Bố mẹ biệt tích, 2 con bơ vơ
Đó là hoàn cảnh của 2 chị em Hà Thị Thu Nhàn và Hà Anh Tuấn, trú bản Hăn, xã Mường Nọc, huyện miền núi – biên giới Quế Phong, tỉnh Nghệ An. Hiện Nhàn đang học lớp 10 Trường THPT Quế Phong, còn Tuấn học lớp 6 Trường THCS Mường Nọc.
Không có bố mẹ ở nhà nấu cơm, trưa muộn hai chị em Nhàn phải tự lo cho mình
Mẹ bỏ đi biệt tích khi Tuấn mới 3 tuổi, mấy năm sau bố cũng bỏ đi không tin tức. Thời gian đầu 2 bên ông bà nội ngoại chăm nuôi 2 chị em, nhưng sau đó, do hoàn cảnh khó khăn nên ông bà không thể kham nổi. Từ đó, 2 chị em tự chăm sóc, nương tựa vào nhau sống trong căn nhà tồi tàn nằm chơ vơ bên rìa cánh đồng của bản.
Hai chị em sống trong cảnh “bữa đực bữa cái”, nhiều bữa phải ăn mấy thứ củ quả hái được trong vườn, ngoài cánh đồng. Cứ một buổi đi học, một buổi Tuấn lại mang cần câu ra hồ gần nhà câu cá. Được cá to, có người mua em bán, còn lại mang về cải thiện bữa ăn. Nhiều hôm trong nhà không còn gạo và mì tôm, ngoài vườn không có củ quả gì ăn, chị em lại sang nhà bà nội “ăn chực”.
Mặc dù phải sống trong cảnh bơ vơ, khốn khổ như vậy nhưng 2 chị em, đặc biệt là Nhàn học rất giỏi. Vì thế, bà nội và người chú ruột đã chung tay mỗi năm đóng hơn 2 triệu đồng tiền học để các cháu không phải bỏ học giữa chừng.
Căn nhà tồi tàn nơi chị em Nhàn sống với nhau
Từ khi biết hoàn cảnh khốn khổ của 2 em, các thầy cô giáo ở Trường THPT Quế Phong và THCS Mường Nọc đã chung tay giúp đỡ Nhàn và Tuấn rất nhiều. Mỗi dịp Tết các em được tặng quần áo mới, bánh kẹo,… Một số thầy cô ở cùng bản Hăn khi đi chợ về thường mang sang cho khi con cá, lúc miếng thịt. Các vật dụng như bàn ghế, bát đũa,… không dùng nữa thì mang đến “trang bị” cho chị em Nhàn. Các bạn cùng học với Nhàn lâu lâu lại góp mua cho chị em Nhàn thùng mì tôm. Các gia đình trong bản Hăn cũng thường giúp đỡ khi mớ rau, cân gạo,…
Vào mùa giáp hạt là lúc trong nhà chị em Nhàn có nhiều gạo nhất, vì được nhận gạo cứu đói. Trong nhà bây giờ, giá trị nhất và được 2 chị em quý nhất là chiếc xe đạp. Chiếc xe này là quà tặng học bổng cho Nhàn khi em học lớp 5.
Video đang HOT
Khi chúng tôi đến nhà thì Tuấn đang ngồi ngoài thềm đợi chị đi học về. Mặc dù học lớp 6 nhưng người Tuấn nhỏ oắt, gầy gò. Chúng tôi trêu sao không nấu cơm mà phải đợi bắt chị nấu, Tuấn lí nhí trong miệng “không còn gạo ạ”. Xem trong nhà thì gạo hết, chỉ còn một gói mì tôm.
Đợi đến quá 12 giờ trưa mới thấy Nhàn lủi thủi về. Hỏi chuyện, bất ngờ cháu bật khóc nức nở: “Hôm nay cháu phải làm kiểm tra nên về muộn. Cháu ghen tị với các bạn cháu. Giờ ni các bạn cháu có bố mẹ nấu cơm đợi về ăn, còn chị em cháu phải đợi nhau. Mà cháu về muộn thì em cháu đói. Chị em cháu chỉ ước, chỉ muốn biết bây giờ bố mẹ đang ở đâu, bố mẹ về với chị em cháu!”.
Mọi giúp đỡ xin gửi về Ban Công tác bạn đọc – Chương trình xã hội Báo Sài Gòn Giải Phóng, 432-434 Nguyễn Thị Minh Khai, phường 5, quận 3 TPHCM. ĐT (028)22111263. Hoặc chuyển qua tài khoản của Báo SGGP: 310.10000.231438 Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam chi nhánh TPHCM.
DUY CƯỜNG
Theo sggp.org.vn
Lãng phí từ mô hình giảm nghèo
Tại các huyện miền núi tỉnh Quảng Ngãi, cách xoá nghèo theo kiểu cấp không, cho không, chưa giúp đồng bào có thêm hiểu biết, kỹ năng sản xuất.
Những năm qua, Đảng và Nhà nước đã có nhiều chủ trương, chính sách về xoá đói giảm nghèo, từng bước cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của người nghèo, thu hẹp khoảng cách về mức sống giữa nông thôn và thành thị, giữa các vùng, các dân tộc và các nhóm dân cư. Tuy nhiên, kết quả thực hiện các các chương trình, dự án giảm nghèo chưa thật sự bền vững, tỷ lệ hộ nghèo còn cao.
Nhóm hộ anh Phạm Văn Na ở xã Ba Giang, huyện Ba Tơ, tỉnh Quảng Ngãi nuôi dê Bách Thảo thất bại.
Tại tỉnh Quảng Ngãi, nhiều năm qua, hàng trăm công trình, dự án với nhiều mô hình sinh kế hỗ trợ giống vật nuôi, cây trồng đã giúp người dân xóa đói, giảm nghèo, ổn định cuộc sống.
Bên cạnh những mô hình phát huy hiệu quả, trên hành trình xoá đói giảm nghèo ở địa phương này đã bộc lộ nhiều hạn chế, hàng ngàn tỉ đồng trôi sông đổ biển.
Anh Phạm Văn Na ở thôn Nước Lô, xã Ba Giang, huyện Ba Tơ, tỉnh Quảng Ngãi là một trong 6 hộ gia đình được hỗ trợ phát triển chăn nuôi từ mô hình nuôi dê Bách thảo vào năm 2016.
Nhiều mô hình chăn nuôi theo dự án giảm nghèo ở các huyện miền núi tỉnh Quảng Ngãi thất bại gây lãng phí.
Theo anh Na, mỗi nhóm được hỗ trợ 11 con, nhưng đến nay đều đã chết hết do thời điểm cấp dê thời tiết không phù hợp. Hơn nữa, trước đây người dân chưa từng nuôi dê, nên không có kinh nghiệm để chăm sóc vật nuôi.
Gia đình anh Phạm Văn Na ở xã Ba Giang, huyện Ba Tơ, tỉnh Quảng Ngãi là một trong số những hộ được thụ hưởng dự án giảm nghèo hỗ trợ giống con vật nuôi, cây trồng cho người dân miền núi tỉnh Quảng Ngãi mang đến nhiều nỗi lo. Thực tế cho thấy, nhiều mô hình nuôi thỏ, dê bách thảo, bò Zebu,... theo chương trình giảm nghèo ở các huyện miền núi đều không mang lại hiệu quả như mong muốn.
Gần 2 năm trôi qua, trong vườn nhà anh Hồ Văn Xoay ở thôn Gò Rô, xã Trà Phong, huyện Tây Trà, tỉnh Quảng Ngãi ngổn ngang những chiếc lồng sắt cũ kỹ. Anh Xoay chưa dám vứt bỏ những vật dụng gỉ sét này vì lỡ bị đòi lại thì lấy đâu mà trả.
Cuối năm 2016, gia đình anh thuộc diện hộ nghèo được cấp 10 con thỏ giống để phát triển chăn nuôi. Anh Xoay học cách chăm sóc nhưng không hiểu sao, sau gần 3 tháng, đàn thỏ chết dần. Nhiều hộ nghèo trong thôn Gò Rô được cấp thỏ như gia đình anh Xoay cũng đứng ngồi không yên. Hơn 50 triệu đồng, hàng chục con thỏ giống từ dự án giảm nghèo tại xã Trà Phong, huyện Tây Trà coi như mất trắng.
Anh Hồ Văn Xoay than thở: "Bà con làm đúng kỹ thuật của cán bộ hướng dẫn nhưng thỏ ở đây không thích nghi được với môi trường. Triển khai mô hình nuôi thỏ ở đây rất khó vì bà con chưa tiếp xúc với những con vật nuôi này bao giờ".
Bà con miền núi Quảng Ngãi rất cần những mô hình chăn nuôi phù hợp với điều kiện của địa phương.
Tại các huyện miền núi tỉnh Quảng Ngãi, cách xoá nghèo theo kiểu cấp không, cho không, chưa giúp đồng bào có thêm hiểu biết, kỹ năng và tổ chức sản xuất. Một số dự án, chương trình cũng chưa phù hợp với điều kiện, tình hình thực tế của địa phương.
Ông Hồ Văn Trực, Phó Bí thư Đảng Ủy xã Trà Khê, huyện Tây Trà cho rằng đã có nhiều mô hình rất kém hiệu quả: "Nếu chúng ta làm mô hình nhiều nhưng khâu quản lý và chăm sóc kém thì sẽ không mang lại hiệu quả. Chúng ta cần có phương pháp đầu tư hợp lý, tập huấn để bà con tiếp cận phương pháp chăm sóc có hiệu quả".
Chuyện lúng túng trong việc chọn con giống, cây giống phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, tập quán canh tác của người dân các huyện miền núi tỉnh Quảng Ngãi diễn ra từ nhiều năm nay.
Ông Ngô Văn Trọng, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Quảng Ngãi cho biết, năm 2016, một số mô hình chăn nuôi dê mua giống dê ngoài Bắc đưa vào, do đó, dê không chịu được thời tiết nên bị chết.
Việc hỗ trợ hộ nghèo phát triển kinh tế gia đình tại tỉnh Quảng Ngãi còn nhiều lãng phí, chưa tạo bước đột phát theo mục tiêu của các chương trình giảm nghèo đặt ra.
Theo ông Lương Kim Sơn, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Quảng Ngãi, bên cạnh những nguyên nhân khách quan có nhiều nguyên nhân chủ quan. Nhiều địa phương còn lúng túng trong việc xác định các loại cây trồng, con vật nuôi. Cụ thể như mô hình nuôi bò Zê bu ở các huyện miền núi không phù hợp với tập quán sản xuất và điều kiện chăn nuôi của đồng bào vùng cao. Sự trông chờ, ỷ lại của bà con cũng làm cho chuyện xoá đói giảm nghèo thêm khó khăn.
Ông Lương Kim Sơn, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Quảng Ngãi thừa nhận hạn chế của phương thức hỗ trợ trước đây là thường hỗ trợ trực tiếp cho người dân và thường là cho không. Phương thức hỗ trợ này tạo ra tâm lý trông chờ, ỷ lại của người dân. Những nguyên nhân chủ quan cùng với nguyên nhân khách dẫn đến không đạt được chỉ tiêu giảm nghèo như mục tiêu đặt ra./.
Theo Vĩnh Thông/VOV-Miền Trung
Vũ Quang phấn đấu 100% người dân tham gia BHYT trong tháng 9 này Vũ Quang là huyện miền núi của Hà Tĩnh, có 42 km đường biên giới tiếp giáp với Lào nên người dân chủ yếu sống trên địa hình đồi núi, thưa thớt. Để đảm bảo chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân, ngành Y tế Hà Tĩnh đã tăng cường các hoạt động cho hệ thống y tế cơ sở tại...