Bỏ làng vì sạt lở
Vào mùa bão lũ, người dân trên nhiều địa bàn trong tỉnh Quảng Trị lại phải sống trong bao nỗi lo, bởi nạn sạt lở các dòng sông lớn.
Xã Triệu Độ (H.Triệu Phong, Quảng Trị) nằm bên bờ sông Thạch Hãn, 15 năm nay người dân khốn đốn bởi nạn sạt lở bờ sông diễn ra khốc liệt. Đặc biệt tại thôn Trung Yên, diện tích đất sản xuất đã bị “teo” lại từ 15 ha xuống còn 8 ha làm người nông dân không khỏi ứa nước mắt.
Sạt lở bờ sông đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống người dân thôn Trung Yên (xã Triệu Độ, H.Triệu Phong, Quảng Trị) – Ảnh: Nguyễn Phúc
Theo ông Lê Đa Sơn, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi và Phòng chống lụt bão tỉnh Quảng Trị, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng sạt lở tại các dòng sông lớn. Trong đó các nguyên nhân khách quan chính là do địa hình Quảng Trị hẹp chiều Đông Tây, sông suối ngắn dốc, hệ số uốn cong của các sông lớn và trong những năm gần đây do biến đổi khí hậu, xuất hiện những trận mưa lớn, nước lên nhanh và đổ về xuôi với tốc độ mạnh, cuốn phăng những mảng đất ven sông. Ngoài ra, nguyên nhân chủ quan là do phía thượng lưu các dòng sông tình trạng khai thác vàng, sa khoáng diễn ra khá ồ ạt trong khi phía hạ lưu thì lại có “sa tặc” quần đảo ngày đêm để khai thác cát sỏi làm biến đổi dòng chảy…
Video đang HOT
Theo ông Nguyễn Văn Huân, Thôn phó thôn Trung Yên thì ngay tại khoảnh đất của ông cách đây mấy năm còn xa bờ sông cả trăm mét thì nay chỉ cách… 3 m. “Tốc độ sạt lở rất kinh hoàng. Đất đai, cây cối đều trôi hết, đã có 15 hộ đã phải di dời và hiện còn hơn chục hộ nữa chỉ còn cách các hàm ếch chừng dăm mét cần được di chuyển khẩn cấp nhưng hiện xã chưa bố trí được” – ông Huân nói. Ông Đinh Cao Cả, cán bộ địa chính UBND xã Triệu Độ cho hay tại các thôn An Lợi, An Dạ, Gia Độ của xã cũng bị ảnh hưởng bởi sạt lở nhưng diễn ra chậm hơn ở Trung Yên. “Hiện nay, quỹ đất của xã không còn nhiều, chúng tôi chỉ có thể tiếp tục rà soát lại để xem xét bố trí cho những hộ thật sự nguy cấp do sạt lở đe dọa trực tiếp” – ông Cả nói.
Tại xã Hải Chánh (H.Hải Lăng), nơi có hệ thống sông Ô Lâu chảy qua, tổng chiều dài bờ sông bị sạt lở là hơn 5 km, tập trung ở thôn Mỹ Chánh, Hội Kỳ, Xuân Lộc, Tân Lương… ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của gần 500 hộ dân. Đặc biệt tại làng cổ Hội Kỳ, sạt lở còn gây nên nguy cơ làm sập luôn hàng chục ngôi nhà rường cổ quý giá của tỉnh Quảng Trị.
Ông Hoàng Hữu Sử, Phó chủ tịch UBND xã Hải Chánh cho biết, trước mắt xã chỉ có thể yêu cầu người dân tập kết của cải, vật nuôi cũng như di dời nhà đi chỗ khác còn việc khắc phục tận gốc thì xã không có đủ kinh phí và nhờ cấp trên xem xét… Tại xã Hải Lệ (TX.Quảng Trị), nạn sạt lở sông Thạch Hãn gần như “xóa sổ” ngôi làng Tân Mỹ 300 năm tuổi khi “ăn” vào bờ hơn 300 m, làm 96 hộ phải bỏ làng mà đi… Chưa hết, chừng 250 hộ dân của các thôn Hải Chữ, Xuân Mỵ, Bách Lộc (xã Trung Hải, H.Gio Linh) cũng vô cùng lo lắng vì nạn sạt lở bờ sông Bến Hải. Có một điều trùng khớp là những địa phương bị sạt lở nặng cũng là nơi “sa tặc” lộng hành, khiến dòng chảy của các con sông bị biến đổi. Nhiều người dân cho rằng nạn sạt lở sẽ tiếp tục nếu như vẫn còn những tàu thuyền gầm rú suốt đêm ngày trên sông.
Độ an toàn của các công trình thủy lợi
Một nỗi lo khác của người dân Quảng Trị khi mùa lũ sắp về chính là độ an toàn của các công trình thủy lợi. Toàn tỉnh có 13 công trình thủy lợi lớn, trong đó có một số xây dựng từ 15-20 năm, đang xuống cấp nghiêm trọng. Đặc biệt tại hệ thống cống đập Việt Yên (H.Triệu Phong), công trình ngăn dòng Vĩnh Định với nhiệm vụ ngăn mặn giữ ngọt cho hơn 4.000 ha lúa, rau màu, hàng ngàn ha nuôi trồng thủy sản ở bắc H.Triệu Phong và đông H.Hải Lăng, hiện đã bị hư hỏng trầm trọng. Từ tháng 5.2010, Thanh Niên đã phản ánh về công trình này, vào thời điểm đó lãnh đạo Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Trị cho biết đã có phương án khắc phục nhưng bây giờ vẫn tiếp tục chờ.
Theo TNO
Bão qua, nông dân "được mùa" củi
Ngay sau khi cơn bão số 7 suy yếu, hàng chục người dân thuộc huyện Lệ Thủy, Quảng Ninh (Quảng Bình) đã đổ xô ra sông suối vớt những thân cây bị nước lũ cuốn từ đầu nguồn về sử dụng.
Những ngày qua Quảng Bình xuất hiện mưa to, lượng nước từ thượng ngồn đổ về rất lớn khiến cho mực nước trên các sông dâng cao. Cứ sau mỗi mùa mưa bão, khắp các sông, suối tràn ngập rác thải, đồng thời xuất hiện rất nhiều thân gỗ khô mục, cành cây... Tận dụng cơ hội này, nhiều người dân đã đổ xô ra ven sông, khe suối để lấy củi về sử dụng.
Trên QL 1A, đoạn qua thôn Lương Yến, xã Lương Ninh (huyện Quảng Ninh) chúng tôi chứng kiến có hàng chục người dân đổ ra ven sông Nhật Lệ để vớt củi. Nhiều người dân sử dụng cả xe đạp, xe máy, xe kéo để đưa củi về nhà.
Dọc quốc lộ 1A, củi được người dân chất thành đống để chờ vận chuyển. Trong số đó có nhiều thân gỗ to có đường kính từ 20 - 30 cm, có cây to hơn có đường kính 40 cm.
Tương tự, nhiều người dân sống tại tiểu khu 2, thị trấn Quán Hàu sử dụng cả thuyền, ghe để vớt củi. Một người dân tại thôn Lương Yến cho biết, cứ sau mỗi mùa mưa, củi từ thượng ngồn theo các sông đổ về rất nhiều, bà con tranh thủ ra vớt về sử dụng. Có người trong một ngày vớt và đưa về nhà được gần một tấn củi khô, có khi nguyên cả thân cây trôi từ thượng nguồn về.
Mấy mùa trước, có người dân còn vớt được những thân gỗ lớn đã được xẻ thành phách trôi về, do lâm tặc phá rừng đầu nguồn lấy gỗ nhưng chưa kịp chuyển đi. Chuyện này đã thành thông lệ sau mỗi mùa mưa lũ nên bà con bất chấp cả hiểm nguy đổ xô đi vớt củi, gỗ.
Theo Dantri
Giải mã "ẩn số" amip "ăn não người" Hai trường hợp tử vong do amip "ăn não người" mới được phát hiện tại Việt Nam gần đây cho thấy, loại amip này đã tồn tại trong môi trường nước ở nước ta từ lâu và có thể trước kia đã có những ca tử vong do amip này nhưng chúng ta chẩn đoán sót, chưa ghi nhận. Đó là ý kiến...