Bộ Giáo dục nên dứt điểm với sách của thầy Đại, không nên dây dưa nữa
Bộ đã có 3 lần thay đổi chương trình, sách giáo khoa nhưng sách Công nghệ giáo dục của giáo sư Hồ Ngọc Đại vẫn đứng riêng một góc trời, vẫn dạy thực nghiệm…
Tài năng, uy tín và những đóng góp của giáo sư Hồ Ngọc Đại cho ngành giáo dục nước nhà trong thời gian qua là điều mà không ai có thể phủ nhận được.
Bởi, sách Công nghệ giáo dục của ông đã góp phần đào tạo cho hơn 40 thế hệ học trò với hàng triệu học sinh đã học có nhiều người đã thành danh.
Chính vì thế, chúng tôi không bàn về uy tín của thầy Đại, không bàn về nội dung sách Công nghệ giáo dục mà trong bài viết này, chúng tôi chỉ muốn Bộ Giáo dục và Đào tạo cần giải quyết dứt điểm một lần về việc nên hay không nên sử dụng sách này bởi thời gian qua sự việc này đã bàn tới, bàn lui quá nhiều lần.
Cuộc đối thoại giữa lãnh đạo Bộ và giáo sư Hồ Ngọc Đại đã không tìm được tiếng nói chung (Ảnh: Báo Vietnamnet)
Dù còn nhiều ý kiến băn khoăn về Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018 nhưng chúng ta cũng phải thừa nhận một điều là để hoàn thiện được công việc này thì lãnh đạo Bộ, các chuyên gia ngành Giáo dục đã phải làm việc cật lực trong nhiều năm trời.
Một khi Chương trình tổng thể, Chương trình môn học đã được thông qua thì đó đã là pháp lệnh. Bộ Giáo dục đã thực hiện đúng theo chủ trương của Nghị quyết 29 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng và Nghị quyết 88 của Quốc hội đề ra.
Xét về lý thì Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018 đã thực hiện đúng chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước.
Các bước đi, lộ trình thực hiện đều được Quốc hội thông qua và đến giờ phút này thì Bộ Giáo dục và Đào tạo đã cơ bản hoàn thành những vấn đề lớn nhất cho lần thay đổi chương trình và sách giáo khoa mới.
Bởi, trong Nghị quyết 88 của Quốc hội đã chủ trương lần thay đổi chương trình lần này là “một chương trình, nhiều bộ sách giáo khoa” và hiện tại đã có 5 bộ sách được Bộ trưởng phê duyệt và được công bố.
Điều đáng bàn là sách Công nghệ giáo dục của giáo sư Hồ Ngọc Đại không được Bộ phê duyệt vì nội dung sách không bám vào Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018 nên đã bị Hội đồng thẩm định sách giáo khoa loại.
Những tranh luận nổ ra, có nhiều người lên tiếng và đứng về phía giáo sư Hồ Ngọc Đại nhưng cũng có nhiều người đã đồng thuận cách lý giải của lãnh đạo Bộ Giáo dục và các thành viên trong Hội đồng thẩm định sách giáo khoa vừa qua.
Bộ và Hội đồng thẩm định sách giáo khoa đang làm đúng chức năng của mình
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có cuộc đối thoại với giáo sư Hồ Ngọc Đại cùng các cộng sự của ông nhưng cuộc đối thoại này đã không đi đến thống nhất về quan điểm, không tìm ra tiếng nói chung.
Video đang HOT
Chúng tôi cho rằng lãnh đạo Bộ và các các thành viên trong Hội đồng thẩm định sách giáo khoa đã làm đúng chức năng của mình khi đề nghị tác giả chỉnh sửa nội dung sách Công nghệ giáo dục cho phù hợp với Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018 để thẩm định lại.
Tuy nhiên, giáo sư Hồ Ngọc Đại cùng các cộng sự của mình đã khẳng định là không sửa lại sách và cuộc đối thoại đã đi vào ngõ cụt khi không đi đến thống nhất về quan điểm của nhau- đây cũng là một điều đáng tiếc.
Chúng ta biết rằng, hơn 40 năm qua, ngành giáo dục đã có 3 lần thay đổi chương trình vào các năm 1979, 2000 và 2018 nhưng sách Công nghệ giáo dục của giáo sư Hồ Ngọc Đại vẫn vậy. Vẫn là sách dạy thực nghiệm và không bám vào “dòng chảy chung” của chương trình giáo dục của Bộ.
Cho dù giáo sư Hồ Ngọc Đại và những cộng sự của mình đã khẳng định sách Công nghệ giáo dục có nhiều ưu điểm như giúp học sinh không nói ngọng, không tái mù và đang dạy với số lượng học sinh tương đối lớn trên hàng chục tỉnh thành của cả nước.
Nhưng, có lẽ đã đến lúc không thể để sách Công nghệ giáo dục lớp 1 đứng riêng chương trình giáo dục chung được.
Nếu không phải bây giờ thì bao giờ, số phận sách Công nghệ giáo dục mới chính danh là sách giáo khoa?
Dừng hay tiếp tục số phận sách Công nghệ giáo dục lớp 1 là điều mà Bộ nên dứt khoát. Nếu sách của thầy Đại hay tại sao lại không tiếp tục phát triển lên các lớp trên mà chỉ có mình sách lớp 1 và hơn 40 năm qua vẫn mang thân phận là sách “thí điểm” mà thôi?
Hơn 40 năm, Bộ đã có 3 lần thay đổi chương trình, sách giáo khoa nhưng sách Công nghệ giáo dục của giáo sư Hồ Ngọc Đại vẫn đứng riêng một góc trời, vẫn dạy thực nghiệm, vẫn được Bộ cho phép triển khai và còn mở rộng ra nhiều tỉnh, sách vẫn do Nhà xuất bản Giáo dục in ấn, phát hành…!
Vì thế, cũng đã đến lúc Bộ Giáo dục và Đào tạo cần dứt khoát để đưa sách giáo khoa này trở lại quỹ đạo chung.
Nếu cứ chần chừ hoặc không dứt khoát thì lại thêm một vòng đời chương trình, sách giáo nữa kéo dài hàng chục năm sau. Lúc ấy, chẳng lẽ Bộ lại tiếp tục tranh luận, đối thoại về sách Công nghệ giáo dục nữa hay sao?
THANH AN
Theo giaoduc.net
Khoảng trống khi sách công nghệ giáo dục biến mất từ năm học 2020 - 2021
Với việc chính thức bị hội đồng thẩm định sách giáo khoa quốc gia loại ngay từ vòng 1, sách công nghệ giáo dục sẽ chính thức bị loại khỏi trường học bắt đầu từ năm học 2020-2021, trong sự luyến tiếc của rất nhiều giáo viên, học sinh.
Rớt ngay từ vòng loại
Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa có văn bản trả lời văn bản kiến nghị của cán bộ Trung tâm Công nghệ Giáo dục, thuộc Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, do PGS Nguyễn Kế Hào đại diện đứng tên. Theo đó, Bộ tiếp tục khẳng định: sách công nghệ giáo dục không đạt thẩm định và tác giả có thể sửa chữa để đăng ký thẩm định lại từ đầu.
Giáo sư Hồ Ngọc Đại - "Cha đẻ" của sách Công nghệ Giáo dục.
Theo ông Thái Văn Tài, quyền Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học, hội đồng thẩm định sách giáo khoa đã làm việc rất khách quan, công tâm. Hội đồng nghi nhận những điểm tích cực của bộ sách, tâm huyết của Giáo sư Hồ Ngọc Đại, nhưng hội đồng làm việc theo Thông tư 32 của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành về chương trình giáo dục phổ thông mới và Thông tư 33 về hướng dẫn thẩm định sách giáo khoa. Theo đó, sách Tiếng Việt lớp 1 và Toán lớp 1 của Giáo sư Hồ Ngọc Đại phải chỉnh sửa 300 nội dung.
"Tôi xin nhấn mạnh 300 nội dung này không phải là những nhược điểm mà là những điểm cần sửa chữa để phù hợp với yêu cầu của chương trình giáo dục phổ thông mới theo Thông tư 32 và Thông tư 33", ông Tài nói.
Cũng theo ông Tài, sách công nghệ giáo dục bị xếp loại "không đạt" chứ không phải "đạt nhưng cần sửa chữa" vì sách không đáp ứng được những yêu cầu tiên quyết của sách giáo khoa mới theo Thông tư 33.
Giờ học tiếng Việt công nghệ của học sinh trường Tiểu học Quán hành, huyện Nghi Lộc. (Ảnh: Bích Huệ/TTXVN)
Theo hội đồng thẩm định, một bộ sách nếu bị xếp không đạt thì việc sửa chữa sẽ phải mang tính hệ thống và vì thế, sẽ không thể hoàn thành sửa chữa chỉ trong một vài tháng mà phải tính bằng năm. Vì thế, sách công nghệ giáo dục nếu có sửa chữa để trình hội đồng thẩm định lại cũng không thể kịp để đưa vào trường học trong năm học 2020-2021. Trong khi đó, Giáo sư Hồ Ngọc Đại đã lên tiếng khẳng định sẽ không sửa chữa bản thảo. "Tôi đã chỉnh sửa nhiều lần chứ không phải không chỉnh sửa. Tôi không sửa chỉ để đạt thẩm định. Đó là bản in cuối cùng của tôi", Giáo sư Hồ Ngọc Đại nhấn mạnh.
Như vậy, sách công nghệ giáo dục sẽ chỉ được triển khai ở các trường tiểu học hết năm học 2019-2020 và chính thức bị loại khỏi trường học bắt đầu từ năm học 2020-2021 tới. Trung tâm Công nghệ giáo dục đã có văn bản kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét việc sách công nghệ giáo dục bị loại, tuy nhiên hy vọng khá mong manh.
Nỗi niềm mang tên... hụt hẫng
Thông tin sách công nghệ giáo dục bị loại ngay từ vòng một thẩm định và sẽ không còn được sử dụng trong các nhà trường từ năm học tới khiến nhiều người tỏ ra nuối tiếc, đặc biệt là những người đã từng trải nghiệm phương pháp giáo dục này.
Chị Trần Lan Hương, học sinh khóa một của Trường Thực nghiệm, một trong những học sinh đầu tiên học công nghệ giáo dục không khỏi bất ngờ.
Hướng dẫn học sinh cách phân biệt tiếng theo chương trình công nghệ tại trường Tiểu học Hưng Đạo, huyện Hưng Nguyên, Nghệ An. (Ảnh: Bích Huệ /TTXVN)
"Chúng tôi đã trải nghiệm sách công nghệ giáo dục, giống như chúng ta đã sử dụng một sản phẩm, và đến 40 năm rồi chúng tôi vẫn thấy tốt. Không chỉ tôi mà rất nhiều người, cả bố bố mẹ chúng tôi cũng thấy như vậy, con cái chúng tôi cũng trải nghiệm và đánh giá tốt. Vậy tại sao lại không mang những thông tin đó đến mọi người, không mang sách công nghệ đến để cho mọi người để có thêm sự lựa chọn?" chị Hương chia sẻ.
"Sách công nghệ giáo dục đã hai lần cứu nguy cho ngành giáo dục. Tôi tin ngành giáo dục Việt Nam sẽ không thể không sử dụng sách công nghệ giáo dục của tôi. Để rồi xem!"
Giáo sư Hồ Ngọc Đại
Từ trường Thực nghiệm, sách công nghệ giáo dục đã được nhân rộng ra 48 tỉnh thành trên cả nước, áp dụng trên cả triệu học sinh trong nhiều thế hệ và hiện có 931.000 học sinh tiểu học đang học theo sách này. Điều đáng nói là trong suốt hơn 40 năm qua, sách công nghệ giáo dục chưa khi nào là chương trình bắt buộc mà là sự lựa chọn tự nguyện của các nhà trường, học sinh, nhằm mang đến hiệu quả giáo dục tốt hơn cho học trò. Vì thế, việc có 48 địa phương trên tổng số 63 tỉnh thành, trong đó nhiều địa phương có tới 100% trương học triển khai công nghệ giáo dục thay thế cho sách Toán và Tiếng Việt lớp 1 hiện hành đủ cho thấy hiệu quả của phương pháp giáo dục này.
Toàn tỉnh Nghệ An có 559 trường tiểu học thì có đến 558 trường dạy công nghệ giáo dục, chiếm 99,9%. Từ góc bao quát về thực tế triển khai công nghệ giáo dục tại huyện miền núi Kỳ Sơn, Nghệ An, ông Phan Văn Thiết, Phó trưởng Phòng Giáo dục huyện Kỳ Sơn, Nghệ An chia sẻ: "Chúng tôi thấy Tiếng Việt công nghệ 1 rất hiệu quả, đặc biệt là với học sinh dân tộc thiểu số. Học Tiếng Việt công nghệ giáo dục giúp học sinh nhớ lâu, khắc sâu. Đó là điểm nổi bật của sách công nghệ giáo dục đem lại cho học sinh".
Là một giáo viên trực tiếp đứng lớp dạy học sinh theo sách công nghệ giáo dục trong suốt 6 năm qua, cô giáo Trần Thị Thu, trường Tiểu học Quán Hành (Kỳ Sơn, Nghệ An) cho biết với tài liệu Tiếng Việt lớp 1 Công nghệ giáo dục, các bài học theo thứ tự sẽ từ bài tiếng chuyển qua bài âm, bài vần, bài nguyên âm đôi. Quy trình tưởng phức tạp nhưng sau mỗi bài học, học sinh sẽ nắm chắc ngữ pháp, hiểu được cách ghép phần âm, phần vần và phân biệt dấu thanh chính xác. Đặc biệt, với phương pháp khoa học, thay vì học chữ theo lối thuộc lòng trước đây, nay các em sẽ có tư duy khá rõ ràng và đọc thông viết thạo khá sớm.
"Trước đây thường với chương trình lớp 1, phải đến ngoài tuần 20 học sinh mới tập viết. Nhưng với chương trình công nghệ giáo dục, các em học đến đâu, tập viết đến đó và sang học kỳ hai thì đã có thể cô đọc, trò viết những bài tập đọc khá dài", cô Thu chia sẻ.
Hơn 40 năm thăng trầm và 4 lần thẩm định
Sách công nghệ giáo dục có lẽ là bộ sách có tuổi đời dài nhất và trải qua nhiều sóng gió nhất trong các sách giáo khoa ở Việt Nam với hơn 40 năm thăng trầm.
Được biên soạn bởi Giáo sư Hồ Ngọc Đại từ năm 1978, khi Hồ Ngọc Đại còn là một TS trẻ mới du học từ Liên Xô trở về, mang theo rất nhiều tư tưởng giáo dục mới. Khi ông viết sách công nghệ giáo dục với chủ trương "đến trường là hạnh phúc", "mỗi ngày đến trường náo nức một ngày vui", mọi người đều cho rằng Hồ Ngọc Đại ảo tưởng, còn Giáo sư người Nga của ông thì nhận định phải mất 40, 50 năm nữa những tư tưởng giáo dục của Hồ Ngọc Đại mới được chấp nhận ở Việt Nam. Sách công nghệ giáo dục khi đó chỉ được dạy trong Trường thực nghiệm Hà Nội.
Năm 1981, Việt Nam thực hiện cải cách thay sách giáo khoa nhưng thất bại. Hậu quả là đến năm 1985 có đến 650.000 học sinh lớp 1 lưu ban, bỏ học. Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo khi đó là bà Nguyễn Thị Bình đã quyết định đưa sách công nghệ giáo dục vượt ra khỏi phạm vi trường thực nghiệm, sử dụng trong các nhà trường. Sách công nghệ giáo dục đã góp phần cứu nguy cho ngành giáo dục, giúp Việt Nam đạt thành tựu xóa mù chữ vào năm 2.000.
Năm 1990, lần đầu tiên sách công nghệ giáo dục được hội đồng cấp nhà nước nghiệm thu, đánh giá tốt và cho triển khai dự án chuyển giao công nghệ ở bậc tiểu học. Năm 1994, dự án được đánh giá tốt và cho tiếp tục thực hiện.
Năm 2.000, khi Việt Nam thực hiện cải cách giáo dục lần thứ 2, với quy định cả nước thống nhất một bộ sách giáo khoa, sách công nghệ giáo dục lại trở về vị trí xuất phát, chỉ dạy trong trường Thực nghiệm.
Năm 2006, hàng loạt vụ việc học sinh ngồi nhầm lớp bị phanh phui, khi các em học xong lại quên, không biết đọc, biết viết. Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo khi đó là ông Nguyễn Thiện Nhân đã đến gặp Giáo sư Hồ Ngọc Đại, đề nghị thí điểm đưa sách công nghệ giáo dục triển khai tại hai tỉnh biên giới khó khăn là Kiên Giang và Lào Cai.
Sách công nghệ giáo dục một lần nữa cứu nguy cho ngành giáo dục khi học sinh học tới đâu chắc tới đó, không còn tái mù chữ. Bộ trưởng kế nhiệm là ông Phạm Vũ Luận đã quyết định bỏ chữ thí điểm, nhân rộng triển khai công nghệ giáo dục trên cả nước với tinh thần tự nguyện. Tính đến năm học 2019-2020, cả nước có 48 tỉnh, thành sử dụng sách công nghệ giáo dục thay sách lớp 1 hiện hành với 931.000 học sinh theo học, chiếm trên 50% tổng số học sinh lớp 1.
"Sách công nghệ giáo dục đã hai lần cứu nguy cho ngành giáo dục. Tôi tin ngành giáo dục Việt Nam sẽ không thể không sử dụng sách công nghệ giáo dục của tôi. Để rồi xem!", Giáo sư Hồ Ngọc Đại nói.
Tuyết Mai
Theo ngaynay
"Không nên đánh giá sách của GS Hồ Ngọc Đại theo thông tư" Trong bản kiến nghị gửi Bộ trưởng Bộ GD&ĐT ngày 23/9/2019, PGS. TSKH Nguyễn Kế Hào, đại diện Trung tâm Công nghệ Giáo dục cho rằng, sách Tiếng Việt và Toán Công nghệ giáo dục đã được đánh giá thẩm định nhiều lần, được cuộc sống lựa chọn sử dụng. Do đó, không nên chỉ đánh giá bộ sách này theo thông tư...