Bộ GTVT lên tiếng vụ xây cầu treo phục vụ chủ tịch xã
Vừa qua, các cơ quan báo chí phản ánh cầu treo Khe Tây (Vũ Quang – Hà Tĩnh) trước mắt chỉ phục vụ một số hộ dân. Thứ trưởng GTVT Nguyễn Hồng Trường đề nghị địa phương sớm làm đường để phát huy hiệu quả; Bộ GTVT sẽ rút kinh nghiệm về quy trình lấy ý kiến của người dân.
Thứ trưởng GTVT Nguyễn Hồng Trường
Theo Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường, mục tiêu xây dựng cầu treo là đảm bảo cho một cụm dân cư thoát khỏi cảnh chia cắt; người dân không bị gián đoạn sinh hoạt, sản xuất; trẻ em không phải nghỉ học vào ngày lũ. Tuy nhiên, sông, suối chia cắt dân cư ở nhiều khu vực khác nhau nên vị trí đặt cầu cần đạt các tiêu chí: Kết nối các trục đường chính của huyện, xã; vị trí đặt cầu an toàn, phù hợp với quy mô, nguồn vốn.
Ông Nguyễn Hồng Trường cho biết, việc khảo sát vị trí, Bộ GTVT đặt ra nguyên tắc phải luôn tôn trọng ý kiến người dân, chính quyền địa phương và yếu tố kết nối giao thông. Rút gọn quy trình là như vậy nhưng đều đảm bảo nguyên tắc tôn trọng ý kiến người dân, không áp đặt.
Tổng cục Đường bộ là chủ đầu tư nhưng Sở GTVT là đơn vị tham mưu trực tiếp để lựa chọn vị trí và xin ý kiến của người dân. Ngoài ra, các đơn vị tư vấn thiết kế của địa phương cung cấp các số liệu về khí tượng thủy văn, điều tra xã hội học đã có cho Tổng cục Đường bộ. Đó là quy trình làm lâu nay, hợp lý và khoa học.
“Tuy nhiên, sau sự việc cầu treo Khe Tây, Bộ sẽ rút kinh nghiệm, cho rà soát quy trình để từ nay về sau đảm bảo thực hiện đúng nguyên tắc: Lấy ý kiến rộng rãi người dân để xác định vị trí làm cầu phục vụ nhiều người dân nhất; an toàn, kết nối được giao thông; đáp ứng bền vững trong quá trình khai thác”, ông Trường nói.
Thứ trưởng Trường cho biết thêm, cầu treo dân sinh chỉ đặt mục tiêu giải quyết nhu cầu đi lại bằng xe máy, đi bộ; không giải quyết vấn đề xe cơ giới. Vì thế, cầu được thiết kế theo mẫu điển hình, khổ cầu 1,5 – 2m. Với khổ cầu đó, chiều dài 120 m đảm bảo tính kỹ thuật và vốn đầu tư. Cụ thể, trong đề án, giá trị cầu treo từ 2-3 tỷ đồng, tối đa là 5 tỷ đồng.
Video đang HOT
Trong 186 cầu của giai đoạn 1, cầu Nam Công (tỉnh Hà Nam) và cầu Sảo Phong (tỉnh Quảng Bình) được UBND tỉnh đề nghị nới rộng quy mô vì dân cư ở đó đông. Nguồn vốn xây dựng hai cầu này không lấy từ ngân sách mà từ các nhà tài trợ.
Cụ thể, cầu Nam Công làm bằng sự tài trợ của Ngân hàng BIDV; cầu Sảo Phong dùng kinh phí từ kêu gọi của chương trình Nhịp cầu yêu thương (Chương trình kêu gọi các cá nhân, tập thể ủng hộ xây cầu treo do Bộ GTVT khởi xướng- PV).
Bộ GTVT đã trình Chính phủ đề án xây dựng cầu dân sinh giai đoạn hai. Theo đó, đề án dự kiến thực hiện tại 50 tỉnh thành. Sau khi Chính phủ phê duyệt, Bộ GTVT và các địa phương sẽ xây dựng phương án cụ thể, phấn đấu thực hiện xong trong 3 năm (2015- 2017) với tổng mức đầu tư khoảng 8.000 tỷ đồng.
Theo Tiền phong
Vụ "cầu treo phục vụ 2 hộ dân": Bộ GTVT khẳng định xây cầu là cần thiết!
Liên quan đến "lùm xùm" cầu treo Khe Tây ở Hà Tĩnh, lãnh đạo Bộ GTVT cho biết vị trí xây dựng cầu đúng theo quy hoạch và phù hợp với các tiêu chí. Việc người dân chưa được sử dụng cầu là do địa phương làm đường dẫn kết nối chưa đủ.
Cầu treo Khe Tây được xây dựng tại xã Sơn Thọ, huyện Vũ Quang, tỉnh Hà Tĩnh thuộc Đề án xây dựng cầu treo dân sinh giai đoạn 1 và hoàn thành vào tháng 6/2015. Theo phản ánh của người dân địa phương, cây cầu thực tế chỉ phục vụ cho 2 hộ dân đi lại, trong đó có nhà Chủ tịch xã Sơn Thọ.
Trước vấn đề này, theo chỉ đạo của Bộ GTVT, ngày 13/8, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã lập đoàn công tác từ Hà Nội vào hiện trường để kiểm tra việc đầu tư xây dựng cầu treo Khe Tây. Đoàn công tác do Phó Tổng cục trưởng Nguyễn Xuân Cường chủ trì, phối hợp với đại diện các đơn vị có liên quan.
Kết quả của Đoàn kiểm tra vừa được ông Nguyễn Văn Huyện - Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam báo cáo lên Bộ GTVT bằng văn bản, trong đó khẳng định xây dựng cầu treo Khe Tây là cần thiết và phù hợp với các tiêu chí của Đề án xây dựng cầu treo dân sinh giai đoạn 1.
Tổng cục này lý giải, cầu treo Khe Tây và Cầu Gãy nằm trong phạm vi ngã ba các dòng suối, cầu Gãy bắc qua suối Khe Trôi, cầu treo Khe Tây bắc qua suối khe Trươi, là hợp lưu của hai dòng suối Khe Trôi và suối Khe Tiên; tính theo đường thẳng hai cầu này cách nhau khoảng 250m, nằm trên hai nhánh suối và phục vụ đi lại cho người dân ở hai vùng khác nhau. Cầu Gãy nằm trên tuyến đường đi vào xã Hưng Điền, còn cầu treo Khe Tây phục vụ dân cư vùng Khe Bùn - Eo Nâm thuộc thôn 6, nằm trên sườn núi Khe Tây, thuộc xã Sơn Thọ.
Nếu đi qua cầu Gãy để vào vùng dân cư Khe Bùn - Eo Nâm thuộc thôn 6 thì người dân phải lội bộ qua dòng suối Khe Tiên, điều này chỉ thực hiện được trong mùa khô, còn về mùa mưa lũ thì nước suối dâng cao và chảy xiết không thể qua lại, dân cư khu vực này bị cô lập hoàn toàn bởi suối Khe Tiên và Khe Trươi. Vì vậy, việc đầu tư xây dựng cầu treo dân sinh Khe Tây để phục vụ trước mắt cho 26 hộ dân sinh sống và 16 hộ có đất sản xuất nông nghiệp của vùng dân cư Khe Bùn - Eo Nâm thuộc thôn 6, xã Sơn Thọ.
Bộ GTVT khẳng định việc xây dựng cầu treo Khe Tây là cần thiết và phù hợp
Về quy hoạch, vị trí xây dựng cầu treo Khe Tây phù hợp với quy hoạch đã được địa phương phê duyệt tại các Quyết định số 4249/2011/QĐ-UBND ngày 12/12/2011, số 2801/QĐ-UBND ngày 31/12/2014 của UBND huyện Vũ Quang và số 1281/QĐ-UBND ngày 14/4/2015 của UBND tỉnh Hà Tĩnh.
Theo Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam - ông Nguyễn Văn Huyện, hiện tại việc kết nối cho 26 hộ dân sinh sống vùng dân cư Khe Bùn - Eo Nâm thuộc thôn 6, xã Sơn Thọ qua cầu treo Khe Tây, ngoài 5 hộ có vị trí gần cầu (2 hộ cách cầu khoảng 50m và 3 hộ cách cầu khoảng 300m) đã có đường đất và có 16 hộ đang có đất sản xuất; tiếp theo là 21 hộ phía trong hiện tại đi theo đường mòn (khoảng 417m).
"Việc quy hoạch tuyến đường để kết nối vùng này qua cầu treo Khe Tây (tuyến từ thôn 6 ra trung tâm xã Sơn Thọ) đến nay đã được UBND tỉnh Hà Tĩnh phê duyệt Báo cáo kinh tế - kỹ thuật xây dựng tại Quyết định số 2409/QĐ-UBND ngày 24/6/2015, với tổng mức đầu tư là 6,1 tỷ đồng. Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã đề nghị UBND tỉnh Hà Tĩnh sớm bố trí vốn để triển khai xây dựng đảm bảo hiệu quả khai thác cầu treo Khe Tây" - ông Huyện cho biết.
Được biết, việc đầu tư xây dựng cầu treo dân sinh Khe Tây được thực hiện theo đề nghị của UBND tỉnh Hà Tĩnh. Trên cơ sở đề xuất của UBND tỉnh Hà Tĩnh, Tổng cục Đường bộ đã chỉ đạo các tư vấn thiết kế phối hợp với chính quyền địa phương (UBND huyện, UBND xã) tiến hành khảo sát, điều tra tại vị trí dự kiến xây dựng cầu và có Biên bản làm việc ngày 1/11/2014.
Căn cứ hồ sơ khảo sát thiết kế của đơn vị TVTK, tờ trình của BQLDA3, Tổng cục đã chấp thuận hồ sơ thiết kế tại văn bản số 265/TCĐBVN-CQLXDĐB ngày 20/01/2015. Đến nay chính quyền địa phương các cấp tỉnh Hà Tĩnh đã có các văn bản khẳng định về sự cần thiết đầu tư xây dựng cầu treo Khe Tây.
"Trên cơ sở kết quả kiểm tra hiện trường và ý kiến của các bên liên quan tại cuộc họp ngày 13/8, Tổng cục Đường bộ Việt Nam xin khẳng định việc đầu tư xây dựng cầu treo dân sinh Khe Tây tại xã Sơn Thọ, huyện Vũ Quang, tỉnh Hà Tĩnh là cần thiết và phù hợp với tiêu chí của Đề án" - ông Huyện cho hay.
Liên quan đến dự án xây dựng cầu treo Khe Tây, trao đổi với PV Dân trí, lãnh đạo Bộ GTVT lý giải mấu chốt của vấn đề là do địa phương chưa giải thích rõ ràng cho người dân hiểu, đường dẫn kết nối với cầu địa phương làm chưa đủ nên người dân chưa được sử dụng cầu treo Khe Tây.
Theo lãnh đạo Bộ GTVT, sau khi xem xét hồ sơ đề xuất của địa phương, Bộ GTVT đã chấp thuận xây dựng cầu treo Khe Tây. Quy hoạch Nông thôn mới của địa phương tại đây sẽ có 42 hộ dân sinh sống, nhưng địa hình khó khăn cho việc đi lại và sản xuất của người dân, vì vậy việc xây dựng cầu là cần thiết, khảo sát xây dựng cầu vị trí hiện tại là phù hợp.
"Bộ GTVT chỉ xây dựng cầu treo, còn đường dẫn kết nối với cầu là việc của địa phương phải làm. Tuy nhiên, cầu xây xong nhưng người dân chưa tiếp cận được cầu, chưa được sử dụng cầu là do đường nối với cầu chưa đủ, lỗi này là của địa phương. Chúng tôi đã đề nghị địa phương sớm bố trí xây dựng đường dẫn để đảm bảo hiệu quả khai thác cầu treo Khe Tây" - lãnh đạo Bộ GTVT nhấn mạnh.
Châu Như Quỳnh
Theo Dantri
Cầu treo dân sinh phục vụ Chủ tịch xã: Tổng cục Đường bộ nói gì? Liên quan đến dự án cầu treo Khe Tây ở Hà Tĩnh được xây dựng nhưng chỉ phục vụ Chủ tịch xã, ông Nguyễn Văn Huyện - Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam - cho biết, ngày 12/8, 2 đoàn công tác của Tổng cục này từ Hà Nội vào hiện trường kiểm tra. Theo ông Huyện, cầu treo Khe...