Bộ Giao thông Vận tải thông tin về việc cấp phép cho Vietjet bay đến Vũ Hán
Cục Hàng không Việt Nam đã ngoại lệ cấp phép cho 4 chuyến bay của Vietjet Air đến thành phố Vũ Hán.
Cục Hàng không Việt Nam đã ngoại lệ cấp phép cho 4 chuyến bay của Vietjet Air đến thành phố Vũ Hán. Ảnh minh họa: Vietjet Air
Trưa 26/1, trao đổi với phóng viên TTXVN về thông tin dù đã có lệnh cấm bay của Cục Hàng không Việt Nam, Hãng hàng không Vietjet Air vẫn có chuyến bay từ Vũ Hán (Trung Quốc) – tâm điểm dịch viêm phổi Corona về Cam Ranh (Khánh Hoà), Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Lê Anh Tuấn cho biết, Cục Hàng không Việt Nam đã ngoại lệ cấp phép cho 4 chuyến bay của Vietjet Air đến thành phố Vũ Hán.
Thứ trưởng Lê Anh Tuấn khẳng định: “Hãng hàng không Vietjet chỉ chở khách Vũ Hán từ Việt Nam về lại Trung Quốc chứ tuyệt đối không trở khách từ Vũ Hán về Việt Nam. Các chuyến bay từ Vũ Hán về hoàn toàn là các chuyến bay rỗng, không có khách”.
Lý giải thêm về việc cấp phép 4 chuyến bay của Vietjet Air đến thành phố Vũ Hán, Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam Đinh Việt Thắng cho hay: “Không chỉ chúng tôi yêu cầu huỷ toàn bộ các giấy phép bay đã cấp đồng thời không cấp phép bay mới cho các hãng hàng không Việt Nam và nước ngoài khai thác các chuyến bay thường lệ, không thường lệ giữa các điểm tại Việt Nam và thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc mà bản thân thành phố Vũ Hán cũng đã đóng cửa sân bay. Tuy nhiên, sau khi phía Trung Quốc đề nghị Việt Nam cho phép chở toàn bộ hành khách từ Vũ Hán sang Việt Nam quay trở lại, chúng tôi đã xem xét và cấp phép cho 4 chuyến bay của Vietjet Air”.
Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam nhấn mạnh: “Tất cả phi hành đoàn và máy bay từ Vũ Hán về đều được kiểm tra y tế, khám sức khoẻ. Máy bay cũng được khử trùng theo đúng quy định”.
Với những trường hợp hành khách Việt Nam có thể còn tại Vũ Hán, Cục trưởng Đinh Việt Thắng cho hay, hiện Vũ Hán không cho chở bất kỳ hành khách nào ra mà chỉ chấp nhận duy nhất 4 chuyến bay chở khách về của Vietjet Air nói trên.
Video đang HOT
Nhân viên an ninh kiểm tra thân nhiệt của hành khách tại một nhà ga ở Vũ Hán, Trung Quốc ngày 23/1/2020. Ảnh: THX/TTXVN
Phía Hãng hàng không Vietjet Air cũng khẳng định, Hãng tuân thủ nghiêm các quy định của nhà chức trách hàng không và hướng dẫn của Bộ Y tế. Lãnh đạo Vietjet Air cũng cho biết các tàu bay được xịt khử trùng theo tiêu chuẩn quốc tế, toàn bộ tổ bay đeo khẩu trang khi tác nghiệp. Hành khách được phát miễn phí khẩu trang.
“Việc khử trùng máy bay đang được Hãng thực hiện với tất cả các tàu bay liên quan tới đường bay Vũ Hán và các đường bay đi/đến Trung Quốc theo đúng quy định quốc tế”, đại diện Vietjet Air khẳng định..
Liên quan đến tình hình dịch viêm phổi cấp do nhiễm virus Corona, Vietnam Airlines và Jetstar Pacific vừa khẳng định không có đường bay thẳng đến, đi từ thành phố Vũ Hán, Trung Quốc – nơi xuất phát của dịch viêm phổi cấp do nhiễm virus Corona. Các chuyến bay giữa Việt Nam và Trung Quốc của hai hãng vẫn đang được khai thác bình thường.
Các chuyến bay đến, đi từ Trung Quốc của Vietnam Airlines và Jetstar Pacific được trang bị khẩu trang, găng tay y tế cho phi hành đoàn để sẵn sàng cung cấp khi hành khách yêu cầu.
Tuy nhiên, trước tình hình dịch bệnh, Vietnam Airlines và Jetstar Pacific đã chủ động chuẩn bị nhiều biện pháp sẵn sàng hỗ trợ, bảo vệ quyền lợi hành khách khi cần thiết; trong đó hai hãng sẽ miễn phí hoàn vé máy bay, phí thay đổi hành trình, ngày bay cho hành khách đến hoặc đi từ các thành phố Trung Quốc trên các chuyến bay do các hãng trực tiếp khai thác từ ngày 24/1/2020 cho đến khi có thông báo mới.
Vietnam Airlines và Jetstar Pacific cũng đang chủ động phối hợp với nhà chức trách và các đơn vị liên quan để liên tục theo dõi tình hình dịch bệnh, phát hiện các trường hợp hành khách có biểu hiện nghi ngờ mắc bệnh và phối hợp với bộ phận y tế tại sân bay để kiểm tra.
Hai hãng đã triển khai quy trình tới các bộ phận để sẵn sàng xử lý trong trường hợp phát hiện hành khách nghi nhiễm virus Corona trên chuyến bay.
Đồng thời, hai hãng tăng cường tuyên truyền, quán triệt tới toàn bộ nhân viên về phòng, chống bệnh, chấp hành nghiêm quy trình phối hợp, quy định, hướng dẫn của nhà chức trách, phối hợp với các cơ quan chức năng tại cửa khẩu để giám sát chặt chẽ người nhập cảnh, đặc biệt với các hành khách đến từ Trung Quốc.
Trước đó, Cục Hàng không Việt Nam đã ra Chỉ thị về việc phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona gây ra trong hoạt động hàng không tại Việt Nam.
Cơ quan này yêu cầu phòng Vận tải hàng không triển khai thủ tục huỷ toàn bộ các giấy phép bay đã cấp đồng thời không cấp phép bay mới cho các hãng hàng không Việt Nam và nước ngoài khai thác các chuyến bay thường lệ, không thường lệ giữa các điểm tại Việt Nam và thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc.
Các hãng hàng không cũng được Cục Hàng không Việt Nam yêu cầu chủ động liên lạc với các cơ quan chức năng của Cảng hàng không quốc tế Thiên Hà Vũ Hán để xây dựng các phương án giải toả khách đã mua vé trên các chuyến bay bị huỷ.
Bên cạnh đó, Cục Hàng không Việt Nam yêu cầu các cảng vụ hàng không khu vực, Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam bố trí nhân lực để phối hợp với cơ quan kiểm dịch y tế tại các điểm đặt máy đo thân nhiệt để kịp thời theo dõi, phát hiện, cách ly y tế, quản lý chặt chẽ các trường hợp có biểu hiện nghi ngờ bệnh…/.
Theo Quang Toàn/BNEWS/TTXVN
Một số lỗi vi phạm sẽ bị tước GPLX người điều khiển phương tiện cần lưu ý
Nhiều trường hợp trong nghị định 100/2019 vừa được bổ sung quy định tước GPLX khi người điều khiển giao thông vi phạm một số lỗi.
Nghị định 100/2019 mới được áp dụng đã tăng gấp 2, 3 lần các mức phạt mang tính răn đe cao. (Ảnh minh họa nguồn Tạp chí Đường bộ)
Nghị định 100 quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt, thay thế Nghị định 46/2016 có hiệu lực từ ngày 1/1/2020, với các mức phạt được nhân gấp 2, 3 lần đã tác động tích cực đến đời sống cũng như ý thức của người điều khiển phương tiện.
Ngoài các mức tiền phạt mang tính răn đe, nhiều trường hợp người tham gia giao thông sẽ bị tước GPLX với một số trường hợp lỗi như sau:
Khoản 11 Điều 5 Nghị định 100 nêu rõ, tài xế điều khiển ô tô sẽ bị tước GPLX xe từ 1-3 tháng và bị phạt từ 3-5 triệu đồng (quy định cũ phạt từ 1,2-2 triệu đồng và không bị tước GPLX) khi không chấp hành tín hiệu của đèn giao thông; không chấp hành hiệu lệnh của CSGT
Điều khiển xe chạy quá tốc độ từ 10-20 km sẽ bị tước GPLX từ 1-3 tháng và bị phạt từ 3-5 triệu đồng (quy định cũ chỉ bị phạt từ 2-3 triệu đồng)
Điều khiển xe khi có nồng độ cồn chưa vượt quá 50 mg/100 ml máu hoặc 0,25 mg/l khí thở bị tước GPLX từ 10-12 tháng và phạt từ 6-8 triệu đồng (theo quy định cũ chỉ bị phạt 2-3 triệu đồng và tước GPLX từ 2-4 tháng)
Đáng chú ý của Nghị định 100 mới, tại Điều 6, người điều khiển mô tô, xe máy (kể cả xe máy điện), các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe máy mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn chưa vượt quá 50 mg/100 ml máu hoặc 0,25 mg/l khí thở bị phạt tước GPLX từ 10-12 tháng và phạt tiền từ 2-3 triệu đồng.
Ngay sau khi Nghị định 100/2019 được áp dụng, theo thống kê của Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia (UBATGTQG), từ ngày 1 - 15/1, trên cả nước xảy ra hơn 300 vụ tai nạn giao thông, làm hơn 240 người thiệt mạng, hơn 150 người bị thương. Điều đáng nói là so với 2 tuần trước đó, tai nạn giao thông đã giảm sâu ở cả 3 tiêu chí.
Theo đánh giá của các cơ quan chức năng, sau 2 tuần tăng cường tuyên truyền và xử lý vi phạm theo Luật Phòng chống tác hại của rượu bia và Nghị định 100, người dân đã nghiêm túc chấp hành.
Theo Thoidai
Bảo đảm an toàn giao thông cho học sinh TP Hồ Chí Minh hiện có khoảng 1,7 triệu học sinh các cấp, trong đó nhiều trường học nằm ở khu vực nội thành. Các ngành chức năng của thành phố đang triển khai nhiều giải pháp bảo đảm an toàn giao thông cho các em học sinh. Nhiều bậc cha mẹ chưa quan tâm việc đội nón bảo hiểm cho học sinh....