Bộ GTVT lên tiếng về ‘hai phương án đường sắt cao tốc chênh nhau 32 tỉ USD’
Trong thông cáo phát đi tối 9.7, Bộ GTVT cho biết, phương án đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam 58,7 tỉ USD đã được 9/10 bộ, ngành cơ bản thống nhất.
Đường sắt cao tốc tại Nhật Bản . Ảnh Việt Hùng
Theo Bộ GTVT, trên cơ sở kết quả nghiên cứu về phạm vi, quy mô, phương án công nghệ,… tư vấn trong nước (với sự hỗ trợ của tư vấn nước ngoài) đã đề xuất tổng mức đầu tư dự án là 58,7 tỉ USD.
Tuy nhiên, Bộ GTVT cũng khẳng định, kết quả nghiên cứu của Bộ này cũng như ý kiến của Bộ KH-ĐT liên quan đến quy mô, tổng mức đầu tư dự án… sẽ tiếp tục được Bộ GTVT có ý kiến, giải trình làm rõ trong quá trình thẩm định của Hội đồng thẩm định nhà nước và thẩm tra của các cơ quan có liên quan, trước khi trình Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư dự án.
Trong khi đó, trao đổi với báo chí, ông Phạm Hữu Sơn, Tổng giám đốc Tổng Công ty Tư vấn thiết kế giao thông vận tải (TEDI – đại diện liên danh tư vấn lập dự án), cho rằng dự án đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam hiện nay có quy mô và các thông số tương tự dự án đường sắt cao tốc Hà Nội – TP.HCM đã được Quốc hội xem xét từ năm 2010.
Khi đó, trước khi trình Chính phủ trình Quốc hội xem xét, quyết định thông qua, Bộ KH-ĐT cũng đã thẩm định và dự án có tổng mức đầu tư khoảng 55,8 tỉ USD.
Video đang HOT
Tuy nhiên, thời điểm đó, dự án chưa được làm rõ về hướng tuyến, thỏa thuận vị trí nhà ga, giải phóng mặt bằng… Sau khi cập nhật đơn giá, tổng mức đầu tư của dự án khoảng 58,7 tỉ USD với suất đầu tư khoảng 38 triệu USD/km, thấp hơn rất nhiều so với suất đầu tư của các dự án đường sắt đô thị hiện nay tại Việt Nam.
Đại diện TEDI cũng cho biết, đơn giá của Việt Nam áp vào đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam cũng thấp hơn so với Trung Quốc và Nhật Bản khoảng 30%.
Theo tính toán của TEDI, khi xây dựng hạ tầng và mua sắm phương tiện, thiết bị để phục vụ chạy tàu 350 km/giờ cũng chỉ tăng khoảng 5 tỉ USD so với xây dựng hạ tầng, mua sắm phương tiện, thiết bị cho tàu chạy 200 km/giờ. Vì vậy, 26 tỉ USD mà Bộ KH-ĐT đưa ra có thể chỉ là phần xây lắp của dự án.
Trước đó, trong văn bản trình Thủ tướng, Bộ KH-ĐT đề xuất xây dựng đường sắt cao tốc Bắc – Nam với vận tốc 200 km/giờ thay vì 350 km/giờ như phương án Bộ GTVT tính toán, theo đó sẽ hết 26 tỉ USD đầu tư, thay vì 58,7 tỉ USD.
Theo Thanhnien
Đường sắt tốc độ cao chênh 32 tỷ USD: Bộ Giao thông nói gì?
Bộ Giao thông Vận tải vừa phát đi thông cáo báo chí về phương án thực hiện dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam .
Bộ Giao thông Vận tải lên tiếng về vốn đầu tư đường sắt tốc độ cao chênh 32 tỷ USD - Ảnh minh hoạ.
Như VnEconomy đã đưa tin, Bộ Giao thông Vận tải đề xuất phương án đầu tư Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam theo kịch bản 3 với tổng vốn đầu tư lên tới 58,7 tỷ USD thì Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng có thể xây dựng đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam với tổng vốn đầu tư chỉ khoảng 26 tỷ USD, tiết kiệm tới hơn 32 tỷ USD.
Về vấn đề này, trong thông cáo phát đi chiều 9/7, Bộ Giao thông Vận tải cho biết, quá trình triển khai, Bộ đã tổ chức 4 hội nghị, hội thảo chuyên đề và các báo cáo (đầu kỳ, giữa kỳ, cuối kỳ) để xin ý kiến của các cơ quan, đơn vị có liên quan và các chuyên gia. Đồng thời, trực tiếp làm việc, có ý kiến chính thức bằng văn bản của 20/20 địa phương có dự án đi qua; lấy ý kiến của các bộ, ngành liên quan...
Trên cơ sở kết quả nghiên cứu về phạm vi, quy mô, phương án công nghệ..., tư vấn trong nước với sự hỗ trợ của tư vấn nước ngoài đã đề xuất tổng mức đầu tư dự án là 58,7 tỷ USD.
Về phân kỳ và phân đoạn đầu tư, Bộ Giao thông Vận tải khẳng định, với tổng mức đầu tư rất lớn của dự án, báo cáo nghiên cứu tiền khả thi cũng đã nghiên cứu khả năng huy động nguồn lực nhằm giảm áp nợ công của nền kinh tế. Theo đó có 2 phương án phân kỳ đầu tư như sau:
Phương án phân kỳ theo chiều ngang: Đầu tư hoàn chỉnh và khai thác đồng bộ đường sắt tốc độ cao trên từng đoạn. Tốc độ thiết kế là 350km/h. Theo đó: Giai đoạn 1 (dự kiến từ 2020 - 2032) đầu tư đoạn Hà Nội - Vinh và thành phố Hồ Chí Minh - Nha Trang với tổng mức đầu tư dự kiến là 24,7 tỷ USD.
Giai đoạn 2 (dự kiến từ 2032 - 2050) đầu tư đoạn Vinh - Nha Trang để nối thông toàn tuyến (mặc dù được phân thành 2 giai đoạn nhưng thực chất đây là một quá trình đầu tư liên tục) tổng mức đầu tư là 33,98 tỷ USD.
Phương án phân kỳ theo chiều kỳ dọc: Đầu tư hoàn chỉnh hạ tầng toàn tuyến theo tiêu chuẩn đường sắt tốc độ cao và phân kỳ đối với việc đầu tư thiết bị, phương tiện vận tải và phương thức khai thác.
Theo đó, Giai đoạn 1 (dự kiến từ 2020 - 2032) đầu tư hạ tầng toàn bộ tuyến Hà Nội - thành phố Hồ Chí Minh đảm bảo tốc độ thiết kế 350km/h nhưng chưa điện khí hóa, mua sắm đoàn tàu diezel để khai thác riêng tàu khách trên toàn tuyến với vận tốc khai thác tối đa 150Km/h với tổng mức đầu tư là 41,980 tỷ USD.
Giai đoạn 2 (dự kiến từ 2032 - 2050) tiến hành điện khí hóa, nâng cấp hệ thống thông tin tín hiệu, mua sắm đoàn tàu tốc độ cao thay thế tầu diezel để khai thác trên toàn tuyến với tổng mức đầu tư là 17,11 tỷ USD.
Qua phân tích về khả năng đáp ứng nhu cầu vận tải trên hành lang, khả năng huy động các nguồn lực đầu tư, hiệu quả đầu tư Dự án, Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án đề xuất phương án và tiến độ đầu tư theo chiều ngang.
Bộ Giao thông Vận tải khẳng định: "Kết quả nghiên cứu của Bộ cũng như ý kiến của Bộ Kế hoạch và Đầu tư liên quan đến quy mô, tổng mức đầu tư dự án... sẽ tiếp tục được Bộ Giao thông Vận tải có ý kiến, giải trình làm rõ trong quá trình thẩm định của Hội đồng thẩm định Nhà nước và thẩm tra của các cơ quan có liên quan trước khi trình Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư dự án".
Theo VNEconomy
Hàng loạt dự án đường sắt đô thị chậm tiến độ và đội vốn Tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV, Bộ Giao thông Vận tải đã giải trình về việc các dự án đường sắt đô thị hầu hết chậm tiến độ và tăng tổng mức đầu tư. Cụ thể, theo Bộ Giao thông Vận tải, 5 dự án chậm tiến độ, tăng tổng mức đầu tư, gồm: Dự án đường sắt đô thị...