Bộ GTVT vô can khi Dương Chí Dũng gây thiệt hại 335 tỷ tại Vinalines?
Giao trắng việc mua ụ nổi 83M cho Vinalines tự quyết, chưa có tài liệu phản ánh sai phạm của Bộ GTVT nhưng Bộ chủ quản cũng chưa làm hết trách nhiệm của cơ quan quản lý ngành trong kiểm tra, giám sát việc sử dụng vốn, đánh giá kết quả kinh doanh của Vinalines…
Kết luận về vụ sai phạm khi mua ụ nổi 83M tại Tcty Hàng hải Việt Nam (Vinalines), cơ quan CSĐT Bộ Công an chỉ rõ, việc phê duyệt dự án nhà máy sửa chữa tàu biển phía nam khi chưa được Thủ tướng phê duyệt bổ sung vào quy hoạch phát triển ngành công nghiệp tàu thủy là trái ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng.
Phê duyệt, mua ụ nổi 83M trước khi dự án nhà máy được phê duyệt 1 năm là không đúng thủ tục, trình tự, thủ tục đầu tư, thực hiện dự án trước khi chuẩn bị đầu tư. Quyết định mua ụ nổi quá tuổi (46 tuổi so với giới hạn 15 tuổi theo quy định) cũng trái quy định.
Chi cục Hải quan Vân Phong (Khánh Hòa) làm thủ tục cho thông quan, nhập khẩu khối sắt phế liệu, không đủ điều kiện nhập này cũng trái quy định pháp luật.
Ụ nổi 83M không thể sử dụng hiện tại được rao bán thanh lý nhưng không khách hàng nào chào mua.
Thiệt hại được xác định trong thương vụ khuất tất này của Vinalines lên đến gần 367 tỷ đồng. Thậm chí, theo báo cáo của Tcty Hàng hải, tổng chi phí đầu tư ụ nổi đã thực hiện đến thời điểm khởi tố vụ án (17/5/2012) lên đến 525 tỷ đồng. Từ đó đến nay Vinalines vẫn tiếp tục phải chi lãi ngân hàng tiền vay mua ụ, thuê neo đậu, bảo vệ, trực sự cố… nên chi phí phải còn cao hơn.
CQĐT kết luận hành vi của các chủ mưu Dương Chí Dũng (nguyên Chủ tịch HĐQT), Mai Văn Phúc (nguyên Tổng GĐ Vinalines) và các đồng phạm giúp sức gây thiệt hại tài sản nhà nước số tiền 335 tỷ đồng, trong đó có 28,2 tỷ đồng đã bị các bị cáo tham ô, chiếm hưởng.
Đề nghị truy cứu các bị can về việc này, CQĐT cũng đồng thời đánh giá nhiều vấn đề liên quan.
Video đang HOT
Đối với Bộ GTVT, kết quả điều tra xác định, trong quá trình Vinalines phê duyệt dự án nhà máy, dự án đầu tư mua ụ nổi 83M, Bộ GTVT có các văn bản trả lời công văn của Vinalines hỏi về việc này. Nội dung văn bản trả lời nêu “việc đầu tư ụ nổi do Vinalines xem xét, quyết định”. Giám định viên cho rằng, việc trả lời của Bộ GTVT như vậy là đúng quy định của pháp luật về đầu tư.
Bộ GTVT là cơ quan quản lý ngành, tham gia cùng các cơ quan khác thực hiện chức năng kiểm tra giám sát việc quản lý, sử dụng vốn, đánh giá kết quả kinh doanh của Vinalines. Tuy nhiên, kết quả kiểm tra đến nay chưa có tài liệu phản ánh sai phạm của Bộ GTVT nên CQĐT không xem xét, xử lý trong vụ án này.
Đối với ngân hàng Citibank chi nhánh Hà Nội – đơn vị thực hiện giải ngân cho Vinalines vay và làm thủ tục thanh toán 9 triệu USD tiền hợp đồng mua bán ụ nổi 83M, giám định viên cũng không kết luận sai phạm nên CQĐT không có căn cứ xem xét, xử lý.
Đối với các thành viên HĐQT và lãnh đạo, cán bộ Ban QLDA và các phòng, ban liên quan của Vinalines, cơ quan công an cho rằng, những người này chỉ tham gia các cuộc họp HĐQT, họp Ban Tổng GĐ, họp Ban QLDA để nghe báo cáo và thông qua Nghị quyết, biên bản họp về đề nghị phê duyệt mua ụ nổi 83M của lãnh đạo.
Kết quả điều tra xác định những người này không trực tiếp phụ trách chỉ đạo và không có vai trò quyết định trong việc lập, phê duyệt dự án nhà máy sửa chữa tàu biển phía nam và dự án mua ụ nổi nhưng khi tham gia họp không phát hiện các sai phạm để có biện pháp ngăn chặn.
Xét thấy những người này không có động cơ vụ lợi cá nhân, tính chất mức độ liên quan không trực tiếp, CQĐT xác định họ không phạm tội, sai phạm chưa đến mức xử lý hình sự. CQĐT sẽ có văn bản kiến nghị Bộ GTVT, Vinalines xem xét xử lý theo quy định của pháp luật.
P.Thảo
Theo Dantri
Nợ xấu có thể khiến Việt Nam mất 7 tỷ USD
Cho rằng tình hình nợ xấu tại Việt Nam chưa tới mức "bi kịch" nhưng các chuyên gia nước ngoài đề nghị Chính phủ có những giải pháp nhanh chóng và quyết liệt để xử lý.
Lần đầu tiên trong lịch sử 15 năm hoạt động, Diễn đàn Doanh nghiệp (VBF) dành một phần lớn thời lượng cho đại diện 4 ngân hàng nước ngoài 100% vốn tại Việt Nam nói về vấn đề xử lý nợ xấu. Thông điệp chung được đưa ra là cơ quan quản lý cần có những giải pháp nhanh chóng và quyết đoán hơn nữa để xử lý, trước khi vấn đề bị đẩy xa hơn.
Giải quyết nợ xấu trở thành trọng tham vấn của các ngân hàng ngoại tại VBF năm nay. Ảnh: Đ.T
Theo Trưởng nhóm công tác về ngân hàng của VBF - Louis Taylor, dù nợ xấu đã trở thành một vấn đề được bàn luận rộng rãi tại nhiều diễn đàn thời gian qua nhưng bản chất, mức độ cũng như quy mô nợ trong hệ thống ngân hàng Việt Nam vẫn là điều mà ngay chính những người trong nghề cũng chưa biết rõ. "Các ngân hàng báo cáo là 4,43%. Thống đốc cho biết là 8,8% nhưng nhiều đồn đoán cho rằng phải gấp đôi con số đó", ông nói. Ông Taylor hiện là Tổng giám đốc Standard Chartered Việt Nam.
Theo ông Taylor, nếu lấy con số 8,8% làm chuẩn thì quy mô nợ xấu khoảng 12 tỷ USD và nếu áp dụng tỷ lệ tổn thất ở các thị trường khác (40%) thì lượng vốn mà các ngân hàng có thể bị thiệt hại khoảng 7 tỷ USD, tương đương 5% GDP.
Các chuyên gia trong nhóm công tác ngân hàng cùng đánh giá mức nợ này hoàn toàn nằm trong tầm kiểm soát và thấp hơn nhiều so với con số khi các nền kinh tế như Indonesia, Thái Lan hay Hàn Quốc phải xử lý trong các cuộc khủng hoảng nợ xấu trước đây. "Thậm chí với mức nợ gấp đôi con số nêu trên, chúng tôi vẫn tin rằng có thể xử lý được", ông Louis nói.
Vấn đề quan trọng, theo nhóm công tác ngân hàng là phải xác định được ai sẽ chịu phí tổn cho các khoản nợ xấu đó: "Nhà nước, chủ ngân hàng hoặc một sự kết hợp giữa hai bên", nhóm này gợi ý.
Trong trường hợp của Việt Nam, các chuyên gia cho rằng Nhà nước sẽ phải có vai trò trong quá trình này. Tuy nhiên, chi phí mà Chính phủ phải chịu cần được giảm thiểu tối đa, trong khi các "ông chủ" ngân hàng cần đóng vai trò chính. "Ngân hàng phải dùng chính vốn chủ sở hữu của mình đề bù đắp tổn thất. Dù khó khăn với cổ đông, nhưng đây sẽ chính là bài học lớn nếu ngân hàng đó muốn tiếp tục tồn tại và phát triển', ông Louis đề xuất.
Tổng giám đốc Citibank Việt Nam - Brett Krause cho rằng trong quá trình tái cơ cấu nợ xấu, nhất thiết phải thành lập các công ty quản lý tài sản (AMC). Nhờ các công ty này, ngân hàng sẽ không phải lo tới việc xử lý các món nợ xấu, có thể tập trung vào ngành nghề chính trong khi có thể thu lại một nguồn vốn không nhỏ từ việc thanh lý tài sản.
"Điều quan trọng là cần thiết lập một cơ chế để các ngân hàng có thể bán lại nợ với giá hợp lý, theo thị trường. Nhân sự của các công ty này cũng cần có kinh nghiệm, có thể phải tính tới việc thuê ngoài", ông Krause tham vấn.
Để giải quyết nợ xấu, chuyên gia cho rằng Chính phủ cần "dũng cảm và quyết đoán". Ảnh: Hoàng Hà
Ngoài ra, Tổng giám đốc Citibank cũng cho rằng sự tồn tại của các AMC cần có thời gian cố định, thông thường là 5 - 7 năm. "Thời gian này không quá ngắn khiến các AMC phải bán vội tài sản, gây vấn đề về thanh khoản. Cũng không quá dài để khiến họ có thể giữ lại, khiến các món nợ đã xấu, lại càng xấu đi", ông này nói.
Cùng với việc xử lý nợ xấu, các chuyên gia cũng hiến kế cho Chính phủ về việc tái cấp vốn cho các ngân hàng. Theo Tổng giám đốc HSBC Việt Nam - Sumit Dutar, trước hết cần phân loại những nhà băng có thể hoạt động tốt để hỗ trợ, còn lại có thể cho đóng cửa, sau khi bán những khoản nợ còn đủ tốt cho các AMC.
Về nguồn lực tái cấp vốn, đại diện HSBC cho rằng có 3 khu vực chính là nhà đầu tư nội địa, Nhà nước và khối đầu tư nước ngoài. Do cả 3 đối tượng này đều có những hạn chế riêng ở thời điểm hiện tại (trong nước bị giới hạn về nguồn lực, khối ngoại bị giới hạn về tỷ lệ góp vốn) nên cơ quan chức năng cần linh hoạt để đảm bảo hiệu quả tái cơ cấu.
Bên cạnh những khuyến nghị nêu trên, cùng với Tổng giám đốc ANZ Việt Nam - Tareq Muhmood cũng dành khá nhiều thời gian để tham vấn các vấn đề liên quan để sở hữu chéo ngân hàng và việc ban hành các văn bản pháp luật liên quan đến ngân hàng tại Việt Nam. Trong khi việc sở hữu chéo được đánh giá là một phần nguyên nhân dẫn đến khủng hoảng hiện nay thì theo ông Muhmood, việc ban hành rồi sửa đổi liên tiếp các văn bản pháp luật (chẳng hạn như Thông tư 13 được sửa 2 lần, nay lại tiếp tục được sửa đổi) đang gây khó cho nhà đầu tư.
>> Ngân hàng thích cho vay theo quan hệ
Đáp lại những đóng góp nêu trên từ phía các nhà băng nước ngoài, tại diễn đàn sáng 3/12, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước - Đặng Thanh Bình lại dành khá nhiều thời gian để thông báo những kết quả mà cơ quan điều hành tiền tệ đạt được trong lĩnh vực chống lạm phát, ổn định tỷ giá, tái cơ cấu ngân hàng... thời gian qua.
Về xử lý nợ xấu, ông Bình cũng có những nhận định tương đối tích cực khi cho biết Việt Nam có thể hoàn thành mục tiêu đưa những khoản nợ khó đòi này về 3% vào năm 2015. Trong khi đó, với vấn đề sở hữu chéo, đại diện Ngân hàng Nhà nước thừa nhận đây là hoạt động không được luật (Luật Tổ chức tín dụng 2010) cho phép nhưng vẫn diễn ra do nguyên nhân "lịch sử". Hiện Ngân hàng Nhà nước đang cùng các cơ quan chức năng rà soát, tạo điệu kiện cho các tổ chức tín dụng xử lý vấn đề này trong thời gian sớm nhất
Theo VNE