Bộ mặt thật của các “phù thuỷ” gây mê
Những năm 2003-2004, trên các tuyến giao thông ở nhiều tỉnh phía Bắc và phía Nam xảy ra những câu chuyện vừa thực vừa hư.
Thực là có những hành khách đi xe đi tàu sức khỏe đang bình thường chỉ trong chốc loáng bỗng chìm vào một cơn mê dài bí ẩn. Khi tỉnh dậy, tàu chưa tới ga, xe chưa tới bến thì họ đã bị mất toàn bộ tài sản đem theo…
Theo nhận định của Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội (C45) Bộ Công an, thủ đoạn cướp của, giết người bằng thuốc gây mê đã bắt đầu xuất hiện từ khoảng những năm 2000 với hàng loạt các vụ án ở cả phía Bắc lẫn phía Nam. Công an các địa phương và Cục C45 đã khám phá được khá nhiều vụ án loại này và đã nhiều lần lên tiếng cảnh báo về thủ đoạn của bọn tội phạm để quần chúng nhân dân cảnh giác.
Tuy nhiên, cho đến một vài năm gần đây, loại tội phạm này vẫn tiếp tục xuất hiện với thủ đoạn mới tinh vi hơn mà hàng loạt các vụ án do “ phù thủy” gây mê Đào Thị Ngừng thực hiện mới đây là một ví dụ điển hình.
“Phù thuỷ” gây mê: Sự thật và đồn đại
Những năm 2003-2004, trên các tuyến giao thông ở nhiều tỉnh phía Bắc và phía Nam xảy ra những câu chuyện vừa thực vừa hư. Thực là có những hành khách đi xe đi tàu sức khỏe đang bình thường chỉ trong chốc loáng bỗng chìm vào một cơn mê dài bí ẩn. Khi tỉnh dậy, tàu chưa tới ga, xe chưa tới bến thì họ đã bị mất toàn bộ tài sản đem theo. Người mất nhẫn vàng, người mất dây chuyền, có người mất tới cả mấy trăm triệu đồng. Thế là trong những lời kể và đồn đại, những người bị hại, có người nhất quyết khẳng định rằng họ đã bị ai đó “thôi miên” khiến họ bị chìm vào một cơn mê dài, mặc cho kẻ đó muốn lấy gì thì lấy.
Có người lại mô tả họ chỉ vừa mới nhai chiếc kẹo cao su, vừa mới uống được vài ngụm nước ngọt do người đồng hành mời mọc, lập tức họ lịm đi không còn biết gì xảy ra xung quanh nữa. Có người kể, họ chỉ vô tình cúi xuống, chạm vào chiếc khăn của hành khách ngồi bên cạnh là ngay tức khắc bị rơi vào trạng thái lơ mơ – mắt vẫn mở, tai vẫn nghe thấy âm thanh nhưng hoàn toàn không kiểm soát được bản thân. Họ nhìn thấy người ta lục ví của mình, thấy người ta cởi nhẫn mình đeo trên tay nhưng không làm sao hô hoán, ngăn cản được.
Tất cả diễn ra, giống như trong một cơn mê. Cho đến khi tỉnh lại thì tài sản đã mất sạch trơn, không còn gì nữa… Nhiều người đồ rằng, họ đã gặp phải những “phù thủy” và họ bị mất tiền vàng, đồ đạc bởi “ phép thuật” bí ẩn nào đó.
Nhưng, Đại tá Phạm Văn Tám, Trưởng phòng 8-Cục C45, đơn vị đã tham gia khám phá chuyên án giết người, cướp tài sản bằng thuốc gây mê được coi là phức tạp nhất trong thời gian gần đây thì khẳng định: không có gì là bí ẩn trong những vụ việc nói trên. Những điều mà người bị hại cho rằng họ bị thôi miên, bị chìm vào các cơn mê dài thực ra chỉ là việc họ bị nhiễm chất gây mê do thủ phạm cố tình lừa để họ uống bằng nhiều thủ đoạn khác nhau. “Phép thuật” duy nhất của các “phù thủy” gây mê thực ra chỉ là các loại thuốc ngủ, thuốc gây mê mà thôi.
Những năm trước, Công an tỉnh Phú Yên đã từng bắt được một nhóm “phù thủy gây mê”. Nhóm này thuê hẳn một chiếc xe loại 12 chỗ ngồi, chạy rông từ Hà Nội vào TP HCM. Tài xế và vài người trên xe đều là băng nhóm của chúng. Chúng vờ là xe cơ quan đi công tác, dọc đường bắt 1-2 khách lên xe đi cùng cho vui chứ không lấy tiền lộ phí. Nhiều người tin lời chúng, lên xe đi nhờ và mắc bẫy. Trên xe, chúng đã chuẩn bị sẵn một số đồ ăn, đồ uống như kẹo cao su, nước ngọt. Tất nhiên là số kẹo cao su này đã được chúng tẩm thuốc gây mê và nước ngọt cũng đã được chúng khoan 1 lỗ nhỏ dưới đáy để bơm thuốc gây mê vào rồi hàn lại.
Chúng vờ chuyện trò thân mật với hành khách rồi mời họ ăn kẹo, uống nước. Hành khách đại đa số là không từ chối vì nể lòng tốt của những người đã cho đi nhờ xe. Sau khi hành khách ngấm thuốc, ngủ mê man, bọn chúng bắt đầu lục soát tài sản của họ, lấy sạch trơn rồi khênh vứt họ xuống đường.
Cũng tại Phú Yên, lực lượng Công an đã từng bắt giữ một nhóm đối tượng do Trần Ngọc Ba, tức Sinh “đen” cầm đầu. Nhóm này gồm khoảng chục tên. Chúng đón xe đò và chọn ngồi gần các hành khách đeo nhiều nữ trang hoặc mang hành lý có giá trị. Trên xe chúng vờ làm quen, thân thiện rồi mời các “con mồi” ăn kẹo chewing-gum, uống nước ngọt đã được pha tẩm thuốc mê. Khi “con mồi” ngấm thuốc, chúng sẽ cướp hết tài sản và xuống xe trốn biệt.
Trong hàng chục vụ cướp đã gây ra, có vụ chúng đầu độc luôn cả tài xế khiến tai nạn suýt xảy ra, hàng chục người trên xe thoát chết trong gang tấc. Đó là trường hợp của anh Trần Văn Chiến, lái xe khách 52 chỗ chạy tuyến Bắc – Nam. Khi cảm nhận mình đã trúng kế kẻ gian do cơn buồn ngủ bất ngờ ập đến, anh Chiến cố gắng tấp xe vào một cây xăng còn sáng đèn ở Xuân Lộc, Đồng Nai.
Còn tại các tỉnh phía Bắc, Cục C45 cũng đã từng dày công đeo đuổi cả năm trời mới khám phá thành công một chuyên án cướp gây mê mà thủ phạm là một người đàn bà không ai ngờ tới. Trên chuyến tàu xuôi Yên Bái – Hà Nội, người đàn bà ấy lên tàu với lỉnh kỉnh nhiều bị bọc hành lý cùng hai đứa con nhỏ. Ba mẹ con lên tàu, chọn chỗ ngồi cùng khoang với hai chị em ruột Nguyễn Thị Ngát và Nguyễn Thị Ngợi.
Qua câu chuyện qua lại làm quen, người đàn bà này tự giới thiệu là bác sĩ tên Hà hiện đang công tác tại Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội, còn chồng là Nguyễn Phi Hùng – Phó giám đốc Bệnh viện. Nhân dịp con gái được nghỉ hè, hai vợ chồng đưa cháu về thăm ông bà nội ở Yên Bái. Nhưng do có công việc đột xuất ở bệnh viện nên chồng chị ta đã về Hà Nội từ hai hôm trước đến hôm nay mẹ con chị ta về sau.
Lối nói chuyện cởi mở, khéo léo của “bác sĩ Hà” đã khiến hai chị Ngợi và Ngát thiện cảm. “Bác sĩ” lôi từ trong túi ra đủ các loại bánh trái, hoa quả mời hai chị ăn. Bà ta còn mời hai chị mỗi chị ăn một lát nhân sâm để tỉnh táo kẻo ngủ gật sẽ bị kẻ gian trộm cắp hết tài sản thì khổ. “Bác sĩ Hà” cứ luôn miệng nhắc hai chị phải thật cảnh giác khi đi tàu đêm như thế này…
Video đang HOT
Tàu chạy đến ga Phú Thọ thì đã gần nửa đêm, bà ta lấy từ trong túi ra một lon nước Coca-Cola mời Ngợi và Ngát uống cho mát. Cảm động trước thịnh tình của người bạn đồng hành, lại đang khát nước, hai chị đã uống hết lon nước ngọt này. Khoảng 30 phút sau, hai chị em bắt đầu rơi vào trạng thái mê mệt. Họ ngủ say như chết, không còn biết được những gì đã xảy ra xung quanh.
Mãi đến sáng hôm sau khi tàu đã về đến ga Hà Nội từ lâu, hành khách đã xuống tàu hết, hai chị mới tỉnh ngủ. Toàn bộ tư trang, tài sản của chị Ngát và chị Ngợi gồm hai nhẫn vàng, 3 nghìn USD và 10 triệu đồng đã bị mất. “Bác sĩ Hà” cùng hai đứa con gái nhỏ cũng đã xuống tàu từ lâu.
Cục Cảnh sát hình sự khi đó đã phải rất dày công mới truy tìm được “bác sĩ Hà”. Thị tên thật là Bùi Thị Thanh ở Quỳnh Lưu, Nghệ An. Vụ gây mê hai chị em chị Ngát – Ngợi đã là vụ gây mê thứ 8 do thị thực hiện. Cướp được nhiều tiền, thị về quê xây nhà và… tiếp tục lấy chồng.
Khi “phù thủy” thay đổi “phép thuật”
Đào Thị Ngừng ở Tân Bình, Tân Uyên, Bình Dương cũng đã từng là “phù thủy gây mê” như Bùi Thị Thanh. Chỉ khác là Ngừng đã hành nghề này từ những năm 1991-1992. Cho đến năm 1994 thì Ngừng bị bắt và bị Tòa án xử phạt 18 năm tù giam. Cuối năm 2007, Đào Thị Ngừng ra tù và “ngựa quen đường cũ”, tiếp tục hành nghề “phù thủy”.
Tuy nhiên, khác với chục năm về trước, thủ đoạn vờ làm quen trên tàu xe rồi mời mọc ăn uống những đồ ăn thức uống có tẩm thuốc gây mê đã không còn câu nhử được các “con mồi”. Bởi vì, thủ đoạn này đã được Cơ quan Công an nhiều lần cảnh báo trên các phương tiện thông tin đại chúng nên người dân cảnh giác, không sa bẫy.
Vốn là một kẻ tội phạm tinh quái nên Đào Thị Ngừng rất biết điều đó. Bởi vậy, sau khi ra tù, dù tiếp tục hành nghề “phù thủy” nhưng Ngừng đã thay đổi “phép thuật”. “Con mồi” mà Ngừng nhắm đến không phải là ở trên các chuyến xe khách, các đoàn tàu hỏa nữa mà là những người dân cả tin ở các nơi thờ cúng.
Bùi Thị Thanh đang diễn lại động tác tháo nữ trang của người
bị hại trong buổi thực nghiệm điều tra.
Tháng 8/2008, Ngừng đi từ TP HCM lên Tây Ninh, mang theo một số viên thuốc mê mà Ngừng đã mua ở bến xe miền Đông từ trước đó và một số đồ uống như sữa Ông Thọ, sữa Milo, cà phê. Tới chợ thị xã Tây Ninh, Ngừng vào mua mỳ rồi lân la làm quen hỏi thăm mấy người bán hàng ở chợ xem ở gần đó có chùa nào do phụ nữ không có chồng tu không để Ngừng đến đó cúng. Thấy Ngừng nói năng khéo léo, lễ phép, gương mặt lại lành hiền dễ coi nên những người dân ở đây tin là Ngừng có lòng thành và họ đã chỉ cho Ngừng tới miếu Bà chúa Xứ ở ấp Bình Hòa, xã Thái Bình, huyện Châu Thành do bà Nguyễn Thị Hải tu tại đó.
Ngừng tới đây, cúng chùa, tỏ ra thành kính rồi đến tối xin bà Hải cho được ngủ lại. Tin người, bà Hải đồng ý. Sớm hôm sau, bà Hải còn lấy xe máy chở Ngừng đi cúng ở mấy chùa quanh khu vực rồi đến chiều tối lại còn mời Ngừng ăn cơm cùng với mấy người nữa ở miếu. Tối đó, ăn cơm xong, Ngừng đã pha sữa và cà phê mời bà Hải và mọi người cùng uống cho bổ dưỡng. Trong tất cả các ly nước này Ngừng đều lén bỏ vào đó thuốc mê.
Đêm đó, khi bà Hải và những người cùng ngủ ở miếu đã ngấm thuốc, mê man bất tỉnh, Ngừng đã lục soát để lấy tài sản của những người này, tổng cộng được 700 nghìn đồng và 4 chỉ vàng rồi tẩu thoát. Cho mãi đến trưa ngày hôm sau, một người bán vé số tình cờ đi qua miếu, phát hiện thấy bà Hải và một số người ở lại miếu từ hôm qua đến lúc đó vẫn còn mê mệt, gọi không thưa, lay không dậy nên đã hốt hoảng hô hoán bà con đưa các nạn nhân vào Bệnh viện đa khoa tỉnh Tây Ninh cấp cứu.
Tháng 2/2009, cũng với thủ đoạn trên, Ngừng tìm đến chùa Pháp Tam, phường Phú Khương, TP Bến Tre. Ngừng nói dối là đi cùng đoàn làm từ thiện nhưng bị say xe nên xin vào chùa nghỉ nhờ đến chiều xe của đoàn sẽ qua đón. Chiều đó, lấy lý do là xe chưa qua được nên Ngừng lại tiếp tục xin chùa cho nghỉ lại qua đêm.
Tối đó, lợi dụng lúc mọi người trong chùa không để ý, Ngừng đã lén bỏ thuốc ngủ vào hai ca nước dừa rồi bưng đến mời bà Thủy (trụ trì chùa) và bà Hồng (người làm công quả trong chùa) uống. Đợi cho hai người ngấm thuốc, bất tỉnh, Ngừng đã lục soát tài sản, cướp đi một số tiền, vàng và điện thoại di động.
Ngoài ra, cũng với thủ đoạn trên từ năm 2008 đến khi bị bắt (tháng 12/2009) Đào Thị Ngừng đã ra tay bỏ thuốc mê cướp tài sản ở hàng loạt các chùa và am thờ tại nhiều địa phương thuộc các tỉnh phía Nam. Như tháng 3/2009, tại nhà của bà Võ Thị Xiêu, một người tu tại gia ở ấp Bình Phú 2, xã Bình Hòa, huyện Châu Thành, An Giang. Tháng 4/2009 ở chùa Diệu Ân xã Hòa Khánh, TP Buôn Ma Thuột tỉnh Đắk Lắk. Tháng 5/2009 ở chùa Bạch Long, huyện Châu Thành, tỉnh Long An. Tháng 6/2009 tại chùa Long Hòa, thị trấn Nhà Bàn, huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang. Tháng 7/2009, tại chùa Quan Âm, thị trấn Cái Bè, tỉnh Tiền Giang.
Theo kết quả điều tra của Cục C45 thì Đào Thị Ngừng đã gây ra tổng cộng 8 vụ án cướp tài sản, giết người bằng thủ đoạn dùng thuốc gây mê ở địa bàn 6 tỉnh là Tây Ninh, Bến Tre, An Giang, Tiền Giang, Đắk Lắk, Long An. Các nạn nhân của thị không chỉ bị hôn mê mà trong số đó đã có 3 người bị chết bởi tác động quá mạnh của các loại thuốc mà thị đã bỏ vào đồ ăn thức uống của họ.
Theo CAND Online
Nữ quái ác độc
Đào Thị Ngừng
Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đang khẩn trương hoàn tất điều tra vụ "nữ tặc" chuyên cướp tài sản tại các chùa, miếu bằng việc cho nạn nhân uống nước pha thuốc ngủ, thuốc trừ sâu, dẫn đến hậu quả nạn nhân phải đi cấp cứu, trong đó có những người không thoát khỏi lưỡi hái tử thần.
Xảy ra liên miên
Sáng 29-7-2009, người dân thị trấn Cái Bè, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang phát hiện vợ chồng ông Nguyễn Văn Chơi, bà Nguyễn Thị Của (cùng sinh năm 1939) và con gái là Nguyễn Thị Hai (SN 1959) ở chùa Quan Âm tại khu 1B trong tình trạng hôn mê, nên đưa đi cấp cứu tại bệnh viện huyện. Ngày 30-7-2009, bà Hai được xuất viện, ông Chơi bà Của được chuyển tiếp lên Bệnh viện đa khoa trung tâm Tiền Giang cấp cứu. Ngày 11-8-2009 bà Của xuất viện, ngày 12-8-2009 ông Chơi cũng được đưa về nhà do không có khả năng hồi phục, đến 10 giờ cùng ngày thì qua đời. Theo nạn nhân khai thì họ bị mất lắc đeo tay vàng, lắc dạng dây chuyền vàng, vòng đeo tay, dây chuyền, đôi bông tai vàng, nhẫn vàng, nhẫn trơn, nhẫn trong, tổng cộng 15,5 chỉ vàng 24K, 0,6 chỉ vàng 18K và một chiếc nhẫn đồng, 75 nghìn đồng.
Trước đó hơn một tháng, ngày 6-6-2009, người dân khóm Hòa Thuận, thị trấn Nhà Bàn, huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang phát hiện bà Võ Thị Oanh (SN 1937, pháp danh Như Minh, trụ trì chùa Long Hòa), bà Nguyễn Thị Tá (SN 1940, pháp danh Huệ Nhàn) và cháu ngoại bà Tá là Trần Thị Phương (SN 1997) bị hôn mê, bèn đưa đến Bệnh viện đa khoa Tịnh Biên cấp cứu, điều trị.
Cơ quan điều tra nhận thấy ngoài hai vụ tại Tiền Giang và An Giang nêu trên, từ năm 2008 đến năm 2009 tại các tỉnh Tây Ninh, Bến Tre, Đắc Lắc, Long An liên tiếp xảy ra các vụ tương tự.
Trong số nạn nhân có nhiều sư cô đang tu hành tại các chùa, miếu.
Chân dung nghi can số 1
Lời khai của các nạn nhân, nhân chứng cho thấy trước khi xảy ra các vụ việc, họ đều có tiếp xúc với một người phụ nữ lạ, trạc tuổi trung niên và đều xin ngủ lại... Từ mô tả của nạn nhân, nhân chứng và tiến hành các biện pháp nghiệp vụ để xác minh, cơ quan điều tra xác định nghi can số một của các vụ án trên là Đào Thị Ngừng (SN 1960, hộ khẩu thường trú tại ấp 2, xã Tân Bình, huyện Tân Uyên; tạm trú tại đường Chùa Hội Khánh, khu phố 2, phường Phú Cường, thị xã Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương), một " nữ quái" có nhiều tiền án, trong đó có nhiều vụ gây mê cướp tài sản.
Từng có hai tiền sự, bị cải tạo về hành vi tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có và lừa đảo chiếm đoạt tài sản công dân, ra trại năm 1988 thì hai năm sau (năm 1990) Đào Thị Ngừng đã "làm" ngay vụ mới: cướp tài sản của sư cô Nguyễn Thị Lê tại chùa Quảng Bình ở phường Tam Bình, quận Thủ Đức, TP. Hồ Chí Minh (TPHCM). Bị bắt quả tang khi thị vừa cho bà Lê uống "thuốc bổ" là 20 viên thuốc ngủ Sedusen, bị khởi tố về tội cướp tài sản công dân, thị khai man tên là Nguyễn Thị Hồng, ở phường 2, quận 10, TPHCM. Ngày 14-6-1991, nhận bản án 4 năm tù giam nhưng chỉ bốn tháng sau, lợi dụng sơ hở của trại cải tạo, thị trốn về xã Hiệp Bình Chánh, quận Thủ Đức và tiếp tục gây thêm những vụ án mới. Đó là các vụ: cùng đồng bọn là Nguyễn Thị Xí giả làm người đi xe, thuê chị Dương Thị Cúc chở rồi bỏ thuốc gây mê vào nước ngọt cho chị Cúc uống, cướp xe máy của chị Cúc; giả làm người đi xe, thị thuê anh Lê Kim Sơn chở rồi bỏ thuốc ngủ vào ly cà phê cho anh Sơn uống, cướp xe của anh Sơn; đến xin làm công quả ba ngày tại chùa Tam Bảo ở huyện Bình Long, tỉnh Sông Bé (cũ), thị bỏ thuốc ngủ cho ông Lê Văn Rị, ông Nguyễn Văn Hát, bà Nguyễn Thị Bửng uống, cướp 6 chỉ vàng 24K và 500 nghìn đồng; giả làm người đi xe, thuê anh Nguyễn Văn Quý chở rồi pha thuốc ngủ vào ly cà phê cho anh Quý uống, cướp xe của anh Quý. Ngày 27-9-1993 Đào Thị Ngừng bị Công an tỉnh Sông Bé bắt. Án mới "chồng" án cũ, thị phải "trả nợ" bằng bản án 18 năm 8 tháng 21 ngày tù giam, được giảm án bảy lần bằng 3 năm 9 tháng tù giam, ra trại ngày 20-9-2008.
Sau khi xác định được đối tượng gây án, Cơ quan CSĐT Bộ Công an chỉ đạo Công an tỉnh Bình Dương và Công an tỉnh Long An phối hợp bắt giữ. Và, ngày 18-10-2009, Công an huyện Châu Thành tỉnh Long An đã phối hợp với Công an tỉnh Bình Dương, bắt được Đào Thị Ngừng tại nhà trọ ở đường chùa Hội Khánh, khu phố 2, phường Phú Cường, thị xã Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương. Kết quả điều tra cho thấy, sau khi ra tù, từ tháng 11-2008 đến tháng 7-2009 Đào Thị Ngừng đã gây ra 8 vụ cướp tài sản bằng thủ đoạn gây mê, đầu độc nạn nhân.
Cướp tại miếu chùa bà Xứ
Chỉ hai tháng sau khi tha tù, sáng 19-11-2008, Đào Thị Ngừng đến chợ thị xã Tây Ninh hỏi mua mỳ, rồi xưng tên giả làm quen với hai chị em bà Phạm Thị Bé, Phạm Kim Đồng (nêu trên). Ngừng hỏi bà Bé, bà Đồng:
- Gần đây có chùa nào do phụ nữ (không chồng) tu, để tôi đến cúng.
Vì hàng ngày sau khi buôn bán ở chợ, đến tối bà Bé, bà Đồng về ngủ tại miếu Bà chúa Xứ ở xã Thái Bình, huyện Châu Thành, nơi bà Nguyễn Thị Hải tu hành, nên họ chỉ cho Ngừng đi xe ôm tới đó. Đến nơi, Ngừng thắp nhang rồi nói chuyện, cùng ăn cơm trưa với bà Bé, bà Đồng, bà Hải cùng bà Mai Thị Thành (người phát hiện vụ án, nêu trên) và ngủ tại miếu. Sáng hôm sau, bà Hải dùng xe máy chở Ngừng đi cúng một số chùa gần đó, rồi về miếu ăn cơm. Khoảng 20 giờ cùng ngày, khi cùng bà Bé, bà Đồng, bà Hải ngồi xem ti vi, Ngừng nói "Sao ăn cơm mà không tiêu" rồi lấy thuốc bỏ vào ly nước, ly nước sủi bọt màu trắng, khi thuốc tan, thị cầm ly lên uống và đưa cho bà Hải, bà Bé, bà Đồng mỗi người uống một ít. Khi bà Hải đang ở trên giường chuẩn bị đi ngủ, thị pha sữa với cà phê mang theo vào ba ly, mỗi ly bỏ vào ba viên thuốc rồi đưa mời bà Hải, bà Bé, bà Đồng uống, nói với họ là "uống cho bổ", cho "đẹp da, mát gan". Thị cũng pha một ly để uống nhưng không bỏ thuốc. Khi thấy bà Hải, bà Bé, bà Đồng đã ngấm thuốc hôn mê, bất tỉnh, thị lục cướp tài sản rồi tẩu thoát (thị khai lấy được 4 chỉ vàng 24K và 700 nghìn đồng để trong cốp xe máy).
Hại chết trụ trì chùa
Đi xe khách đến Bến Tre vào trưa 11-2-2009, Đào Thị Ngừng thuê anh Nguyễn Đức Thọ chạy xe ôm chở đến chùa Pháp Tam ở phường Phú Khương, thành phố Bến Tre. Gặp bà Phạm Lệ Thủy là trụ trì chùa và bà Phạm Thị Hồng là người làm công quả, Ngừng giới thiệu thị quê ở Bình Dương, đi theo đoàn làm từ thiện bị say xe nên vào chùa xin nghỉ lại, khoảng 17 giờ sẽ có xe của đoàn từ huyện Mỏ Cày qua đón. Đến 17 giờ, lấy lý do "xe của đoàn" chưa qua được, Ngừng lại xin ngủ lại một đêm tại chùa, để tìm cơ hội ra tay cướp tài sản. Biết bà Thủy, bà Hồng hay uống nước dừa, thị nhờ mua trái dừa, nhằm để bỏ thuốc vào nước dừa cho họ uống. Do bận việc nên bà Thủy nhờ bà Nguyễn Thị Thu Vân đến tiệm tạp hóa mua năm trái dừa.
Sau đó, lợi dụng lúc bà Hồng tụng kinh, bà Thủy nằm trên giường chuẩn bị ngủ, Ngừng lấy dao chặt ba trái dừa, bỏ vào mỗi trái sáu viên thuốc, dùng muỗng khuấy cho thuốc tan trong nước dừa, đổ chung vào ca nhựa để ở trên ván, rồi rót ra ly thủy tinh, mời bà Thủy uống. Tụng kinh xong, bà Hồng đạp xe đi mua bánh mỳ về đưa cho Ngừng và được thị mời uống nước dừa đã pha thuốc. Đợi đến lúc bà Thủy, bà Hồng ngấm thuốc, hôn mê bất tỉnh, thị lục lấy tài sản, cướp của bà Thủy ba triệu đồng, bà Hồng 200 nghìn đồng, một điện thoại di động Nokia, một đôi bông tai vàng 18K trọng lượng 5,95 phân, một chai dầu gió xanh của Mỹ, rồi tẩu thoát. Hậu quả tác hại sư cô Phạm Lệ Thủy đã tử vong sau đó mấy ngày. Đào Thị Ngừng khai trong vụ án này thị sử dụng là thuốc mê, nhưng theo kết quả giám định thì mẫu dung dịch thu được trong ca nhựa tại hiện trường và mẫu phủ tạng của bà Phạm Lệ Thủy có chứa thuốc trừ sâu Furadan.
"Rước" cướp về nhà
Ngày 24-3-2009, đi xe khách đến thành phố Long Xuyên, tỉnh An Giang, Đào Thị Ngừng thuê anh Nguyễn Văn Hiền ở phường Mỹ Hòa chạy xe ôm chở đến khu vực huyện Thoại Sơn, nhưng không tìm được nơi để gây án (anh Hiền không biết mục đích Ngừng thuê xe chở đi làm gì). Do trời tối, thấy Ngừng đeo nhiều vòng vàng, sợ nguy hiểm nên anh Hiền chở thị về nhà mẹ ruột là bà Lê Thị Ba cho thị ngủ lại. Bà Ba hỏi Ngừng nhà ở đâu, thị nói nhà ở Long An, đến An Giang đi núi, đi chùa để xin bán được đất. Sáng hôm sau, anh Hiền đi chạy xe ôm, Ngừng hỏi bà Ba có biết người phụ nữ nào tu tại gia thì chỉ cho thị đến cúng. Trưa 26-3-2009, bà Ba dẫn Ngừng đến nhà bà Võ Thị Xiêu tu tại gia ở ấp Bình Phú 2, xã Bình Hòa, huyện Châu Thành, Ngừng làm quen với bà Xiêu rồi cùng bà Xiêu, bà Ba nấu ăn và nghỉ tại nhà bà Xiêu. Khoảng 20 giờ cùng ngày, lợi dụng lúc không có người để ý, thị pha hai ly cà phê sữa đá, bỏ vào sáu viên thuốc, rồi mời bà Ba, bà Xiêu uống và khi họ bị hôn mê, bất tỉnh, Ngừng lục soát tài sản rồi tẩu thoát (thị khai cướp được của bà Xiêu 800 nghìn đồng).
Bắt "mồi" từ trên xe khách
Ngồi trên xe khách tuyến từ Mỹ Tho đi Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang ngày 26-4-2009, thấy chị Võ Thị Huệ (SN 1966, HKTT xã Tân Phước, huyện Gò Công) có đeo nhiều vòng vàng, Đào Thị Ngừng tìm cách làm quen, xin địa chỉ nhà chị. Số là chị Huệ vừa cùng chồng là anh Lê Văn Thanh và con là Lê Minh Luân (SN 2002) đi dự đám cưới về, khi đi chị có mượn vòng vàng để đeo. Không biết mục đích của Ngừng, nên vợ chồng chị Huệ không nghi ngờ, cho thị biết địa chỉ và vừa về nhà một lúc thì thấy thị được một người đi xe ôm chở tới, nói chuyện và hỏi ở gần đó có thầy cúng giỏi không để thị đến "xin lộc bán được đất". Nghe vậy, chị Huệ chở thị đến nhà "thầy Bảy" ở ấp 5, xã Tân Phước để thị "xin lộc", rồi cùng mua thịt, cá về nhà (Ngừng trả tiền để tạo sự tin tưởng). Ăn cơm tối xong, khoảng 20 giờ cùng ngày, lợi dụng lúc mọi người không để ý, Ngừng pha thuốc cùng cà phê, đưa cho anh Thanh, chị Huệ, cháu Luân và bà Trương Thị Cụt (mẹ chị Huệ) uống. Khi họ hôn mê bất tỉnh, thị cướp tài sản rồi lấy xe đạp của chị Huệ, chạy ra đường đón xe về TPHCM.
Về Long An
Ngày 27-5-2009, đến chùa Bạch Long ở xã Bình Quới, huyện Châu Thành, tỉnh Long An, Ngừng gặp ba sư cô là Trần Thị Phỉ (SN 1946), Nguyễn Thị Ba (SN 1941), Nguyễn Thị Tuyến (SN 1959). Thắp nhang cúng xong, xưng tên là Ngọc Hà, quê ở Lê Minh Xuân, huyện Bình Chánh, TPHCM, nói chuyện với bà Phỉ, bà Ba, bà Tuyền, thị kể hoàn cảnh chồng bị chết, làm ăn thất bại, không có tiền, muốn coi bói để bán được đất. Sau đó, thị lấy bánh xèo mang theo ra mời họ ăn và cho bà Phỉ 200 nghìn đồng, cho bà Ba, bà Tuyến mỗi người 100 nghìn đồng. Thị hỏi tại chùa có coi bói không, bà Phỉ nói chùa không xem bói, muốn xem thì để bà chở đi. Ngừng đồng ý và bà Phỉ lấy xe máy chở thị đi Vĩnh Long coi bói, sau đó trở về chùa Bạch Long. Ở lại chùa, khoảng 20 giờ ngày 28-5-2009, bà Ba có việc đi ra ngoài, bà Phỉ, bà Tuyến đang tụng kinh, thấy không có ai để ý, Ngừng pha thuốc vào hai ly cà phê sữa đưa cho bà Phỉ, bà Tuyến uống. Khi bà Ba về chùa, Ngừng tiếp tục làm một ly cho bà. Đợi đến khi cả ba bà bị hôn mê bất tỉnh, thị lục soát cướp tài sản rồi "mượn" xe đạp ở chùa đạp để tẩu thoát, nhưng vừa ra khỏi chùa thì bị hai gã thanh niên chặn lại đòi khám xét và dọa dẫn lên công an. Có tật giật mình, Ngừng nói họ muốn lấy tiền thì lấy, để cho thị đi. Hai gã du côn lục lấy tiền Ngừng vừa cướp được, đưa lại cho thị năm triệu đồng, nói là "chia đôi". Thoát nạn, Ngừng đón xe về TPHCM.
Mò đến tận biên giới
Tên là Ngừng, nhưng Ngừng gây án không ngừng. Chỉ mấy ngày sau vụ cướp tại chùa Bạch Long ở tỉnh Long An và bị "cướp lại" nêu trên, khoảng 16 giờ ngày 6-6-2009, Ngừng đến sát biên giới với Campuchia, vào chùa Long Hòa ở khóm Hòa Thuận, thị trấn Nhà Bàng, huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang. Làm quen với bà Võ Thị Oanh (SN 1937, pháp danh Như Minh, trụ trì chùa), bà Nguyễn Thị Tá (SN 1940, pháp danh Huệ Nhàn) và cháu ngoại bà Tá là Trần Thị Phương (SN 1997), thị tự giới thiệu là trước đây có đến cúng chùa Long Hòa hai lần cùng đoàn; lần này đoàn đi Ba Chúc nhưng đến Nhà Bàng, thị bị mệt nên xin ở lại chùa, chờ đoàn về đón. Không nhớ có việc Ngừng đến chùa cúng trước đây hay không, nhưng bà Oanh vẫn đồng ý cho thị ở lại chùa. Bà Oanh đi tụng kinh đám ma, Ngừng ở lại chùa với bà Tá và cháu Phương. Khoảng 21 giờ, bà Oanh đi tụng kinh về, kêu mệt, Ngừng liền pha thuốc vào ly cà phê sữa đưa cho bà Oanh, bà Tá, cháu Phương uống, nói là "rất tốt cho sức khỏe". Uống cà phê xong, cả bà Oanh, bà Tá và cháu Phương bị bất tỉnh và Ngừng ra tay...
Về vụ việc xảy ra sáng 29-7-2009 được làm rõ như sau: khoảng 14 giờ ngày 28-7-2009, Ngừng đến chùa Quan Âm ở khu 1B, thị trấn Cái Bè, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang. Gặp vợ chồng ông Nguyễn Văn Chơi, bà Nguyễn Thị Của ở chùa, thị đánh vào lòng trắc ẩn của họ: "Con ở Mỹ Tho đi trị bệnh, do quá giang người khác nên không có xe về, xin thầy cho ngủ nhờ qua đêm để ngày mai tiếp tục điều trị bệnh". Được ông Chơi bà Của đồng ý, thị cúng chùa rồi ngồi nói chuyện và cho ông Chơi 100 nghìn đồng. Thị cũng lấy bánh tét mang theo mời ông Chơi, bà Của, bà Nguyễn Thị Hai (SN 1959, con gái ông Chơi, bà Của) ăn và nói pha sữa mang theo mời họ uống, nhưng họ đều từ chối. Qua trò chuyện, biết hàng ngày ông Chơi, bà Của, bà Hai chỉ uống nước đun sôi trong bình thủy, khoảng lúc 19 giờ cùng ngày, lợi dụng lúc không có ai để ý, thị lén bỏ thuốc mang theo vào bình thủy, sau đó lên giường giả vờ đi ngủ cùng bà Của. Không biết điều đó, nửa đêm, bà Hai lấy nước từ bình thủy pha sữa cho ông Chơi uống, đồng thời cùng bà Của uống nước từ bình thủy. Khi thấy ông Chơi, bà Của, bà Hai đã bị bất tỉnh, Ngừng lục cướp tài sản rồi tẩu thoát.
Nhận xét về những vụ cướp Đào Thị Ngừng gây ra, lãnh đạo cơ quan điều tra cho rằng, thị thực hiện trót lọt, một phần là do sự cả tin, mất cảnh giác của chính các nạn nhân.
Theo CA TP.HCM
Cặp tình nhân gây mê cướp tài sản sa lưới Làm quen qua mạng, sau đó Chi mồi chài bạn chat cùng đi khách sạn để "mây mưa" rồi lén cho đối phương uống thuốc ngủ liều lượng cao. Khi nạn nhân hôn mê, ả lột sạch tài sản rồi tẩu thoát. Chi và Long bị bắt tại cơ quan công an. Ngày 10/6, cơ quan CSĐT Công an huyện Bình Chánh đã...