Bộ Giao thông đề xuất nguồn vốn “khủng” cho 6 dự án trọng điểm
Hơn 120.700 tỷ đồng là mức vốn Bộ Giao thông vận tải (GTVT) đề xuất trong văn bản vừa gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho 6 dự án giao thông lớn, từ chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội.
Bộ GTVT cho biết, theo báo cáo của Chính phủ và kết luận của Chủ tịch Quốc hội, Bộ GTVT có 6 dự án sử dụng nguồn vốn từ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội (KT-XH). Cụ thể:
Dự án cao tốc Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2021- 2025 đã trình Quốc hội báo cáo nghiên cứu tiền khả thi để thông qua tại Kỳ họp tháng 12/2021 của Quốc hội Khóa XV với tổng mức đầu tư là 146.990 tỷ đồng. Trong đó, phần vốn ngân sách đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 đã bố trí hơn 47.100 tỷ đồng.
Cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư theo phương thức PPP, hiện đang lập báo cáo nghiên cứu khả thi. Dự án dự kiến chuyển sang phương thức đầu tư công với tổng mức đầu tư hơn 18.600 tỷ đồng; phần vốn ngân sách đầu tư công trung hạn 2021-2025 đã bố trí là hơn 5.700 tỷ đồng.
Dự án cao tốc An Hữu – Cao Lãnh đã hoàn chỉnh báo cáo nghiên cứu tiền khả thi theo phương thức PPP. Dự án dự kiến chuyển sang phương thức đầu tư công với tổng mức đầu tư hơn 6.000 tỷ đồng; phần vốn ngân sách đầu tư công trung hạn 2021-2025 đã bố trí 1.864 tỷ đồng.
Sáu dự án giao thông trọng điểm cần 120.700 tỷ đồng để đầu tư xây dựng (Ảnh minh họa: Đỗ Quân).
Cao tốc Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng hiện đã hoàn chỉnh báo cáo nghiên cứu tiền khả thi theo phương thức PPP và đã trình Thủ tướng Chính phủ, Hội đồng thẩm định Nhà nước đang thẩm định. Dự án dự kiến chuyển sang phương thức đầu tư công với mức đầu tư hơn 49.700 tỷ đồng; phần vốn ngân sách đầu tư công trung hạn 2021-2025 đã bố trí là hơn 14.200 tỷ đồng.
Video đang HOT
Dự án cao tốc Khánh Hòa – Buôn Ma Thuột cũng đã hoàn chỉnh báo cáo nghiên cứu tiền khả thi theo phương thức đầu tư công, Bộ GTVT đang triển khai thủ tục thẩm định nội bộ với tổng mức đầu tư hơn 17.400 tỷ đồng; phần vốn ngân sách đầu tư công trung hạn 2021-2025 đã bố trí là hơn 5.200 tỷ đồng.
Dự án cầu Đại Ngãi đã được Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt chủ trương đầu tư bằng nguồn vốn ODA dự kiến vay JICA. Tuy nhiên, nhà tài trợ chưa cam kết bố trí vốn và mới chỉ chấp thuận hỗ trợ kỹ thuật để lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi. Dự án dự kiến chuyển sang phương thức đầu tư công với mức đầu tư hơn 8.000 tỷ đồng; phần vốn ngân sách đầu tư công trung hạn 2021-2025 đã cân đối hơn 2.400 tỷ đồng.
Bộ GTVT cho hay, tổng nhu cầu sử dụng vốn từ Chương trình phục hồi và phát triển KT-XH của cả 6 dự án do Bộ GTVT chủ trì thực hiện là 120.746 tỷ đồng. Trong đó, năm 2022 là hơn 2.250 tỷ đồng, năm 2023 là 49.206 tỷ đồng, năm 2024 là hơn 69.289 tỷ đồng. Năm 2025 từ kế hoạch trung hạn đã phân bổ hơn 76.600 tỷ đồng.
Cũng theo Bộ này, tiến độ đầu tư các dự án ngành GTVT phụ thuộc rất lớn vào các yếu tố tiến độ giải phóng mặt bằng (GPMB) – đối với các dự án nhóm A trở lên thường mất tối thiểu 2-3 năm; điều kiện cung cấp vật liệu, điều kiện địa chất công trình, điều kiện thời tiết của các vùng miền và năng lực thực hiện của các chủ thể (chủ đầu tư, ban quản lý dự án, nhà thầu).
Thực tế, bình quân mỗi năm Bộ GTVT giải ngân khoảng 35.000 – 43.000 tỷ đồng. Nếu không kể phần trả nợ đọng, trả BT, hoàn ứng kế hoạch… năm 2021 giải ngân khoảng 33.000 tỷ đồng.
Theo kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn đã được phân bổ hiện nay, trong các năm 2023, 2024, 2025, Bộ GTVT phải giải ngân bình quân mỗi năm khoảng 70.000 tỷ đồng. Khi sử dụng thêm nguồn vốn từ chương trình cần phải có một số cơ chế, chính sách đặc thù, cùng nỗ lực quyết tâm lớn của các bộ, ngành, địa phương mới có thể hoàn thành nhiệm vụ.
Bộ GTVT kiến nghị việc bố trí vốn từ chương trình phục hồi và phát triển KT-XH được triển khai từ năm 2022 đến hết năm 2025; cho phép chỉ định thầu các gói thầu tư vấn và cho phép chủ đầu tư tiểu dự án GPMB được áp dụng hình thức chỉ định thầu thực hiện các nhiệm vụ nhằm di dời công trình hạ tầng kỹ thuật trong phạm vi dự án.
Trường hợp nhà thầu thi công xây dựng được cấp quyền khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường (đất, cát, đá) mà sản phẩm khai thác chỉ sử dụng cho các dự án giao thông sử dụng vốn từ Chương trình phục hồi và phát triển KT-XH thì thí điểm không phải đề nghị cấp giấy phép khai thác khoáng sản.
Bộ GTVT cũng kiến nghị giao nhiệm vụ cụ thể cho các địa phương có dự án đi qua chịu trách nhiệm hoàn thành cơ bản công tác GPMB (90%) trong vòng một năm kể từ thời điểm nhận bàn giao cọc GPMB.
TP.HCM tái khởi động 22 dự án giao thông trọng điểm
Ban quản lý dự án đầu tư các công trình giao thông TP.HCM sẽ khởi động trở lại 22 dự án giao thông trọng điểm và đặt mục tiêu cho nhiều dự án hoàn thành trong năm 2021.
Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Lương Minh Phúc, Giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư các công trình giao thông TP.HCM (Ban giao thông), cho biết sau khi TP ban hành bảy tiêu chí hoạt động của công trình giao thông, đơn vị đã cùng các tư vấn, nhà thầu rà soát các dự án.
Theo đó, sau ngày 1-10, Ban giao thông sẽ lần lượt khởi động và đẩy nhanh tiến độ 45 gói thầu thuộc 25 dự án giao thông (DAGT) trọng điểm trên địa bàn TP (trong đó tái khởi động 22 dự án tạm ngưng thi công do dịch và ba dự án thi công xuyên suốt).
Tập trung ổn định và đẩy nhanh tiến độ các dự án
Theo Ban giao thông, có 40 gói thầu thuộc 22 DAGT trọng điểm đã phải tạm dừng thi công trong thời gian giãn cách. Sau khi rà soát các tiêu chí an toàn phòng chống dịch COVID-19, 40 gói thầu này sẽ được thi công trở lại trong những ngày tới.
Điển hình cho các dự án thuộc nhóm giao thông đường bộ được thi công trở lại gồm: Xây dựng mới cầu Bưng, cầu Hang Ngoài, cầu Kênh B nhánh 2 (huyện Bình Chánh); nâng cấp, cải tạo đường và kênh Nước Đen (đoạn từ giáp cống hộp hiện hữu đến kênh Tham Lương); sửa chữa và nâng cấp đường Đặng Thúc Vịnh (tỉnh lộ 9); xây dựng tuyến đường gom thuộc đường dẫn cao tốc TP.HCM - Trung Lương.
Đối với các DAGT đường thủy, Ban giao thông sẽ cho thi công trở lại các dự án cấp bách như chống sạt lở bán đảo Thanh Đa - đoạn 2 (sông Sài Gòn, khu vực khách sạn Sài Gòn Domaine); chống sạt lở bán đảo Thanh Đa - đoạn 3 (Bình Quới, Cây Bàng, Rạch Chùa); xây dựng kè chống sạt lở sông Sài Gòn, bờ trái, hạ lưu cách cầu Sài Gòn 500 m.
Dự án nâng cấp đường Đặng Thúc Vịnh (tỉnh lộ 9) sẽ khởi động lại trong tháng 10. Ảnh: THU TRINH
Ban giao thông cho biết trong suốt thời gian giãn cách, ban vừa thi công vừa chống dịch tại năm gói thầu thuộc ba DAGT trọng điểm. Đó là các dự án cầu vượt trước Bến xe Miền Đông mới (trên đường xa lộ Hà Nội, TP Thủ Đức); đầu tư hạ tầng kỹ thuật chín lô đất (thuộc khu chức năng số 1 trong khu đô thị mới Thủ Thiêm, TP Thủ Đức); hầm chui nút giao thông Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ (quận 7).
Ông Lương Minh Phúc thông tin thêm, trong tháng 10, ban sẽ tập trung giải quyết các khó khăn để đưa các dự án đi vào ổn định và đẩy nhanh tiến độ thi công hoàn thành mục tiêu đề ra.
"Hiện nay lực lượng lao động tại các công trường đang thiếu, ban đang tính toán để có kế hoạch đưa lực lượng lao động từ các tỉnh về lại TP.HCM. Ngoài ra, công tác vận chuyển vật tư, nguyên liệu, bê tông, cấu kiện đúc sẵn... phục vụ các công trình cũng phải đảm bảo từ các tỉnh đến TP.HCM. Việc xây dựng kế hoạch thực hiện tốt công tác phòng chống dịch COVID-19 tại các công trường thi công sẽ được ban chú trọng" - ông Phúc nói.
Phấn đấu hoàn thành nhiều dự án trong năm 2021
Giám đốc Ban giao thông chia sẻ: "Tình hình dịch và yếu tố khách quan làm ảnh hưởng tiến độ nhiều dự án. Tuy nhiên, Ban giao thông vẫn quyết tâm thực hiện những mục tiêu đề ra từ đầu năm 2021. Hiện nay có thể một số dự án sẽ hơi chậm so với kế hoạch nhưng trên tinh thần ban sẽ nỗ lực vừa thúc đẩy tiến độ thi công vừa chống dịch".
Ông Phúc cho hay Ban giao thông cùng với các đơn vị tư vấn, nhà thầu sẽ đẩy nhanh tiến độ thi công và dự kiến phấn đấu hoàn thành chín gói thầu, dự án trước ngày 31-12-2021. Điển hình như dự án nâng cấp, cải tạo đường và kênh Nước Đen; gói thầu cầu vượt số 3 dự án xây dựng cầu vượt trước Bến xe Miền Đông mới; gói thầu XL1, XL2 dự án đầu tư hạ tầng kỹ thuật chín lô đất thuộc khu chức năng số 1 trong khu đô thị mới Thủ Thiêm; một số hạng mục dự án xây dựng mới cầu Hang Ngoài.
Đặc biệt, hai gói thầu, dự án lớn sẽ hoàn thành trước tết Nguyên đán 2022 như nhánh 1 dự án xây dựng mới cầu Bưng và sửa chữa, nâng cấp đường tỉnh lộ 9 (Đặng Thúc Vịnh).
Ông Hoàng Tùng, Chủ tịch UBND TP Thủ Đức, cho biết theo yêu cầu chung của TP.HCM, các công trình ở nơi an toàn (những khu vực vùng xanh) sẽ đủ điều kiện được thi công trở lại. Quá trình thi công phải đảm bảo tuyệt đối các biện pháp phòng chống dịch. Địa phương cũng đã chuẩn bị các kịch bản ứng phó tại các công trình trên địa bàn khi có phát sinh liên quan COVID-19.
"Việc tái khởi động một số công trình trước mắt sẽ tạo đà cho việc triển khai các hoạt động khác sau ngày 1-10. Các công trình thi công trở lại ngoài giúp đẩy nhanh tiến độ cũng góp phần tạo thêm việc làm cho người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19" - ông Tùng nhận định.
Tỉnh Hà Giang đề xuất nâng cấp Quốc lộ 4 nối Hà Giang - Lào Cai Thông tin từ Bộ Giao thông Vận tải cho biết vừa nhận được công văn của UBND tỉnh Hà Giang đề nghị đầu tư thông tuyến và hoàn thành đồng bộ dự án đầu tư nâng cấp Quốc lộ 4 đoạn nối Hà Giang - Lào Cai. Theo đó, văn bản số 4335/UBND-KTTH do Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang Nguyễn Văn Sơn...