‘Bố già’ Guzman có thể trốn đi đâu
“Một khi Guzman đã trốn vào vùng núi, thì tìm ông ta sẽ khó như tìm bin Laden”, một chuyên gia nói về khả năng bắt lại tên trùm, khi rất có thể ông đã quay về quê nhà, nơi có mạng lưới đàn em đông đảo bảo vệ.
Trùm ma túy Guzman. Ảnh: AP
Joaquin “El Chapo” Guzman, kẻ cầm đầu băng nhóm khét tiếng Sinaloa, rõ ràng có đủ tiền của và đàn em để đi bất cứ nơi đâu. Giới chức Mexico không bình luận về việc có trực thăng hoặc phương tiện bay nào cất cánh ngay sau vụ vượt ngục của ông ta hay không.
Guzman có của cải và chân rết lan đến toàn thế giới. Nhiều nơi sẽ hồ hởi chào đón ông ta, bảo vệ tay trùm khỏi tầm với của chính quyền Mexico và Mỹ.
Theo Los Angeles Times, Guzman có thể dễ dàng đến các vùng hoang dã ở các nước lân cận khác. Không cần phải mất nhiều quy định và thủ tục để được phép di chuyển bằng phi cơ nhỏ ở khu vực này.
Khi bị bắt lần đầu tiên vào năm 1993, Guzman đang ở quốc gia láng giềng Guatemala, sau đó bị dẫn độ về Mexico và giam cầm cho đến khi vượt ngục năm 2001, nhờ ẩn mình trong một giỏ giặt ủi. Băng nhóm của ông ta hiện vẫn có mạng lưới rộng khắp ở Guatemala và các nơi khác ở Trung và Nam Mỹ, chưa kể đến châu Âu và Australia.
Theo CNN, người vợ trẻ mà Guzman hết mực yêu thương có thể đang ở California, Mỹ, tuy nhiên, ít có khả năng ông ta sẽ cố gắng trốn sang nước này, ít nhất là vào thời điểm hiện tại. Khi người vợ trẻ đến Los Angeles năm 2011 để sinh con, đặc vụ liên bang Mỹ đã theo dõi nhất cử nhất động của cô ta.
“Lãnh địa”
Mặc dù có vô số điểm đến để lựa chọn, giới chuyên gia nhận định Guzman rất có khả năng trở về quê nhà. Guzman được cho là sống phần lớn thời gian ở vùng núi được gọi là Tam giác vàng, gồm các bang Sinaloa, Durango và Chihuahua.
Video đang HOT
Guzman có thể trở về vùng núi ở quê nhà Sinaloa. Đồ họa: iStockphoto
“Trong những tình huống như thế này, con người thường có xu hướng hành động theo thói quen”, Jack Riley, quan chức thuộc Cơ quan Bài trừ Ma túy Mỹ (DEA) nói. “Nếu ông ta cảm thấy thoải mái khi sống ở đó, đồng thời cảm thấy có thể canh chừng tình hình tốt, thì có lẽ ông ta sẽ quay lại đây”.
Người dân ở đây cho biết trước đây họ thường xuyên thấy ông ta lui tới các nhà hàng, tham dự các bữa tiệc, hoặc đi dạo qua trung tâm thương mại địa phương.
“Đây là lãnh địa, là ngôi nhà nhỏ của ông ta”, một cư dân Culiacan, thủ phủ Sinaloa, nói.
Giới chức đã tăng cường an ninh, rào chắn và các biện pháp khác tại Sinaloa và Durango để truy lùng tên trùm. Tuy nhiên, nếu Guzman thực sự quay về Sinaloa, thì bắt ông ta sẽ là một nhiệm vụ khó khăn. Theo Washington Post, địa hình tại đây khá hiểm trở, những kẻ trong mạng lưới giao du của Guzman lại có khối tài sản khổng lồ và kỹ năng lẩn trốn tốt. Ông ta còn có mạng lưới “tình báo”, thường là các thanh thiếu niên cắm chốt ở các ngọn đồi, sẵn sàng đánh động cho Guzma nếu lực lượng an ninh ập tới.
Jose Reveles, tác giả của nhiều cuốn sách về thế giới buôn bán ma túy Mexico, nhận định Tam giác vàng rất có khả năng là nơi trú ẩn của tay trùm. “Người ta thường nói, một khi El Chapo đã trốn vào vùng núi, thì tìm ông ta sẽ khó như tìm Osama bin Laden”, Reveles nói. “Nếu một người lính, hay một cảnh sát đi vào khu vực đó, họ sẽ bị phát hiện ngay. Guzman có tình báo, chỉ điểm, và sát thủ riêng”.
Ngoài ra, người dân địa phương còn có thể bao che cho Guzman. Họ ủng hộ ông ta vì hoạt động của băng nhóm có tác động đến nền kinh tế Sinaloa. Dù không phải là một thành phố biên giới, thủ phủ Culiacan đầy rẫy những kẻ đổi tiền – dấu hiệu của việc buôn bán ma túy. Sau khi Guzman bị bắt hồi năm ngoái, hàng trăm người đã tuần hành ở Culiacan để phản đối.
Người dân còn hâm mộ ông ta vì tính hào hiệp. Nhiều người vẫn truyền tai nhau về câu chuyện tên trùm ma túy điều trực thăng tới thả tiền xuống các ngôi làng. Người bán hàng, Francisco Lopez Pena, 53 tuổi, cho biết Guzman đã tạo công ăn việc làm cho nhiều người dân và có tiếng là đối xử tốt với mọi người. “Họ nói rằng nhiều cơ hội việc làm đã ra đi khi ông ta bị bắt”, Lopez nói.
Nhiều người cho rằng Guzman có thể sẽ không bị bắt lại. Vụ vượt ngục được dàn dựng công phu, đường hầm rất tinh vi. Với tầm ảnh hưởng của Guzman, ông ta có thể biến mất mãi mãi. “Một khi Guzman trở về quê nhà Sinaloa và được đàn em bảo vệ thì rất khó bắt lại ông ta. Có lẽ tôi hơi bi quan nhưng tôi nghĩ chúng ta có thể sẽ không thấy ông ta lần nữa”, nhà báo Patrick Radden Keefe của The New Yorker nói trên truyền hình.
Tuy nhiên, giới chức vẫn khẳng định quyết tâm truy lùng Guzman. “Điều quan trọng là ông ta đã thoát ra ngoài”, quan chức DEA Jack Riley nói. “Và chúng tôi phải còng tay ông ta một lần nữa”.
Phương Vũ
Theo VNE
Đế chế ma túy khét tiếng thế giới của 'bố già' Guzman
Sinaloa Cartel, dưới sự dẫn dắt của ông trùm Joaquin 'El Chapo' Guzman, trở thành tổ chức buôn lậu ma túy quyền lực nhất thế giới nhờ không ngại vung tiền mua chuộc giới quan chức và thẳng tay đàn áp những băng đảng cạnh tranh.
Joaquin 'El Chapo' Guzman (trái) ông trùm của mạng lưới buôn lậu ma túy Sinaloa Cartel. Ảnh: Reuters
Joaquin 'El Chapo' Guzman, ông trùm mạng lưới buôn lậu ma túy lâu đời và giàu có bậc nhất thế giới Sinaloa Cartel, hôm 12/7 lần thứ hai vượt ngục thành công khỏi nhà tù được canh phòng cẩn mật nhất Mexico. Hắn dùng đường hầm nối từ khu tắm trong buồng giam tới một căn nhà bỏ hoang cách đó khoảng 1,5 km để tẩu thoát. Giới chuyên gia ước tính, để xây dựng hệ thống này, Guzman phải chi khoảng 5 triệu USD và nhận sự trợ giúp từ cả bên trong và bên ngoài nhà tù. Vụ việc một lần nữa cho thấy khả năng của ông trùm ma túy cũng như tổ chức Sinaloa Cartel.
Sinaloa Cartel vô cùng lớn mạnh, chúng có thể gây ảnh hưởng tới cả giới chính trị gia, doanh nhân và cảnh sát, theo BBC. Được đặt tên theo bang Sinaloa, nằm ở phía tây bắc Mexico, tổ chức ban đầu lập trụ sở ở Culiacan và hoạt động chủ yếu ở các bang lân cận như Sonora, Baja California, Chihuahua và Durango. Cộng đồng tình báo Mỹ đánh giá Sinaloa Cartel là "tổ chức buôn lậu ma túy quyền lực nhất thế giới" với lợi nhuận hàng năm lên tới ba tỷ USD, chủ yếu nhờ rửa tiền và bán cocaine, cần sa, ma túy đá...
Khởi nguồn
Mexico trở thành tuyến đường chính vận chuyển cocaine Colombia vào Mỹ từ những năm 1980. Tại thời điểm đó, các đầu mối sản xuất ma túy Colombia gặp rất nhiều khó khăn khi muốn tuồn hàng qua đường biển và đường hàng không bởi những động thái cứng rắn của chính quyền. Các ông trùm nảy ra ý định thuê băng đảng Guadalajara của Mexico thực hiện nhiệm vụ đưa ma túy vào Mỹ qua biên giới với thù lao là những gói cocaine.
Băng đảng Mexico này sau đó thành lập mạng lưới của riêng mình. Khi lãnh đạo Guadalajara bị bắt vào năm 1989, tổ chức chia rẽ làm ba nhóm nhỏ gồm: Sinaloa, Juarez và Tijuana. Những cuộc xung đột đẫm máu nhằm giành địa bàn liên tục nổ ra. Sau quãng thời gian dài tranh đấu, Sinaloa do Guzman dẫn dắt là tổ chức nắm thế áp đảo và đạt nhiều bước tiến mạnh mẽ hơn cả.
Dù bỏ học giữa chừng nhưng Guzman thực sự là một "thiên tài lãnh đạo",Jack Riley, người đứng đầu Cơ quan Quản lý Ma túy Mỹ (DEA), chi nhánh Chicago, nhận xét.
Hắn thường buôn lậu cocaine từ Colombia tới Mexico trên những máy bay tư nhân loại nhỏ, ngụy trang trong các vali hành lý hay dùng chính chiếc Boeing 747 của tổ chức để đưa hàng. Sinaloa Cartel thậm chí sử dụng hàng loạt tàu ngầm tự chế có giá trị lên tới một triệu USD mỗi chiếc để vận chuyển cocaine.
Bên cạnh đó, Sinaloa được biết đến là tổ chức tiên phong trong việc sử dụng những hệ thống đường hầm chằng chịt để phân phối ma túy và ẩn náu. Năm 2013, các nhà điều tra phát hiện một lối đi ngoằn ngoèo phía dưới lòng đất, nối từ San Diego, Mỹ, đến Tijuana, Mexico, do Sinaloa Cartel dựng lên. Người ta gọi tuyến đường này là một "siêu đường hầm" bởi độ phức tạp của nó.
Sinaloa còn giấu ma túy ở các khoang ẩn lắp đặt thêm trên ôtô, nhồi vào đồ ăn đóng hộp hay nhét trong xác cá mập đông lạnh để vượt qua các trạm kiểm soát nghiêm ngặt.
Băng đảng chết chóc
Sinaloa hiện vươn chân rết tới Bắc Mỹ, bám rễ tại châu Âu, Australia, Tây Phi và cả Philippines. Bằng hàng loạt phi vụ buôn lậu ma túy cùng nhiều hành vi tội ác khác, Sinaloa Cartel mang về cho ông trùm Guzman khối tài sản lên tới một tỷ USD.
Theo AP, Sinaloa vẫn nắm quyền và không ngừng khuếch trương thanh thế trên lãnh thổ Mexico ngay cả trong lúc Guzman bị giam giữ. Điều khiến nhiều người khiếp sợ tổ chức này nằm ở cách mà chúng gây dựng uy quyền và thâu tóm sức mạnh.
Theo The Week, Sinaloa cực kỳ hung bạo. Năm 2012, chúng chặt đầu 14 người sau đó để trong một thùng đông lạnh và đặt trước văn phòng thị trưởng thành phố Nuevo Laredo, phía bắc thủ đô Mexico City, để hăm dọa nhà chức trách. Tuy nhiên, nếu so với các ông trùm khác, Guzman vẫn được xem là một kẻ ít máu lạnh hơn. Hắn có phẩm chất của một con buôn khi chuộng "việc hối lộ hơn là vũ lực". Guzman chọn việc chi hàng triệu USD để mua chuộc cảnh sát và quan chức chính phủ thay vì sử dụng các phương pháp bạo lực.
InSight Crime, nhóm nghiên cứu về tội phạm có tổ chức ở châu Mỹ Latin và vùng Caribbean, cho hay Sinaloa đang đẩy mạnh xây dựng liên minh với nhiều băng đảng buôn lậu ma túy có danh tiếng khác ở Mexico như Gulf, Familia Michoacana hay Tijuana. Hơn 10 năm qua, các băng nhóm này tham gia vào một chuỗi các cuộc đấu đá chết chóc nhằm tranh giành địa bàn ở Mexico, gây nên tình trạng hỗn loạn, dẫn tới cái chết của khoảng 100.000 người. Nhưng cuối cùng, Sinaloa đã vượt qua tất cả và giành ngôi thống trị.
Tung tiền mua chuộc
Theo một cuộc điều tra chuyên sâu của đài NPR, Mỹ, Sinaloa có được quyền lực và sức ảnh hưởng to lớn một phần nhờ vào mối quan hệ với giới chính trị gia Mexico. Sinaloa từng bị cáo buộc hối lộ nhiều quan chức để mở đường cho Guzman vượt ngục hồi năm 2001 và lẩn tránh sự truy bắt của cảnh sát trong suốt 13 năm.
Một cựu chỉ huy lực lượng an ninh ở Juarez cho biết từng có thời điểm tất cả các nhân viên trong văn phòng cảnh sát nơi ông làm việc đều móc nối với Sinaloa, giúp nhóm đàn áp các mạng lưới buôn lậu ma túy khác.
Tại một phiên tòa ở Mỹ, Manuel Fierro Mendez, cựu lãnh đạo cảnh sát ở Juarez, đã thừa nhận có hợp tác với Sinaloa. Theo ông, Sinaloa luôn tìm mọi cách lôi kéo cảnh sát gia nhập tổ chức để những người này "nhắm mắt làm ngơ" trước hành vi tội ác của chúng. Cách mà nhóm thường xuyên áp dụng là tung tiền mua chuộc. Những ai không khuất phục cuối cùng cũng phải miễn cưỡng phục tùng trước hành vi hăm dọa, quấy rối của Sinaloa.
Vũ Hoàng
Theo VNE
Trùm ma túy Mexico biến mất 18 phút nhà tù mới báo động Hai nhà lập pháp Mexico cho biết Joaquin "El Chapo" Guzman đã biến mất khoảng 20 phút trước khi nhân viên an ninh báo động. Camera trong phòng giam của trùm ma túy có hai điểm mù: khu vực tắm và vòi tắm nhằm đảm bảo sự riêng tư cho tù nhân. Lần cuối cùng Guzman được trông thấy trên màn hình an...