Bộ GD&ĐT bác tin hàng chục du học sinh Việt kẹt lại Vũ Hán
Bộ GD&ĐT khẳng định thông tin du học sinh Việt bị kẹt lại ở Vũ Hán (Trung Quốc) là không đúng.
Ảnh minh họa
Mới đây, một Fanpage đăng tải nội dung cho biết, có ít nhất 24 du học sinh Việt Nam đang bị kẹt lại ở Thành phố Vũ Hán- Trung Quốc do dịch virus corona. Họ không có đủ mỗi em 1.000 USD để được về nước.
Trang này còn kêu gọi mọi người quyên góp tiền để đưa các du học sinh về nước. Fanpage đã liệt kê một số danh sách cá nhân tập thể ủng hộ với số tiền là 324 USD.
Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Hải Thanh, Phó cục trưởng Cục Hợp tác quốc tế, Bộ GD&ĐT, khẳng định thông tin nhiều du học sinh Việt Nam đang bị kẹt lại ở Vũ Hán là không chính xác.
Theo ông Hải, trước ngày 10/2, tại Vũ Hán có 26 du học sinh và người nhà du học sinh Việt Nam. Đến ngày 10/2, có 17 du học sinh và 3 người nhà được đưa về nước. Hiện tại còn lại 6 du học sinh vì lý do cá nhân nên chưa về.
“ Cục Hợp tác quốc tế vẫn thường xuyên nắm bắt tình hình của các lưu học sinh. Khi có sự việc nêu trên, các lưu học sinh cũng chủ động cảnh báo và thông tin lại cho Đại sứ quán cũng như Cục.
Cục Hợp tác quốc tế thông tin việc này để mọi người nắm rõ tình hình. Nếu có những sự việc tương tự, tất cả chúng ta cần phải tìm hiểu kỹ trước khi hỗ trợ, tránh việc bị lợi dụng lòng tốt”, ông Thanh cảnh báo.
Video đang HOT
Theo VTC
Du học sinh Việt tại Trung Quốc về quê ăn Tết: Tự nhốt mình ở nhà vì bị kì thị, xa lánh
Việc các trường tại Trung Quốc thông báo cho sinh viên hoãn ngày nhập học đang khiến nhiều du học sinh 'lao đao', rơi vào tình huống 'tiến thoái lưỡng nan'.
Trong bối cảnh dịch viêm phổi do virus Corona gây ra lan rộng 30 tỉnh thành của Trung Quốc với hơn 28.000 người mắc nhiễm, các trường học của Trung Quốc đã thông báo đến học sinh, sinh viên và du học sinh quốc tế với nội dung hoãn ngày nhập học sau dịp Tết Nguyên Đán. Động thái này khiến nhiều du học sinh Việt Nam 'khốn đốn' vì nhiều lẽ.
Đường phố Trung Quốc vắng người trong đại dịch.
Trở về từ Vũ Hán, du học sinh Việt: 'Đi học cũng không được, ở nhà thì bị mọi người kì thị, xa lánh'
Sau hơn một tháng về quê, chưa kịp vui vẻ, sum vầy cùng gia đình trong dịp Tết cổ truyền, bạn Nguyễn Quốc Huy, du học sinh trường Đại học địa chất tại thành phố Vũ Hán đã phải sống gần như tự cách li.
Nguyễn Quốc Huy - du học sinh tại Vũ Hán.
' Trước khi về nước, bọn mình có thông báo là lịch học kì hai sẽ bắt đầu vào ngày 10/2 nhưng do dịch bệnh nên trường mới đây đã thông báo lại là lùi lịch nhập học lại và chưa có thời gian cụ thể.
Việc lùi lịch học là chuyện bắt buộc thôi. Không được đi học đã đành, ở nhà mình gặp nhiều rắc rối, bị mọi người kì thị, xa lánh luôn.
Mình nhận được thông báo hạn chế đến những nơi đông người, sống theo kiểu gần như tự cách li, kể cả khi đã vượt quá 14 ngày (số ngày được cho là thời gian ủ bệnh)'.
Quê tại Vĩnh Phúc - nơi có 5 bệnh nhân dương tính với chủng virus nCoV nên Quốc Huy càng chịu nhiều 'định kiến': 'Cá nhân mình không lo lắng lắm vì mình hiểu về bệnh dịch và cách phòng tránh rồi. Còn mình chỉ sợ nhỡ bị nhiễm bệnh lại mang tiếng là 'tội đồ' thôi. Mọi người nói chuyện với mình rằng mắc bệnh như mắc tội lớn ấy'.
Hiện tại các du học sinh Việt Nam đang theo học tại trường của Huy đều chưa có ai mắc nhiễm, thông tin này khiến chàng trai sinh năm 1994 cũng yên tâm phần nào. Tuy nhiên, do gia đình bán hàng ăn uống, sợ ảnh hưởng tới việc kinh doanh, lại thêm thông tin dịch bệnh có nhiều diễn biến 'gay go', Quốc Huy vẫn chủ động hạn chế tiếp xúc với bên ngoài, theo dõi tình hình sức khỏe thường xuyên...
Hoang mang lo ngại hết hạn visa, mua vé máy bay gặp nhiều trở ngại
Cũng từ việc các trường phía Trung Quốc chỉ thông báo hoãn ngày nhập học nhưng lại chưa có thông tin trở lại trường cụ thể là ngày nào, nhiều du học sinh phải 'méo mặt' lo ngại chuyện di chuyển về sau.
Uyên chụp hình kỉ niệm trong khuôn viên trường.
Bạn Đỗ Phương Uyên, hiện đang học Thạc sĩ năm nhất tại trường Lâm nghiệp Bắc Kinh lo lắng: 'Lúc về mình đặt vé khứ hồi nhưng mới đây đã bị hãng hàng không hủy vé do dịch bệnh. Nếu quay lại trường thì mình buộc phải bỏ thêm chi phí cá nhân để mua vé một chiều. Mà vé một chiều thường có giá khá cao.
Mình cũng khá hoang mang vì thời điểm hiện tại vẫn chưa liên lạc được với hãng hàng không để hỏi về chính sách hoàn trả/ đổi vé do sự cố bệnh dịch như thế nào'.
Hà Phương hiện đang học tại Đại học Nông lâm Chiết Giang.
Còn Hà Phương, du học sinh Đại học Nông lâm Chiết Giang lại có một mối lo khác: 'Thời gian nhập học của học kì mới bị lùi lại đồng nghĩa với kì nghỉ hè cũng sẽ bị lùi đi. Hiện tại còn chưa biết khi nào mới đi học lại được nên mình rất lo không biết thời hạn visa có bị ảnh hưởng gì không nữa'.
Hà Phương cũng cho biết, được nghỉ học lâu cũng muốn đi làm thêm để có thêm khoản phí trang trải, thế nhưng cô cũng không dám đi làm vì lo thời gian ngắn đi làm chưa quen, nếu quen rồi lại dễ nhận được thông báo nhập học, điều này gây bất tiện lớn.
Thông báo hoãn nhập học sau dịp Tết.
Ngoài số người mắc nhiễm và tử vong đang được cập nhật hàng giờ, đến thời điểm hiện tại chưa có một thông tin thống kê nào về thiệt hại do virus Corona gây ra, tuy nhiên mức ảnh hưởng của nó trên nhiều lĩnh vực nhất là đời sống du học sinh đã quá rõ ràng. Hi vọng rằng, sẽ có nhiều phương án hợp lí, khắc phục và tạo điều kiện cho sinh viên Việt Nam sinh sống và học tập tại Trung Quốc trong thời gian tới đây.
Kỳ Duyên
Theo baodatviet
Từ Vũ Hán về, bị người quen tung tin nhiễm corona để bán hàng online Nhiều du học sinh trở về Việt Nam từ Vũ Hán bị người xung quanh tỏ thái độ xa cách, dè chừng thậm chí bịa đặt về tình hình sức khỏe liên quan đến virus corona. Về Việt Nam để đón Tết Nguyên đán từ 15/1, N.P. (19 tuổi, sinh viên một trường đại học ở Vũ Hán) không khỏi bất ngờ trước...