Bố mẹ cứ mắc 5 sai lầm này thì có dạy thế nào con cũng ngày càng hư
Có một số đứa trẻ sinh ra bản tính đã ương bướng, ngang ngạnh nhưng một số thì tính cách dần thay đổi do sai lầm của bố mẹ trong việc dạy dỗ, truyền đạt.
Nếu con không chịu nghe lời và thường xuyên phớt lờ mệnh lệnh cũng như chỉ dẫn của bố mẹ, hãy thử xem lại bản thân bạn có đang phạm phải 5 sai lầm dạy dỗ kinh điển dưới đây hay không.
1. Đưa ra quá nhiều mệnh lệnh
Nhiều khi bố mẹ ra đưa ra cả trăm mệnh lệnh mỗi ngày cho con như “ Không được mặc bộ quần áo đó” hay “ Không được gõ đũa trên bàn như vậy“… Nếu con thường xuyên cư xử sai trái thì khả năng là do chúng đã bị bố mẹ áp đặt quá nhiều điều.
Việc bố mẹ la hét, bắt con phải làm mọi thứ theo ý mình có thể gây ra nhiều hệ lụy nghiêm trọng như khiến con bị ức chế tâm lý và phản kháng bằng cách không tuân theo.
Lời khuyên là bố mẹ chỉ nên đưa ra các mệnh lệnh, hướng dẫn cho con về những vấn đề, khía cạnh quan trọng nhất. Còn những vấn đề đơn giản, bố mẹ hãy để cho con tự đưa ra quyết định. Mặc dù bạn có thể cảm thấy không thoải mái khi nhìn con làm mọi thứ theo cách của riêng mình, nhưng như vậy sẽ tốt hơn so với việc lấn át và khiến con khó chịu.
2. Lời nói của bố mẹ chưa cương quyết
Từ ngữ bố mẹ sử dụng khi dạy dỗ, nhắc nhở hoặc trách mắng con thật sự rất quan trọng. Một số câu nói như: “ Con đi đánh răng bây giờ luôn nhé” hoặc “ Con nhặt giúp mẹ mấy món đồ chơi kia đi” sẽ khiến lời nói của bố mẹ nghe ít trọng lực, ít thẩm quyền hơn.
Khi đưa ra một mệnh lệnh với con, bố mẹ hãy sử dụng giọng nói rõ ràng, đanh thép, cùng với từ ngữ cứng rắn, cương quyết. Bố mẹ hãy đưa mệnh lệnh cho con một cách mạnh mẽ, thay vì dùng giọng điệu mềm mỏng như đang cầu xin sự giúp đỡ của con.
Giọng điệu cứng rắn sẽ khiến con nghe lời và tăm tắp làm theo chỉ dẫn của bố mẹ.
3. Bố mẹ lặp lại lời nói nhiều lần
Nhiều đứa trẻ có xu hướng lờ đi lời nói của bố mẹ và thường chỉ nghe hoặc làm theo khi bố mẹ đã nói đến rát cổ bỏng họng. Thực tế, nguyên nhân của việc này lại xuất phát từ chính sai lầm của bố mẹ khi nhiều người có thói quen nói đi nói lại nhiều lần. Điều này hình thành suy nghĩ xấu trong trẻ, khiến chúng cho rằng không cần thiết phải tập trung nghe bố mẹ nói lần đầu vì đằng nào bố mẹ chẳng nói lại.
Thay vì câu “Bố mẹ đã nói với con bao nhiêu lần rồi hả?”, bạn hãy chỉ ra lệnh cho con 1 lần duy nhất. Sau đó nếu con không nghe theo, bố mẹ hãy đưa ra hình phạt thích hợp để con chừa.
4. Bố mẹ không đưa ra hình phạt
Hình phạt là một điều không thể thiếu trong quá trình trưởng thành của mọi đứa trẻ. Nếu muốn con cái nghe lời, bố mẹ cần đưa ra những hình phạt phù hợp, thích đáng. Nếu mỗi khi con làm sai mà bố mẹ cứ mặc kệ thì chúng sẽ nhờn và lâu dần không còn sợ những lời bố mẹ nói.
Chẳng hạn như khi bạn bảo con “ Đi đánh răng đi” mà con cứ ngồi ỳ ra xem tivi, bạn cũng không làm gì thì con sẽ ngầm hiểu rằng lời của bố mẹ nghe cũng được, không nghe cũng chẳng sao. Ngay cả khi cảnh cáo suông kiểu: “ Bố mẹ không nói với con lần thứ 2 đâu nhé” mà không kèm theo hình phạt thì cũng chẳng có tác dụng.
Thay vào đó, mỗi khi con lờ đi hoặc không tuân thủ lời bố mẹ thì có thể phạt chúng bằng cách lấy đi một số đặc quyền. Chẳng hạn như nếu con không đánh răng, bố mẹ có thể phạt chúng không được xem tivi, không được chơi game… Bố mẹ hãy lấy đi các đặc quyền dựa trên sở thích của con để tăng hiệu quả.
5. Bố mẹ không bao giờ đưa ra lời khen
Nếu đã có phạt thì cần có thêm cả khen thưởng. Bố mẹ chỉ chăm chăm phạt mỗi khi con mắc lỗi mà không có lời khen hay món quà xứng đáng khi con làm tốt sẽ khiến chúng mất động lực phấn đấu. Đồng thời việc chỉ phạt cũng sẽ khiến hình ảnh của bố mẹ trở nên xấu đi trong mắt con.
Tất nhiên, bố mẹ không cần phải trả tiền cho những công việc vặt mà con hoàn thành nhưng một chuyến đi chơi công viên, một cuốn truyện tranh yêu thích trao tặng mỗi khi con tự ý thức rửa bát, hay câu nói đơn giản “Mẹ rất vui vì việc làm của con” sẽ khuyến khích tinh thần của con rất nhiều.
Theo VerywellFamily/Helino
Bị ăn mắng, bé gái liền "bật" lại khiến cục diện đảo chiều ngoạn mục, bố mẹ chỉ biết câm nín
Cô bé trưng ra vẻ mặt nghiêm túc như bà cụ non, đồng thời chỉ trích cha mẹ khi trách mắng con không nên dùng những ngôn từ khó nghe.
Dạo gần đây, mạng xã hội Trung Quốc đang lan truyền một clip về cách hành xử của bé gái khi bị bố mẹ quở trách. Khác với những em bé khóc nức nở, mặt mày nổi cáu khi bị bố mẹ chê trách, cô bé trong clip thì bình tĩnh khuyên răn cha mẹ thay đổi cách giáo dục con cái, đồng thời chỉ ra cách hành xử không đúng của các bậc phụ huynh.
Chưa rõ danh tính bé gái trong clip nhưng vẻ mặt nghiêm túc như bà cụ non, những lời chỉ trích cha mẹ khi quở trách con không nên dùng những ngôn từ khó nghe, thay vào đó, cần nói những ngôn từ văn minh, dễ đi vào lòng người của bé gái đã thu hút sự chú ý lớn của cư dân mạng.
Bé gái răn dạy phụ huynh bằng những lời lẽ "bà cụ non".
Cô bé chỉ ra cách hành xử sai lầm của cha mẹ mình khiến dân mạng "dở khóc dở cười":
"Bố mẹ xem cách giáo dục con cái trong phim hoạt hình kìa, họ không mắng, không đánh đập con. Họ chỉ phê bình và giúp con sửa đổi sai lầm.
Cách hành xử của bố mẹ là la hét vào mặt con đến nỗi nhà hàng xóm cũng nghe được. Quát mắng hung dữ như vậy thì ai thèm nghe chứ?
Bố mẹ nhìn xem, con cái nhà người ta có giống con vừa nghịch ngợm vừa thông minh không nè? Bố mẹ người ta cũng giống hệt như bố mẹ lúc nào cũng quở trách con. Những đứa trẻ bị quở trách có thấy thông minh hơn đâu, chỉ ngày càng ngốc hơn, đần hơn. Đôi khi con trẻ còn bị cha mẹ đánh thâm tím cả mình mẩy.
"Bố mẹ đều tốt nghiệp đại học, tại sao không dùng ngôn từ văn minh, dễ đi vào lòng người để răn dạy con cái?"
Bố mẹ đều tốt nghiệp đại học, tại sao không dùng ngôn từ văn minh, dễ đi vào lòng người để răn dạy con cái? Tại sao bố mẹ không nhìn nhận sai lầm của bản thân? Con chưa học hết tiểu học, tại sao phải luôn giúp bố mẹ nhìn nhận sai lầm như vậy? Khi bố mẹ mắng con có thể dùng ngôn từ có văn hóa được không? Bố mẹ không biết dùng câu thơ để mắng con à?
Con có thể dùng câu thơ để thuyết phục người khác, còn bố mẹ chỉ biết la hét ầm ĩ. Tại sao có sự khác biệt như vậy?".
Bố mẹ của bé gái chỉ muốn chỉ trích sai lầm của con, nhưng không ngờ được con khuyên răn đủ điều nên họ chỉ biết im thin thít.
Nhiều bậc cha mẹ khi trách mắng, phê bình con thường không mang lại hiệu quả cao mà gây phản tác dụng, khiến con trẻ trở nên phản nghịch và căm ghét cha mẹ của chúng.
Khi trách mắng con, nhiều bậc cha mẹ đã sai phương pháp, sai thái độ và sai cả thời điểm. Họ quên mất mục đích phê bình con là giúp trẻ ý thức được sai lầm để từ đó sửa đổi, rèn luyện thói quen tốt trong cuộc sống.
Tuy nhiên, nhiều bậc cha mẹ khi phê bình con lại chịu ảnh hưởng quá nhiều cảm xúc, từ đó việc phê bình mất đi ý nghĩa, biến tướng, không có hiệu quả.
Nguyên nhân khiến việc phê bình trẻ không có hiệu quả:
1. Cảm xúc nặng nề khiến việc phê bình mất hiệu quả
Nhiều cha mẹ thường trách mắng con là: "Bố mẹ mệt mỏi là vì ai hả? Con được ăn no mặc ấm, không thiếu thốn thứ gì, tại sao không hiểu chuyện mà thích chống đối bố mẹ vậy?".
Sau khi trút hết mọi bực tức trong người, đương nhiên các bậc phụ huynh sẽ cảm thấy thoải mái, nhẹ nhõm. Giọng nói của bố mẹ cũng trở nên hòa nhã và hỏi con: "Con đã biết sai chưa nào?".
Đứa trẻ khi ấy hoàn toàn khiếp sợ trước cơn cuồng nộ của bố mẹ. Đầu óc của chúng trở nên trống rỗng, làm gì còn tâm trạng mà tự kiểm điểm sai lầm của bản thân.Trẻó chỉ mong mỏi bố mẹ trách mắng cho xong chuyện, để rồi phối hợp với bố mẹ nói một câu: "Con biết lỗi rồi!". Thật ra, con trẻ chưa ý thức được sai lầm của bản thân, nó chỉ muốn nhanh chóng trốn khỏi tầm mắt của cha mẹ để không nghe tiếp những câu càm ràm bên tai.
2. Bới móc chuyện cũ khiến việc phê bình mất hiệu quả
Khi một người phạm tội chỉ bị pháp luật trừng phạt 1 lần. Còn tội lỗi của những đứa trẻ thì được bố mẹ mang ra đay nghiến mỗi khi có dịp.
Chẳng hạn, nếu đứa trẻ ham chơi bên ngoài và bị thương, nó trở về nhà liền nghe bố mẹ càm ràm, nào là làm bài không tốt, thi điểm kém, ham chơi game... đều là những lý do chẳng ăn nhập với vết thương của con. Bố mẹ cứ khơi mào câu chuyện và muốn nói cho thỏa lòng, còn đứa trẻ bướng bỉnh sẽ không chịu khuất phục và bác bỏ câu nói của cha mẹ. Đứa trẻ ngoan sẽ im lặng, cảm thấy vô cùng tự ti vì cha mẹ lại mang chuyện cũ ra hoạnh họe chúng.
3. Phê bình không phân trường hợp nặng nhẹ khiến việc phê bình mất hiệu quả
Khi phạm sai lầm, nhiều đứa trẻ đã ý thức được sai lầm của bản thân. Lúc đó, bố mẹ chỉ cần nhắc nhở đầy thiện chí, cho trẻ cơ hội và thời gian được sửa sai. Không nên chỉ trích con quá nặng lời. Đôi khi cha mẹ rạch ròi bắt lỗi đúng sai sẽ khiến việc phê bình con mất hiệu quả.
Làm cách nào để việc phê bình trẻ có hiệu quả?
1. Xác định mục tiêu phê bình rõ ràng: Giúp trẻ sửa chữa sai lầm
Khi con phạm sai lầm, bố mẹ cần giúp con sửa sai. Đừng vì tâm trạng của bố mẹ hôm nay thoải mái nên sẵn sàng bỏ qua sai lầm của con, cũng đừng vì con còn nhỏ mà dung túng cho con làm điều xằng bậy.
Phê bình là cách thức mà cha mẹ có thể giúp con nhận ra sai lầm, không nhập nhằng nhiều cảm xúc, không trút bực dọc lên đầu con, không đánh đồng "không phê bình" là phần thưởng dành cho con.
Khi cha mẹ bực bội thì nên tìm cách giải tỏa cảm xúc, không trút giận lên người trẻ. Khi trẻ phạm sai lầm, cha mẹ hãy luôn giữ nguyên tắc xử phạt rõ ràng.
2. Điều chỉnh thái độ tốt: Cần tôn trọng trẻ
Phê bình là giúp trẻ nhận ra sai lầm, nên hãy dùng thái độ muốn giúp đỡ trẻ. Tùy việc mà xem xét, chỉ thảo luận vấn đề liên quan, không đả kích nhân phẩm của trẻ, không thể hiện uy quyền của người lớn, không mang chuyện cũ ra nói.
Chẳng hạn, khi trẻ tức giận lật đổ chén cơm trên bàn. Bố mẹ tốt nhất nên khuyên trẻ rời bàn ăn, tìm nơi yên tĩnh để con nói ra những điều không hài lòng với bố mẹ. Sau đó, bố mẹ hồi đáp vấn đề của con. Bố mẹ không được đánh con, không được hét vào mặt con, cần giảng giải cho con hiểu theo nguyên tắc là mối quan hệ bình đẳng.
3. Bố mẹ giúp trẻ nhận ra hậu quả sai lầm
Sau khi trẻ bị phê bình, nếu trẻ liên tiếp mắc phải sai lầm tương tự, nghĩa là trẻ không ý thức được hậu quả, hoặc là cha mẹ vì quá thương con nên đã không cho trẻ gánh vác hậu quả.
Phương pháp tốt nhất là kiên định nói cho trẻ biết. Chẳng hạn, khi trẻ lật đổ chén cơm, bố mẹ cần cho trẻ biết bữa cơm của con đã kết thúc, con cần rời khỏi bàn ăn. Lần sau, con có thể ngồi ăn với gia đình nhưng không được phạm sai lầm tương tự.
4. Chú ý thời gian và địa điểm phê bình
Cha mẹ cần nhớ nguyên tắc: Không phê bình con trước mặt mọi người, không phê bình con khi con đang ăn, không phê bình con vào buổi sáng hoặc buổi tối.
Nếu cha mẹ phê bình con trước mặt nhiều người, đặc biệt là bạn bè của con thì điều này sẽ khiến trẻ cảm thấy tự ti, thậm chí oán hận cha mẹ.
5. Bố mẹ cần bình tĩnh trước khi phê bình trẻ
Trước khi phê bình trẻ, bố mẹ cần hết sức bình tĩnh. Cần kiểm soát hành vi, đặc biệt là thời điểm bố mẹ nóng giận muốn tát hoặc đánh đập trẻ. Bố mẹ cần tìm nơi yên tĩnh, hít thở thật sâu, phán đoán công tâm là lỗi lầm từ do con hay từ chính bố mẹ.
6. Ý kiến của bố mẹ, ông bà cần thống nhất khi phê bình trẻ
Cho dù cha mẹ giỏi giang trong việc giáo dục con nhưng nếu không thống nhất trong cách phê bình thì sẽ gây ra phản tác dụng.
Chẳng hạn, nếu trẻ tranh giành đồ chơi với bạn. Bố mẹ đang khuyên răn trẻ, nhưng ông bà liền ngăn cản, bao che sai lầm của trẻ. Đây chính là sai lầm nhiều gia đình thường mắc phải, trẻ sẽ có suy nghĩ có người làm chỗ dựa, nó sẽ không chịu nghe theo lời răn dạy và nguyên tắc của cha mẹ. Do đó, các bậc cha mẹ cần phải thống nhất trong cách giáo dục trẻ thì hiệu quả phê bình sẽ có tác dụng.
Nguồn: Sohu
Theo afamily
Bảy sai lầm của cha mẹ có thể khuyến khích hành vi xấu ở trẻ Cha mẹ thường đưa ra yêu cầu mà không giám sát xem con thực hiện hay không, dần dần con sẽ hình thành thói quen phớt lờ mệnh lệnh. Trẻ em là tấm gương phản chiếu của người lớn. Trẻ không chỉ "sao chép" tính cách của cha mẹ mà những hành động sai lầm khi nuôi dạy cũng có thể hình thành...