Bố già và Gái già, nên chọn phim nào?
Bố già là câu chuyện nhân văn, gần gũi, có tính giải trí cao và hợp với nhiều đối tượng khán giả. Còn Gái già có yếu phận đàn bà, “mãn nhãn” về thị giác, từ bối cảnh, trang phục nên khả năng khán giả nữ sẽ thích xem hơn.
Điện ảnh Việt đang chứng kiến cuộc “so găng” kỳ thú giữa Bố già và Gái già lắm chiêu 5: Những cuộc đời vương giả (gọi tắt là Gái già).
Và dù có chủ đề hoàn toàn khác nhau (một bên là cuộc sống lao động nghèo, một bên là giới siêu giàu) nhưng phim vẫn có những điểm trùng nhau khá thú vị.
Bí mật thân phận con cái, không hẹn mà gặp
Không hẹn mà gặp, trọng tâm của hai phim đều xoay quanh nhân vật già. Một bên là ông bố già nghèo cổ hủ, lúc nào cũng nghĩ cho người khác, sẵn sàng hi sinh tất cả vì con. Một bên là người mẹ già giàu có với đầy ẩn ức, sự toan tính và sống bằng nhiều bộ mặt khác nhau.
Cả hai đều là phim chính kịch nhưng xen lẫn trong đó là những mảng miếng hài hước. Công thức chung là hài ở đầu phim và lấy nước mắt ở cuối phim.
Ba Sang che giấu bí mật về đứa cháu nội để bảo vệ tên tuổi cho con trai
Một điểm trùng hợp mà cả hai phim cùng sử dụng là bí mật con cái là thút thắt tạo nên cao trào. Nếu Ba Sang che giấu thân phận của đứa con gái, thực ra là “con rơi” của con trai với bạn gái cũ thì Lý Lệ Hà cũng che giấu bí mật động trời tương tự. Đứa em gái Lý Linh thực chất chính là con ruột của bà với đại gia Vĩnh Nghị.
Dù Gái già nói về nhiều góc khuất trong đời sống của Lý gia nhưng cuối cùng, thông điệp mà phim hướng đến cũng tương tự như Bố già, rất nhân văn và ý nghĩa về tình cảm gia đình. Và dù nghèo hay giàu thì cuộc sống của con người nói chung đều có những góc khuất, những bị kịch và ẩn ức riêng.
Lý Lệ Hà phải gửi con vào cô nhi viện để giữ phẩm hạnh dòng họ
Tổng thể, hai phim đều mắc lỗi căn bản nhưng cũng có những điểm mạnh riêng cuốn hút người xem.
Bố già là câu chuyện nhân văn, gần gũi, có tính giải trí cao và hợp với nhiều đối tượng khán giả. Còn Gái già mang đến bữa tiệc “mãn nhãn” về thị giác, từ bối cảnh, trang phục, khả năng khán giả nữ sẽ thích xem hơn. Sự xinh đẹp của Kaity Nguyễn và diễn xuất tốt của cô cùng NSND Hồng Vân, Lê Khanh và sự xuất hiện của cố NSND Hoàng Dũng là một điểm cộng đầy ưu thế cho phim.
Khung cảnh trong Bạch trà viên vô cùng mãn nhãn
Về sự khác nhau, Bố già kể về số phận những người lao động trong con hẻm nhỏ tại thành phố Hồ Chí Minh. Ở đó, tuy nghèo khó, vất vả nhưng tình cảm lại chân chất, mộc mạc, không giả dối.
Gái già vẫn chọn đề tài khác biệt với các phim là nói về cuộc sống của giới siêu giàu như phần trước nhưng được đầu tư hơn về chiều sâu kịch bản. Nhiều kịch tính hơn và cũng lấy được nước mắt của khán giả nhiều hơn so với phần 4.
Nếu như Bố già ngay từ đầu phim đã hướng đến sự thiêng liêng của tình cảm gia đình thì với Gái già phải đến tận cuối phim, khi “bị cuộc đời tát vô mặt” (câu nói hay dùng của cô em Lý Lệ Hồng), người mẹ mới tỉnh giấc mộng u mê. “Chị cứ khao khát một ngày người ta gọi mình là vợ nhưng chị quên mất chữ mẹ còn thiêng liêng hơn”. Lời thú tội trong nước mắt của Lý Lệ Hà – người mẹ chạy theo tình yêu với người đàn ông đã có vợ nhưng vẫn chờ đợi ngày được phong hậu mà bỏ quên tình mẫu tử thiêng liêng. Đây cũng là phân đoạn gây ám ảnh, là cao trào để tháo gỡ mọi ân oán trong cuộc đời nhân vật chính.
Nhiều chi tiết bất hợp lý ở Bố già và Gái già
Gái già có cấu tứ phim khá tốt, nuôi dưỡng được cao trào để gây bùng nổ ở cuối phim nhưng khi đi vào chi tiết truyện, phim có nhiều khoảng bị “hở sườn”.
Bối cảnh, sự xinh đẹp của Kaity Nguyễn và diễn xuất tuyệt vời của NSND Lê Khanh là những điểm cộng tốt cho phim
Chẳng hạn, Lý Linh được miêu tả là người có tham vọng, thông minh, “từ trước đến nay có tòa cao ốc nào muốn mà không thực hiện được?” nhưng đạo diễn không dành “đất” để cô tìm cách đánh cắp Phượng bào. Khi nó bị mất, cách cô đi tìm khá ngô nghê, chưa xứng với sự miêu tả.
Hay món đồ trị giá lên đến 30 ngàn đô nhưng lại được để vô cùng hớ hênh. Ngôi biệt thự với rất nhiều nội thất xa hoa nhưng lại tiếc tiền mua cái khoá? Vì thế, từ khi còn là đứa trẻ, Lý Linh đã lẻn vào phòng trưng bày chiếc Phượng bào để ngắm nghía và bị mẹ cho ăn đòn. Có lẽ, mất hay không là do đạo diễn nên việc phải sắm cho căn phòng cái khóa là thừa thãi?
Phượng bào tam vĩ là báu vật nhưng ai cũng vào xem và thử được
Thiếu logic nhất là chuyện chiếc Phượng bào bán đi rồi nhưng vẫn được mang ra đấu giá lần sau. Số là ở phần đầu, bà Lý Lệ Hà mở phiên đấu giá chiếc Phượng bào, người em là Lý Lệ Hồng vào vai người sưu tập đồ cổ để mua lại bảo vật, tránh việc rơi vào tay người khác. Thế nhưng ở phiên sau, Phượng bào vẫn xuất hiện thì có phần đánh giá thấp người sưu tập (trong phim) và khán giả ngoài đời.
Trấn Thành bị chê nhiều về hóa trang
Tương tự, ở Bố già, tranh luận nhiều trong những ngày qua là tạo hình nhân vật của Trấn Thành quá giả. Là ông bố có con trai đến tuổi lấy vợ mà sự già chỉ đến từ mái tóc, không nếp nhăn đặc tả sự vất vả mưu sinh như thường thấy.
Theo đạo diễn Vũ Ngọc Đãng, thoại trong phim tất cả đều là của Trấn Thành viết. Chính vì vậy mà phong cách của anh được lắp vào hầu hết các nhân vật. Những lời thoại có vần điệu kiểu như: “nuôi con nó dễ, con nuôi nó nhục”, “biết mày nặng lời nhưng đừng lời nặng”, “mời quảng cáo cấy tóc chứ có phải cấy giống đâu”… xuất hiện khá nhiều, ở hầu hết các nhân vật. Điều này khiến thoại phim hơi bị khiên cưỡng, thiếu tự nhiên.
Ở phần đầu, phim sa đà vào kể lể, thay vì diễn tả bằng hành động, cử chỉ và hình ảnh. Có khán giả chia sẻ: “Có ông bố mồm miệng tía lia như Ba Sang, không xung khắc với con mới lạ”. Nhưng ở phần sau, đạo diễn dành nhiều khoảng lặng để nhân vật khắc họa chiều sâu tâm lý. Nó cũng là sự chuyển nhịp phù hợp khi Ba Sang biết mình mắc bệnh.
Dù hai phim có sự cân bằng nhau về điểm mạnh yếu nhưng nhiều khi, khen hay chê còn phụ thuộc vào cảm xúc và cảm nhận của khán giả. Chỉ có những con số là điều dễ nhìn ra sự chênh lệch nhất.
Bố già hiện tại đã đạt doanh thua hơn 100 tỷ đồng và đang trên con đường trở thành bộ phim thành công bậc nhất lịch sử điện ảnh Việt Nam. Trong khi đó, con số cập nhật của Gái già những ngày đầu là 20 tỷ đồng (chưa có số liệu mới được công bố).
Ngoài gu thẩm mỹ của mỗi khán giả quyết định đến việc bỏ tiền mua vé, một yếu tố để Bố già hơn Gái già ở hiện tại là do Trấn Thành có lượng fan vô cùng hùng hậu. Với fan page lên đến 17 triệu lượt theo dõi, Trấn Thành dễ dàng thu hút công chúng và kêu gọi họ đến rạp. Thêm nữa, với mối quan hệ trong showbiz, anh cũng nhận được sự cộng hưởng từ các sao Việt. Họ cũng trở thành kênh truyền thông tốt để khán giả là fan của sao đến rạp nhiều hơn. Ở góc độ này, Gái già hẳn là khó “đua” được với Bố già.
"Bố già" bản điện ảnh: Khán giả hết cười rồi lại khóc trước tình thân, tình đời
Chọn tình cảm gia đình làm "trục", bộ phim xoay quanh cuộc sống của bố con Ba Sang trong một con hẻm dưới chân cầu, hàng xóm xung quanh cũng là những người thân ruột thịt.
Những mâu thuẫn bởi khoảng cách thế hệ hay sự khác nhau trong cách thể hiện tình cảm vẫn tồn tại thường trực trong gia đình nhỏ của bố con ông Sang hay trong gia đình lớn với "bộ tứ" Giàu - Sang - Phú - Quý. Nhưng nổi bật lên trên tất cả, Bố Già vẫn là một khúc nhạc đậm đà tình thân, tình yêu và tình đời.
Tình anh em "máu chảy ruột mềm"
Trong con hẻm nhỏ, xung quanh nhà Ba Sang còn có 3 anh chị em ruột thịt khác, tạo nên một tổ hợp nghe là thấy "xôm": Giàu - Sang - Phú - Quý. Tuy là "máu mủ" nhưng sẽ dễ dàng nhận ra, mối quan hệ của bộ tứ có vẻ chẳng mấy "ruột rà". Trong bốn anh em, ông Quý như một "con cừu đen" khi vừa vô công rỗi nghề lại mê rượu chè cờ bạc, có tí cồn sẽ kiếm chuyện đập phá, hết lần này đến lần khác suýt bỏ mạng vì nợ tiền xã hội đen. Mỗi lúc như thế, Ba Sang luôn là người "lãnh đủ" mọi hậu quả.
Trở về với gia đình nhỏ của Ba Sang, Quắn và Bù Tọt cũng là một cặp anh em cực đáng yêu. Cũng như bao cặp anh em lệch tuổi, hai anh em đụng mặt sẽ cãi nhau ỏm tỏi hệt như chó với mèo. Thế mà một ông anh luôn tìm cách trêu chọc Bù Tọt như Quắn, đôi lúc lại khiến người xem không khỏi xúc động khi cũng biết mua cho em một chiếc váy mặc Tết, vẫn luôn lo nghĩ cho tương lai sau này của em. Ngay cả khi có khoảng cách tuổi tác khá lớn thì giữa Quắn và Bù Tọt vẫn là tình anh em, tuy vụng về nhưng rất đỗi chân thành.
Tình phụ tử bình dị nhưng sâu lắng, chân thành
Là hình ảnh điển hình cho những gia đình "gà trống nuôi con", ông Sang quán xuyến mọi việc lớn nhỏ trong gia đình, hệt như một người phụ nữ. Trong mắt ông, Quắn đã 22 tuổi thì cũng chỉ là đứa trẻ. Thế nên ông vô tư hôn cậu con trai "già đầu", tối tối lại 'mò' lên gác đắp chăn, sáng thì đặt sẵn tô mì bất kể Quắn đã chán ngấy. Từng chi tiết nhỏ ở đầu phim vừa thể hiện tình yêu thương đôi lúc "sến nổi da gà" của ông Sang, vừa là những lát cắt trong ký ức của nhiều người.
Như bao gia đình khác, bố con Ba Sang vẫn tồn tại mâu thuẫn và ngày càng trở nên sâu sắc bởi sự khác biệt quá lớn trong quan niệm sống, sự kì vọng của cả hai. Ông Sang luôn mong Quắn hiểu được "nghĩa tử là nghĩa tình", người thân tốt xấu thế nào cũng là ruột thịt, là gia đình. Còn Quắn nhiều lần nổi cáu, cho rằng Ba Sang "hết thuốc chữa" cũng vì mong bố đến tuổi xế chiều hãy sống vì bản thân. Bên cạnh đó, những bí mật xoay quanh mối quan hệ của Bù Tọt với Quắn và Ba Sang lại càng đẩy mâu thuẫn lên cao trào.
Và sau một loạt những cãi vã, tình phụ tử lại chính là thứ duy nhất tháo gỡ mọi nút thắt. Khoảnh khắc Quắn đấm tay thật mạnh vào kệ gỗ rồi hét lớn: "Chỉ có ba thương con chứ con không thương ba sao?" như cách một cây kim bất ngờ châm vào bong bóng, bao mâu thuẫn và hiểu lầm dồn nén bấy lâu giữa hai bố con phút chốc vỡ tan tành. Ông Sang và Quắn, mỗi người đều có một cách riêng để thể hiện nhưng tình phụ tử thiêng liêng và sâu đậm chính là nơi xoa dịu và dung hòa tất cả những khác biệt một cách thật chân thành.
Tình già nở muộn, âm ỉ và đậm chất đời
Dẫu tình cảm gia đình là "sợi chỉ" xuyên suốt các thước phim, tuy nhiên "dấu vết" của tình yêu đôi lứa cũng được đan cài khá khéo léo. Không khai thác một tình yêu tuổi trẻ với nhiều khoảnh khắc tình tứ lãng mạn, tình yêu trong Bố Già có phần lặng lẽ nhưng âm ỉ, cách thể hiện tình cảm đậm chất đời thường.
Biết Ba Sang "gà trống nuôi con", Cẩm Lệ là người may cho Bù Tọt cái váy, vá cho Quắn cái quần, sửa cho ông Sang từng chiếc áo gối. Vậy còn ông Sang, chẳng nhẽ không chút cảm nhận nào hay sao? Có chứ, mà còn nhiều là đằng khác. "Tui biết thằng con tui nó nói đúng, tui không muốn ai phải chịu đựng vì mình." - đó là lý do vừa đáng trách mà cũng vừa đáng thương để Ba Sang dù rất thương Cẩm Lệ nhưng hết lần này đến lần khác đều tìm cách chối từ. Ông luôn như vậy, luôn muốn hi sinh, luôn muốn nghĩ cho người khác mà chẳng cần biết họ có cần hay không. Thế nhưng sau tất cả, Ba Sang cũng kịp nhận ra và kịp nói lời yêu. Khoảnh khắc một ông già đầu đã hai thứ tóc, nắm chặt tay người mình thương rồ mạnh dạn tỏ tình "Sang thương Cẩm Lệ" vừa khiến người ta không khỏi bật cười sao mà "sến sẩm", vừa khiến trái tim rung lên niềm hạnh phúc khó gọi tên.
Quả thật, với chủ đề gia đình cùng những câu chuyện "đời" nhất, Bố Già đã mang đến những tình cảm thiêng liêng và gần gũi nhất. Để từ đó, khán giả hết cười rồi lại khóc trước những điều vừa chân thật, vừa sâu lắng. Cùng những thông điệp sâu sắc về tình thân, tình đời được truyền tải, Bố Già điện ảnh có lẽ sẽ khiến bạn phải nhấc máy lên hoặc chạy về nhà với bố mẹ ngay sau khi ánh đèn rạp phim vừa bật sáng.
Trailer phim
Bố Già phiên bản điện ảnh đang khởi chiếu tại các rạp trên toàn quốc.
Bố Già điện ảnh vừa "hốt" 100 tỷ, bản web drama lại đạt thành tích mới: Trấn Thành "ghi bàn đôi" nhìn mà sốc! Trong khi phiên bản điện ảnh đang oanh tạc phòng vé thì Bố Già bản web drama bỗng quay trở lại và ghi nhận thành tích xuất sắc. Đạt được 100 tỷ đồng doanh thu chỉ trong chưa đầy 4 ngày chiếu, Bố Già của Trấn Thành sở hữu thành tích vô tiền khoáng hậu và đang có khả năng trở thành bộ...