Bộ GTVT chính thức buộc thôi việc Dương Chí Dũng
Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) vừa chính thức ra quyết định “buộc thôi việc” đối với ông Dương Chí Dũng – nguyên Cục trưởng Cục Hàng hải, Chủ tịch Hội đồng Thành viên Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam ( Vinalines), vừa bị kết án tử hình vì những sai phạm tại Vinalines.
Theo quyết định số 2191/QĐ-BGTVT về kỷ luật công chức, Bộ GTVT thi hành kỷ luật bằng hình thức “buộc thôi việc” đối với ông Dương Chí Dũng do vi phạm pháp luật và bị tòa án kết án bằng bản án đã có hiệu lực pháp luật.
Quyết định này có hiệu lực từ ngày 10/6, Bộ GTVT yêu cầu tất cả các cơ quan đơn vị có liên quan và ông Dương Chí Dũng chịu trách nhiệm thi hành. Ngoài ra, Bộ GTVT cho biết, chế độ bảo hiểm của ông Dương Chí Dũng sẽ do cơ quan bảo hiểm xã hội giải quyết theo quy định hiện hành.
Cùng với ông Dương Chí Dũng, Bộ GTVT cũng thi hành quyết định kỷ luật bằng hình thức “buộc thôi việc” đối với ông Mai Văn Phúc – nguyên Tổng Giám đốc Vinalines, nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Vận tải – Bộ GTVT từ ngày 10/6, do vi phạm pháp luật và bị tòa án kết án đã có hiệu lực. Chế độ bảo hiểm của ông Mai Văn Phúc cũng được cơ quan bảo hiểm xã hội giải quyết theo quy định.
Mới đây, Tòa án Nhân dân Tối cao tại Hà Nội đã tuyên án tử hình đối với ông Dương Chí Dũng và ông Mai Văn Phúc về tội “Cố ý làm trái quy định nhà nước” và “Tham ô tài sản” trong thương vụ Vinalines mua ụ nổi 83M.
Bản án xác định ông Dũng và Phúc đã chỉ đạo cấp dưới xây dựng nhà máy sửa chữa tàu biển phía Nam trái với chỉ đạo của Thủ tướng, chỉ đạo mua ụ nổi 83M cũ nát gây thiệt hại gần 367 tỷ đồng của nhà nước.
Video đang HOT
Châu Như Quỳnh
Theo Dantri
Không ngại xử lý lãnh đạo đơn vị bao che tham nhũng
Dù đến nay mới chỉ xử lý được người đứng đầu cơ quan để xảy ra tham nhũng vì thiếu trách nhiệm, yếu kém về năng lực quản lý, nhưng lãnh đạo Thanh tra Chính phủ khẳng định, sẵn sàng xử lý cả hành vi bao che cho tham nhũng nếu phát hiện được...
Ký báo cáo kết quả thực hiện Nghị quyết 69 của Quốc hội về chất vấn và trả lời chất vấn, Phó Tổng Thanh tra Lê Tiến Hào cho biết, tại kỳ họp lần trước, Thanh tra Chính phủ nhận được 24 kiến nghị cử tri tập trung vào các vấn đề về công tác phòng, chống tham nhũng. Cử tri đề nghị có biện pháp phát hiện sớm các vụ án tham nhũng nhằm hạn chế thấp nhất tình trạng thất thoát tài sản của nhà nước.
Các ý kiến cũng đề nghị cơ quan chức năng có giải pháp ngăn chặn, xử lý các hành vi tham ô, tham nhũng tại các tập đoàn kinh tế, TCty; kiểm điểm làm rõ trách nhiệm quản lý nhà nước của người đứng đầu bộ, ngành liên quan đối với việc quản lý, sử dụng vốn kém hiệu quả, đầu tư ngoài ngành gây thất thoát vốn nhà nước.
Cử tri đòi hòi xử lý nghiêm minh và công khai việc xử lý các hành vi tham nhũng để người dân biết, giám sát; thực hiện tốt hơn, mạnh hơn công tác phòng, chống tham nhũng vào những ngành có nguy cơ tiêu cực cao; có chính sách bảo vệ, khen thưởng động viên người tố cáo tham nhũng...
Chính phủ đã giao cơ quan chức năng dự thảo văn bản pháp luật về kiểm soát thu nhập của người có chức vụ. (Ảnh minh họa)
Các kiến nghị cũng hướng về nội dung yêu cầu thực hiện kê khai tài sản, công khai thu nhập của cán bộ, lãnh đạo, chứng minh nguồn gốc tài sản của cán bộ lãnh đạo để hạn chế tham nhũng. Phó Tổng Thanh tra Lê Tiến Hào khẳng định kê khai tài sản, thu nhập là một giải pháp quan trọng để phòng ngừa tham nhũng. Giải pháp này đã và đang được triển khai rộng rãi trong các cơ quan, tổ chức chính trị xã hội, DNNN, lực lượng vũ trang...
Biện pháp này đã giúp cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền biết được tài sản, thu nhập của người có chức vụ, phục vụ công tác quản lý cán bộ, công chức, viên chức và đảng viên, bước đầu góp phần phòng ngừa, phát hiện, xử lý tham nhũng. Tuy nhiên, qua tổng kết, đánh giá, hoạt động này vẫn còn hình thức.
Việc công khai bản kê tài sản nhiều nơi thực hiện chưa nghiêm, xác minh sự trung thực chưa được chủ động tiến hành cũng là hạn chế được cơ quan thanh tra nhìn nhận.
Để việc minh bạch tài sản, thu nhập thực chất hơn, báo cáo cho biết, Thanh tra Chính phủ đã tham mưu cho Chính phủ trình UB Thường vụ Quốc hội đề án kiểm soát thu nhập của người có chức vụ quyền hạn. Đồng thời, Thanh tra Chính phủ cũng chuẩn bị ban hành thông tư hướng dẫn một số điều của Nghị định 90 quy định trách nhiệm giải trình của cơ quan nhà nước trong việc thực hiện quyền hạn nhiệm vụ được giao.
Chính phủ đã giao cơ quan chức năng dự thảo văn bản pháp luật về kiểm soát thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn trình UB Thường vụ Quốc hội hoặc Quốc hội, báo cáo cho biết.
Bên cạnh kê khai tài sản, các kiến nghị về xử lý trách nhiệm người đứng đầu cơ quan, tổ chức để xảy ra tình trạng tham nhũng, gây thất thoát tài sản của nhà nước cũng được Thanh tra Chính phủ hồi âm.
"Quan điểm của Đảng và Nhà nước trong công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng là sai đến đâu xử đến đó, bất kể đó là ai, giữ chức vụ gì" - Phó Tổng Thanh tra Lê Tiến Hào nêu rõ.
Ông Hào dẫn chứng, thực tế vừa qua, xem xét trách nhiệm của người đứng đầu, cơ quan tố tụng thường áp dụng quy định tại điểm a, b, khoản 4 Điều 55 luật Phòng chống tham nhũng là trách nhiệm của người đứng đầu được làm rõ trong kết luận thanh tra, kiểm toán, kết luận điều tra là "yếu kém về năng lực quản lý"; "thiếu trách nhiệm trong quản lý" dẫn đến hệ quả để xảy ra sai phạm, tiêu cực trong đơn vị. Tuy nhiên, chưa có trường hợp nào bị xem xét từ khía cạnh "bao che cho người có hành vi tham nhũng".
Phó Tổng Thanh tra Chính phủ khẳng định quan điểm là xem xét một cách khách quan nên nếu có trường hợp người đứng đầu có hành vi bao che cho người có hành vi tham nhũng hoặc tiếp tay cho tham nhũng cũng sẽ bị xem xét, xử lý nghiêm minh theo quy định tại điểm c, khoản 4 Điều 55.
Báo cáo thực hiện lời hứa của Thanh tra Chính phủ cũng nhắc đến ý kiến phản ánh về một số cán bộ tham nhũng mà báo chí nêu nhưng chưa được giải quyết hoặc chưa công khai minh bạch; việc xử lý cán bộ tham nhũng chưa nghiêm, còn giơ cao đánh khẽ...
Phó Tổng Thanh tra Lê Tiến Hào trả lời, một số vụ việc tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp báo chí nêu, được dư luận đặt biệt quan tâm thời gian qua đang được các cơ quan quan chức chỉ đạo quyết liệt để đưa ra xét xử trong thời gian sớm nhất. Một số vụ đã được xứt xử với mức hình phạt cao nhất là tử hình, được dư luận đồng tình ủng hộ.
Ông Hào dẫn chứng vụ tham nhũng tại Cty cho thuê tài chính II, nguyên Tổng GĐ công ty, nguyên Chủ tịch HĐQT Cty TNHH xây dựng và thương mại Quang Vinh đã bị tuyên phạt tử hình về tội tham ô tài sản. Vụ tham ô tài sản tại Vinalines, cựu Chủ tịch HĐQT Dương Chí Dũng và cựu Tổng GĐ Mai Văn Phúc cũng lĩnh án tử...
Thông tin về các vụ án đều được công khai trên báo chí, phương tiện thông tin đại chúng. Tuy nhiên, để người dân thuận lợi hơn trong việc tiếp cận thông tin, theo dõi đầy đủ các vụ việc, vụ án về tham nhũng, VKSND tối cao đang hoàn thiện và ban hành thông tư về Công khai hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án.
P.Thảo
Theo Dantri
Giữa tiếng kêu khóc, Dương Chí Dũng cố giữ vẻ bình tĩnh Trái với những buổi trước, vợ chồng tay bắt mặt mừng, hồ hởi, hi vọng, nhận án tử hình, Dương Chí Dũng lên xe thùng trong tiếng gào khóc vang sân tòa. Cựu Chủ tịch Vinalines không còn vui cười nhưng vẫn cố giữ vẻ mặt bình tĩnh trong khi vợ lén chấm nước mắt. Những hình ảnh ghi được phút các bị...