Bộ đội Biên phòng “làm việc xã”
Trong suốt 10 năm giữ chức Phó bí thư Đảng ủy xã Tam Quang, Thiếu tá QNCN Hồ Xuân Tuyến, Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh Nghệ An đã hiến kế, đồng hành cùng cấp ủy, chính quyền địa phương có nhiều giải pháp giúp người dân phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo; bồi dưỡng, phát triển đội ngũ đảng viên trẻ, góp phần kiện toàn hệ thống chính trị cơ sở ở xã biên giới. Cán bộ biên phòng “làm việc xã” luôn được nhân dân tin tưởng, yêu quý.
Buổi sáng, sau cuộc giao ban, Thiếu tá QNCN Hồ Xuân Tuyến, Phó bí thư Đảng ủy xã Tam Quang (Tương Dương, Nghệ An) bố trí thời gian tham dự buổi sinh hoạt của Chi bộ bản Tùng Hương. Trên đường đi, anh cho chúng tôi biết, bản Tùng Hương nằm cách xa trung tâm xã, là nơi định cư của các hộ dân đồng bào dân tộc Thái, Đan Lai từ bao đời nay. Trước đây, cuộc sống của người dân trong bản gặp nhiều khó khăn, cùng với đó là thiếu nguồn đảng viên kế cận, chi bộ đảng của bản đối diện với nguy cơ tái “trắng đảng viên”… Nhưng sau nhiều năm, với sự nỗ lực của cấp ủy, chính quyền địa phương, bản biên giới đang khởi sắc về mọi mặt. Cuộc sống của người dân no đủ, sung túc hơn, chi bộ đảng được kiện toàn, các tổ chức đoàn thể ở bản Tùng Hương hoạt động nền nếp, hiệu quả.
Trên đường xuống bản, thỉnh thoảng chúng tôi lại bắt gặp ánh mắt trìu mến của người dân địa phương hướng về phía anh Tuyến cùng những lời hỏi thăm: Cán bộ biên phòng lại xuống bản với bà con à? Già làng Lô Văn Tiến, đảng viên cao tuổi ở bản Tùng Hương, xã Tam Quang cho biết: “Cuộc sống của người dân chúng tôi đã thay đổi, tiến bộ rất nhiều. Có được điều đó là nhờ những chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước, sự nỗ lực của chính quyền và nhân dân trong xã. Trong đó, Thiếu tá QNCN Hồ Xuân Tuyến có những đóng góp rất lớn”. Cũng qua câu chuyện của già làng Lô Văn Tiến, bức tranh về Tam Quang từ năm 2012 trở về trước được khắc họa rõ nét. Đây là một trong 27 xã biên giới khó khăn nhất của tỉnh Nghệ An, với 11 bản làng, đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 73,45%. Thời điểm đó, Tam Quang có trên 59,70% hộ thuộc diện nghèo, hệ thống chính trị tại cơ sở còn yếu kém, hoạt động cầm chừng.
Thiếu tá QNCN Hồ Xuân Tuyến (ngoài cùng, bên trái) tham gia làm đường giao thông nông thôn với nhân dân địa phương.
Khi Thiếu tá QNCN Hồ Xuân Tuyến về nhận nhiệm vụ, vốn có nhiều năm bám địa bàn, hiểu về phong tục, tập quán của đồng bào, anh đã tìm ra nguyên nhân dẫn đến tình trạng chậm phát triển về kinh tế- xã hội ở địa phương biên giới. Trên cương vị mới, anh thẳng thắn chỉ ra những yếu kém, đồng thời tham mưu và cùng với Đảng ủy, chính quyền xã Tam Quang đưa ra những chủ trương, biện pháp tháo gỡ khó khăn, đẩy mạnh quá trình xây dựng nông thôn mới, góp phần nâng cao cuộc sống người dân. Anh Tuyến đã có ý kiến với Đảng ủy, chính quyền xã đưa nội dung xây dựng nông thôn mới vào nghị quyết, kế hoạch để lãnh đạo, triển khai thực hiện. Từ đó phát động phong trào quần chúng nhân dân và cả hệ thống chính trị, xây dựng ý chí quyết tâm, đoàn kết, phát huy nội lực chung tay xây dựng nông thôn mới. Anh đã tham mưu cho Đảng ủy, chính quyền xã Tam Quang chọn tiêu chí “xây dựng hệ thống chính trị xã vững mạnh” để triển khai đầu tiên. “Chỉ khi cán bộ tốt, gương mẫu thì nhân dân mới ủng hộ, làm theo”, anh Tuyến khẳng định.
Trên cương vị của mình, Thiếu tá QNCN Hồ Xuân Tuyến cùng với Đảng ủy, UBND xã Tam Quang tiến hành rà soát tiêu chuẩn chức danh, trình độ chuyên môn của đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã. Sau đó xây dựng kế hoạch cử đi đào tạo, bồi dưỡng về lý luận chính trị, quản lý nhà nước, chuyên môn nghiệp vụ, đồng thời, xã mở lớp tập huấn, bồi dưỡng nâng cao năng lực, nghiệp vụ cho đội ngũ cấp ủy, ban quản lý bản. Anh trực tiếp biên soạn giáo án điện tử, giảng bài bằng phương pháp trình chiếu, giúp người học dễ tiếp thu, dễ thực hiện. Nhờ những biện pháp quyết liệt, chất lượng đội ngũ cán bộ địa phương không ngừng được nâng lên, chi bộ hoạt động có chất lượng, chế độ sinh hoạt được duy trì nền nếp. Thiếu tá QNCN Hồ Xuân Tuyến cũng luôn quan tâm đến công tác đào tạo, phát triển nguồn đảng viên trẻ, cán bộ kế cận. Tính từ năm 2013 đến nay, anh đã tham mưu cho Đảng ủy xã Tam Quang phối hợp với Trung tâm bồi dưỡng chính trị huyện Tương Dương mở 4 lớp học cảm tình Đảng tại xã để tạo nguồn, đồng thời thực hiện tốt việc giáo dục, bồi dưỡng, rèn luyện… nhờ đó, công tác phát triển Đảng hằng năm đều đạt và vượt chỉ tiêu đề ra. Trong 7 năm qua, Đảng bộ xã Tam Quang đã kết nạp được 114 đảng viên mới. “Ban đầu, nhiều quần chúng trẻ đặt câu hỏi vào Đảng để làm gì? Khi được phân tích quyền lợi, trách nhiệm của người đảng viên thì ai cũng bày tỏ nguyện vọng được đứng vào hàng ngũ của Đảng. Trên cơ sở đó, chúng tôi phân công các chi bộ kèm cặp, giúp đỡ, hỗ trợ quần chúng trong quá trình phấn đấu vươn lên. Hiện nay, có nhiều đảng viên trẻ phát huy rất tốt vai trò của mình đối với cộng đồng”, Thiếu tá QNCN Hồ Xuân Tuyến cho biết.
Video đang HOT
Hệ thống chính trị cơ sở hoạt động nền nếp, hiệu quả, Thiếu tá QNCN Hồ Xuân Tuyến cùng Đảng ủy, UBND xã Tam Quang tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân xóa bỏ tư tưởng trông chờ, ỷ lại, thay vào đó động viên các gia đình vươn lên xóa đói, giảm nghèo. Để làm được điều này, anh cùng cấp ủy, chính quyền địa phương tìm hướng thay đổi cơ cấu, cây trồng, vật nuôi cho nhân dân. Theo đó, tận dụng nguồn thức ăn tự nhiên, khuyến khích người dân phát triển chăn nuôi đại gia súc như trâu, bò… Cá nhân anh Tuyến cũng nhận đỡ đầu, hỗ trợ một số gia đình nghèo tại địa phương phát triển kinh tế, vươn lên trong cuộc sống. Ngoài thời gian tại trụ sở, anh luôn bám sát địa bàn, cầm tay chỉ việc để bà con hiểu, tin tưởng làm theo. Sau nhiều năm được anh Tuyến trực tiếp giúp đỡ, gia đình anh Vương Thanh Hòa, bản Tùng Hương, xã Tam Quang đã nỗ lực lao động sản xuất, thoát nghèo. Anh Hòa cho biết: “Gia đình tôi từng rất khó khăn nhưng được anh Tuyến luôn quan tâm động viên, hướng dẫn cách chăn nuôi gia súc, trồng trọt các loại cây mang lại hiệu quả kinh tế cao. Giờ đây, gia đình có thu nhập ổn định, con cái có điều kiện được học tập. Nhân dân ở đây, ai cũng tin, yêu quý người cán bộ biên phòng “làm việc ở xã”.
Người chiến sỹ Biên phòng Khmer hết mình vì đồng bào vùng biên
Sinh ra, lớn lên trên địa bàn biên giới biển xã Vĩnh Hải (thị xã Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng) nên anh hiểu rất rõ những vất vả, khó khăn của đồng bào dân tộc Khmer nơi vùng biên giới biển bao đời vất vả trong cuộc mưu sinh, từ đó anh luôn cố gắng tận tụy hết lòng giúp dân trong việc bày kế sinh nhai, phát triển kinh tế gia đình, xóa đói giảm nghèo cho người dân nơi đây.
Anh là Thượng úy Sóc Đúng - Phó Đội trưởng Đội Vận động quần chúng, Đồn Biên phòng Vĩnh Hải, Bộ đội Biên phòng Sóc Trăng.
Thượng úy Sóc Đúng trực tiếp xuống tận các hộ gia đình người dân tộc Khmer để phát khẩu trang, tờ rơi và tuyên truyền cách phòng, chống dịch COVID-19.
Thượng úy Sóc Đúng kể, bản thân anh cũng là người dân tộc Khmer. Năm 2015, sau khi tốt nghiệp Học viện Biên phòng, anh được điều về công tác tại Đồn Biên phòng Vĩnh Hải, được cống hiến cho quê hương, nên anh luôn tâm niệm mình phải phát huy những gì đã học để giúp đồng bào nghèo biên giới phát triển, xây dựng khối đoàn kết toàn dân, bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia.
Xã Vĩnh Hải và Lạc Hòa là hai xã biên giới biển do đồn Biên phòng Vĩnh Hải quản lý, tỉ lệ đồng bào dân tộc Khmer đều chiếm trên 70% nên cán bộ phụ trách công tác vận động quần chúng như Thượng úy Sóc Đúng đã phát huy hiệu quả rất cao. Bám dân, bám địa bàn, hiểu tâm tư, tập quán sinh sống của đồng bào nên rất thuận tiện trong công tác tuyên truyền, phổ biến chủ trương của Đảng, nhà nước đến với đồng bào nơi vùng xa, khu vực biên giới.
Thượng úy Sóc Đúng chia sẻ: Địa bàn đơn vị quản lý phần lớn là đồng bào Khmer sinh sống, tỷ lệ hộ nghèo còn cao, nguyên nhân chính là do trình độ dân trí còn thấp, tập quán sinh hoạt lạc hậu lại hạn chế về kỹ thuật nuôi trồng, dẫn đến công tác sản xuất, nuôi trồng đạt năng suất thấp. Bên cạnh đó, nhiều hộ không tích cực trong lao động sản xuất và do chi tiêu không hợp lý, đã làm kinh tế các hộ gia đình không phát triển, các nguồn vốn được nhà nước hỗ trợ sản xuất, chăn nuôi có khi bị thất thoát, không có khả năng hoàn trả.
Trước thực trạng đó, Thượng úy Sóc Đúng và anh em trong đội vận động quần chúng của đơn vị đã tham mưu cho Ban chỉ huy đơn vị chọn mô hình nuôi dê sinh sản từ vốn ủy thác của Ngân hàng chính sách xã hội để phù hợp với điều kiện và nguồn thức ăn sẵn có ở địa bàn ven biển và áp dụng phương thức nuôi tập trung tại bãi đất rừng phòng hộ để vừa quản lý tốt khu vực rừng phòng hộ do đồn quản lý vừa gần nguồn thức ăn cho dê.
Thời gian đầu gặp không ít khó khăn, anh em trong đội phải tìm tòi kỹ thuật nuôi dê sinh sản từ cán bộ khuyến nông, các chủ trang trại chăn nuôi dê có kinh nghiệm. Từ 20 con dê giống ban đầu, đến nay đơn vị đã chuyển giao hơn 100 con dê giống cho hộ chính sách, hộ nghèo trên địa bàn đồng thời với chuyển giao kỹ thuật. Nhờ vậy, hầu hết hộ nghèo tiếp nhận đều đạt hiệu quả cao, chăm sóc, phòng ngừa bệnh và dần dần đàn dê sinh sản đạt chất lượng tốt.
Hộ anh Thạch Si Hển, ở ấp Âu Thọ B, xã Vĩnh Hải, thị xã Vĩnh Châu trước đây thuộc diện nghèo, ban đầu được hỗ trợ 4 con dê giống chỉ sau 1 năm đã có đàn dê 10 con, một thời gian nữa có thể xuất bán và tạo giống. Dê giống chuyển giao ban đầu đã được gieo tinh, chỉ nuôi 5 - 6 tháng là sinh sản, các hộ được nhận nuôi rất phấn khởi vì đã có thu hoạch trong thời gian ngắn.
Anh Thạch Si Hển phấn khởi cho biết: "Gia đình anh thuộc diện hộ nghèo trên địa bàn ấp Âu Thọ B, được cán bộ đồn biên phòng Vĩnh Hải hướng dẫn cách thức làm ăn đồng thời tặng dê giống, rồi cử cán bộ Đúng (Sóc Đúng) đến hướng dẫn kỹ thuật nuôi, chăm sóc đàn dê, nay đàn dê sinh sản phát triển tốt, sau này bán có thu nhập để trang trải cho gia đình rồi, gia đình anh vui lắm và muốn cảm ơn các cán bộ bộ đội biên phòng rất nhiều".
Trước đây, các cấp chính quyền địa phương đã nhiều lần hỗ trợ bò, dê, nhưng chỉ nuôi một thời gian, do không am hiểu kỹ thuật nên dê, bò không phát triển, có hộ thiếu tiền tiêu xài nên bán giá rẻ và nghèo vẫn hoàn nghèo. Nhờ cách làm sáng tạo của Đồn Biên phòng Vĩnh Hải và sự hỗ trợ nhiệt tình của cán bộ Đúng, mà nhiều người dân nghèo khu vực biên giới biển xã Vĩnh Hải có được cách làm hay, cho thu nhập ổn định, lâu dài, từng bước nâng cao đời sống, thoát cảnh đói nghèo.
Thượng úy Sóc Đúng được đánh giá cao về sự năng động, sáng tạo, làm tốt vai trò tham mưu, đề xuất cho cấp ủy, chỉ huy đơn vị ở nhiều lĩnh vực hoạt động của đơn vị. Năm 2018, được sự đồng ý của Đảng ủy, Ban chỉ huy đơn vị, Thượng úy Sóc Đúng đã thành lập "Sổ nghĩa tình quân dân", tuyên truyền, vận động cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị tự nguyện đóng góp và trích từ quỹ tăng gia sản xuất hỗ trợ cho người già, gia đình chính sách neo đơn, không nơi nương tựa trên địa bàn. Đến nay, nguồn quỹ phát huy hiệu quả, hỗ trợ cho 4 người già neo đơn không nơi nương tựa.
Hằng tuần, hằng tháng, Thượng úy Sóc Đúng cùng cán bộ trong Đội vận động quần chúng xuống các hộ thăm hỏi, tặng lương thực, thực phẩm cho bà con, khi các cụ ốm đau có cán bộ Quân y xuống khám và cấp thuốc. Từ sự quan tâm của cán bộ Biên phòng, các cụ sống vui, sống khỏe.
Bà Trần Thị Hồng, năm nay đã 77 tuổi, ở ấp Đại Bái, xã Lạc Hòa, thị xã Vĩnh Châu xúc động: "Chú Đúng tốt lắm, chú cùng các anh em đồn biên phòng thường xuyên đến chăm sóc sức khỏe, sửa chữa, dọn dẹp nhà cửa cho chúng tôi. Khi ốm đau thì xuống khám bệnh, cấp thuốc, ngày lễ, Tết lại đến hỏi thăm, động viên, tặng quà. Những người già như chúng tôi rất biết ơn các chú bộ đội Biên phòng".
Từ khi đại dịch COVID-19 xuất hiện, một lần nữa hình ảnh của Thượng úy Sóc Đúng lại được thể hiện trong cuộc chiến chống dịch bệnh. Để cùng bà con nhân dân trên địa bàn chung tay đẩy lùi dịch bệnh, Thượng úy Sóc Đúng đã tham mưu cho Ban chỉ huy đơn vị nhiều việc làm và hình thức tuyên truyền như đơn vị đã Phối hợp với Hội phụ nữ xã Vĩnh Hải may và cấp phát hơn 7.000 khẩu trang vải miễn phí và hàng ngàn tờ rơi tuyên truyền cho nhân dân, vận động các nhà hảo tâm hỗ trợ mua hơn 5.000 khẩu trang y tế và đơn vị đã cấp phát hàng ngàn tờ rơi tuyên truyền phòng chống dịch COVID-19.
Là vùng có đông đồng bào dân tộc Khmer, cuộc sống của bà con trên địa bàn còn nhiều khó khăn, việc tiếp cận với các thông tin về dịch bệnh COVID-19 còn hạn chế. Cán bộ trong đội vận động quần chúng luôn chú trọng đến việc tuyên truyền, đặc biệt là là mô hình tuyên truyền "Tiếng loa Biên phòng" bằng 2 thứ tiếng Kinh và Khmer nên người dân ở đây hiểu biết rõ hơn về công tác phòng, chống dịch. Nhờ vậy, người dân biết đeo khẩu trang khi ra ngoài, rửa tay thường xuyên, dọn dẹp vệ sinh sạch sẽ và không tụ tập đông người.
Thượng úy Sóc Đúng trực tiếp xuống tận các hộ gia đình người dân tộc Khmer để phát khẩu trang, tờ rơi và tuyên truyền cách phòng, chống dịch COVID-19. Ảnh: Trung Hiếu/TTXVN
Đánh giá về người cán bộ của Đồn, Thượng tá Nguyễn Trung Chính, Chính trị viên đồn Biên phòng Vĩnh Hải nhận xét: Đối với Thượng úy Sóc Đúng, việc giúp nhân dân xóa đói, giảm nghèo không chỉ là nhiệm vụ, mà đó là tình cảm của người lính Bộ đội Cụ Hồ đối với đồng bào nghèo. Ngoài việc quan tâm phát triển mô hình nuôi dê tập trung; chăm sóc người già neo đơn, tuyên truyền phòng chống dịch COVID-19... đồng chí Sóc Đúng còn sát sao kiểm tra, hướng dẫn 10 hộ gia đình được đơn vị hỗ trợ phát triển chăn nuôi, kinh doanh nhỏ, phát huy được nguồn vốn vay, kinh tế những gia đình này từng ngày phát triển, đời sống vật chất và tinh thần được nâng lên. Thượng úy Sóc Đúng đã trở thành tấm gương tiêu biểu để cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị học tập, noi theo.
Luôn giữ vững hình ảnh anh Bộ đội Cụ Hồ, Thượng úy Sóc Đúng cũng là một trong những tấm gương tiêu biểu của người chiến sỹ Quân hàm xanh nơi tuyến biên giới biển, hết lòng tận tụy vì nhân dân vùng địa bàn biên phòng ở Sóc Trăng. Anh cũng là tấm gương thanh niên tiêu biểu trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, luôn năng nổ, sáng tạo, quyết đoán trong thực hiện nhiệm vụ, gần dân, hiểu dân, được dân tin yêu.
Với những thành tích tiêu biểu năm 2018 - 2019 và tinh thần tận tụy vì dân, Thượng uý Sóc Đúng đã được Ủy ban Dân tộc tặng Bằng khen tại Lễ tuyên dương học sinh, sinh viên, thanh niên dân tộc thiểu số xuất sắc, tiêu biểu năm 2019; được Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng tuyên dương gương mặt trẻ tiêu biểu năm 2019 và được tặng thưởng nhiều Bằng khen, giấy khen của Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, Bộ chỉ huy Biên phòng tỉnh và của các cấp chính quyền địa phương...
Học viện Hải quân huấn luyện quân y năm 2021 Từ ngày 15 đến 18-3, ngành Quân y Học viện Hải quân (HVHQ) tổ chức triển khai nhiệm vụ và huấn luyện công tác quân y năm 2021 cho cán bộ, nhân viên quân y, huấn luyện chiến sĩ cứu thương và 5 kỹ thuật cấp cứu cho cán bộ quản lý học viên và học viên đào tạo cấp phân đội. Nội...