Bộ Giáo dục trần tình việc ‘cộng điểm cho mẹ Việt Nam anh hùng’
Sáng nay, Thứ trưởng Giáo dục Bùi Văn Ga cho biết, việc cộng điểm thi đại học cho mẹ Việt Nam anh hùng thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn, tinh thần trách nhiệm của xã hội đối với những người có công.
Ngày 4/7, Bộ Giáo dục có thông tư số 24 sửa đổi, bổ sung đối tượng ưu tiên trong quy chế tuyển sinh đại học, cao đẳng hệ chính quy. Theo đó, bà mẹ Việt Nam anh hùng, người hoạt động cách mạng trước ngày 1/1/1945, người hoạt động cách mạng từ 1/1/1945 đến ngày khởi nghĩa tháng Tám năm 1945… được bổ sung vào nhóm ưu tiên 03 (cộng 2 điểm).
Các mẹ Việt Nam anh hùng ở TP HCM. Ảnh: Tá Lâm.
Trước dư luận cho rằng quy định này không thực tế, Thứ trưởng Ga lý giải, thông tư mới được ban hành nhằm cập nhật các đối tượng được hưởng chính sách ưu tiên trong tuyển sinh, được quy định tại Nghị định số 31 của Chính phủ (tháng 4/2013).
Video đang HOT
Nghị định này đã quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành một số điều của Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng, trong đó giao Bộ Giáo dục “Hướng dẫn thực hiện việc ưu tiên trong tuyển sinh, đào tạo đối với người có công với cách mạng và con của họ tại các cơ sở thuộc hệ thống giáo dục quốc dân”.
Chính vì vậy, theo ông Ga, Bộ Giáo dục ban hành thông tư 24, phù hợp với bối cảnh Việt Nam đang xây dựng xã hội học tập và học tập suốt đời. Quy chế tuyển sinh đại học, cao đẳng cũng không giới hạn tuổi của thí sinh nên mọi người dân nếu đủ điều kiện và có nguyện vọng đều có thể dự thi đại học (cả hệ chính quy, liên thông, vừa làm vừa học…).
Thứ trưởng Ga chia sẻ, một số ý kiến cho rằng mẹ Việt Nam anh hùng đều đã lớn tuổi nhưng thực tế không phải vậy. Nghị định số 56 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Pháp lệnh quy định danh hiệu “Bà mẹ Việt Nam anh hùng” không quy định giới hạn tuổi của các mẹ. Không chỉ người trong thời kỳ kháng chiến mà nhiều người trong thời kỳ hiện nay, có con đi bộ đội hy sinh cũng có thể được phong tặng “mẹ Việt Nam anh hùng”.
“Việc bổ sung mẹ Việt Nam Anh hùng vào diện ưu tiên trong tuyển sinh là phù hợp với quy định của Chính phủ và để đảm bảo quyền lợi chính đáng của người có công khi tham gia tuyển sinh cao đẳng, đại học”, ông Ga nói và cho hay, chính sách này thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn, tinh thần trách nhiệm của xã hội đối với những người có công với nước, hy sinh vì độc lập, tự do của dân tộc, dù đối tượng bổ sung có thể rất ít.
Từ năm 1994, danh hiệu “Bà mẹ Việt Nam anh hùng” là danh hiệu Nhà nước tặng hoặc truy tặng cho những phụ nữ đạt một trong những tiêu chí: có hai con là liệt sĩ và có chồng hoặc bản thân là liệt sĩ; có một hoặc hai con mà họ đều là liệt sĩ; có ba con trở lên là liệt sĩ. Đến năm 2009, cả nước có gần 50.000 người được phong tặng và truy tặng danh hiệu cao quý này. Điển hình là mẹ Nguyễn Thị Thứ(Điện Bàn, Quảng Nam) có 9 con đẻ, một con rể và 2 cháu ngoại là liệt sĩ.
Theo VNE
Cộng điểm cho mẹ Việt Nam anh hùng thi đại học
Theo quy định tại Thông tư mới của Bộ GD&ĐT, bà mẹ Việt Nam anh hùng, người hoạt động cách mạng trước ngày 1/1/1945 nếu thi đại học sẽ được cộng 2 điểm.
Bộ GD&ĐT vừa ban hành thông tư 24 sửa đổi, bổ sung đối tượng ưu tiên của Quy chế tuyển sinh đại học, cao đẳng hệ chính quy. Ông Ngô Kim Khôi, Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng (Bộ GD&ĐT) cho biết, thông tư 24 là cụ thể hóa pháp lệnh người công và Nghị định số 31 của Chính phủ đã có hiệu lực từ tháng 4/2013, bổ sung một số đối tượng được ưu tiên.
Theo đó, sẽ bổ sung đối tượng 03 (được cộng 2 điểm) đối với bà mẹ Việt Nam anh hùng, người hoạt động cách mạng trước ngày 1/1/1945, người hoạt động cách mạng từ ngày 1/1/1945 đến ngày khởi nghĩa tháng Tám năm 1945, người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hoá học, người hoạt động cách mạng, hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù, đày, người hoạt động kháng chiến giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc và làm nghĩa vụ quốc tế, người có công giúp đỡ cách mạng.
Theo thông tư sửa đổi của Bộ Giáo dục, bà mẹ Việt Nam anh hùng dự thi đại học sẽ được cộng 2 điểm.
"Cần hiểu rằng bà mẹ Việt Nam anh hùng không phải chỉ là những bà cụ 80, 90 tuổi mà những bà mẹ có con đi bộ đội đã hi sinh cũng được xem xét phong tặng. Điều này rất phù hợp để đảm bảo học tập suốt đời. Quy chế tuyển sinh cũng không quy định tuổi dự thi đại học", ông Khôi nói.
Con của Anh hùng lao động trong thời kỳ kháng chiến, con của người hoạt động cách mạng, hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù, đày, con của người hoạt động kháng chiến giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc và làm nghĩa vụ quốc tế và con của người có công giúp đỡ cách mạng được bổ sung vào đối tượng ưu tiên 04, được cộng 2 điểm khi thi đại học.
Thông tư cũng sửa đổi đối tượng ưu tiên "con của người hoạt động cách mạng từ ngày 1/1/1945 đến trước Tổng khởi nghĩa 19/8/1945" thuộc đối tượng 04 thành "con của người hoạt động cách mạng từ ngày 1/1/1945 đến ngày khởi nghĩa tháng Tám năm 1945".
Thông tư sửa đổi này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 19/8/2013. Theo ông Khôi, đây cũng là điều mà Bộ đã tính toán để đảm bảo các thí sinh dự thi năm nay, thuộc đối tượng được bổ sung có thể hưởng ngay chính sách, đúng thời điểm các trường công bố điểm trúng tuyển.
Theo VNE
Bắt bài thí sinh gian lận thi đại học ĐH Phòng cháy Chữa cháy tập huấn cho giám thị coi thi đại học cách nhận biết đồng hồ quay cóp, băng dính trong chứa tài liệu, thiết bị gian lận công nghệ cao... Sáng 3/7, thí sinh đến làm thủ tục dự thi tại ĐH Phòng cháy Chữa cháy được giám thị dặn dò rất kỹ về các thiết bị được phép...