Bố mất, mẹ biệt tích, 3 chị em mồ côi mong được nâng bước đến trường
Tuần nào cũng vậy, cứ mỗi chiều thứ Sáu, các thầy cô lại chia khẩu phần cho ba chị em mang về nhà, nào gạo, nào mì tôm, cháo gói, bánh mì, sữa, thịt hộp…
Bố mất, mẹ biệt tích, bỏ lại ba chị em mồ côi
Một buổi chiều muộn thứ Sáu, giữa làn sương lạnh của ngày Đông, chúng tôi bắt gặp hình ảnh ba đứa trẻ người Mông, vai khoác ba lô, tay ôm lỉnh kỉnh những túi đồ ăn, đi dọc theo con đường nhỏ ở Tả Ngài Chồ (huyện Mường Khương, Lào Cai).
Cô bé cao nhất đi sau cùng, là chị cả trong gia đình, tên Ma Thị Nhanh (học sinh lớp 7B, Trường Trung học cơ sở Tả Ngài Chồ), đang khệ nệ ôm một bao gạo nhỏ. Phía trước, hai đứa trẻ một trai, một gái cũng đang cùng nhau xách một túi nilong đựng cháo gói, mì tôm…
Cậu em trai thứ hai, tên Ma Seo Sảo (học sinh lớp 6A, Trường Trung học cơ sở Tả Ngài Chồ) với vóc dáng chỉ nhỉnh hơn trẻ lớp 1 đôi chút và cô em út Ma Thị Dung (học sinh lớp 4, Trường Tiểu học Tả Ngài Chồ) cũng có điểm chung ở vóc dáng nhỏ bé.
Hai chị em Ma Thị Nhanh và Ma Seo Sảo khệ nệ mang đồ ăn cuối tuần về nhà. (Ảnh: Ngân Chi).
Nhắc đến gia cảnh của ba chị em cô bé Nhanh, chẳng những, cả vùng không ai không biết, mà còn rất thương cảm.
Trao đổi với phóng viên, ông Thào Seo Phử (Phó Chủ tịch xã Tả Ngài Chồ) cho biết: “ Hoàn cảnh gia đình của ba đứa trẻ thực sự rất đáng thương! Bố thì mất từ sớm, sau đó, mẹ lại bỏ trốn sang bên kia biên giới làm ăn. Hồi đầu cũng có về thăm nhà một hai lần, nhưng sau rồi biệt tích. Người ta đồn, mẹ bọn trẻ đã lấy chồng khác, đã có gia đình mới ở bên kia biên giới.
Vậy là cuối cùng, người mẹ ấy đành nhẫn tâm bỏ lại ba đứa con thơ cho một tay bà nội già yếu chăm sóc. Bà nội của mấy đứa nhỏ cũng nghèo, nguồn thu nhập chủ yếu chỉ trông vào mấy nương ngô, nhưng sức khỏe của bà cũng dần kém đi, không cáng đáng nổi. Cũng có lúc, ngô đến mùa thu hoạch, mấy bà cháu không đủ sức, xã lại huy động bà con nhân dân và cán bộ đến hỗ trợ”.
Vốn là chị cả, nên cô bé Ma Thị Nhanh cũng có vẻ tháo vát, nhanh nhẹn hơn hẳn so với các em của mình.
Theo cô Trần Thu Hằng (Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Tả Ngài Chồ), từ ngày bố mất, mẹ bỏ đi, bà nội cũng dần già yếu, trách nhiệm chăm sóc cho các em dường như bỗng nặng trĩu trên đôi vai một đứa trẻ.
Trò chuyện với Nhanh, thoạt đầu, cô bé còn khá bẽn lẽn khi tiếp xúc với người lạ. Chúng tôi phải hỏi han mãi, cô bé mới chịu mở lời: “Hồi em học lớp 2, sau khi bố mất, mẹ nói với chúng em là mẹ đi làm thuê, kiếm tiền về trang trải và lo cho chúng em cuộc sống tốt. Cũng có mấy lần mẹ về thăm vài ngày, nhưng rồi, kể từ hồi em lên lớp 3, đã không thấy mẹ trở về nữa. Trước khi đi, mẹ cũng chẳng ôm chúng em lấy một cái, chỉ dặn: “Ở nhà không được đi đâu”.
Video đang HOT
Lúc mẹ đi, em út khóc rất nhiều. Em phải tìm đủ cách để dỗ dành, cho em không khóc nữa. Đến bữa, em lại bón cơm cho em út mới chịu ăn… Hồi đầu, bà đi làm đến tối mới về, nên đã chuẩn bị sẵn đồ ăn rồi mới đi. Rồi dần dần, em bắt đầu biết làm việc nhà giúp bà, nhìn bà nấu cơm để học theo, lúc em khóc thì cõng em đi quanh quanh để dỗ dành.
Cũng từng có lúc, cả ba chị em nhớ mẹ, cũng khóc như mưa, bà thấy vậy thì vội vàng lấy kẹo ra dỗ. Bà nội nói với em: “Mẹ không về nữa rồi, thì ở với bà, bà nuôi”. Sau đó, em không muốn hỏi bà thêm điều gì về mẹ nữa. Thỉnh thoảng, hai bà cháu chỉ tâm sự với nhau về những chuyện trường, hay những chuyện ở làng, ở bản. Nhìn thấy các em khóc, em cố nuốt nước mắt để dỗ em.
Cô Trần Thu Hằng (Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Tả Ngài Chồ) chia sẻ về câu chuyện của ba đứa trẻ mồ côi. (Ảnh: Ngân Chi).
Cô Hiệu trưởng Trần Thu Hằng ngồi kế bên cũng không khỏi xúc động: “Người lớn bỏ đi, chỉ khổ cho mấy đứa nhỏ. Như cô bé Nhanh này, mới tí tuổi đầu đã phải chăm em, đỡ bà làm việc nhà. Đến dịp nào được nghỉ, cô bé lại về nhà phụ bà đi trồng ngô, để gia đình có cái ăn, cái mặc. Suốt mấy năm trời, mấy đứa nhỏ cũng dần nguôi ngoai nỗi nhớ mẹ.
Thỉnh thoảng, tôi cũng hỏi han và tâm sự với các em. Thương nhất là khi tôi hỏi: “Các em có nhớ mẹ nhiều không?”, thì câu trả lời của những đôi mắt buồn ngây thơ lại là: “Mẹ đi lâu quá, trong nhà cũng chẳng có bức ảnh nào của mẹ, chúng em đã không còn nhớ nổi mặt mẹ ra sao nữa…”. Nghe đến đó, mà cổ họng tôi tự nhiên cũng nghẹn đắng lại”.
Nâng bước đến trường, mở tương lai sáng
Nói thêm về gia cảnh hiện tại của ba chị em cô bé Ma Thị Nhanh, Chủ tịch xã Tả Ngài Chồ cho biết: “Bà nội của mấy đứa nhỏ vốn cũng đông con, nên mỗi lúc lại đến sống với một người con. Mấy năm gần đây, bà đưa theo ba đứa nhỏ đến sống ở nhà người con gái, ở gần trường học để tiện chuyện đi học của các cháu. Lâu lâu, mấy bà cháu lại đến thăm nhà người con trai ở trong làng. Bên cạnh đó, bà nội cũng đã bán ngôi nhà nhỏ mà trước kia mấy bà cháu cùng nương tựa, nên mấy đứa nhỏ cũng chỉ có thể nay ở đây, mai ở đó”.
Cô giáo Trần Thu Hằng thông tin thêm: “Nhanh là một học sinh ngoan, sức học khá tốt và cũng ấp ủ những ước mơ với tương lai sáng. Tuy nhiên, nhiều lúc, cô bé còn thiếu tự tin và khá rụt rè. Chúng tôi rất mong, cả ba chị em có điều kiện để phát triển, có cơ hội tìm được tương lai của mình.
Bước đầu, trong thời gian qua, chúng tôi tổ chức cho các em ăn bán trú tại trường. Đồng thời, nhà trường cũng kêu gọi từ một số nhà hảo tâm để hỗ trợ thêm cho bữa ăn vào cuối tuần. Tuần nào cũng vậy, cứ mỗi chiều thứ Sáu, chúng tôi lại chia khẩu phần cho ba chị em mang về nhà, nào gạo, nào mì tôm, cháo gói, bánh mì, sữa, thịt hộp…”.
Sau những phút rụt rè, cô bé Ma Thị Nhanh cũng mạnh dạn hơn và chủ động bày tỏ: “Em thích đi học lắm! Từ lúc học ở trường, chúng em luôn được các thầy cô quan tâm, tận tình chỉ bảo, chúng em học được biết bao điều hay. Đặc biệt, bữa nào cũng được ăn no. Đúng là đi học thích hơn ở nhà. Mấy chị em em đều muốn được đi học, không muốn phải nghỉ học đâu”.
Cô học sinh lớp 7 vốn yêu thích và có năng khiếu về môn Ngữ văn, rất muốn được trau dồi thêm mỗi ngày và có điều kiện để có thể biết thêm nhiều điều bổ ích hơn mỗi ngày, song, với cả cô bé và hai đứa em, dù rất hiếu học, nhưng con đường học tập phía trước hẳn cũng không mấy dễ dàng.
Chương trình “Nâng bước em đến trường” hỗ trợ cho các hoàn cảnh học sinh khó khăn. (Ảnh: Ngân Chi).
“Hiện tại, chúng tôi vẫn đang duy trì được việc hỗ trợ cho ba chị em ấy cùng một số học sinh có hoàn cảnh khó khăn khác, các chú bộ đội ở đồn biên phòng cũng giúp đỡ rất nhiều thông qua chương trình Nâng bước em đến trường. Tuy nhiên, không biết sẽ hỗ trợ các em được đến khi nào, bởi lẽ, trên địa bàn xã, cũng có rất nhiều hoàn cảnh khó khăn khác cần được giúp đỡ, nên nếu có một ngày, những đứa trẻ ấy lại trở về cuộc sống “bữa đói bữa no” thì quả thực rất đáng thương!
Cả ba chị em đều “bé như cái kẹo”, bị suy dinh dưỡng, đặc biệt là cậu em trai Ma Seo Sảo, đứng “lọt thỏm” giữa các bạn cùng lớp. Vì vậy, chúng tôi hy vọng, sẽ không để các em phải đói thêm một bữa nào nữa, để có thể đảm bảo sức khỏe mà lớn khôn và vươn tới điều mà các em mơ ước”, nữ Hiệu trưởng bộc bạch.
Em thích Tết lắm! Vì được ăn món ngon, được mặc quần áo mới
“Em thích ngày Tết lắm! Vì Tết đến, ba chị em em lại được mặc quần áo mới do thầy cô và các cô chú tặng, lại được ăn những món ngon và được ở bên bà nhiều hơn. Nhưng mà em cũng có lúc buồn, vì khi nghe người ta nói, Tết là lúc gia đình đoàn viên, là lúc quây quân bên bố mẹ… thì em lại có những cảm xúc khó tả. Tuy vậy, nỗi buồn ấy cũng chỉ vụt qua nhanh thôi, vì em là chị cả, em tự nhủ, mình phải “làm gương”, phải luôn mạnh mẽ để làm chỗ dựa cho các em và sau này làm “điểm tựa” cho bà nội. Em cũng mong, chúng em vẫn sẽ được đón thêm nhiều những cái Tết ấm áp như mấy năm qua”, nữ sinh lớp 7 Ma Thị Nhanh khẽ nở một nụ cười.
Độc đáo tục thay bàn thờ mới của người Mông
Cũng như các dân tộc khác, đồng bào Mông ở các xã vùng cao của Tây Bắc có nhiều phong tục, tập quán mang đậm bản sắc dân tộc riêng.
Một trong những phong tục có ý nghĩa quan trọng nhất trong năm mới của đồng bào Mông là tục thay bàn thờ vào ngày mùng 1 Tết.
Việc quan trọng nhất sáng mùng 1 Tết
Hàng năm, khi tết đến, xuân về, đêm 30 Tết, nhà nào, nhà nấy ở các bản người Mông đều tự làm thủ tục gọi hồn đón năm mới; quét dọn nhà cửa, bụi bẩn trong nhà để xua đuổi tà khí, những điều không may mắn của năm cũ, đón chào năm mới với mong muốn gia đình hạnh phúc, an lành. Cùng với đó, nhà nhà làm một mâm cơm thờ cúng tổ tiên, tưởng nhớ và cảm tạ sau một năm lao động vất vả.
Nếu như ngày xưa đồng bào Mông tổ chức họp bản để cùng nhau thống nhất ăn tết đúng vào đêm 30 Tết, thì nay, cùng với sự phát triển của văn hóa, đời sống xã hội, nhiều hộ đã không còn ăn tết tập trung như trước đây, có nhà tổ chức đêm giao thừa đón tết từ 25 âm lịch tháng Chạp. Tuy nhiên, các thủ tục, lễ cúng tổ tiên, gọi hồn, thay bàn thờ mới vẫn không thay đổi.
Sáng sớm ngày mùng 1 Tết, công việc đầu tiên của các hộ gia đình không chỉ thức dậy thật sớm để đón những giọt nước tinh khôi, cho các con vật nuôi trong gia đình ăn..., mà việc quan trọng nhất dành cho gia chủ là thay bàn thờ. Đối với đồng bào Mông, đây là một ngày có ý nghĩa hết sức quan trọng trong năm và của cả gia đình.
Khi cắt tiết con gà trống xong, gia chủ nhổ lấy lông ở cổ để dán lên tờ giấy trắng sẽ dán lên bàn thờ. Ảnh: Mùa Xuân
Khi có bàn thờ trong nhà người Mông, gia đình không được vắng nhà lâu ngày, phải luôn đảm bảo ngôi nhà ấm áp, có lửa giữ cho ngôi nhà luôn ấm cúng.
Để làm được lễ thay bàn thờ mới, gia chủ (người đàn ông cũng là trụ cột trong gia đình) sẽ phải chặt lại một đoạn tre mới dài hơn 1m và cắt một mảnh giấy mới hình chữ nhật để thay thế giấy cũ.
Cùng với đó, gia chủ chọn một con gà trống to lông màu đỏ hoặc lông màu trắng đẹp (tùy thuộc vào từng dòng họ sẽ dùng gà lông trắng hay đỏ), rồi cắt tiết, nhổ lông ở cổ dán lên mảnh giấy trắng. Gà luộc chín sẽ đặt vào đĩa làm lễ cúng mời ông bà, tổ tiên; đốt giấy cũ và đặt giấy mới lên bức tường gỗ, đặt thanh tre ở dưới chân tường, thắp nén hương cắm vào bàn thờ.
Khi tôi hỏi "tại sao phải chọn gà lông đỏ hoặc gà lông trắng?", ông Và Sếnh Súa - già làng, người có uy tín của bản Co Mạ (xã Co Mạ, huyện Thuận Châu, Sơn La), cho biết: Đối với dòng họ Và thì khi thay bàn thờ chỉ được lấy con gà lông đỏ và lông trắng, còn những con gà có lông màu khác sẽ kiêng không được dùng. Lý do bởi, gà lông màu đen hay màu khác thường được dùng để mổ cúng cho những người đã khuất; gà lông đỏ và trắng lại tượng trưng cho những người còn sống tích cực tăng gia lao động sản xuất, kiếm được nhiều lộc cho năm mới.
Còn anh Thào Mạnh Khứ ở bản Co Nhừ, xã Long Hẹ (Thuận Châu, Sơn La), thì bảo: Đối với dòng họ Thào, sang năm mới gia đình tôi cũng thay thế lại bàn thờ mới và chỉ dùng duy nhất gà trống to lông màu đỏ, kiêng dùng các loại gà lông màu khác.
Bàn thờ của đồng bào Mông ở xã vùng cao Co Mạ, huyện Thuận Châu (Sơn La) sau khi thay mới. Ảnh: Mùa Xuân
Theo quan niệm của người Mông, con gà trống được chọn là con gà trống to, hơn 1 năm tuổi trở lên, gáy vang. Sở dĩ con gà trống được lựa chọn, vì ngày xửa ngày xưa khi chưa có điện, không có điện thoại, đồng hồ, người Mông xem tiếng gà trống vang lên đến hồi thứ 3 vào mỗi sáng như sự báo thức để dậy chuẩn bị bữa cơm sáng và đi lên làm nương, làm rẫy.
Cũng chính bởi vậy mà con gà trống luôn có ý nghĩa rất quan trọng trong tục cúng lễ của đồng bào Mông.
Thiêng liêng lễ lập bàn thờ mới
Ngoài ngày mùng 1 Tết trong năm, việc làm bàn thờ mới còn được tiến hành khi những hộ gia đình xây dựng nhà mới và đặc biệt là đối với giới trẻ khi lập gia đình và tách ra ở riêng.
Khi tách ra ở riêng, nếu cặp vợ chồng trẻ không lập bàn thờ thì sẽ chung bàn thờ với bố mẹ. Nếu gia chủ đủ can đảm, tự tin để trở thành một hộ gia đình thực thụ sẽ làm bàn thờ mới. Làm mới hay thay bàn thờ sẽ do người đàn ông trụ cột trong gia đình đảm nhận.
Anh Và A Ly (bản Co Mạ, xã Co Mạ), bảo: "Năm nay, tôi thay bàn thờ mới. Do chưa hiểu hết về thủ tục thay bàn thờ, nên tôi phải nhờ bác lên làm thủ tục để thay mới. Tôi cầu mong thần linh che chở, phù hộ cho gia đình có cuộc sống ấm no, hạnh phúc".
Khi có bàn thờ trong nhà người Mông, gia đình không được vắng nhà lâu ngày, phải luôn đảm bảo ngôi nhà ấm áp, có lửa giữ cho ngôi nhà luôn ấm cúng. Theo những người già làng ở các bản vùng cao, bàn thờ (tiếng Mông gọi là tu sử cá) tượng trưng cho thần linh ở trên trời, trên mặt trăng, mặt trời, được người Mông dựng lên từ bao đời nay để bảo vệ gia đình, con cháu khỏi ốm đau, bệnh tật, mùa màng bội thu.
Việc thay bàn thờ mới trong ngày mùng 1 Tết mang ý nghĩa vô cùng thiêng liêng, trang trọng với đồng bào Mông và đã được gìn giữ, phát huy từ thế hệ này sang thế hệ khác.
Hơn 100 tỉ đồng dành cho trẻ em mồ côi, khó khăn Tối 9-1, Chương trình "Mùa xuân cho em" lần thứ 15 đã nhận được hơn 100 tỉ đồng ủng hộ, đóng góp của các cơ quan, tổ chức, cá nhân để chăm lo cho trẻ em mồ côi, có hoàn cảnh khó khăn trên khắp cả nước. Phó chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân ghi nhận và biểu dương các tấm lòng...