Bộ GTVT lên tiếng về việc thu phí BOT quốc lộ 5
Theo Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) Nguyễn Ngọc Đông, dòng tiền thu phí từ BOT quốc lộ 5 trong thời gian qua chính là nguồn vốn hỗ trợ của Nhà nước tham gia vào dự án cao tốc Hà Nội – Hải Phòng.
Liên quan đến trạm thu phí BOT quốc lộ 5 và cao tốc Hà Nội – Hải Phòng, sau khi các tài xế phản đối trạm thu phí này chiều 12.12, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông và các cơ quan liên quan của Bộ GTVT, nhà đầu tư đã có phản hồi với báo chí.
Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông cho biết, Dự án BOT cao tốc Hà Nội – Hải Phòng có đặc thù khác các dự án khác. Tuyến quốc lộ 5 trước đây được đầu tư xây dựng bằng nguồn vốn Nhà nước đi vay, sau đó tiến hành thu phí để trả nợ cho ngân sách Nhà nước.
Trạm thu phí số 1, quốc lộ 5 nằm trên địa phận huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên. Ảnh: Thành An
Ngày 29.11.2007, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 1621 về một số cơ chế, chính sách thí điểm đầu tư dự án đường ô tô cao tốc Hà Nội – Hải Phòng, nhưng tới năm 2016 chủ đầu tư mới được thu phí chính thức. Còn trước đó, việc thu phí trên quốc lộ 5 là để nộp ngân sách nhà nước.
“Dòng tiền thu phí từ quốc lộ 5 trong thời gian qua chính là nguồn vốn hỗ trợ của Nhà nước tham gia vào dự án cao tốc Hà Nội – Hải Phòng… Đây là quyết định của Thủ tướng Chính phủ từ năm 2007 và các văn bản quy phạm pháp luật thời điểm đó cũng không có quy định nào cấm không được làm như vậy” – ông Đông nói.
Theo ông Đông, ngày 13.3.2012, Chính phủ ban hành Nghị định 18/2012 về Quỹ Bảo trì đường bộ, khi đó mới có quy định các tuyến đường đầu tư bằng ngân sách Nhà nước không được tiến hành thu phí.
Trên cơ sở chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ GTVT đã tiến hành rà soát toàn bộ hệ thống thu phí trên quốc lộ và kiến nghị Thủ tướng Chính phủ bỏ các trạm thu phí nộp hoặc trả nợ ngân sách Nhà nước, đồng thời di chuyển các trạm thu phí về đúng phạm vi dự án.
“Sau khi xem xét ý kiến của các bộ, ngành liên quan, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định đồng ý với kiến nghị của Bộ GTVT là sẽ bỏ các trạm thu phí nộp ngân sách. Các trạm thu phí tại những dự án được đầu tư bằng tiền Nhà nước đi vay để làm cũng bỏ, riêng các trạm thu phí để hoàn vốn dự án BOT được giữ lại vì Nhà nước đã có cam kết với nhà đầu tư bằng hợp đồng BOT, trong đó có hai trạm thu phí quốc lộ 5 gắn với dự án BOT cao tốc Hà Nội – Hải Phòng” – ông Đông cho hay.
Video đang HOT
Theo Bộ GTVT, nếu không thu phí quốc lộ 5 sẽ phá vỡ phương án tài chính và các nguồn hỗ trợ cho dự án Nhà nước đã cam kết để hoàn vốn. Ảnh: Thành An
Ông Đào Văn Chiến – Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Đầu tư phát triển Hạ tầng và Đầu tư tài chính (Vidifi) – chủ đầu tư BOT cao tốc Hà Nội – Hải Phòng, đơn vị đang thu phí quốc lộ 5 cho biết, trong quyết định ban đầu của Thủ tướng Chính phủ, Vidifi được phép thu phí, không phải bỏ chi phí bảo trì, sửa chữa quốc lộ 5, nhưng thực tế không hoàn toàn được thực hiện như vậy.
Trong 8 năm thu phí (từ 2009 – 2016), doanh thu thu phí quốc lộ 5 khoảng 1.800 tỷ đồng, trừ thuế VAT còn lại gần 1.700 tỷ đồng. Tuy nhiên, do quốc lộ 5 xuống cấp, trong giai đoạn từ 2013 – 2016, nguồn thu phí từ quốc lộ 5 đã phải bỏ ra để sửa chữa tuyến đường này khoảng hơn 1.000 tỷ đồng.
Theo ông Chiến, quốc lộ 5 đã được đại tu cách đây 18 năm, với chất lượng như hiện nay, nếu không sửa chữa sẽ không thể khai thác tiếp trong thời gian tới.
Bên cạnh đó, ông Chiến cho hay, theo phương án tài chính và các nguồn hỗ trợ cho dự án Nhà nước đã cam kết, để hoàn vốn, dự án sẽ thu phí trên cả tuyến cao tốc Hà Nội – Hải Phòng và quốc lộ 5 với thời gian khoảng 29 năm. Doanh thu của đường cao tốc Hà Nội – Hải Phòng năm 2016 đạt khoảng 1.200 tỷ đồng, trong khi lãi vay phải trả là 2.800 tỷ đồng. Nếu chỉ thu phí trên cao tốc Hà Nội – Hải Phòng mà không có phần hỗ trợ của Nhà nước thì không thể hoàn vốn dự án.
“Nếu bây giờ không thu phí quốc lộ 5, kéo theo đó là 30% lượng xe từ đường cao tốc Hà Nội – Hải Phòng sẽ chuyển sang đi trên quốc lộ 5 để không mất phí, chắc chắn phương án tài chính của dự án sẽ phá vỡ” – ông Chiến nói.
Các tài xế cho rằng việc đặt trạm thu phí BOT quốc lộ 5 để hoàn vốn cho Dự án BOT Hà Nội – Hải Phòng là không đúng quy định, gây ảnh hưởng đến người dân. Ảnh: Thành An
Về việc giảm phí trên quốc lộ 5, Bộ GTVT cho biết, hiện Bộ đã nghiên cứu các phương án giảm phí trên quốc lộ 5, đã xong dự thảo và chuẩn bị trình Thủ tướng xem xét quyết định 3 phương án. Tuy nhiên, thẩm quyền quyết định liên quan tới dự án này là Thủ tướng, Bộ GTVT không thể quyết.
Ông Nguyễn Văn Huyện – Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam – cho biết, trước mắt, trên cương vị cơ quan quản lý nhà nước, Tổng cục đã chỉ đạo đơn vị thu phí phân luồng giao thông. Theo đó, tạo riêng một làn giữa để các xe ưu tiên, xe cấp cứu, xe trả phí tháng qua lại thông suốt. Những xe khác, xe cố tình gây cản trở sẽ có các làn phía ngoài.
Theo ông Huyện, trong tổng số 23.000km đường bộ trên cả nước hiện nay chỉ có 1.700km đường làm BOT, riêng quốc lộ 1 là 908km. Nguồn thu của Quỹ Bảo trì đường bộ khoảng 6.500 tỷ đồng/năm, chỉ đáp ứng được khoảng 40% nhu cầu.
“Hiện, còn 8.500km đường bộ đến kỳ vào cấp nhưng không có tiền để làm, điển hình là đường Hồ Chí Minh đã đầu tư xây dựng 15 năm (từ năm 2002) nhưng không có tiền nên đến giờ mới bảo trì được 35%. Còn đối với các dự án BOT, việc sửa chữa, bào trì tuyến đường do nhà đầu tư bỏ tiền, Quỹ Bảo trì đường bộ không được phép chi. Do vậy, một số chủ phương tiện nói đã đóng quỹ bảo trì rồi thì không phải trả tiền phí BOT là lấy lý do để cố tình chống đối thu phí” – ông Huyện nói.
Quốc lộ 5 là tuyến đường huyết mạch nối Hà Nội – Hải Phòng, dài khoảng 100km, có hai trạm thu phí tại Hưng Yên và Hải Phòng. Từ cuối năm 2015, dự án nâng cấp quốc lộ 5 theo hình thức BOT được chuyển giao cho Vidifi; nhà đầu tư chịu trách nhiệm sửa chữa, nâng cấp, bảo trì tuyến đường này bằng nguồn kinh phí thu được từ các trạm thu phí.Mức phí qua trạm BOT hiện thấp nhất là 40.000 đồng, cao nhất là 180.000 đồng mỗi lượt. Tuy nhiên, nhiều tài xế đã phản đối việc đặt trạm BOT tại địa điểm này.Giữa tháng 10, UBND tỉnh Hưng Yên gửi văn bản kiến nghị di dời trạm thu phí số 1 trên quốc lộ 5 và miễn, giảm phí cho các phương tiện.UBND tỉnh Hưng Yên đề nghị các cơ quan chức năng xem xét dời trạm thu phí số 1 tại về vị trí tiếp giáp giữa tỉnh Hưng Yên và thành phố Hà Nội hoặc giữa tỉnh Hưng Yên và tỉnh Hải Dương.Ngày 18.10, Tổng cục Đường bộ đã có văn bản gửi Bộ GTVT đề nghị giảm 12-15% cho tất cả phương tiện lưu thông qua quốc lộ 5, miễn phí cho người dân sinh sống trong bán kính 5km quanh trạm thu phí.
Theo Dantri
2 ngày có 30 lượt xe quay vòng trả tiền lẻ tại trạm BOT quốc lộ 5
Hôm nay (12.12) chỉ có một lượt ôtô trả tiền lẻ khi qua trạm BOT quốc lộ 5, còn hôm qua có 29 lượt.
Lúc 17h30 ngày 12.12, tại trạm thu phí quốc lộ 5 (huyện Văn Lâm, Hưng Yên) tiếp tục có một nam tài xế trả tiền lẻ mệnh giá 500 đồng khi qua trạm.
Theo ông Nguyễn Văn Điều, Trưởng trạm thu phí, tài xế này đã từng trả tiền lẻ tại trạm vào sáng 11.12. Do chỉ có một trường hợp nên nhân viên trạm thu phí giải quyết nhanh trong 4-5 phút, không xảy ra ùn tắc tại trạm.
29 lượt xe trả tiền lẻ qua trạm BOT quốc lộ 5 trong ngày 11.12. Ảnh: Ngọc Thành
Trước đó trong giờ cao điểm sáng và chiều 11.12, nhiều tài xế đã dùng tiền lẻ mua vé qua trạm thu phí BOT trên quốc lộ 5, đoạn qua xã Lạc Hồng, Văn Lâm (Hưng Yên), khiến nơi này xảy ra hiện tượng ùn tắc cục bộ chiều từ Hải Phòng - Hà Nội.
Theo ghi nhận của Thanh tra Giao thông, Cục Quản lý đường bộ I, trong ngày có 15 tài xế ôtô các loại với 29 lượt qua trạm đã sử dụng tiền lẻ mệnh giá 200, 500 đồng, phần lớn là ôtô có biển kiểm soát tỉnh Hưng Yên.
Trong 29 lượt xe, lực lượng thanh tra giao thông ghi nhận có 7 xe quay đầu đi qua trạm và trả tiền lẻ từ 2 lần trở lên. Cá biệt có xe vòng đi vòng lại qua trạm đến 6 lần, còn lại phần lớn xe qua trạm 2-3 lần.
Theo ông Nguyễn Thanh Thái, Đội trưởng Đội thanh tra an toàn (Cục Quản lý đường bộ I) vào sáng 11.12, có hai tài xe đã đòi trả lại tiền mệnh giá 100 đồng song trạm thu phí không có loại tiền này, khiến thời gian xe này dừng tại trạm kéo dài đến gần 20 phút.
Sau khi làm việc với ngân hàng, trạm thu phí đã có loại tiền 100 đồng để trả cho khách hàng vào buổi chiều cùng ngày.
Ngoài ra, có một tài xế trả tiền ướt có mệnh giá 500 đồng, khiến thời gian xe này dừng tại trạm hơn 10 phút.
"Lái xe quay vòng tại trạm thu phí không vi phạm gì, không có quy định cấm xe quay đầu song ý định của họ là muốn kéo dài thời gian trả phí, gây ùn tắc giao thông để doanh nghiệp phải xả trạm", ông Thái nói.
Theo ông Thái, vụ việc trả tiền lẻ tại trạm thu phí BOT quốc lộ 5 ngày 11.12 chưa gây ùn tắc nghiêm trọng; chỉ có một xe tải trả tiền lẻ kéo dài thời gian lâu nhất là 30 phút. Các xe cứu hộ được điều để giải tỏa phương tiện ùn tắc chưa được sử dụng.
Trong ngày 12.12, trạm thu phí BOT quốc lộ 5 hoạt động bình thường. Các lực lượng chức năng có mặt tại trạm để xử lý tình huống khi cần thiết.
Quốc lộ 5 là tuyến đường huyết mạch nối Hà Nội - Hải Phòng, chiều dài khoảng 100 km, tuyến đường này có hai trạm thu phí tại Hưng Yên và Hải Phòng.Từ cuối năm 2015, dự án nâng cấp Quốc lộ 5 theo hình thức BOT được chuyển giao cho Vidifi; nhà đầu tư chịu trách nhiệm sửa chữa, nâng cấp, bảo trì tuyến đường này bằng nguồn kinh phí thu được từ các trạm thu phí.Nguồn thu phí quốc lộ 5 cũng được bổ sung cho cao tốc Hà Nội - Hải Phòng theo quyết định của Chính phủ.
Theo Đoàn Loan (VNE)
Trạm BOT quốc lộ 5: Trình Chính phủ 2 phương án giảm giá vé Sau khi các lái xe dùng tiền lẻ mua vé qua trạm thu phí BOT quốc lộ 5, Đại diện Vidifi cho biết vừa trình Chính phủ 2 phương án giảm phí cho tất cả các phương tiện lưu thông qua tuyến quốc lộ này trong thời gian tới. Liên quan đến sự việc các lái xe dùng tiền mệnh giá 200 đồng,...