Bố dặn con cách để đối xử với vợ
Bố bảo nhìn vào chiếc giường là biết cuộc sống vợ chồng có hạnh phúc hay không. Dù chuyện gì xảy ra đi chăng nữa, đừng mang chăn gối ra sofa ngủ, cũng đừng quay lưng vào người vợ của con. Hãy ôm cô ấy vào bờ vai và khuôn ngực nóng hổi của con. Tất cả sẽ qua đi, chỉ tình yêu còn lại.
Bố bảo lúc giận có thể cãi nhau nhưng đừng thượng cẳng chân hạ cẳng tay. Cãi nhau không có nghĩa con dùng những lời lẽ xúc phạm dành cho người mà con sẽ đầu gối tay ấp cả cuộc đời. Cãi nhau có nghĩa là nói hết những gì trong lòng để hai vợ chồng hiểu, thông cảm cho nhau, xóa đi hết mỏi hiểu lầm. Bản thân con còn chẳng hiểu được con, thế nên đừng mong người khác phải hiểu khi con cứ giữ trong lòng.
Bố bảo cãi nhau với phụ nữ thì đừng có nói nhiều, chỉ cần nói vừa đủ. Độ khuếch tán âm thanh của đàn ông chẳng bao giờ bằng phụ nữ. Một người vợ chân chính sẽ đủ tinh tế để biết khi nào cần nói, lúc nào nên im lặng ngay cả trong khi nóng giận nhất.
Bố bảo dù ở ngoài xã hội, con có là xe ôm, hay ông lớn, ông bé, thì về nhà con vẫn là trụ cột của gia đình. Vợ con có thể là người phụ nữ rất đảm đang, cô ấy có thể đóng đinh, sửa ống nước hay tháo quạt trần, nhưng con hãy làm việc đó, trừ khi con quá bận. Nó vừa thể hiện sự công bằng, vừa thể hiện sự chia sẻ vợ chồng.
Bố bảo sau khi kết hôn sẽ hơn một lần con cảm thấy hối hận, thậm chí có mối quan hệ ngoài chồng ngoài vợ. Mỗi lần như vậy con hãy nhớ rằng: Người bồ hiện tại yêu con mười phần, người vợ hiện tại cũng từng yêu con mười phần như thế. Nhưng khi bước vào hôn nhân, vai trò của phụ nữ càng trở nên phức tạp, ngoài tình yêu họ còn có cả trách nhiệm.
Vì vậy khi đã kết hôn, người ta sẽ không thể yêu con mười phần được nữa. Họ phải dành một phần trong số đó để yêu bố mẹ chồng, rồi lại một phần để yêu bố mẹ họ, còn thêm một phần nữa cho con cái. Và như thế, mười phần tình yêu khi bước qua hôn nhân chỉ còn lại bảy phần. Bằng cách này hay cách khác, 3 phần con mất đi từ người vợ sẽ được nhận lại gấp đôi từ gia đình và con cái của con.
Và một lý do nữa, người bồ sẽ chỉ đem lại cho con hạnh phúc nhất thời, còn người vợ sẽ đem lại cho con hạnh phúc bền vững. Thật tuyệt vời phải không?
Video đang HOT
Bố bảo thời kỳ mang thai là khó khăn nhất đối với phụ nữ, là bởi vì muốn có được thiên thần thì phải qua thời gian khổ cực. Chính vợ con là người đã gánh vác sự khổ cực đó để đem lại niềm vui cho cả nhà. Thế nên đừng thở dài khi thấy vợ con chẳng còn được vẻ đẹp thời thiếu nữ, hay cũng đừng tức giận khi con nằm cạnh vợ mà chẳng thể làm gì. Hãy cùng cô ấy cảm nhận niềm vui của những ông bố bà mẹ, chắc sẽ thú vị lắm.
Bố bảo chuyện mẹ chồng nàng dâu là chuyện muôn thuở, giống như bệnh tiền mãn kinh vậy. Thế nên con hãy là sợi dây kết nối họ, hai người phụ nữ yêu con nhất trên đời. Đừng để mẹ cảm thấy bà đã mất con trai, và vợ con cảm thấy chồng mình là người nhu nhược. Như thế mới là đàn ông chân chính.
Bố bảo rằng đừng tưởng người mẹ mới dạy dỗ được con. Theo nghiên cứu của các nhà khoa học, trong thời gian người mẹ mang thai thì người cha mới là người ảnh hưởng lớn nhất đến tình cảm và sự phát triển của trẻ. Con có thể không là người bố tuyệt vời nhất thế giới, nhưng hãy là người bố tuyệt vời nhất trong lòng những đứa con.
Bố bảo “Phụ nữ là để yêu, không phải để hiểu”, nhưng nếu không hiểu, thì con chẳng thế yêu. Hãy hiểu họ bằng chính trái tim mộc mạc của con. Bố bảo “quá khứ là thứ đã qua, hiện tại mới là cuộc sống”. Nếu quá khứ của vợ con có lỗi lầm, đừng chấp nhặt, cũng đừng đay nghiến vì đồng ý lấy vợ là con đã chấp nhận tất cả những gì thuộc về cô ấy. Hãy khoan dung và độ lượng. Dù không nói ra nhưng chắc chắn cô ấy sẽ yêu con đến suốt cuộc đời, một tình yêu bao gồm cả sự biết ơn và tôn trọng.
Và cuối cùng bố bảo, cuộc sống luôn thay đổi, hãy biết trân trọng từng ngày.
Theo Phunutoday
Chiếc nhẫn cưới và vết hằn trắng trên ngón áp út của người vợ
Hầu như, một cuộc hôn nhân sống đầy đủ trách nhiệm hay không người ta tinh ý một chút là có thể nhận ra trên đôi bàn tay của hai vợ chồng...
ảnh minh họa
Cô bạn tôi là một người khá triết lý và hay suy ngẫm về cuộc sống, tình yêu và cách đối xử giữa con người với nhau. Có lần ngồi café cô bảo tôi tháo nhẫn cưới ra để cô xem bói. Thấy tay tôi có một vệt trắng khi tháo nhẫn ra, cô cười bảo "ít ra thì cậu vẫn chưa ngoại tình kể từ khi lấy chồng nhỉ?". Tôi hỏi "sao biết?" thì cô lấy lý sự rằng "những kẻ ngoại tình thường có xu hướng tháo nhẫn cưới khi đi chim chuột, vì thế cái vệt lằn trắng kia sẽ không thể trắng tinh hơn so với nước da vì nó đã được nắng chiếu đều rồi".
Tôi không phản bác, cũng chưa hẳn đồng tình, nhưng bỗng dưng ngẫm thấy cái vấn đề cô đưa ra hẳn là có cái lý riêng của nó.
Về nhà, tôi nửa đùa nửa thật bảo chồng tháo nhẫn ra để coi bói, anh cũng làm theo. Thấy cái vệt trắng hằn một vòng ở ngón áp út, khá rõ rệt giống của tôi, điều đó khiến tôi bật cười. Cho dù thực tế thì tôi cũng chẳng biết, ngoài tôi ra đã bao giờ anh say nắng người đàn bà khác, đã bao giờ anh tháo nhẫn để sống đời tự do? Nhưng tôi biết, đàn ông khi ngoại tình đa phần là muốn đổi gió, kể cả vợ anh ấy có là hoa hậu đi chăng nữa. (cái này không phải tôi nói hàm hồ, mà là sự thật tôi đã được chứng kiến, nhưng trong phạm vi câu chuyện này xin phép không lan man).
Tôi chỉ muốn nói đến sức chịu đựng quá tài tình của phụ nữ Việt mình. Con gái khi lấy chồng, đeo vào tay cái nhẫn cưới là coi như cuộc đời sang một trang khác, một sống cho mình, một sống vì vô vàn những thứ khác (mà đôi khi những thứ phải sống ấy, chán chết!).
Con gái lúc này được gọi là phụ nữ, đàn bà. Bắt đầu học cách làm vợ, làm dâu, làm mẹ, bắt đầu học thêm nhiều chữ lạ mà trước kia chưa bao giờ thử qua dù có nghe qua: chữ nhẫn, chữ hi sinh, chữ chịu đựng... đáng buồn là, mấy cái chữ ấy toàn là cái thua thiệt cho đàn bà.
Cô nào lấy được anh chồng không có tính gia trưởng, bê tha, vì bạn quên vợ, chí thú làm ăn thì coi như số hưởng. Cô nào lấy phải anh chồng chả được cái nước gì thì vẫn phải nhịn, phải chịu đựng, cắn răng vào mà chịu (mẹ các cô dạy thế) để cho yên cửa ấm nhà, cho gia đình không tan vỡ.
Mà...gia đình tan vỡ có khi nào phải lỗi của phụ nữ? Tôi biết đầy người phụ nữ vừa xây nhà vừa xây tổ ấm, vừa làm cha vừa làm mẹ, trong khi đức lang quân vẫn ì ra như cái thi thể trong nhà, ăn tàn phá hại, ngoại tình như chảo chớp, mang cả tiền của vợ đi cho gái, liêm sỉ không còn lấy một milligram...Cô vợ nhịn thối cả ruột, chịu không nổi nên đâm đơn ly hôn. Ra tòa, nhà chồng cô vẫn không thôi chì chiết cô là loại đàn bà ghê gớm, coi thường chồng nên chồng mới đi cặp bồ cơ đấy! Mà tại cô hết cả, ai bảo cô không san sẻ việc nhà cho chồng, ai bảo cô chiều chồng? Tựu chung lại, lỗi sai luôn thuộc về phụ nữ nếu như gia đình có lục đục, chồng có ngoại tình thì sẽ có một số ý kiến thế này "mình phải thế nào thì chồng mới ngoại tình chứ?" cho dù "mình" là hoa hậu chứ không phải nhan sắc tầm thường đâu, cho dù mình vừa đẹp vừa khôn, kiếm tiền như nước thì vẫn là tại "mình" nếu chồng ngoại tình.
Đàn ông khi đã ngoại tình thì có nhiều lý do để bao biện và anh ta cũng chẳng nhất thiết phải tháo nhẫn ra để lừa tình ai đó.
Nhưng đàn bà, nhất là đàn bà tử tế, một khi đã đeo chiếc nhẫn cưới vào, lập tức cô ấy sẽ nghĩ đến trách nhiệm của bản thân trước khi nghĩ đến quyền lợi mà lẽ ra mình nên được hưởng. Cái quyền ấy cũng chẳng có gì to tát, quyền yêu và được yêu, hiểu nhau hơn nữa và chung thủy một lòng, đi với nhau hết con đường đời bằng chữ tình và chữ nghĩa, nào có cần chồng cô ấy hái sao trên trời, rời non lấp bể?
Tất nhiên, phụ nữ không tháo nhẫn không có nghĩa là cô ấy không ngoại tình, và trong một cuộc hôn nhân không phải người đàn bà nào cũng đúng, cũng thiệt thòi và cần nhận được sự cảm thông. Nhưng điều cần có để có một cuộc hôn nhân hạnh phúc (trên đời này vẫn có rất nhiều cuộc hôn nhân hạnh phúc thực sự) chính là sự trân trọng người mà mình đã thề nguyền, tôn trọng hiện tại và sống với nhau bằng tình yêu song hành với trách nhiệm.
Hầu như, một cuộc hôn nhân sống đầy đủ tình yêu và trách nhiệm hay không, người ta tinh ý một chút là có thể nhận ra trên đôi bàn tay của hai vợ chồng. Ngón tay áp út của họ luôn có vệt hằn màu trắng giống hệt nhau, với một số người đã bước vào cuộc sống hôn nhân, chỉ có người vợ là có vệt hằn trắng đó, chồng cô ấy có thể tăng cân nên không đeo vừa chiếc nhẫn thề nguyền đó nữa. Với đàn bà, chiếc nhẫn cưới thể hiện tình yêu, trách nhiệm, sự chung thủy và cả sự chịu đựng của cô ấy...
Điều ấy chẳng rõ là vui hay buồn với đời người phụ nữ...
Theo blogtamsu