Bộ GTVT lên các phương án xử lý trạm BOT Cai Lậy
Trao đổi với PV Dân trí tối nay (5/12), Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông cho biết, Bộ GTVT đã báo cáo Thủ tướng về Dự án BOT Cai Lậy ( tỉnh Tiền Giang) và các phương án xử lý vấn đề “ nóng” đang xảy ra tại trạm BOT này.
Trạm BOT Cai Lậy hiện đang tiếp tục dừng thu phí theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ
Theo Thứ trưởng Đông, Dự án BOT Cai Lậy được đầu tư theo hình thức đối tác công – tư (PPP), hợp đồng BOT (xây dựng – kinh doanh – chuyển giao). Việc triển khai dự án theo đúng chủ trương của Đảng, Chính phủ.
Hôm qua (4/12), trong cuộc họp do Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì về BOT Cai Lậy, Trước mắt, Thủ tướng chỉ đạo dừng thu phí 1-2 tháng để xem xét, đánh giá toàn diện các vấn đề liên quan đến dự án.
Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông cho hay, tại cuộc họp chiều 4/12, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể đã báo cáo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc về các phương án xử lý vấn đề của trạm BOT Cai Lậy.
Phương án 1, giữ nguyên vị trí trạm thu phí và tăng cường tuyên truyền vận động người dân, kèm cải thiện các dịch vụ để giải đáp những thắc mắc của người dân.
Phương án 2, di dời trạm thu phí về tuyến tránh thị xã Cai Lậy. Để thực hiện phương án này thì phải tính toán lại và thương thảo với nhà đầu tư về thời gian thu phí. Phương án này rất khó khả thi bởi sẽ dẫn tới phá vỡ phương án tài chính và có thể ảnh hưởng tới nợ xấu ngân hàng.
Phương án 3, đặt 2 trạm thu phí, trong đó 1 trạm nằm trên quốc lộ 1 để để thu phí hoàn vốn phần nhà đầu tư bỏ ra đầu tư để cải tạo, nâng cấp tuyến đường và đặt 1 trạm trên tuyến tránh để thu phí hoàn vốn của nhà đầu tư BOT.
Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Đông, Thủ tướng chỉ đạo nghiên cứu các phương án cụ thể trước khi tổ chức thu phí trở lại. Vì vậy ngoài 3 phương án đã báo cáo sẽ có những phương án khác được tính tới.
“Đó chỉ là 3 trong nhiều phương án, chưa phải là những phương án cuối cùng. Bộ GTVT và các Bộ, ngành, địa phương sẽ nghiên cứu thêm các phương án khác để báo cáo Thủ tướng Chính phủ nhằm xử lý vấn đề tại trạm BOT Cai Lậy” – Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông cho biết.
Lãnh đạo Bộ GTVT cũng thông tin, hiện phương án cuối cùng xử lý vấn đề của trạm BOT Cai Lậy vẫn chưa được quyết định và sẽ được nghiên cứu kỹ lưỡng để đảm bảo hài hòa lợi ích giữa người dân, nhà nước và nhà đầu tư.
Video đang HOT
Trạm BOT Cai Lậy bắt đầu được thu phí từ đầu tháng 8/2017 để hoàn vốn cho Dự án cải tạo, tăng cường mặt đường 26,4 km quốc lộ 1 qua Tiền Giang, đoạn qua thị xã Cai Lậy dài 11,1 km, sửa chữa 14 cầu kết hợp xây dựng tuyến tránh thị xã Cai Lậy dài 12,1 km với tổng mức đầu tư 1.398 tỷ đồng. Tuy nhiên, mức phí và vị trí đặt trạm được cho là vấn đề khiến người dân phản đối dẫn tới “vỡ” trạm và phải tạm dừng thu phí trong 3 tháng.
Ngày 30/11, trạm BOT Cai Lậy tiếp tục được thu phí trở lại, nhưng những ngày qua trạm này trở thành điểm “nóng”, tài xế sử dụng các phương thức phản đối như trả tiền lẻ, xếp hàng gây ùn tắc… khiến trạm này không thể thu được phí.
Châu Như Quỳnh
Theo Dantri
Bộ Giao thông vận tải: "Không đổi vị trí trạm BOT Cai Lậy"
Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Ngọc Đông khẳng định, khi xem xét sự việc ở trạm BOT Cai Lậy, Bộ phải dựa trên yếu tố hài hòa giữa các bên: Nhà nước, chủ đầu tư, người dân. Chính vì vậy, dù người dân tiếp tục phản ứng, Bộ vẫn quyết định không di dời trạm BOT Cai Lậy.
Chủ trì cuộc họp báo liên quan đến hoạt động thu phí của trạm BOT Cai Lậy (tỉnh Tiền Giang) là Người phát ngôn Bộ Giao thông Vận tải (GTVT), Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông. Ông Đông cho biết sẽ giải đáp tất cả các câu hỏi về trạm BOT Cai Lậy.
"Vỡ trận" vì không lường trước
Trả lời câu hỏi của PV Dân trí về vị trí đặt trạm BOT Cai Lậy, Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông cho biết: Trước đây đường làm từ ngân sách nhà nước cũng có trạm thu phí, đến nay các dự án BOT cần phải thu phí để hoàn vốn cho nhà đầu tư.
"Vị trí đặt trạm BOT Cai Lậy hiện nay do tỉnh Tiền Giang đề nghị và được Bộ GTVT chấp thuận dựa trên phạm vi của dự án, phương án tài chính của nhà đầu tư. Trước khi đặt trạm, các đơn vị đã lấy ý kiến của địa phương, Bộ Tài chính, Hội đồng nhân dân tỉnh, Đoàn đại biểu quốc hội theo quy định" - Thứ trưởng Đông cho hay.
Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông chủ trì buổi họp báo chiều 17/8
Theo Thứ trưởng Đông, tất cả các dự án BOT nếu không căn cứ vào phương án tài chính thì không triển khai được. Dự án thực hiện trên cơ sở tính toán hài hoà lợi ích của Nhà nước, nhà đầu tư và người dân. Người cấp vốn (ngân hàng) cũng phải dựa trên phương án tài chính thì mới dám cấp.
Hôm qua (16/8), Bộ GTVT và các bên liên quan đã quyết định giảm phí BOT Cai Lậy, tuy nhiên đến người dân vẫn chưa đồng thuận. Theo người dân địa phương, lí do họ phản ứng không phải vì mức phí mà vì vị trí trạm hiện nay.
Lý giải thêm về việc này, Thứ trưởng Đông cho biết, trong suốt 1 năm tỉnh Tiền Giang không giải phóng được mặt bằng ở vị trí đặt trạm ban đầu nên đã đề xuất chuyển vị trí mới để xây dựng trạm thu phí hiện tại.
Trả lời câu hỏi, trước sự phản đối từ người dân liệu cơ quan chức năng có thay đổi vị trí trạm BOT Cai Lậy hay không?, Thứ trưởng Đông khẳng định: "Bộ GTVT khi xem xét sự việc ở trạm BOT Cai Lậy phải dựa trên yếu tố hài hòa giữa Nhà nước, nhà đầu tư, người dân. Chính vì vậy, dù người dân tiếp tục phản ứng, Bộ vẫn quyết định không di dời BOT Cai Lậy".
Bộ GTVT sẽ không di dời vị trí trạm BOT Lai Cậy hiện tại
Người phát ngôn Bộ GTVT cho rằng, hiện nay trên cả nước có rất nhiều trạm thu phí, nếu cứ vì người dân phản đối, phản ứng mà thay đổi vị trí trạm thu phí là không ổn.
Trên thực tế, đã có những dự án BOT "nhãn tiền" không đạt được sự đồng thuận của người dân, nhưng phải khi người dân phản ứng thì Bộ GTVT mới có động thái xử lý. Với trường hợp hiện tại của BOT Cai Lậy, lãnh đạo Bộ GTVT thừa nhận: "Chúng tôi không lường trước được mọi việc"
Sai đến đâu sẽ xử lý đến đó!
Nói về mức phí Cai Lậy cao hơn nhiều so với phí đường cao tốc Trung Lương, Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông giải thích đây là 2 phương thức thu phí khác nhau và nguồn vốn đầu tư cũng khác nhau.
"Cao tốc Trung Lương sử dụng vốn ngân sách và không giới hạn thời gian bao lâu. Với mức 1.000 đồng/km, cao tốc Trung Lương thu phí kín, đây là phương pháp hiện đại, đảm bảo công bằng nhất. Trong khi đó, BOT Cai Lậy thu phí theo lượt, đảm bảo về thời gian hoàn vốn và hài hoà lợi ích các bên" - Thứ trưởng Đông nói.
Báo chí dự họp báo đông kín hội trường Bộ GTVT chiều 17/8
Vấn đề tiếp theo PV Dân trí đặt ra là việc sửa chữa, tăng cường mặt đường Quốc lộ 1 có phải chăng chỉ là cái "cớ" để hợp thức hoá việc thu phí tại Cai Lậy, bởi việc việc sửa chữa trên tuyến đường hiện hữu đã có Quỹ bảo trì đường bộ.
Thứ trưởng Đông cho hay, bảo trì đường bộ chỉ là vá đường, sửa chữa đơn giản, quỹ bảo trì đường bộ không đủ để cải tạo nâng cấp đường. Luật đầu tư và Nghị định 108 cho phép huy động vốn BOT để nâng cấp, cải tạo và ở Quốc lộ 1 đoạn qua Cai Lậy thực chất là nâng cấp cải tạo mặt đường, sửa chữa các cầu và hệ thống thoát nước.
Về trách nhiệm của các bên liên quan đến bất cập của trạm BOT Cai Lậy, Người phát ngôn Bộ GTVT khẳng định: "Sai đến đâu sẽ xử lý đến đó".
Theo Thứ trưởng Đông, việc xử lý đầu tiên là nhà đầu tư dự án, căn cứ vào hợp đồng đầu tư; sau đó đến đại diện quản lý nhà nước là Tổng cục Đường bộ và địa phương là tỉnh Tiền Giang.
"Chúng tôi sẽ làm rõ trách nhiệm các bên để có xem xét cụ thể và xử lý. Nếu có sai sót về mặt hình sự sẽ xử lý về mặt hình sự, tuy nhiên ở đây chưa phát hiện ra sai sót hình sự" - Thứ trưởng Đông kiên quyết.
"Chuyển cầu thành cống là bình thường"
Với câu hỏi sau giảm phí, thời gian thu phí Cai Lậy sẽ là bao nhiêu năm?, ông Nguyễn Danh Huy - Vụ trưởng Vụ Đối tác công - tư (PPP) thông tin, phương án tài chính phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố, trong đó có phương án tài chính, lưu lượng xe. Chúng tôi đang triển khai tính toán lại con số về lương lượng xe để có sự điều chỉnh.
Trong khi đó, Thứ trưởng Đông cho rằng, ở đây có sự "đánh đổi" giữa mức thu và thời gian thu, nếu mức phí cao thì thời gian thu ngắn hơn, còn nếu phí thấp thì thời gian thu phí sẽ dài hơn.
Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông trả lời các câu hỏi của phóng viên
Trên dự án, theo thiết kế ban đầu có 7 cây cầu nhưng sau đó thay đổi thiết kế cầu thành cống, theo Thứ trưởng Đông, đây là việc hoàn toàn bình thường trong thi công xây dựng, bởi thiết kế ban đầu chưa phải là cuối cùng, trong quá trình thực hiện dự án sẽ rà soát và thay đổi.
"Đây là 2 cầu bản dài 6m, là cầu nhỏ. Trong quá trình rà soát đơn vị thực hiện dự án đã thay đổi thiết kế kỹ thuật từ cầu thành cống. Việc thay đổi này không làm ảnh hưởng gì tới dự án. Cầu thay đổi thành cống có thể không giảm được nhiều chi phí, nhưng nó phù hợp về mặt thiết kế kỹ thuật và đảm bảo thoát nước tốt" - ông Đông lý giải.
Châu Như Quỳnh
Theo Dantri
Dự án BOT: Phát hiện "tù mù" vì sao vẫn cấp phép? "Lỗi" của BOT Cai Lậy là không để người dân được lựa chọn đường đi, vị trí đặt trạm bất hợp lí, mức phí cao đổ đầu chủ phương tiện. Rõ ràng, lỗ hổng chính sách đã gây tác động tiêu cực lên người dân và được cho là "việc đã rồi". Vậy, trách nhiệm thuộc về ai? Ngành ngành "sản xuất" BOT...