Bộ GTVT giải thích về việc trả lương cho Dương Chí Dũng
Trong công văn gửi đến báo Dân trí, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Công xác nhận việc Cục Hàng hải Việt Nam thực hiện việc cho trả 50% lương cho cựu Cục trưởng Dương Chí Dũng từ khi bị bắt đến khi có bản án phúc thẩm. Thời gian bỏ trốn, Dương Chí Dũng không được trả lương.
Dương Chí Dũng tỏ ra rất vui vẻ, lạc quan khi rời toà phúc thẩm trước ngày bị tuyên án.
Thông tin cụ thể sau khi Dân trí đăng bài viết “Dương Chí Dũng vẫn được nhận lương trong 2 năm ngồi tù”, Bộ GTVT giải thích những căn cứ của việc ra quyết định buộc thôi việc với Dương Chí Dũng tuần trước cũng như việc trả lương cựu Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam thời gian qua.
Về quyết định buộc thôi việc, Thứ trưởng Nguyễn Văn Công nêu rõ, nguyên Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam là công chức thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ Giao thông vận tải. Việc xử lý kỷ luật đối với ông Dũng được thực hiện theo quy định của Luật Cán bộ, công chức và Nghị định số 34 năm 2011 hướng dẫn thi hành Luật Cán bộ, công chức về vấn đề xử lý kỷ luật.
Công văn của Bô GTVT viện dẫn khoản 3 Điều 79 luật Cán bộ, công chức (nội dung “Công chức bị Tòa án kết án phạt tù mà không được hưởng án treo thì đương nhiên bị buộc thôi việc kể từ ngày bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật”), Điều 9 Bộ luật Tố tụng hình sự (nội dung “Không ai bị coi là có tội và phải chịu hình phạt khi chưa có bản án kết tội của Toà án đã có hiệu lực pháp luật”), khoản 2 Điều 3 Nghị định 34 để giải thích việc sau khi có bản án phúc thẩm của TAND tối cao, Bộ mới ra quyết định buộc thôi việc đối với Dương Chí Dũng.
Ngoài ra, Thứ trưởng Công nêu rõ, khoản 4 Điều 4 Nghị định 34 quy định các trường hợp chưa xem xét kỷ luật là “đang bị tạm giữ, tạm giam chờ kết luận của cơ quan có thẩm quyền điều tra, truy tố, xét xử về hành vi vi phạm pháp luật”.
Do đó, trong thời gian cơ quan tiến hành tố tụng thực hiện việc điều tra, truy tố, xét xử Dương Chí Dũng, trong thời gian bản án chưa có hiệu lực pháp luật, theo quy định của pháp luật thì Bộ Giao thông vận tải chưa đủ cơ sở để xử lý kỷ luật đối với ông Dũng – công văn của Bộ GTVT dẫn giải.
Video đang HOT
Về việc trả lương đối với Dương Chí Dũng, Thứ trưởng Nguyễn Văn Công cho biết, Bộ căn cứ vào khoản 2 Điều 81 Luật Cán bộ, công chức (nội dung “Trong thời gian bị tạm đình chỉ công tác hoặc bị tạm giữ, tạm giam để phục vụ cho công tác điều tra, truy tố, xét xử, cán bộ, công chức được hưởng lương theo quy định của Chính phủ”) để giải thích.
Ngoài ra, theo ông Công, Điều 24 Nghị định số 34 cũng quy định “Trong thời gian tạm giữ, tạm giam để phục vụ cho công tác điều tra, truy tố, xét xử hoặc tạm đình chỉ công tác để xem xét xử lý kỷ luật thì công chức được hưởng 50% của mức lương theo ngạch, bậc hiện hưởng, cộng với phụ cấp chức vụ lãnh đạo, phụ cấp thâm niên vượt khung, phụ cấp thâm niên nghề và hệ số chênh lệch bảo hiểm lưu lương (nếu có).
Trường hợp công chức bị xử lý kỷ luật hoặc bị Tòa án tuyên là có tội thì không được truy lĩnh 50% còn lại của mức lương theo ngạch, bậc hiện hưởng, cộng với phụ cấp chức vụ lãnh đạo, phụ cấp thâm niên vượt khung, phụ cấp thâm niên nghề và hệ số chênh lệch bảo lưu lương (nếu có) trong thời gian tạm đình chỉ công tác hoặc bị tạm giữ, tạm giam”.
Theo quy định về quản lý tiền lương trong Bộ GTVT (ban hành năm 2011), đại diện Bộ GTVT nhấn mạnh, việc chi trả lương cho các chức danh lãnh đạo Cục trực thuộc Bộ do các Cục thực hiện, Bộ GTVT thực hiện việc nâng lương đối với các chức danh này theo quy định.
Từ những quy định này, Thứ trưởng Nguyễn Văn Công xác nhận, Cục Hàng hải Việt Nam đã thực hiện việc chi trả 50% của mức lương theo ngạch, bậc hiện hưởng, cộng với phụ cấp chức vụ lãnh đạo đối cựu Cục trưởng Dương Chí Dũng từ khi bị bắt đến khi có bản án phúc thẩm của tòa án.
Khoảng thời gian 4 tháng Dương Chí Dũng bỏ trốn (từ ngày bị khởi tố – 17/5/2012 đến ngày bị bắt – 5/9/2012), Cục Hàng hải không thực hiện việc trả lương cho cựu Cục trưởng.
Bộ GTVT cũng khẳng định, trong năm 2012, 2013, Bộ không nâng lương đối với Dương Chí Dũng.
Chốt lại văn bản, Thứ trưởng Nguyễn Văn Công quả quyết, việc Cục Hàng hải Việt Nam chi trả lương đối với ông Dương Chí Dũng và Bộ Giao thông vận tải ra quyết định buộc thôi việc đối với ông Dương Chí Dũng là đúng với các quy định hiện hành của pháp luật.
P.Thảo
Theo Dantri
Chấm dứt chứng minh nhân dân 9 số
Bộ Công an không có chủ trương dừng cấp CMND 12 số mà việc này tiếp tục triển khai, đến năm 2020 sẽ cấp toàn bộ CMND mới trên cả nước.
Sau khi Quốc hội thảo luận về dự án Luật Căn cước công dân, ngày 24/6, lãnh đạo Tổng cục Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự an toàn xã hội (Tổng cục VII) - Bộ Công an đã tổ chức gặp gỡ báo chí để thông tin rõ hơn về đề án cấp CMND mới 12 số, mã số công dân (mã số định danh cá nhân) và việc đổi tên CMND thành thẻ căn cước công dân.
Nên giữ lại tên gọi CMND
Khi Chính phủ trình dự án Luật Căn cước công dân ra Ủy ban Thường vụ Quốc hội, khá nhiều ý kiến đề xuất đổi tên gọi CMND thành thẻ căn cước công dân.
Về đề xuất này, theo thiếu tướng Trần Văn Vệ - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục VII - tên gọi CMND đã in sâu vào trong đời sống của người dân Việt Nam; được sử dụng trong hầu hết các giao dịch dân sự, thể hiện trên các loại giấy tờ như sổ đỏ, giấy phép xây dựng, hộ khẩu, thẻ ngân hàng... Chính vì thế, khi xây dựng dự án Luật Căn cước công dân, Bộ Công an đề xuất giữ nguyên tên gọi CMND.
"Việc thay đổi tên gọi CMND thành thẻ căn cước công dân sẽ gây ra những xáo trộn trong cuộc sống của người dân và phải sửa đổi hàng loạt loại giấy tờ giao dịch, văn bản quy phạm pháp luật. Do vậy, theo quan điểm cá nhân tôi và Bộ Công an thì nên giữ lại tên gọi CMND" - ông Vệ nói.
Đến năm 2020, toàn bộ CMND 9 số sẽ được thay thế bằng CMND mới 12 số.
Trả lời câu hỏi xung quanh đề xuất tạm dừng cấp CMND 12 số để tới khi Luật Căn cước có hiệu lực (dự kiến năm 2016) thì cấp đổi CMND 9 số thành thẻ căn cước công dân luôn một thể, tránh việc phải thay đổi giấy tờ nhiều lần, thiếu tướng Vệ cho biết, từ năm 2004, Thủ tướng đã phê duyệt dự án sản xuất, cấp, quản lý CMND. Thực hiện chỉ đạo, đến nay, Bộ Công an đã lập đề án triển khai cấp CMND mới 12 số tại 15 địa phương.
Dự kiến đến cuối năm nay, Bộ Công an sẽ cấp, đổi được 1 triệu CMND mới. "Thẻ căn cước công dân và CMND mới 12 số chỉ khác nhau về tên gọi nên nếu dừng việc cấp CMND lại thì trên hệ thống cũng đã tồn tại một số lượng lớn thông tin CMND 12 số rồi. Hơn nữa, nhà nước đã bỏ ra gần 500 tỷ đồng để trang bị, triển khai cấp CMND mới và chương trình đang phát huy hiệu quả thì tại sao phải dừng lại? Tới năm 2020, sẽ cấp toàn bộ CMND mới trên cả nước" - ông Vệ nhấn mạnh.
CMND mới tiện lợi hơn
Trước nhiều ý kiến cho rằng việc không duy trì, tiếp nối quản lý hệ thống CMND 9 số là lãng phí, dễ gây rối loạn xã hội, thiếu tướng Vệ phân tích: Ba con số đầu tiên trong dãy 9 số của CMND cũ thể hiện nơi đăng ký thường trú của công dân, 6 số tiếp theo là thứ tự để cấp cho công dân khi làm CMND. Suốt một thời gian dài, công dân thay đổi nơi thường trú thì cơ quan công an lại phải cấp lại số CMND mới, dẫn tới tình trạng rất nhiều người sở hữu 3-5 số CMND. Ở những địa phương có dân số đông như Hà Nội, TP HCM... thì chỉ một thời gian nữa sẽ không còn số để cấp.
"Mặc dù CMND 9 số vẫn đủ cấp cho các năm tiếp theo nhưng do loại CMND này được sử dụng từ năm 1976 nên đã lạc hậu so với thuật toán sinh số CMND của các nước trên thế giới. CMND 12 số đã được Bộ Công an nghiên cứu, tiếp thu kinh nghiệm cấp mã số định danh của 30 quốc gia, trong đó tập trung vào những nước có đặc điểm dân số, phương pháp quản lý dân cư tương đồng với Việt Nam" - ông Vệ giải thích thêm. Cũng theo ông, cấu trúc 12 số sẽ bảo đảm đủ kho số cấp cho toàn bộ công dân Việt Nam trong thời hạn... 500 năm.
Trong khi đó, đại tá Vũ Xuân Dung, Cục trưởng Cục Quản lý cư trú và quản lý dữ liệu dân cư quốc gia (Tổng cục VII), cho rằng việc cấp CMND mới 12 số gắn liền với số định danh cá nhân - chìa khóa để cải cách, giảm giấy tờ công dân khi nền tảng công nghệ thông tin ở các cơ quan nhà nước vững mạnh. "Nếu giữ lại kho CMND 9 số sẽ dẫn tới tình trạng không đồng bộ hóa khi phải phân chia, quản lý kho số giữa Bộ Công an, Bộ Tư pháp và các ngành liên quan sau này" - ông Dung nói.
Tiếp tục cấp CMND mới ở 10 tỉnh, thành Theo thống kê của Tổng cục VII, tính tới ngày 23/6, đã cấp được 218.000 CMND mới, trong đó Hà Nội cấp 211.600 CMND, Hải Phòng gần 4.000, Thái Bình 512 , Trung tâm CMND quốc gia cấp 2.000. Theo kế hoạch, từ nay tới cuối năm 2015, sẽ cấp tại 7 tỉnh phía Bắc (Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Quảng Ninh, Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa) và 3 địa phương phía Nam (TP HCM, Cần Thơ, Tây Ninh). Lệ phí cấp mới CMND là 30.000 đồng, cấp đổi 50.000 đồng, cấp lại 70.000 đồng.
Theo Người lao động
Bộ GTVT chính thức buộc thôi việc Dương Chí Dũng Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) vừa chính thức ra quyết định "buộc thôi việc" đối với ông Dương Chí Dũng - nguyên Cục trưởng Cục Hàng hải, Chủ tịch Hội đồng Thành viên Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines), vừa bị kết án tử hình vì những sai phạm tại Vinalines. Theo quyết định số 2191/QĐ-BGTVT về kỷ luật công...