Bộ Công Thương tính “kén rể” ngoại cho doanh nghiệp
Bộ Công Thương đang lên kế hoạch mời các nhà đầu tư nước ngoài là các nhà đầu tư lớn tham gia hội nghị sắp tới đây để “kén rể” ngoại cho các doanh nghiệp nhà nước nằm trong danh sách cổ phần hoá như EVN, PVN, TKV…
(Ảnh minh hoạ).
Phát biểu tại buổi tổng kết công tác tái cơ cấu, cổ phần hoá, thoái vốn doanh nghiệp thuộc Bộ Công Thương giai đoạn 2011-2015, ông Phan Đăng Tuất – Vụ trưởng – Thường trực Ban Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp Bộ Công Thương cho biết, Bộ đang lên kế hoạch mời các nhà đầu tư nước ngoài là các nhà đầu tư lớn, đại diện phòng thương mại và công nghiệp EU, Mỹ, JICA tham gia các hội nghị giới thiệu đầu tư sắp tới nhằm mục tiêu “xác định mời chú rể tương lai ở khắp thế giới” cho các doanh nghiệp nhà nước nằm trong danh sách cổ phần hoá như EVN, PVN, TKV…
Tổng kết những kết quả đạt được, Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng cho biết, về cơ bản, Bộ đã hoàn thành cổ phần hoá trong giai đoạn 2011-2015. Tính đến tháng 12/2015, Bộ Công Thương đã hoàn thành cổ phần hoá 8 doanh nghiệp nhà nước thành công ty cổ phần với tổng số vốn còn nắm giữ đạt hơn 3.600 tỷ đồng, tiếp tục chỉ đạo cổ phần hoá 7 doanh nghiệp trong năm 2015.
Sau khi hoàn thành kế hoạch sắp xếp, cổ phần hoá doanh nghiệp 100% vốn nhà nước trực thuộc Bộ Công Thương giai đoạn 2011-2015, Bộ Công Thương còn quản lý 5 Tập đoàn kinh tế và 1 tổng công ty 100% vốn nhà nước gồm Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), Tập đoàn Công nghiệp Than Khoáng sản Việt Nam (TKV), Tập đoàn Hoá chất Việt Nam (Vinachem) và Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam (Vinataba).
Trong đó, 4 tập đoàn EVN, TKV, PVN, Vinachem đã được Thủ tướng phê duyệt điều chỉnh đề án tái cơ cấu, kế hoạch sắp xếp, cổ phần hoá doanh nghiệp 100% vốn nhà nước trực thuộc và các Tập đoàn đã có báo cáo Thủ tướng về kế hoạch sắp xếp, cổ phần hoá và tái cơ cấu doanh nghiệp ngoài nhà nước giai đoạn 2016 – 2020.
Video đang HOT
Giai đoạn 2016 – 2020, Bộ Công Thương cho biết sẽ tiếp tục đẩy mạnh hoạt động tái cơ cấu, cổ phần hóa, thoái vốn của doanh nghiệp nhà nước. Trong đó, đáng chú ý nhất là sẽ tập trung cổ phần hóa, thoái vốn của các tập đoàn, tổng công ty 91 gồm Dầu khí, Điện lực, Than Khoáng sản, Hóa chất, Thuốc lá…
“Đây đều là những tập đoàn đầu tàu, có nghĩa quan trọng trong nền kinh tế. Do đó, sẽ do Chính phủ xem xét, phê duyệt phương án cổ phần hoá, thoái vốn”, Bộ Công Thương cho biết.
Đánh giá về những khó khăn, Bộ Công Thương cho biết, với các nhà đầu tư chiến lược, phần lớn là nhà đầu tư trong nước và chưa thu hút được các nhà đầu tư chiến lược nước ngoài tham gia mua cổ phần của các doanh nghiệp thuộc Bộ. Bên cạnh đó, công tác cổ phần hoá, thoái vốn còn gặp khó khăn do thị trường chứng khoán ảm đạm, nhiều doanh nghiệp gặp vướng mắc về tài chính, nợ, đất đai… cần có cơ chế đặc thù riêng.
Bộ Công Thương đề xuất, cần có cơ chế chính sách tài chính để giúp các doanh nghiệp có quy mô lớn thực hiện thuê tư vấn tìm đối tác chiến lược, quảng bá doanh nghiệp không chỉ trong nước mà cần quảng bá tại nước ngoài để thu hút các nhà đầu tư chiến lược nước ngoài tham gia đầu tư mua cổ phần doanh nghiệp. Đồng thời, cần giảm tỷ lệ nắm giữ của nhà nước đối với một số lĩnh vực hiện nay nhà nước đang nắm giữ tỷ lệ cao.
Bộ Công Thương cũng kiến nghị Ngân hàng Nhà nước cần tham gia tích cực vào quá trình tái cơ cấu các Tập đoàn, Tổng công ty tham gia mua lại phần vốn góp của các Tập đoàn tại các ngân hàng hoặc chỉ định ngân hàng thương mại tham gia mua cổ phần của các Tập đoàn, Tổng công ty đã đầu tư trong lĩnh vực ngân hàng, tài chính theo chỉ đạo của Chính phủ.
Phương Dung
Theo Dantri
Năm 2015, phấn đấu hoàn thành 90% kế hoạch cổ phần hóa DNNN
Kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Văn Ninh tại Hội nghị trực tuyến đẩy mạnh tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước năm 2015.
Văn phòng Chính phủ vừa có thông báo Kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Văn Ninh tại Hội nghị trực tuyến đẩy mạnh tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước năm 2015.
Theo đó, đến ngày 10/11/2015, cả nước đã sắp xếp được 175 doanh nghiệp, trong đó, cổ phần hóa 159 doanh nghiệp. Như vậy, từ năm 2011 đến ngày 10/11/2015 cả nước đã sắp xếp được 471 doanh nghiệp, trong đó cổ phần hóa được 408 doanh nghiệp trong tổng số 514 doanh nghiệp, đạt gần 80% kế hoạch.
Đến tháng 11 năm 2015, cả nước đã cổ phần hóa DNNN đạt gần 80% kế hoạch.(Ảnh minh họa: KT)
Việc thoái vốn đầu tư ngoài ngành của các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước và bán tiếp phần vốn nhà nước tại các doanh nghiệp cổ phần nhà nước không cần nắm giữ cổ phần chi phối hoặc không cần giữ cổ phần bước đầu đạt yêu cầu, giá trị thu về bình quân bằng 1,5 lần giá trị đầu tư. Được thực hiện chặt chẽ, đúng quy định, có lộ trình, hiệu quả.
Tuy nhiên, một số bộ, ngành, địa phương, tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước thực hiện tái cơ cấu DNNN còn chậm. Một số cơ chế, chính sách về tái cơ cấu, cổ phần hóa DNNN được ban hành chậm so với kế hoạch. Việc tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc phát sinh từ thực tiễn chưa kịp thời.
Cổ phần hóa 50 DN trong 2 tháng cuối năm
Phó Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương, tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước quyết liệt hơn nữa trong chỉ đạo và triển khai các giải pháp thực hiện kế hoạch sắp xếp, cổ phần hóa DNNN, trong đó tập trung vào các doanh nghiệp thuộc diện khó hoàn thành cổ phần hóa. Trong 2 tháng cuối năm 2015, quyết tâm hoàn thành cổ phần hóa khoảng 50 doanh nghiệp và công bố giá trị doanh nghiệp đối với các doanh nghiệp còn lại, phấn đấu đạt 90% kế hoạch cổ phần hóa giai đoạn 2011 - 2015.
Đồng thời tiếp tục thực hiện thoái vốn đầu tư ngoài ngành và vốn nhà nước ở doanh nghiệp mà Nhà nước không cần nắm giữ theo lộ trình hợp lý, không thoái vốn bằng mọi giá. Đối với những trường hợp đầu tư ngoài ngành đang thua lỗ, càng để lâu càng mất vốn nhà nước thì lãnh đạo doanh nghiệp cần sớm báo cáo các cơ quan có thẩm quyền để xử lý ngay.
Phó Thủ tướng yêu cầu Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp phối hợp với Bộ Tài chính tăng cường kiểm tra, đôn đốc, giám sát các bộ, ngành, địa phương, tập đoàn, tổng công ty nhà nước trong việc thực hiện tái cơ cấu, cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước cùng với thực hiện nhiệm vụ sản xuất - kinh doanh được giao; tiếp tục tổng hợp các vướng mắc, khó khăn của các bộ, ngành địa phương, doanh nghiệp trong thực hiện tái cơ cấu để chuyển các cơ quan xử lý, giải quyết theo thẩm quyền./.
Xuân Thân
Theo_VOV
Doanh nghiệp nhà nước nợ khủng: Ai mua để gánh nợ? Trong kinh tế thị trường, bất kể doanh nghiệp nào có nợ xấu không ai mua để gánh nợ.PGS.TS Phương Ngọc Thạch, Chủ tịch Hội Khoa học Kinh tế và Quản lý TP.HCM trao đổi về tình trạng nợ nần của DNNN, nhất là trong bối cảnh cổ phần hóa DNNN không đạt tốc độ như kỳ vọng. PV: - Một báo cáo...