Bộ mặt méo mó của game thủ Việt
Mặc dù có người này người khác, nhưng đa phần người chơi game nước nhà đều sở hữu những tính cách “ không giống ai”.
Chúng ta đều biết rằng mặc dù thị trường game online Việt Nam đã trải qua gần chục năm phát triển nhưng vẫn “lẹt đẹt” giậm chân tại chỗ, thậm chí còn không giống ai khi phát triển… ngược (các quốc gia khác đang đi từ game 2D lên 3D, trong khi Việt Nam quay lại với webgame). Tình trạng hack, bot, xấu chơi lan cả ra các server nước ngoài có người Việt khiến họ bị tẩy chay không ít.
Nghe qua có vẻ lạ lùng, nhưng với tính cách của đa phần game thủ nội địa thì chẳng có gì khó hiểu. Hãy cùng thống kê một số tính chất đặc trưng của dân cày nước nhà thời gian qua, nó có thể không đúng với một số cá nhân, nhưng phản ánh đúng thực tế cộng đồng.
1. Ham rẻ và dễ bị dụ móc tiền
Đây là đặc điểm đầu tiên dễ nhận thấy nhất. Không phải ngẫu nhiên mà hiện tại trên thị trường MMO Việt Nam hiếm có trò chơi nào thu phí giờ chơi mà đều phải áp dụng hình thức F2P, đơn giản vì game thủ Việt (và sâu xa hơn là người Việt) rất thích những gì mà họ không phải bỏ tiền vẫn có được, bất chấp việc nó có chất lượng ra sao và có bị “núp bóng” giá rẻ để câu tiền sau này hay không.
Đơn cử như hồi đầu năm ngoái khi có tin đồn Aion về nước, nhiều người cho rằng mức phí… 30.000 VNĐ/tháng là hợp lý, trong khi rõ ràng chừng đó là không đủ đối với một tựa game đắt đỏ và chất lượng cao như thế. Hoặc như khi “đại gia” thâu tóm nhiều game trên thị trường như Kiếm Thế,MU, TLBB thì nhiều ý kiến phản đối, nhưng khi NPH đề xuất chuyển sang tính phí giờ chơi thì tất cả… im re.
Trường hợp của 7554 cũng thế, khi NSX đưa ra giá bản 399.000 VNĐ thì hầu hết đều “giãy nảy” lên cho rằng giá đó là quá đắt với sinh viên, học sinh. Thế nhưng không khó để tìm thấy những cậu sinh viên sẵn sàng nhịn ăn nhịn mặc để hàng ngày mang tiền “cống” cho các vòng quay may mắn để lấy vài khẩu súng sơn phết lòe loẹt, vô giá trị hoặc những nhân vật hở hang. Nếu tính ra mỗi lần họ chỉ mất vài nghìn cho tới vài chục nghìn, nhưng nếu tính gộp cả tháng lại thì còn tốn hơn cả một tựa game bản quyền thuần Việt.
2. Có mới nới cũ
Video đang HOT
Đây không phải là tính cách cố hữu của giới trẻ nước nhà, nhưng chính cách mua game và khai tử game hàng loạt của các NPH đã tạo nên tâm lý không muốn gắn bó lâu dài với bất cứ MMO nào và sẵn sàng bỏ sang game mới dù chưa chắc nó đã hay hơn. Điều này thể hiện rõ khi tuổi thọ các game online trong nước giảm thê thảm (chỉ còn khoảng 6 tháng đến 1 năm, thậm chí có game vừa ra 1, 2 tháng đã bị bỏ hoang phế).
Nói đi cũng phải nói lại, chính vì chất lượng game mua về quá thấp nên dù có muốn gắn bó thì người chơi Việt cũng không nuốt nổi, họ tìm tới game mới với hy vọng tìm thấy căn nhà lâu dài cho mình. Trớ trêu thay, với một loạt những webgame na ná nhau mua từ Trung Quốc thì có tìm đỏ mắt cũng không thể thấy cái nào hấp dẫn.
Tính cách “có mới nới cũ” cũng thể hiện qua việc các server cũ thường vắng tanh trong khi server mới thì đông nghịt vì những chiêu bài khuyến mãi, những event kiểu nạp thẻ được đồ của NPH. Có game cứ… 1 tháng lại mở máy chủ mới một lần, và game thủ thì cứ dồn đống sang đó.
3. Không đau vì quá đau
Câu nói có phần hài hước, châm biếm trên hóa ra lại rất đúng với dân cày Việt Nam. Sau gần chục năm phải vất vả với cảnh hack, lag, chất lượng phục vụ kém thì tính “tranh đấu” trong họ bị mài mòn dần, đến nỗi sẵn lòng thỏa mãn với những bất công khó chấp nhận được.
Đơn cử như với Đột Kích, game đã bị hack đến nỗi vào room có 5 người thì 4 kẻ gian lận, người độn thổ, người hack xuyên tường… thế nhưng nó vẫn rất… đắt hàng. Hiện tại nếu có ai đó nhắc đến nạn hack với gamer thì có lẽ sẽ chỉ nhận câu trả lời: “Biết rồi, khổ lắm, nói mãi”.
Âu “đức tính” xuề xòa như trên cũng vì nạn độc quyền thống trị làng game nước nhà, một số thể loại vì không có sản phẩm cạnh tranh nên dù không muốn nhưng người chơi vẫn phải chấp nhận sống chung với lũ.
4. Ích kỷ
Không phải ngẫu nhiên mà nhiều game thủ Việt khi ra chơi tại server nước ngoài cảm thấy cực kỳ xúc động mỗi khi được một người lạ mặt buff máu hộ, chỉ dẫn cách chơi hộ mà không hề đòi hỏi gì. Điều này là rất bình thường với làng game thế giới nhưng lại quá xa xỉ đối với cộng đồng tín đồ ảo nước nhà.
Suy nghĩ “mạnh ai nấy sống” đã ăn sâu vào game thủ Việt đến nỗi họ tranh giành nhau cả những bãi train, sẵn sàng “sà” vào ăn hôi một con boss mà không đếm xỉa gì tới công sức của người khác. Nhân vật với cấp độ thấp luôn bị đối xử ác nghiệt, thậm chí có trường hợp bang chủ của một bang hội mà còn cuỗm tiền của cả bang rồi chạy mất.
Chính vì tính cách trên nên gamer ngoại rất ngại ngùng khi thấy một người Việt xin vào guild, họ sợ cái tâm lý chỉ nghỉ đến mình, mà điển hình là chuyện thả phanh chat, spam trên kênh chat bằng tiếng Việt mà chẳng cần nghĩ gì tới người xung quanh.
5. Thủ đoạn
Có lẽ hiếm game thủ nước nào thủ đoạn bằng game thủ Việt Nam, điều này thể hiện qua việc sẵn sàng sử dụng các chiêu bài gian lận để hơn người khác. Thậm chí nhiều cá nhân phải thốt lên rằng ngay cả chơi tại các server Trung Quốc thì họ vẫn còn chơi sạch hơn Việt Nam, đặc biệt là nạn hack, cheat, quitter.
Những mánh lừa lọc để cướp tài khoản, cuỗm tiền cũng phát triển với đủ các hình thức từ tinh vi đến ngô nghê. Làn sóng này lan ra cộng đồng người chơi Việt tại server ngoại khiến họ bị cách ly như hủi, không gamer quốc gia láng giềng nào (như Singapore, Malaysia, Thái Lan) có thiện cảm, họ thường xuyên đòi tẩy chay.
Còn bạn, theo bạn game thủ Việt còn tính cách nào điển hình nữa không?
Theo Game Thủ
Những khuôn mặt biến dạng vì đấm bốc
Sau những cú đấm nhanh và mạnh của đối thủ, khuôn mặt của các võ sĩ trở nên méo mó, răng môi lẫn lộn hay bị lệch hẳn sang một bên.
Theo Bưu Điện Việt Nam
Tam Giới Online ra mắt ... không giống ai Một kiểu "chào sân" mới lạ và cũng không kém phần kỳ quặc của game mới mang tên Tam Giới Online trước cộng đồng game thủ Việt. Sự xuất hiện bất ngờ của một website lạ http://3g4u.us trong ngày 28/09/2011 cùng thông điệp: "Miễn phí thuê bao, Không cước dịch vụ, Không thiết bị đầu cuối và Phủ sóng toàn quốc" đã tạo...