dân đòi gắt gao, Hương cùng chồng cam kết trả nợ nhưng đến 28/5/2019 mới trả lại được 2 tỷ đồng, còn nợ hơn 5 tỷ. Vợ chồng Hương thế chấp 3 sổ đỏ ở các nơi nhưng trong đó có 2 sổ giả. Hiện người dân không thể liên lạc được với vợ chồng Hương nên buộc phải gửi đơn tố cáo tới cơ quan công an.
Người dân bức xúc, mệt mõi vì đi đòi lại tiền mà không được
Ngày 6/8/2019, Văn phòng Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Thanh Hóa có phiếu hướng dẫn đơn số 1290/PC01 với nội dung: Sau khi xem xét nội dung đơn và tài liệu gửi kèm, Văn phòng Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Thanh Hóa nhận thấy: Sau khi Phạm Thị Hương không thực hiện đưa người lao động sang Cộng hòa liên bang Đức như đã cam kết, Phạm Thị Hương và các bên đã thống nhất, thỏa thuận trả lại các khoản tiền (thanh toán được một phần tiền). Do đó Phạm Thị Hương nhận tiền của chị Hằng và người lao động là quan hệ dân sự. Đề nghị công dân gửi đơn đến Tòa án nhân dân để giải quyết theo đúng quy định của pháp luật.
Người dân cho rằng, văn bản trả lời của Văn phòng Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Thanh Hóa là chưa thỏa đáng, không khách quan vì hành vi của Hương và các đối tượng giúp sức đã cấu thành tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" và "Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức" nên tiếp tục gửi đơn khiếu nại tới các cơ quan tố tụng Trung ương.
Vợ chồng Hương hứa trả lại tiền nhưng đến nay bặt vô âm tín (ảnh người dân cung cấp)
Luật sư Nguyễn Anh Tuấn (Công ty luật TNHH Trường Lộc) cho biết: Hành vi của Phạm Thị Hương có dấu hiệu phạm vào tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản quy định tại Điều 174 Bộ luật hình sự. Vì trước khi Phạm Thị Hương lấy tiền của các nạn nhân đã tự giả dối giới thiệu là cán bộ, có khả năng đưa được các nạn nhân sang nước Đức để lao động, để các nạn nhân tin tưởng đưa tiền cho Hương. Sau khi bị hại tố cáo, Hương tiếp tục dùng giấy chứng nhận quyền sử dụng đất giả để lừa các nạn nhân là mình có khả năng trả lại tiền chứng tỏ người này tiếp tục lừa dối các nạn nhận.
Hành vi của tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản là dùng thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt tài sản của người khác mà ngay lúc đó, người bị hại không biết được có hành vi gian dối; Dùng thủ đoạn gian dối là đưa ra thông tin giả, không đúng với sự thật nhưng làm cho người bị lừa dối tin đó là thật và giao tài sản cho người phạm tội. Việc đưa ra thông tin giả có thể được thực hiện bằng nhiều cách khác nhau như bằng lời nói, bằng chữ viết (viết thư), bằng hành động, bằng hình ảnh...hoặc kết hợp bằng nhiều cách thức khác nhau.
Theo Điều 147 Bộ luật Tố tụng hình sự, trong thời hạn 20 ngày, trường hợp vụ việc phức tạp thì không quá 2 tháng, cơ quan điều tra phải tiến hành một số hoạt động điều tra phải kiểm tra, xác minh hành vi lừa đảo của Phạm Thị Hương và những người liên quan, xác minh số tiền của nạn nhân ở đâu, do ai giữ, lấy lời khai của các nhưng người đã cùng đối tượng thực hiện hành vi lừa dối các nạn nhân và lấy tiền. Cơ quan Cảnh sát điều tra ra văn bản xác định là quan hệ dân sự, hướng dẫn chuyển đơn đến Tòa án nhân dân để giải quyết là chưa đúng quy định của pháp luật. Trong vụ việc này, Cơ quan Cảnh sát điều tra tỉnh Thanh Hóa không khởi tố vụ án, khởi tố bị can là có dấu hiệu để lọt tội phạm.
Thanh Phương
Theo congly
"Nổ" bố có nhà hàng bên Đức, chiếm đoạt hơn 7 tỷ đồng Bằng những chiêu thức rất tình vi, các đối tượng đã móc nối với nhau để đưa hàng chục người dân nhẹ dạ, cả tin vào tròng với "miếng mồi" đi Cộng hòa liên bang Đức đơn giản, nhanh gọn, lương cao. Theo đơn tố cáo của chị Phạm Thị Hằng (SN1990, trú tại Khu 6, phường Ba Đình, Bỉm Sơn, Thanh Hóa),...