Bỏ hạn ngạch xuất khẩu gạo từ 1/5, sẵn sàng đón sóng thị trường
Bộ Công Thương vừa có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ về phương án điều hành xuất khẩu gạo tháng 5/2020 và thời gian tới. Theo đó, Bộ này kiến nghị Thủ tướng cho phép hoạt động xuất khẩu gạo được trở lại bình thường kể từ 1/5/2020.
Trong văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ về phương án điều hành xuất khẩu gạo tháng 5/2020 và thời gian tới, Bộ Công Thương nêu rõ, căn cứ bối cảnh trong nước và ngoài nước, Bộ Công Thương đã kiến nghị cho phép hoạt động xuất khẩu gạo được trở lại bình thường kể từ 1/5, tiếp tục thực hiện theo quy định tại Nghị định số 107/2018/NĐ-CP ngày 15 tháng 8 năm 2018 của Chính phủ về kinh doanh xuất khẩu gạo.
Cũng kể từ thời điểm này, theo đề xuất của Bộ Công Thương, sẽ dừng cơ chế điều hành xuất khẩu gạo quy định tại văn bản số 2827/VPCP-KTTH ngày 10/4/2020 của Văn phòng Chính phủ.
Bộ Công Thương đề xuất bỏ hạn ngạch xuất khẩu gạo từ 1/5. Ảnh: NLĐ.
Sở dĩ Bộ Công Thương đưa ra phương án điều hành này là dựa trên mục tiêu giãn tiến độ xuất khẩu gạo để bảo đảm an ninh lương thực quốc gia trong thời điểm khó khăn nhất đã đạt được.
Bên cạnh việc đề xuất cho phép xuất khẩu gạo bình thường, để duy trì, đảm bảo an ninh lương thực trong trạng thái bình thường mới hiện nay, Bộ Công Thương đã kiến nghị Thủ tướng cho tiếp tục thực hiện một số biện pháp hỗ trợ.
Cụ thể, tiếp tục thực hiện nghiêm việc chỉ xuất khẩu gạo qua cửa khẩu quốc tế (đường bộ, đường sắt, đường biển, đường thủy, đường hàng không). Ban chỉ đạo 389 Quốc gia, Bộ Tài chính chỉ đạo lực lượng Hải quan, Bộ Quốc phòng chỉ đạo lực lượng Biên phòng, Bộ Công an chỉ đạo lực lượng công an, Bộ Công Thương chỉ đạo lực lượng Quản lý thị trường tăng cường kiểm tra, giám sát chặt chẽ để phòng ngừa, xử lý nghiêm hành vi buôn lậu gạo qua biên giới.
Bộ Công Thương sẽ tiếp tục đôn đốc các thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo nghiêm túc tuân thủ quy định tại Điều 12 của Nghị định số 107 về việc thường xuyên duy trì mức dự trữ lưu thông tối thiểu tương đương 5% số lượng gạo mà thương nhân đã xuất khẩu trong 6 tháng trước đó và cam kết sẽ cung cấp ngay ra thị trường trong nước nếu được Chính phủ yêu cầu.
Bộ Công Thương cũng đề nghị 20 thương nhân xuất khẩu gạo lớn nhất ký thỏa thuận với ít nhất là 1 hệ thống siêu thị về việc bảo đảm cung cấp lượng dự trữ lưu thông 5% khi được yêu cầu.
Video đang HOT
“Trường hợp thương nhân không thực hiện việc duy trì mức dự trữ lưu thông theo quy định, hoặc không thực hiện cam kết theo thỏa thuận đã ký, hoặc khai báo không trung thực, đã được nhắc nhở nhưng không khắc phục, cho phép Bộ Công Thương thu hồi Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo đã cấp cho thương nhân đó”, Bộ Công Thương kiến nghị.
Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cũng cần có trách nhiệm trong việc chỉ đạo các Sở Công Thương trên địa bàn tăng cường công tác đôn đốc, giám sát, kiểm tra việc duy trì mức dự trữ lưu thông tối thiểu tương đương 5% của các thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo trên địa bàn, đồng thời chịu trách nhiệm toàn diện trước Thủ tướng Chính phủ về vấn đề này.
Ngoài ra, Bộ Công Thương cũng đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đẩy mạnh công tác sản xuất nông nghiệp, đảm bảo đáp ứng đủ nguồn cung thóc gạo phục vụ nhu cầu lương thực trong nước và xuất khẩu.
Theo Bộ Công Thương, với phương án điều hành xuất khẩu gạo mới sẽ đảm bảo hai mục tiêu, vừa thực hiện tốt nhiệm vụ bảo đảm an ninh lương thực, vừa duy trì được sản xuất và tăng trưởng kinh tế phù hợp với bối cảnh dịch bệnh Covid-19 tại nước ta đã được kiểm soát tốt như hiện nay.
Bộ Công Thương cho biết, số liệu của Bộ NNPTNT cho thấy, dự báo nhu cầu tiêu thụ trong nước năm 2020 (đã bao gồm cả dự trữ) là 29,96 triệu tấn thóc, cụ thể như sau, tiêu thụ của người dân 14,26 triệu tấn; phục vụ chế biến 7,5 triệu tấn; phục vụ chăn nuôi 3,4 triệu tấn; dùng làm giống, giống dự phòng 1,0 triệu tấn; dự trữ trong nước 3,8 triệu tấn.
Như vậy sau khi trừ đi nhu cầu tiêu dùng và dự trữ, lượng thóc còn dư có thể xuất khẩu là khoảng 13,54 triệu tấn, tương đương khoảng 6,5 – 6,7 triệu tấn gạo.
Riêng vụ đông xuân, theo báo cáo của Bộ NNPTNT, sau khi trừ đi nhu cầu dự trữ và tiêu dùng, lượng gạo hàng hóa có thể xuất khẩu là khoảng 3 triệu tấn.
Khánh Nguyên
Các tỉnh, DN đồng loạt kiến nghị cho xuất khẩu gạo không hạn ngạch
Tại cuộc họp bàn về cơ chế điều hành xuất khẩu gạo do Bộ Công thương tổ chức ngày 22/4 tại TP. Hồ Chí Minh, nhiều tỉnh, doanh nghiệp đều đồng loạt kiến nghị cho áp dụng xuất khẩu gạo không cần hạn ngạch ngay trong tháng 5, bởi nguồn cung trong nước đang dư thừa...
Ngày 20/4, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã đồng ý tạm ứng trước hạn ngạch 100.000 tấn gạo từ hạn ngạch xuất khẩu trong tháng 5, để tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp hiện có gạo tồn đọng tại cảng nhưng chưa mở được tờ khai hải quan.
Trước đó, Bộ Công Thương chốt phương án cho phép doanh nghiệp được mở tờ khai đăng ký xuất khẩu trong tháng 4 là 400.000 tấn, dựa trên cơ sở dữ liệu về tình hình xuất khẩu gạo đầu năm, tình hình thu hoạch vụ đông xuân và thực tế dự trữ gạo trong nước.
Tuy nhiên, tại cuộc họp ngày 22/4 ở TP.HCM bàn về điều hành xuất khẩu gạo trong tình hình dịch bệnh và tìm cơ chế xuất khẩu gạo cho tháng 5, nhiều lãnh đạo địa phương đến các doanh nghiệp đều đề xuất cho xuất khẩu gạo lại bình thường, không áp dụng hạn ngạch nữa.
Lãnh đạo các địa phương sản xuất lúa và nhiều doanh nghiệp đề xuất cho xuất khẩu gạo bình thường, không hạn ngạch.
Lãnh đạo tỉnh Long An cho biết việc xuất khẩu theo hạn ngạch 400.000 tấn là không nên. Lo lắng thiếu gạo trong nước là nguyên nhân khiến Bộ Công Thương đề xuất hạn chế xuất khẩu. Nhưng đến nay, nguồn cung tốt, đảm bảo đủ cho xuất khẩu dù thế giới có thiếu gạo. Ngay cả ở trong nước, nhu cầu tiêu thụ gạo cũng được chia sẻ bởi nhiều nguồn khác, kể cả mì tôm.
Vấn đề an ninh lương thực cần bao nhiêu gạo, Trung ương có thể đề nghị các tỉnh lưu kho và báo cáo số lượng đầy đủ, phải đảm bảo đúng, đủ số lượng trong kho. Địa phương nào làm sai thì kỷ luật.
"Các bộ ngành đã nỗ lực tìm kiếm thị trường, bây giờ có thị trường thì phải cho xuất khẩu bình thường, không nên xem xét lại hạn ngạch nữa", ông này đề nghị.
Kiên Giang là tỉnh sản xuất lúa 2 vụ lớn nhất ĐBSCL, với 298.000ha. Lãnh đạo tỉnh này cho biết, Kiên Giang đã xuống giống hơn 100.000ha lúa hè thu. Đến cuối tháng 5 sẽ thu hoạch, dự kiến khoảng 1,6 triệu tấn lúa. Trừ phần dự trữ và giống cho tái sản xuất thì vẫn còn khoảng 500.000 tấn. Tỉnh Kiên Giang khẳng định không lo thiếu gạo và xuất khẩu là cần thiết.
Khoảng một tháng rưỡi nữa sẽ bắt đầu thu hoạch rộ vụ hè thu
Còn theo lãnh đạo Sở Công Thương Đồng Tháp, vụ hè thu tỉnh này có 139.000ha đang xuống giống và chuẩn bị thu hoạch hơn 47.000ha. Nếu cộng sản lượng lúa trong tháng 4 tồn lại, cùng với lúa hè thu sắp thu hoạch, Đồng Tháp có khoảng 350.000 tấn; tương đương 200.000 tấn lúa hàng hóa. Đồng Tháp hoàn toàn có khả năng đảm bảo xuất khẩu theo các hợp đồng đã ký cũng như đảm bảo an ninh lương thực.
Các doanh nghiệp hiện còn tồn ở các cảng hơn 12.700 tấn nên trước mắt cần cần giải quyết nhanh hàng tồn tại cảng, sau đó là hàng tồn tại kho doanh nghiệp. Cuối cùng đề xuất bỏ hạn ngạch xuất khẩu, Sở Công Thương Đồng Tháp nêu.
Ông Nguyễn Ngọc Nam - Chủ tịch Hiệp hội lương thực Việt Nam (VFA) cho biết, Hiệp hội đã đề nghị cho xuất thêm 200.000 tấn nữa, ngoài 400.000 tấn theo đề xuất của Bộ Công Thương. Tuy nhiên, Chính phủ chỉ cho ứng trước 100.000 tấn của tháng 5. Doanh nghiệp tán đồng việc này nhưng thực tế đến giờ vẫn còn ách tắc trong việc thông quan.
Tính riêng lượng gạo còn tồn của các doanh nghiệp là thành viên VFA đến nay còn tồn kho 1,95 triệu tấn. "Với tình hình tháng 5, Hiệp hội đề xuất tiếp tục cho xuất khẩu trở lại bình thường", ông Nam nói.
Tiếp theo ý kiến này, ông Đỗ Hà Nam -Chủ tịch Công ty Intermex; ông Phạm Thái Bình - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Trung An; ông Trần Ngọc Trung - Tổng Giám đốc công ty CP đầu tư Vinh Phát... cũng chung quan điểm đề xuất cho xuất khẩu lại bình thường, không cần hạn ngạch.
Thứ trưởng Trần Quốc Khánh đánh giá các đại diện chưa nêu rõ lý do cho đề xuất được xuất khẩu gạo bình thường
Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh cho biết, Đoàn kiểm tra liên ngành do Bộ Công Thương thành lập có nhiệm vụ tiếp tục làm việc với các địa phương, các doanh nghiệp để kịp thời báo cáo cho Thủ Tướng Chính phủ trước ngày 25/4 về việc tiếp tục giải quyết xuất khẩu gạo của tháng 4 và thời gian tới.
Tuy nhiên, tại cuộc họp, các đại diện chỉ mới nêu đề xuất cho xuất khẩu gạo bình thường nhưng chưa đưa ra lý do cụ thể đủ sức thuyết phục.
Ông Khánh gợi ý, trước đó, đã có nhiều lý do đưa ra nhằm hạn chế xuất khẩu thì bây giờ phải giải thích cụ thể những lý do đó còn đúng nữa không? Tâm lý người dân người dân cuối tháng 4 so cuối tháng 3 còn lo lắng, còn muốn dự trữ gạo nữa không? Thị trường thế giới biến động như thế nào?... Các bên liên quan cần phân tích lại để tổng hợp báo cáo Thủ tướng.
"Tôi biết doanh nghiệp bức xúc nhưng đây không phải lúc đôi co, đấu khẩu rồi bình luận chuyện rút kinh nghiệm. Các bộ ngành liên quan sẽ chịu trách nhiệm trước các lúng túng đã xảy ra. Nhưng ngay cả trong quyết định của Phó Thủ tướng cũng không nói là sẽ tiếp tục áp hạn ngạch cho tháng 5. Hãy nhìn về phía trước và đưa ra phương án xử lý cụ thể", Thứ trưởng đề nghị.
Nguyễn Vy
Doanh nghiệp xuất khẩu gạo cầu cứu, Thủ tướng chỉ đạo khẩn Ngay sau khi các doanh nghiệp xuất khẩu gạo có đơn gửi Thủ tướng Chính phủ kiến nghị sớm có giải pháp tháo gỡ vướng mắc trong xuất khẩu gạo, hôm nay 17/4, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã có văn bản yêu cầu Bộ Công Thương khẩn trương có giải pháp tháo gỡ. Theo đó, tại văn bản số 3083/VPCP-KTTH...