Bỏ đống tiền nuôi cả trăm con bò, chỉ lo không thuê được người chăm
Bỏ ra hàng trăm triệu đồng đầu tư nuôi đàn bò nái 60 con với các dòng như lai Sind, Charolais, Brahman, Angus, anh Trần Huy Tiến ở khu phố Phước Hòa, phường Tân Thiện, thị xã Đồng Xoài (Bình Phước) cho biết, dù mỗi tháng lãi cả chục triệu đồng nhưng việc thuê nhân công chăm sóc rất khó khăn do khan hiếm lao động..
Trước đây, anh Trần Huy Tiến làm nghề ươm và sản xuất cây cao su giống cung ứng cho nông dân trên địa bàn tỉnh. Do giá mủ xuống thấp nên việc sản xuất cây giống gặp nhiều khó khăn về đầu ra.
Vì vậy năm 2014, anh Tiến đầu tư trồng cỏ, xây dựng chuồng trại chăn nuôi bò sinh sản, với vốn đầu tư trên 450 triệu đồng (trong đó có việc mua 10 con bò sinh sản). Nhận thấy chăn nuôi bò mang lại hiệu quả kinh tế cao, anh tiếp tục tăng đàn lên 60 con bò cái, gồm các giống lai Sind, Charolais, Brahman, Angus… kết hợp dịch vụ cung ứng bò giống và cung cấp bò thương phẩm cho thị trường. Anh cho biết, hiện nay, bình quân mỗi tháng sau khi trừ chi phí anh thu lời không dưới 50 triệu đồng.
Lúc nào trong chuồng của gia đình anh Trần Huy Tiến cũng có hàng trăm con bò. Anh chỉ lo không thuê được nhân công chăm sóc dù trả lương tới 5 triệu đồng/tháng.
Anh Tiến cho biết thêm, nhu cầu mua bò giống và bò thịt của khách hàng trong tỉnh khá cao, trong khi Bình Phước chưa có nhiều trang trại nuôi bò quy mô lớn. Vì thế, anh mạnh dạn nuôi bò sinh sản cung cấp giống theo nhu cầu cho người dân ở các khu vực lân cận; đồng thời mua bò gầy, bò loại thải ở các nơi về vỗ béo bán thương phẩm.
Video đang HOT
Mỗi tháng anh bán khoảng 50 con bò các loại và trong chuồng lúc nào cũng có hàng trăm con. Việc chăn nuôi bò khá thuận lợi nhờ thức ăn chủ yếu là cỏ, bò ít bị bệnh nếu tiêm vắc-xin phòng bệnh. Ngoài ra, tùy thời điểm và lứa tuổi của bò chú trọng bổ sung chất dinh dưỡng, nhất là kỹ thuật vỗ béo các loại bò gầy và bò loại thải.
Trại bò Bảo Tiến của anh hiện được đánh giá có quy mô chăn nuôi khá lớn. Trang trại thoáng mát không ô nhiễm môi trường, nguồn thải được đưa vào hầm xử lý sinh học sau đó đem bón cho đồng cỏ. Tuy còn phải học hỏi nhiều kinh nghiệm chăn nuôi, quản lý trang trại nhưng anh Tiến đang dần khẳng định bước đi đúng hướng, cho hiệu quả kinh tế cao, đồng thời góp phần tạo việc làm cho lao động nông thôn. Thời gian tới, anh tiếp tục mở rộng quy mô và nâng đàn để cung cấp cho thị trường trong, ngoài tỉnh.
Bên cạnh thuận lợi, anh Tiến cho biết thời gian bò mang thai lâu, nuôi từ bê sơ sinh đến xuất bán hơn 1 năm nên tăng đàn chậm. Mặt khác dù trả công bình quân trên 5 triệu đồng/tháng/ lao động nhưng việc thuê nhân công chăn nuôi bò không dễ… Vì thế người dân cần lưu ý khi đầu tư chăn nuôi.
Theo Xuân Trường (Báo Bình Phước)
Lãi lớn nhờ nâng tầm vóc bò lai
Từ năm 2014 đến nay, Quỹ Hỗ trợ nông dân (HTND) thuộc Hội ND tỉnh Quảng Bình đã cho ND vay vốn chăn nuôi đại gia súc, góp phần nâng tầm vóc, chất lượng đàn bò lai sinh sản trên địa bàn.
Hỗ trợ vốn cho nông dân
Theo thống kê, tổng đàn bò hàng năm của tỉnh Quảng Bình dao động trên dưới 100.000 con. Tuy nhiên, chất lượng đàn bò ở Quảng Bình còn thấp, bò địa phương (bò cóc, bò kiến) còn chiếm tỷ lệ khá lớn. Để khắc phục tình trạng này, những năm qua, các cấp Hội ND Quảng Bình đã có nhiều giải pháp giúp bà con cải tạo đàn bò, nâng cao thu nhập.
Một trong những giải pháp đem lại hiệu quả cao là sử dụng vốn Quỹ HTND đầu tư cho hàng chục dự án với số tiền lên tới hàng chục tỷ đồng giúp bà con lai tạo đàn bò. Ông Phùng Xuân Tiến - lãnh đạo phụ trách Quỹ HTND tỉnh Quảng Bình cho biết: "Từ 2014 đến nay, Hội ND Quảng Bình ưu tiên đầu tư cho các dự án chăn nuôi bò lai với số vốn giải ngân mới trên 3,3 tỷ đồng vốn Quỹ HTND, quy mô từ 300 - 450 triệu đồng/dự án. Bình quân, mỗi hộ được vay tối đa 30 triệu đồng, thời hạn vay 3 năm".
Bên cạnh hỗ trợ vốn, Hội ND tỉnh Quảng Bình còn tổ chức thi nông dân nuôi bò lai giỏi toàn tỉnh. Ảnh: P.P
"Hội ND tỉnh Quảng Bình đang tiếp tục ưu tiên đầu tư cho các dự án chăn nuôi bò lai với số vốn giải ngân mới trên 3,3 tỷ đồng từ nguồn vốn Quỹ HTND, quy mô từ 300 - 450 triệu đồng/dự án. Bình quân mỗi hộ được vay tối đa 30 triệu đồng, thời hạn vay 3 năm...". Ông Phùng Xuân Tiến
Các dự án chăn nuôi bò lai được vay từ nguồn vốn Qũy HTND đã và đang đem lại những hiệu quả thiết thực. Điển hình như việc chăn nuôi bò lai ở các xã Phù Hóa (Quảng Trạch), Văn Hóa, Tiến Hóa (Tuyên Hóa), Vạn Ninh (Quảng Ninh)... Nhờ nguồn vốn vay từ Quỹ HTND, bà con ND các xã trên đã đầu tư và nhanh chóng nhân rộng mô hình nuôi bò lai. Đến nay, tỷ lệ bò lai tại các xã này đã đạt trên 75%.
Ông Cao Xuân Thành - hộ nuôi bò lai giỏi ở xã Văn Hóa (Tuyên Hóa) chia sẻ: "Trước đây, gia đình tôi nuôi bò, nhưng là giống bò kiến, tầm vóc nhỏ, nuôi thành thục bán cũng chỉ được 8 -10 triệu đồng/con. Bây giờ, với những con bò lai thành thục, giá bán từ 20 -30 triệu đồng/con, lãi gấp 2-3 lần so với nuôi bò kiến...".
Đẩy mạnh lai tạo bò
Theo ông Phùng Xuân Tiến, hiện nay ở Quảng Bình có rất nhiều hộ ND nhờ được Quỹ HTND cho vay nuôi bò lai mà xóa được nghèo và vươn lên làm giàu. Có nhiều ND xuất phát điểm khó khăn, nhưng nhờ được vay vốn và hỗ trợ kỹ thuật của Hội ND hiện đã sở hữu đàn bò hàng chục con trị giá hàng trăm triệu đồng. Điển hình như các hộ Cao Xuân Thành, xã Văn Hóa, huyện Tuyên Hóa; Nguyễn Văn Bang, xã Quảng Tiến, huyện Quảng Trạch); Phan Thanh Đặng, xã Hiền Ninh, huyện Quảng Ninh...
"Kinh tế của gia đình tôi trước đây phụ thuộc trồng trọt là chính, chăn nuôi chỉ là phụ với tính chất nhỏ lẻ. Sau khi được Quỹ HTND tập huấn và cho vay 24 triệu đồng, tôi đã mua 1 con bò lai về nuôi. Sau 3 năm nuôi bò lai, tôi đã trả được số vốn vay và có thêm 3 con bò" - ông Nguyễn Văn Bang-nông dân nuôi bò lai giỏi ở xã Quảng Tiến (Quảng Trạch) chia sẻ.
Ông Mai Văn Ngọc - Phó Chủ tịch Hội ND Quảng Bình cho biết, hiện nay tỉnh Quảng Bình đang chủ trương phát triển đàn bò cả về số lượng và chất lượng, đẩy mạnh lai tạo với các giống bò chuyên thịt có năng suất cao, xây dựng mô hình nông trại, gia trại chăn nuôi bò thịt thâm canh. Với các dự án cho vay từ Quỹ HTND trong những năm qua, từ 300 con bò mẹ được đưa về ban đầu đã sinh sản thêm trên 1.000 con bê có chất lượng, góp phần tăng tổng đàn và nâng cao thể chất, thể trọng đàn bò của tỉnh...
Theo danviet