Bố đẻ mất, tôi không được nhà chồng cho về chịu tang dù chỉ cách 5km, mẹ chồng còn biện một lý do khiến tôi ngớ người
Cả giận mất khôn, tôi cãi nhau với mẹ chồng nhưng cuối cùng cũng không thắng nổi bà.
Vợ chồng tôi có con trước khi kết hôn. Vì quá bất ngờ, lại chưa chuẩn bị cho việc này nên bố mẹ chồng tôi rất sốc. Thành thử ra, họ không tha thiết gì với con dâu. Đồng ý để tôi về làm dâu chẳng qua vì nhà chúng tôi quá gần nhau. Bố mẹ chồng tôi sợ mang tiếng nên mới làm cho chúng tôi một đám cưới nhỏ.
Chưa có kinh tế nên sau khi kết hôn, chúng tôi vẫn sống chung cùng bố mẹ chồng. Lúc đầu, mẹ chồng nói vợ chồng tôi nộp 3 triệu tiền ăn. Thú thật số tiền ấy ở quê là một số tiền không nhỏ. Nó cũng chiếm gần hết lương của chồng tôi. Thế rồi mẹ chồng tôi phân tích, bà bảo phải mua đồ ngon để tẩm bổ cho tôi nên tiền ăn cũng tốn khá nhiều. Nói là vậy nhưng từ ngày tôi về làm dâu, chẳng mấy bữa được ăn một mâm cơm thịnh soạn.
Về nhà chồng được 1 tháng, mẹ chồng khuyên tôi đi bán hàng ngoài chợ với bà. Dù sao tôi đang có bầu không xin việc được. Ở nhà lại buồn, đôi khi gặp bố chồng nhưng không biết nói gì. Vậy nên tôi đã chấp nhận lời đề nghị với mẹ chồng, hàng sáng cùng bà ra bán đồ ăn.
Gần 1 năm qua, số lần tôi đặt chân về nhà chỉ đếm trên đầu ngón tay. (Ảnh minh họa)
Công việc này nhìn vào thì thấy nhàn hạ nhưng làm mới biết là không dễ chút nào. Tôi phải dậy từ 4 giờ sáng để phụ mẹ chồng nấu. Nấu xong, tôi phải đẩy xe ra chợ để bán. Mẹ tôi đi chợ, thấy con vất vả nên hôm nào cũng mua vài cái bánh ủng hộ. Ấy vậy mà mẹ chồng tôi nghi ngờ tôi lén lút cho mẹ đẻ. Có hôm bà còn bóng gió: “Rõ ràng hôm nay làm nhiều bánh, sao được có chừng này tiền? Con có tính nhầm hay cho ai không?”.
Tôi nghe xong mà thương mẹ mình. Mua giúp bánh ủng hộ con, không ngờ lại bị cho là đi xin xỏ vài cái bánh. Kể từ hôm đó tôi dặn mẹ đừng mua bánh của mình nữa. Biết thông gia khó tính, mẹ thương tôi lắm nhưng không làm gì được.
Nói có lẽ chẳng ai tin đâu. Tôi lấy chồng mới được gần 1 năm, nhà mẹ đẻ cũng chỉ cách nhà có 5km. Vậy mà gần 1 năm qua, số lần tôi đặt chân về nhà chỉ đếm trên đầu ngón tay.
Lần nào mẹ chồng tôi cũng nói là có việc nên cần xe. Kỳ thực có hôm nào bà đi ra ngoài thật đâu. Chẳng qua mẹ chồng tôi sợ con dâu về nhà sẽ mách bố mẹ đẻ cuộc sống khổ cực ở nhà chồng nên không cho đi mà thôi. Còn chồng tôi lại nghe lời mẹ, có hôm dắt xe ra để chở tôi về ngoại, thấy mẹ ngăn lại là anh cun cút quay vào.
Sáng nay, mẹ tôi gọi điện nói bố bị đột quỵ và đã qua đời. (Ảnh minh họa)
Tôi sinh con nhưng bố mẹ chồng cũng không cho về ngoại ở cữ. Ông bà bảo tục lệ là phải ở nhà chồng. Muốn hay không thì mẹ con tôi cũng phải ở đến hết tháng. Tôi đã nghe lời mẹ chồng. Hôm nay cũng đã được 20 ngày rồi. Nhưng nhà tôi lại xảy ra chuyện.
Video đang HOT
Sáng nay, mẹ tôi gọi điện nói bố bị đột quỵ và đã qua đời. Tôi sốc đến mức rơi điện thoại xuống đất. Chỉ biết vội vã lấy vài cái tã cho con để về bên ngoại. Nhưng vừa bế con ra đến cổng thì mẹ chồng ngăn lại. Bà nói không được về vì phải kiêng cữ cho hết tháng. Cả giận mất khôn, tôi cãi nhau với mẹ chồng nhưng cuối cùng cũng không thắng nổi bà khi bà cứ bế con và không đưa cho tôi.
Giờ này ở nhà tôi có lẽ nhiều công việc lắm. Tôi không về được vì bố mẹ chồng giữ con. Có lẽ mẹ tôi sẽ chẳng muốn nhìn mặt đứa con gái này nữa. Tôi bất hiếu quá, trước khi bố mất đã không về thăm nom được. Bây giờ bố không còn, tôi lại phải ở nhà chồng không thể về chịu tang sao?
Theo Afamily
Vừa cưới xong bố mẹ chồng tin tưởng giao hẳn sổ lương hưu đi nhận, hóa ra...
Thật ra khi cầm sổ hưu của hai ông bà, tôi đã định trả lại để bà tự lo, hàng tháng vợ chồng tôi sẽ góp ít nhiều, nhưng nghe bà tha thiết muốn trút được
Ba mươi ba tuổi, tôi chưa yêu ai vì bận học hành. Làm sao tôi có thời gian yêu đương khi xung quanh bạn bè đứa thạc sỹ, đứa tiến sỹ, đứa làm công ty nước ngoài lương tính bằng đô, buổi sáng châu Á buổi chiều đã châu Âu. Đôi khi nhìn đám bạn làng nhàng cái bằng trung cấp hay cao đẳng, ra trường kiếm việc làm, lập gia đình, sinh con rồi bìu ríu đùm nắm với hạnh phúc con con của mình mà ái ngại. Những đứa trẻ nheo nhóc, những tiếng thở dài khi cuối tháng khiến tôi ám ảnh. Tôi nghĩ mình chỉ lập gia đình và sinh con khi đã đủ điều kiện.
Nay có con, mọi chuyện mẹ nhờ con. Hình minh họa
Anh hơn tôi ba tuổi, có hai mối tình nhưng chẳng đâu vào đâu. Chúng tôi gặp nhau trong buổi liên hoan của hai công ty, đáng lẽ chúng tôi sẽ lướt qua nhau, hay nói chính xác là tôi sẽ lướt qua anh nếu không nghe được anh nói "trễ nhất mười giờ mình phải về, là thói quen rồi!". Tôi cười thầm, thời này mà có người luôn nhớ phải về nhà trước mười giờ khuya thật hiếm.
Sau vài lần gặp vì công việc, tôi thấy anh là người chỉn chu, cẩn thận và khá nguyên tắc. Cứ thế, chúng tôi quen nhau và xác định cưới rất nhanh vì cảm thấy hợp.
Sau khi cưới, căn nhà của tôi để dành cho thuê, tôi sẽ về ở với gia đình anh, ba mẹ anh là viên chức về hưu chẳng phải dân quê nên dù có cảnh mẹ chồng nàng dâu cũng thoáng hơn người khác. Hai cô em gái đều có chồng có con, siêng thì tuần về thăm một lần, không thì tháng hai tháng mang đám trẻ qua chơi.
Tôi cảm thấy cuộc sống hôn nhân cũng chẳng khác mấy so với khi một mình. Ngay sau ngày cưới, mẹ chồng đã đưa hai quyển sổ hưu của ông bà cho tôi, nói mẹ đợi ngày này lâu lắm rồi, chỉ là thằng Minh không chịu lấy vợ nên mẹ cứ phải tay hòm chìa khóa. Nay có con, mọi chuyện mẹ nhờ con.
Nhìn lương hưu ông bà một tháng được gần bảy triệu, cũng gọi là đủ cho ông bà chi tiêu, lương anh mười lăm triệu một tháng, lương tôi cao hơn anh nhưng chưa bao giờ tôi nói ra, chắc chắn mỗi tháng sẽ để dành được ít nhiều phòng con cái sau này.
Tôi phải đi chợ nấu ăn phục vụ cho hơn chục người. Hình minh họa
Mỗi tháng, tôi ra phường lĩnh lương hưu của ông bà, chồng nhận lương qua thẻ nên tôi đưa lại cho anh năm triệu chi tiêu. Thật ra khi cầm sổ hưu của hai ông bà, tôi đã định trả lại để bà tự lo, hàng tháng vợ chồng tôi sẽ góp ít nhiều, nhưng nghe bà tha thiết muốn trút được "gánh nặng", tôi lại không nỡ từ chối.
Buổi sáng, tôi đặt phở ở quán bên kia đường, bố chồng nhìn bát phở cau mày nói ăn thứ này béo bổ gì, toàn mì chính lừa miệng. Mẹ chồng cười nói chiều con đi làm về ghé siêu thị mua con gà ta về hầm mai ăn sáng. Tôi vui vẻ làm theo, nghĩ bụng người già chú ý sức khỏe vậy là tốt, còn hơn cứ tiết kiệm rồi ăn vạ ăn vật rồi bệnh ra đấy thì vợ chồng tôi lo chứ ai lo?
Tôi mua con gà, thêm vài thứ gia vị, định bụng sẽ dùng con gà hai cân mốt cho tối nay và sáng mai. Mẹ chồng khen tôi mua được con gà rõ béo, da vàng và hướng dẫn tôi chặt làm bốn bỏ vào nồi hầm mai vừa bốn tô miến hay mì. Tôi cau mày, ăn sáng thôi mà hết cả con gà hơn hai trăm nghìn? Mẹ chồng cười nhạt: "Đó giờ nhà mình toàn ăn thế!"
Bữa sáng cho bốn người là sáu lạng thịt bò xào mì, nui, là cơm chiên với thịt bằm, thịt nguội, xúc xích, trứng. Là nửa ký hàu nấu cháo thêm dĩa gỏi..., bữa tối cũng long trọng không kém với một canh, một kho, một xào hoặc trộn và một luộc cộng tráng miệng chưa kể còn ăn nhẹ lúc khuya. Tôi không dám nói trong bàn ăn, chỉ nói nhỏ với chồng, anh nhìn tôi: "Ăn vậy có gì mà em ngạc nhiên, bố mẹ ăn được là tốt, là khỏe, đáng nhiêu mà em căn cơ tính toán?". Tôi hỏi anh với bảy triệu tiền lương của ông bà, điện nước linh tinh hết triệu rưỡi, với cách ăn xa xỉ tốn kém thế thì lấy đâu ra? Anh bảo lấy lương anh, nay có thêm em thì em góp vào.
Tôi im lặng, tôi là dâu, tay hòm chìa khóa đâu dám phá vỡ thói quen của gia đình chồng dù chưa thấy nhà ai ăn uống kiểu đó, thảo nào bố mẹ chồng tôi ai cũng béo tốt hồng hào nhưng lại dễ bệnh.
Phòng tôi như bãi chiến trường. Hình minh họa
Tôi vừa kịp quen với cung cách ăn uống thì lại va phải cách tiêu pha, mỗi tháng ông bà hết hơn hai triệu tiền thuốc bổ, nào là thuốc bổ mắt, bổ não, bổ xương khớp, huyết áp... toàn được gửi mua từ nước ngoài. Tháng một hai lần mẹ chồng đi siêu thị mua sắm, người ta giao hàng tận nơi mới lấy tiền, và tôi là người chi trả. Tháng có đám cưới mới gọi là kinh hoàng, bố mẹ chồng mua mới từ quần áo, giày dép đến túi xách. Sáu lăm tuổi nhưng mẹ chồng vẫn rộn ràng son phấn và nước hoa.
Tôi từ một người thong dong về thời gian, thon thả về hình dáng thì chưa đầy bốn tháng tôi đã như con mẹ sề suốt ngày ngồi xó bếp lẩm nhẩm tương cà cá mú, sút bốn cân từ ngày lấy chồng và kế hoạch của tôi thất bại thảm hại khi suốt ngần ấy ngày, tôi không cất được một xu nào mà còn phải lấy thêm ra vì mỗi tuần hai cô em chồng lại đưa chồng và hai đứa con về chơi.
Tôi phải đi chợ nấu ăn phục vụ cho hơn chục người, phải chiều lòng đứa cháu này mà không bạc đãi đứa cháu kia, cũng không dám để hai chàng rể thở dài hay thở ngắn. Hai ngày cuối tuần là ba bữa tiệc không bia thì rượu. Hai cô em chồng về nhà mẹ là như rắn thêm chân như hổ thêm cánh, tự nhiên vào phòng tôi bật máy lạnh, mở laptop, lấy ipad của tôi cho đám con chơi điện tử trong khi mẹ lấy quần áo trong tủ ra mặc thử, tô son quét phấn xịt nước hoa rồi chụp ảnh rồi khoe facebook. Phòng tôi như bãi chiến trường.
Cả tuần đi làm, tôi chỉ mong cuối tuần rảnh rang nghỉ ngơi, hóa ra hai ngày cuối tuần còn mệt hơn đi cuốc đất, đến độ tôi quên mất thói quen gội đầu tiệm, mỗi tháng spa một lần, thậm chí sáng thứ hai tôi cuống cuồng vừa đánh răng vừa ủi quần áo.
Nói anh thì anh xuê xoa: "Hai cô ở nhà chồng cũng chẳng thoải mái gì, nay về nhà mẹ em phải cho các cô xõa tí, đâu phải ai cũng có bố mẹ chồng dễ chịu như em!".
Ảnh minh họa
Tôi thẳng thắn nói tôi không chịu nổi nữa, anh cho là bố mẹ thoải mái, anh nào biết có gánh nặng vô hình đang đè hai vai tôi. Bằng cách quăng cho tôi hai cuốn sổ lương, ông bà quàng lên vai tôi những trách nhiệm, những bổn phận, anh ngạc nhiên: "Trước kia mẹ cũng làm vậy mà có kêu ca gì, đó là mẹ còn có ba đứa con, em sung sướng quen rồi, đi làm thì chỉ tay năm ngón nên không quen là phải!".
Tôi nuốt nghẹn: "Để có thể chỉ tay năm ngón em cũng phải chảy máu não nghĩ cách, trước đó phải mất bao năm học hành nghiên cứu mới có ngày hôm nay. Em chỉ tay năm ngón là có tội à? Em phục vụ bố mẹ chồng, chăm sóc chồng đủ rồi, can cớ gì em phải nai lưng ra vừa bỏ tiền vừa bỏ sức hầu hạ cung phụng vợ chồng con cái hai cô em chồng? Anh nhìn xem!".
Tôi vừa nói vừa đặt trước mặt anh chai nước hoa mất nắp, cái áo cởi ra còn nguyên chưa lộn lại, son thì thỏi gẫy thỏi nhoe nhoét, laptop thì bung cả bàn phím vì đứa cháu lấy nhíp cậy lên. Tưởng anh nói sẽ nhắc nhở em cháu mình, ai ngờ anh buông thõng: "Lương em mua lại mấy hồi mà đi cằn nhằn, đến giờ thì anh đã hiểu vì sao đến tuổi này em vẫn ở một mình!".
Tôi nghẹn ứ, người vừa nói là chồng tôi ư, là người tôi chọn làm bạn đồng hành của mình ư? Nhờ anh nhắc tôi mới nhớ vì sao qua hai mối tình mà anh vẫn "chưa đâu vào đâu" vì những cô gái kia nhận ra con người anh, bản chất anh nên kịp thời dừng lại, chỉ có tôi là không.
Hơn bốn mươi tuổi, anh vẫn răm rắp nghe lời bố mẹ, ông bà nói sao anh nghe vậy, tôi đồ rằng tuần trước anh nói muốn đổi xe chắc cũng là ý của ông bà vì "nhà mình giờ đông người rồi, mua cái xe đi đâu cũng tiện", khi ấy tôi không nghĩ ra, còn vô tư hỏi lại "bố mẹ có bao nhiêu rồi?" và không nhận được câu trả lời. Hóa ra, họ đang nhắm vào tôi, cô con dâu tiến sỹ lương tính bằng đô và có cả chục năm dành dụm, có căn nhà cho thuê mười mấy triệu một tháng.
Chúng tôi rồi đây sẽ có con của mình. Hình minh họa
Đầu tháng, tôi đi lĩnh lương hưu cho ông bà, mang về đưa cho mẹ chồng cả sổ cả tiền và thưa chuyện: "Sắp tới con có dự án phải đi đi về về Nam Bắc, con nghĩ mình không chu toàn việc nhà được, nay con gửi lại mẹ sổ hưu nhờ mẹ lo toan. Mỗi tháng chúng con sẽ góp thêm với bố mẹ mười triệu và trả tiền điện nước trong nhà cùng tiền thuốc bổ của bố mẹ!"
Mẹ chồng trợn mắt: "Ngày chưa có chị, nhà này đã dùng nhiều hơn số tiền ấy!", tôi cười nhẹ: "Con vào dự án ít khi có ở nhà lắm, cũng như không có, chỉ có bố mẹ với nhà con thì hết bao nhiêu, à, chỉ nặng mấy ngày cuối tuần hai cô về, mẹ nói hai cô hỗ trợ ít nhiều là ổn mà!"
Tôi viện cớ còn mấy cái báo cáo chưa xong, xin phép lên phòng. Chẳng biết chuyện sau đó thế nào chỉ biết chồng tôi mặt nặng ì ì lên giường. Hẳn anh bị bố mẹ mắng vì đã lấy "nhầm" con vợ đáo để.
Chúng tôi không còn trẻ, tôi cũng không nghĩ vì chuyện này mà phải ly hôn. Mai kia chúng tôi sẽ có con của mình, một đứa trẻ ra đời sẽ kéo theo rất nhiều thời gian, công sức và tiền bạc, phải chuẩn bị từ bây giờ là vừa. Hơn bốn mươi, anh cũng nên tự lập, tự làm chủ gia đình và có chính kiến của mình chứ không cần răm rắp làm đứa con ngoan của bố mẹ như hiện tại.
Và hơn ai hết, tôi muốn dạy con tự lập, chủ động trong mọi chuyện. Trước tiên, phận làm bố mẹ, chúng tôi cần phải làm gương.
Theo Báo Phụ Nữ
Kiếm tiền gấp 4 lần chồng, con dâu vẫn bị mẹ chồng mắng té tát bắt nghỉ việc Mẹ chồng tôi giận, không nói chuyện với tôi mấy ngày liền. Mấy hôm nay tôi suy nghĩ nhiều quá. Không biết tôi có nên nghỉ việc hoặc xin chuyển việc chỗ khác để làm vừa lòng mẹ chồng hay không. Tôi sinh ra và lớn lên trong gia đình không mấy khá giả. Bố mẹ tôi đều là những nông dân bình...