Bộ GTVT lên tiếng về quy hoạch xây nhà 70 tầng ở ga Hà Nội
Ga Hà Nội còn được xác định là ga của tuyến đường sắt tốc độ cao, vì vậy Bộ GTVT đề nghị bổ sung dự báo lưu lượng hành khách của tuyến đường sắt tốc độ cao phân bổ cho khu vực quy hoạch.
Đề xuất xây cao ốc 70 tầng tại khu vực ga Hà Nội. Ảnh: Hồng Vĩnh.
Bộ GTVT vừa có văn bản gửi UBND TPHà Nội nêu ý kiến về Đồ án quy hoạch phân khu đô thị khu vực ga Hà Nội và vùng phụ cận.
Theo Bộ GTVT, đồ án quy hoạch được lập khá công phu, nhiều nội dung nghiên cứu chi tiết, đã có mối liên hệ mật thiết với định hướng quy hoạch phát triển GTVT Hà Nội và các dự án phát triển đường sắt có liên quan khu vực ga Hà Nội (dự án tuyến ĐSĐT số 1, Yên Viên – Ngọc Hồi và tuyến ĐSĐT số 3, đoạn Nhổn – ga Hà Nội).
Việc lập quy hoạch ga Hà Nội là cần thiết, nhất là việc xác định ga Hà Nội và vùng phụ cận cần được xây dựng một cách thống nhất, đồng bộ và là cơ sở để tổ chức thực hiện quy hoạch. Đồng thời, hướng tới Thủ đô văn minh, hiện đại và để cụ thể hoá Đồ án quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được phê duyệt ngày 26/07/2011 của Thủ tướng Chính phủ.
Tuy nhiên, Bộ GTVT đề nghị Hà Nội phải làm rõ cơ sở lựa chọn phạm vi quy hoạch, phân khu chức năng và tính cấp thiết của việc lập quy hoạch; rà soát kỹ khả năng đáp ứng nhu cầu vận tải khi dân số quy hoạch tại đồ án này; rà soát các số liệu điều tra khảo sát hiện trạng về dân cư, mật độ giao thông trên các tuyến đường trong khu vực quy hoạch cũng như các tuyến giao thông kết nối vùng quy hoạch với khu vực lân cận để đảm bảo liên thông vận tải toàn thành phố.
Phân tích tính toán kỹ về dự báo nhu cầu vận tải khu vực quy hoạch để đảm bảo tỷ lệ quỹ đất dành cho giao thông, cũng như năng lực đáp ứng của các loại hình vận tải so với nhu cầu hành khách tham gia giao thông.
Thêm nữa, theo quy hoạch phát triển giao thông vận tải, ga Hà Nội còn được xác định là ga của tuyến đường sắt tốc độ cao, vì vậy cần nghiên cứu bổ sung dự báo lưu lượng hành khách của tuyến đường sắt tốc độ cao phân bổ cho khu vực quy hoạch.
Theo Bộ GTVT, theo quy hoạch phát triển GTVT Thủ đô Hà Nội được phê duyệt tại Quyết định 519/QĐ-TTg ngày 31/3/2016 của Thủ tướng Chính phủ, ga Hà Nội là ga trung tâm trung chuyển của đường sắt quốc gia, đường sắt đô thị và hệ thống giao thông công cộng khác.
Vì vậy, Bộ GTVT đề nghị bổ sung các chỉ tiêu dự báo nhu cầu vận tải trong tương lai cho từng loại hình giao thông tại khu vực; đồng thời, cần rà soát các giải pháp để giảm ùn tắc giao thông trong khu vực xây dựng quy hoạch, các bước triển khai thực hiện.
Video đang HOT
Đánh giá cụ thể các hạng mục công trình nhằm đảm bảo công năng phục vụ cho hoạt động vận tải đường sắt quốc gia, đường sắt đô thị và đường sắt tốc độ cao theo quy hoạch và cần có cơ chế để tái đầu tư phát triển hạ tầng giao thông quốc gia.
Tháng 9/2017, Hà Nội đã xin ý kiến các bộ ngành về đồ án quy hoạch ga Hà Nội và vùng phụ cận. Theo quy hoạch do tư vấn Nhật Bản lập, ga Hà Nội ở vị trí hiện tại sẽ được bảo tồn nguyên trạng với mặt tiền nằm trên đường Trần Hưng Đạo.Tư vấn đề xuất chia ga Hà Nội và vùng phụ cận thành 9 phân khu chức năng, với tòa nhà cao nhất 150m (tương đương 40 tầng). Trong đó, khu ga đường sắt nằm ở trung tâm của quy hoạch; khu văn hóa gồm Văn Miếu và khu vực xung quanh được xác định bảo tồn, xây dựng công trình mới phải hạn chế chiều ca kiến trúc…Trong 9 phân khu, các khu kiến trúc, truyền thông, thương mại được xây dựng chiều cao tối đa 200m (70 tầng); khu nghỉ dưỡng, lối sống mới được xây dựng tối đa 60 tầng; khu văn hóa thấp tầng.
Theo Danviet
Hiện trạng khu vực ga Hà Nội trước đề xuất xây cao ốc
Hà Nội đề xuất giữ nguyên trạng nhà ga, tuy nhiên khu vực xung quanh quy hoạch nhiều công trình cao tầng.
Ga Hà Nội, trước đây tên gọi là ga Hàng Cỏ do Pháp xây dựng và khánh thành năm 1902. Hơn một thế kỷ qua, ga Hà Nội luôn là một đầu mối giao thông vận tải quan trọng của Việt Nam cũng như Thủ đô Hà Nội.
Gần đây, thành phố đã thuê tư vấn Nhật Bản làm đồ án quy hoạch và có tờ trình xin ý kiến các bộ ngành về phân khu đô thị khu vực ga Hà Nội và phụ cận.
Tư vấn đưa ra ba phương án quy hoạch ga Hà Nội và đường Trần Hưng Đạo, trong đó có hai phương án giữ nguyên nhà ga (bảo tồn nguyên trạng) ở vị trí hiện tại, không kéo dài đường Trần Hưng Đạo về phía Tây. Tuy nhiên, xây dựng đường trục Đông Tây ở phía bắc nhà ga hoặc kéo dài đường Quốc Tử Giám về phía Đông để liên kết với đường Lý Thường Kiệt.
Phương án khác là nhà ga di chuyển về phía nam và bảo tồn; đường Trần Hưng Đạo kéo dài về phía Tây để kết nối với đường Quốc tử Giám.
Tầng một nhà ga Hà Nội hiện là nơi bán vé và là phòng khách chờ ra tàu.
Theo tư vấn Nhật Bản, nhà ga là công trình lịch sử quan trọng trong ký ức người Hà Nội, do vậy nhà ga cần được khôi phục theo đúng nguyên mẫu kiến trúc từ thời Pháp.
Tầng 2 và 3 là phòng chờ của khách và khu văn phòng của ga Hà Nội.
Theo tờ trình của thành phố, ga Hà Nội và vùng phụ cận được chia thành 9 phân khu chức năng; trong 9 phân khu thì các khu kiến trúc, truyền thông, thương mại được xây dựng chiều cao tối đa 200 m (70 tầng); khu nghỉ dưỡng, lối sống mới được xây dựng tối đa 60 tầng; khu văn hóa thấp tầng.
TP Hà Nội đề xuất ba phương án thiết kế chiều cao các công trình điểm nhấn, từ 100 đến 200 m, xây dựng xung quanh khu vực hồ Linh Quang, trong đó có phương án xây dựng công trình 70 tầng tại phía tây bắc hồ.
Lý giải việc Hà Nội đề xuất xây dựng nhiều nhà cao tầng xung quanh ga, lãnh đạo Sở Quy hoạch cho biết, để đáp ứng các mục tiêu của đồ án thì phải xác định quy mô xây dựng, diện tích sàn tương ứng chiều cao công trình.
"Khi chiều cao nâng lên thì mật độ xây dựng giảm và mới có quỹ đất dư ra để phát triển đường giao thông, khu vực công cộng và cây xanh", ông Lê Vinh - Giám đốc Sở Quy hoạch nói.
Ga Hà Nội được đề xuất trở thành điểm trung chuyển đa phương thức; quảng trường trước ga là đầu mối giao thông đảm nhiệm chức năng khớp nối tổng hợp nhiều phương tiện, nơi hội tụ các hoạt động của người dân thành phố.
Tại khu vực ga sẽ tạo dựng hệ thống mạng lưới đỗ xe ngầm, cầu đi bộ trên cao, đảm bảo an toàn giao thông cho người đi bộ và kết nối với tàu điện ngầm.
Ga Hà Nội đang thông qua 3,5 triệu hành khách mỗi năm, trong tương lai khi đường sắt được nâng cấp về dịch vụ cũng như thuận tiện hơn trong việc kết nối các phương thức vận tải, lưu lượng hành khách sử dụng loại hình này sẽ tăng lên.
Theo đề xuất của Hà Nội, nguồn vốn xây dựng các công trình theo quy hoạch khoảng 23.800 tỷ đồng, trong đó, vốn cho hạ tầng kỹ thuật, công trình ngầm do nhà nước đầu tư khoảng 700 tỷ đồng; chủ thể xây dựng tuyến đường sắt đô thị số một đầu tư khoảng 3.000 tỷ đồng; chủ thể xây dựng tuyến đường sắt đô thị số 3 đầu tư 100 tỷ đồng; các dự án phát triển đô thị đầu tư khoảng 20.000 tỷ đồng.
Giang Huy
Theo VNE
Ga Hà Nội và các tòa nhà 70 tầng được đề xuất quy hoạch như thế nào Hà Nội đề xuất giữ nguyên trạng nhà ga Hà Nội, xung quanh ga quy hoạch nhiều cao ốc cho dân số khoảng 44.000 người. Hà Nội đang quy hoạch phân khu đô thị khu vực ga Hà Nội và phụ cận với mục tiêu đưa nơi này thành cửa ngõ mới của Thủ đô, gồm ba chức năng "đầu mối giao thông",...