Bộ GTVT tổng kiểm tra “hộp đen” xe khách
Thanh tra Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) đang tiến hành tổng kiểm tra việc cung cấp, lắp đặt và sử dụng thiết bị giám sát hành trình đối với xe khách (hộp đen) trên phạm vi cả nước. Địa phương đầu tiên bị “sờ gáy” là Hà Nội.
Ông Nguyễn Văn Huyện, Chánh Thanh tra Bộ GTVTcho biết, mục đích của đợt kiểm tra nhằm hiệu chỉnh, thống nhất lại hệ thống quản lý thiết bị hộp đen từ cấp Bộ cho đến các đơn vị sử dụng, giúp các doanh nghiệp vận tải thấy được lợi ích của việc lắp đặt hộp đen và dùng nó để kinh doanh có hiệu quả, để thiết bị này thực sự trở thành con mắt của nhà quản lý.
Tại Hà Nội, công tác kiểm tra bắt đầu từ cuối tuần trước. Đoàn thanh tra đã tiến hành kiểm tra theo 2 hình thức chỉ định và đột xuất đối với hộp đen của 3 nhà cung cấp Bình Anh, Eposi, Tân Á Châu và một số nhà cung cấp khác mà nhiều xe khách đang đang sử dụng và hoạt động tại bến Mỹ Đình, bến Yên Nghĩa.
Hàng loạt doanh nghiệp vận tải sẽ bị kiểm tra chỉ định và đột xuất từ nay đến hết tháng 6/2013
Qua kiểm tra 7 nhà cung cấp hộp đen và 10 doanh nghiệp vận tải có phương tiện lắp đặt hộp đen cho thấy một số doanh nghiệp mắc các lỗi về cổng kết nối, trạng thái hoạt động của thiết bị, hiển thị tín hiệu. Trên một số thiết bị thiếu mục hướng dẫn nên các lái xe không nắm được cách sử dụng, truy nhập thông tin.
Đặc biệt, ở hầu hết các xe, thiết bị được lắp đặt sâu bên trong nắp “táp – lô” hoặc trong thân xe khiến cho việc khai thác tính năng và kiểm tra, bảo dưỡng thiết bị gặp rất nhiều khó khăn. Một số lái xe thậm chí nói rằng chỉ biết trên xe có lắp thiết bị giám sát hành trình và hiểu rằng lắp để nó đảm bảo an toàn khi xe chạy quá tốc độ, còn nó được lắp ở đâu và do đơn vị nào sản xuất, hoạt động ra sao thì phải hỏi doanh nghiệp!
Nhìn nhận về tình hình này, ông Huyện cho biết sau đợt kiểm tra Thanh tra Bộ sẽ kiến nghị Bộ GTVT ban hành quy định thống nhất về về vị trí lắp đặt thiết bị, quy định về nơi để cổng trích xuất trên tất cả các loại xe để thuận tiện cho việc kiểm tra, cũng như bảo dưỡng, sửa chữa thiết bị.
“Với những nhà cung cấp không đảm bảo chất lượng, chúng tôi sẽ buộc họ phải có những hiệu chỉnh để đáp ứng đầy đủ các yêu cầu theo quy định. Đồng thời, nhà cung cấp có trách nhiệm bổ sung những tính năng còn thiếu của thiết bị cho các doanh nghiệp đang sử dụng. Việc bổ sung này phải được thực hiện trên cơ sở vừa đảm bảo quyền lợi cho các doanh nghiệp vừa không làm tăng chi phí mua, sử dụng thiết bị” – ông Huyện khẳng định.
Video đang HOT
Được biết, sau khi kết thúc kiểm tra tại Hà Nội, tới đâyThanh tra Bộ GTVT sẽ tiến hành kiểm tra các doanh nghiệp sản xuất và cung cấp thiết bị ở TPHCM, Đồng Nai và Đà Nẵng. Thời gian bắt đầu từ cuối tháng 4 và dự kiến hoàn thành giữa tháng 5/2013; kiểm tra các doanh nghiệp sản xuất, cung cấp thiết bị hộp đen ở các tỉnh, thành phố là Hải Phòng, Quảng Ninh, Thái Bình, Thanh Hóa trong tháng 6/2013.
Rút giấy phép một đơn vị kiểm định hộp đen
Hồi đầu tháng 4, Thanh tra Bộ GTVT đã tiến hành kiểm tra 6 đơn vị chuyên sản xuất, cung cấp hộp đen cho xe ô tô và 3 đơn vị đo, kiểm định chất lượng ở Hà Nội là Viện Đo lường Việt Nam, Trung tâm Kỹ thuật tiêu chuẩn – Đo lường chất lượng 1 (Bộ Khoa học và Công nghệ); Trung tâm Đo lường (Bộ Quốc phòng).
Về kết quả kiểm tra sơ bộ, Thanh tra Bộ GTVT phát hiện một số vi phạm tại Trung tâm Đo lường thuộc Cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng của Bộ Quốc phòng (đơn vị do Bộ GTVT chỉ định).
Trong đó, tại thời điểm kiểm tra, Trung tâm Đo lường này không có giấy chứng nhận đăng ký lĩnh vực hoạt động thử nghiệm theo quy định; không cung cấp được hồ sơ nhân sự của các thử nghiệm viên thực hiện thử nghiệm nội dung về cơ lý; không có thiết bị đo, thử nghiệm tốc độ trên đường phù hợp để thử nghiệm tốc độ, hành trình, cảnh báo quá tốc độ khi dùng phương pháp thực nghiệm GPS; không xuất trình được các tài liệu chứng minh các trang thiết bị thử nghiệm đồng bộ với chuẩn thời gian và tần số quốc gia…
Ngoài ra, các hồ sơ thử nghiệm cấp kèm theo giấy chứng nhận thử nghiệm đang lưu trữ tại trung tâm không có biên bản hoặc phiếu nhận, trả mẫu thiết bị giữa trung tâm và các cơ sở lắp ráp, nhập khẩu. Vì vậy, trong hồ sơ không có thông tin liên quan đến mẫu thử nghiệm do bên yêu cầu thử nghiệm cung cấp như: mô tả sản phẩm/các kích thước/hình ảnh của thiết bị; không có bản kê khai các thông số kỹ thuật cơ bản và hướng dẫn sử dụng thiết bị giám sát hành trình đăng ký theo quy định.
Thanh tra Bộ GTVT đã có văn bản kiến lãnh đạo Bộ GTVT chấm dứt việc chỉ định tổ chức đo lường thử nghiệm thiết bị giám sát hành trình của xe ô tô để công bố hợp quy đối với Trung tâm Đo lường thuộc Cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng của Bộ Quốc phòng và không công nhận kết quả thử nghiệm của Trung tâm này.
Theo Dantri
Lộ sáng "tác giả" khiến bến xe Mỹ Đình "bội thực" và "vỡ trận"
Đi sâu vào tìm hiểu tình trạng để xảy ra việc "vỡ trận" tại bến xe Mỹ Đình, PV Dân trí phát hiện không ai khác chính là Sở GTVT Hà Nội. Cơ quan này đã ban hành những văn bản "tiền hậu bất nhất" khiến bến xe Mỹ Đình trở nên "bội thực"!
Tờ trình ngày 2/4/2013 của Sở GTVT Hà Nội đã thừa nhận tình trạng quá tải của bến xe Mỹ Đình.
Như Dân trí đã phản ánh, trong một cuộc họp đầu tháng 5/2008, Giám đốc Công an Hà Nội kiêm Phó Ban chỉ đạo 197 Nguyễn Đức Nhanh đã từng lên tiếng "xe đi các tỉnh phía Tây, Tây Bắc đón, trả khách tại bến xe Mỹ Đình; xe đi các tỉnh phía Nam đón trả khách tại bến xe phía Nam, Nước Ngầm; xe đi các tỉnh phía Bắc đón, trả khách tại Gia Lâm".
Tiếp đến, cả Giám đốc Công an Thành phố và Giám đốc Sở GTVT cùng kiến nghị (ngày 8/5/2008): "Sắp xếp, điều chỉnh các tuyến xe khách". Một tháng sau, UBND TP. Hà Nội cũng đã có thêm văn bản hối thúc Sở GTVT, Công an TP, Tổng Công ty Vận tải HN rà soát và báo cáo.
Sở GTVT gửi văn bản lấy ý kiến các doanh nghiệp bến xe trên địa bàn Hà Nội. Họp sơ kết 3 tháng thực hiện công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông liên ngành GTVT-Công an, Phó Chủ tịch UBND TP kiêm trưởng Ban Chỉ đạo 197 Nguyễn Văn Khôi nhắc lại và yêu cầu Sở GTVT chủ trì, phối hợp với các bên liên quan để "đề xuất phương án điều tiết giữa các bến xe, xong trước ngày 10/9/2008".
"Sau bao năm hoạt động khó khăn, bù lỗ vận tải bến mới có khách đi lại. Nay do bất cập trong công tác quản lý và để có thu nhập ngay cho bến xe Yên Nghĩa và bến xe Gia Lâm, doanh nghiệp chúng tôi phải dời bến xe Mỹ Đình... Ai là người chịu trách nhiệm trước việc Sở GTVT Hà Nội cho quá nhiều xe vào bến Mỹ Đình khai thác?"- Ông Phạm Đình Kha, Giám đốc Công ty cổ phần Vận tải Hưng Hà (Thái Bình) bức xúc cho biết.
Tuy nhiên, phải đến ngày 14/10/2009, ông Nguyễn Hoàng Linh, Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội mới ban hành công văn số 1382/TB-GTVT về việc tạm ngừng đăng ký mới, bổ sung phương tiện từ các tỉnh phía Đông, Đông Nam, Nam thành phố Hà Nội đến bến xe Mỹ Đình và ngược lại.
Cụ thể, công văn trên nêu rõ: Hiện nay, với lưu lượng xe xuất bến xấp xỉ 1.100 lượt xe/ngày, bến xe khách Mỹ Đình đã vào tình trạng quá tải, ảnh hưởng đến trật tự an toàn giao thông và an ninh khu vực. Để góp phần đảm bảo trật tự an toàn giao thông và an ninh khu vực bến xe khách Mỹ Đình, Sở GTVT Hà Nội yêu cầu Công ty Quản lý bến xe Hà Nội từ ngày 18/10/2009, tạm thời không tiếp nhận các phương tiện đăng ký mới, bổ sung trên các tuyến vận tải khách liên tỉnh từ bến xe Mỹ Đình đi các tỉnh (TP) phía Đông, Đông Nam, Nam thành phố Hà Nội, gồm các tỉnh: Hưng Yên, Hải Dương, Hải Phòng, Thái Bình, Hà Nam, Nam Định, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế và các tỉnh từ Đà Nẵng trở vào...
Điều trớ trêu thay, dẫu đã biết là bến xe khách Mỹ Đình đã "bội thực" hàng trăm lượt xe xuất bến/ngày, dẫu tự tay mình đã ký công văn gửi đi nhiều cơ quan chức năng (như Bộ GTVT, UBND TP. Hà Nội, Cục Đường bộ Việt Nam, Hiệp hội Vận tải Hà Nội, Giám đốc Sở GTVT Hà Nội cùng nhiều Sở GTVT các tỉnh thành khác...) thông báo về việc tạm ngừng đăng ký mới, bổ sung phương tiện vào bến xe Mỹ Đình, ấy vậy mà chính ông Nguyễn Hoàng Linh vẫn xuống tay ký thêm công văn cho các doanh nghiệp bổ sung xe khai thác tuyến vận tải hành khách vào bến xe Mỹ Đình vào ngày 26/9/2011.
Dư luận càng "sốc" và khó hiểu hơn khi không hiểu tại sao chính một cá nhân, một lãnh đạo Sở GTVT mà lại ban hành các văn bản "tiền hậu bất nhất" như vậy?!. Phải chăng lãnh đạo Sở GTVT Hà Nội làm việc theo "ngẫu hứng" hay vì "lợi ích nhóm"? Và chính sự "ngẫu hứng" này khiến bến xe Mỹ Đình phải è cổ gánh vác đến 1.233 lượt xe xuất bến/ngày (quá tải gần 400 lượt xuất bến/ngày so với thiết kế) dẫn đến tình trạng "bội thực" và "vỡ trận" như hiện nay.
Do bến xe Mỹ Đình quá tải nên đã xuất hiện nhiều bến xe "dù" ở quanh khu vực này
Tờ trình số 391/TTr-SGTVT ngày 2/4/2013 của Sở GTVT gửi UBND TP. Hà Nội nêu rõ: Vì Bến xe Mỹ Đình đang trong tình trạng quá tải, gây mất trật tự an toàn giao thông và ùn tắc giao thông, nên Sở GTVT đề nghị UBND thành phố cho chuyển toàn bộ các xe khách chạy từ Mỹ Đình đi các tỉnh Tây Bắc (Hòa Bình, Sơn La, Điện Biên, Lai Châu) về Bến xe Yên Nghĩa; toàn bộ xe khách chạy tuyến Nam Định, Thái Bình chuyển về Bến xe Yên Nghĩa và Bến xe Gia Lâm (mỗi bến 50% số xe). Dự kiến thời gian thực hiện từ ngày 6/5/2013.
Tuy nhiên, ngay sau khi biết phương án dự kiến điều chuyển này, nhiều người dân và các doanh nghiệp vận tải hoạt động tại Bến xe Mỹ Đình đã không đồng tình và cho rằng phương án chưa được tính toán kỹ, việc điều chuyển có sự bất hợp lý. Sở GTVT tỉnh Lai Châu và một số công ty vận tải hành khách đã gửi công văn kiến nghị lên các cơ quan chức năng và báo chí, nêu rõ hai điểm bất hợp lý như sau:
Một là, các tỉnh Yên Bái, Lai Châu thuộc địa bàn Tây Bắc, nhưng tuyến vận tải hành khách hoàn toàn không đi theo Quốc lộ 6 như tờ trình của Sở GTVT Hà Nội, mà các xe khách chạy tuyến Mỹ Đình - Yên Bái, Lai Châu hiện nay đang đi theo hướng Quốc lộ 32 (Mỹ Đình - thị xã Sơn Tây - cầu Trung Hà - Phú Thọ - Yên Bái - Lai Châu) và Quốc lộ 2 (qua cầu Thăng Long - Vĩnh Phúc - Phú Thọ - Yên Bái - Lai Châu). Nếu chuyển sang đón, trả khách ở Bến xe Yên Nghĩa (trên Quốc lộ 6) thì cả xe và hành khách lại phải đi vòng vèo, vừa phát sinh chi phí, vừa thêm mất trật tự an toàn giao thông.
Hai là, đại đa số các xe khách tuyến các tỉnh Tây Bắc xuất phát và về đến Bến xe Mỹ Đình trong giờ thấp điểm (từ 5-6 giờ và 17-21 giờ) nên không gây ùn tắc giao thông tại khu vực bến xe và các tuyến đường lân cận.
Trước vụ "vỡ trận" tại bến xe Mỹ Đình, dư luận đang trông đợi sự "ra tay" của UBND TP. Hà Nội trong việc xử lý, làm rõ trách nhiệm của Sở GTVT chính là đơn vị cấp phép tràn lan khiến bến xe Mỹ Đình "bội thực" trên 400 chuyến xuất bến/ngày, dẫn đến tình trạng bắt buộc phải giảm tải khiến hàng chục đơn vị vận tải điêu đứng, khốn khổ như hiện nay.
Theo Dantri
Để xe dù bến cóc lộng hành, bến xe Mỹ Đình bị "tuýt còi" Sau khi người dân lên tiếng phản ánh tình trạng ô nhiễm, môi trường, xe dù, bến cóc hoạt động công khai xung quanh khu vực bến xe Mỹ Đình. Ngày 2/4/2013, Sở GTVT Hà Nội đã ký tờ trình điều chuyển một số tuyến vận tải hành khách ra khỏi bến xe Mỹ Đình. Nội dung tờ trình số 391/TTr-SGTVT đề ngày...