Bộ Công Thương lý giải nguyên nhân xuất siêu hơn 4 tỷ USD năm 2021
Lý giải về nguyên nhân của kết quả xuất siêu đạt hơn 4 tỷ USD trong khi số đã báo cáo tại Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV ước nhập siêu khoảng 2 tỷ USD, Bộ Công Thương mới đây đã có công văn số 2875/BCT-KH trả lời Bộ Kế hoạch và Đầu tư về Báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2021, tình hình triển khai kế hoạch năm 2022.
Xe hàng xuất khẩu của việt Nam qua cửa khẩu Lào Cai. Ảnh minh họa: Hồng Ninh/TTXVN
Theo Bộ Công Thương, việc đưa con số kim ngạch xuất khẩu dự kiến năm 2021 cùng với dự báo nhập siêu khoảng 2 tỷ USD dựa trên số liệu thực hiện 3 quý đầu năm 2021 và đánh giá, dự báo tình hình các tháng cuối năm 2021.
Thống kê từ Tổng cục Hải quan cho thấy, tính đến hết quý III/2021, kim ngạch xuất khẩu cả nước đạt 240,6 tỷ USD, tăng 18,8% so với cùng kỳ 2020. Thế nhưng, nhập khẩu tăng cao hơn so với xuất khẩu với kim ngạch đạt gần 243,2 tỷ USD, tăng 30,8% so với cùng kỳ. Đáng lưu ý, tính đến hết quý III/2021, cán cân thương mại đang ở trạng thái nhập siêu với mức nhập siêu gần 2,6 tỷ USD.
Giải thích thêm về vấn đề này, Bộ Công Thương nêu rõ: Thời điểm đầu quý III/2021 còn nhiều yếu tố dự báo khó khăn cho xuất nhập khẩu hàng hóa những tháng còn lại của năm 2021. Ở trong nước, hoạt động phục hồi sản xuất kinh doanh vẫn phụ thuộc vào diễn biến dịch COVID-19. Nhiều khu công nghiệp, nhà máy sản xuất lớn có thể bị ảnh hưởng do đứt gãy nguồn cung cho sản xuất, có thể ảnh hưởng đến việc hoàn thành các đơn hàng.
Không những thế, vấn đề lao động cũng là khó khăn, có thể xảy ra cục bộ do dịch bệnh. Ở phía Bắc, nguy cơ dịch COVID-19 có thể lan rộng trong cuối năm, ảnh hưởng tới nguồn cung hàng hóa xuất khẩu.
Video đang HOT
Trên thế giới, dù thương mại toàn cầu phục hồi so với năm 2020 nhưng vẫn phụ thuộc nhiều vào diễn biến dịch bệnh và tốc độ tiêm vaccine; xung đột thương mại giữa các nước lớn vẫn chưa được xử lý dứt điểm, tác động khó lường đến xuất nhập khẩu của Việt Nam. Cùng với đó, các biện pháp bảo hộ xuất hiện ngày càng nhiều, giá hàng hóa, nhất là các loại nguyên liệu cơ bản tăng rất mạnh, tác động lên giá trị hàng hóa nhập khẩu.
Mặc dù vậy, hoạt động xuất khẩu những tháng cuối năm đạt kết quả rất tích cực so với dự báo nhờ những quyết sách của Chính phủ về đẩy nhanh tiêm vaccine và mở cửa nền kinh tế. Nghị quyết 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 ban hành quy định tạm thời về “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19″ được coi là cú hích cho sản xuất, xuất khẩu phục hồi và tăng trưởng mạnh mẽ.
Trước những bước tiến nhanh trong tiêm chủng, các rào cản được tháo gỡ nên từ tháng 10, xuất khẩu liên tục tăng mạnh, tháng sau tăng cao hơn nhiều so với tháng trước. Xuất khẩu tháng 10 đạt gần 29 tỷ USD, tháng 11 đạt gần 31,9 tỷ USD và xuất khẩu đạt mức cao nhất 34,6 tỷ USD trong tháng 12.
Bộ Công Thương khẳng định: Nhờ xuất khẩu tăng mạnh, cao hơn nhiều so với nhập khẩu trong quý IV đã giúp cán cân thương mại chuyển từ nhập siêu 2,55 tỷ USD thời điểm cuối quý III sang xuất siêu hơn 4 tỷ USD vào thời điểm cuối năm 2021.
Việt Nam xuất siêu 2,53 tỷ USD trong 4 tháng đầu năm
Trong 4 tháng đầu năm, cán cân thương mại ước tính xuất siêu 2,53 tỷ USD, tăng gần gấp đôi cùng kỳ năm trước.
Xuất khẩu thủy sản trong 4 tháng đầu năm 2022 có nhiều tín hiệu tích cực. Ảnh: TTXVN.
Theo Bộ Công Thương, mặc dù tiếp tục phải đối mặt với nhiều khó khăn do diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, chi phí vận chuyển tăng cao, ảnh hưởng bởi căng thẳng, xung đột chính trị giữa Nga và Ukraine... nhưng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam trong tháng 4 tiếp tục phục hồi mạnh mẽ, ghi nhận mức tăng trưởng cao so với cùng kỳ năm trước, ước tính đạt 33,26 tỷ USD, tăng 25% so với cùng kỳ năm trước.
Tính chung 4 tháng đầu năm 2022, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu ước tính đạt 122,4 tỷ USD, tăng 16,4% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khu vực doanh nghiệp trong nước tăng cao (tăng 21,6%), cao hơn so với khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (tăng 14,7%), điều này cho thấy sự nỗ lực của các doanh nghiệp trong nước trong việc khôi phục sản xuất kinh doanh, nối lại chuỗi cung ứng trong điều kiện dịch bệnh vẫn còn phức tạp.
Đáng chú ý, kim ngạch xuất khẩu nhóm nông, lâm, thuỷ sản trong 4 tháng ước đạt 10,2 tỷ USD, tăng 19,7% so với cùng kỳ năm trước, chiếm 8% tổng kim ngạch xuất khẩu.
Điểm sáng trong tháng 4 đối với xuất khẩu nhóm hàng này là xuất khẩu thủy sản tiếp tục ghi nhận mức tăng trưởng ấn tượng, ước tính đạt 1,05 tỷ USD, tăng 39,9% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 4 tháng đầu năm 2022, riêng xuất khẩu thủy sản cả nước ước tính đạt 3,57 tỷ USD, tăng 43,7% so với cùng kỳ năm trước (trong đó cá tra và tôm là mặt hàng xuất khẩu tăng mạnh nhất).
Nguyên nhân chủ yếu là các thị trường hiện đều có nhu cầu rất cao đối với thủy sản Việt Nam. Tình hình xung đột Nga - Ukraine mặc dù tác động nhỏ đến xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang thị trường Nga và Ukraine (Nga chiếm 2%, Ukraine chiếm 0,3%) nhưng lại có tác động lớn đến xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam khi hai thị trường này là 2 trong số 20 thị trường nhập khẩu nhiều nhất cá ngừ của Việt Nam.
Kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng công nghiệp chế biến trong 4 tháng đầu năm tiếp tục đóng góp quan trọng vào tốc độ tăng trưởng chung của hoạt động xuất khẩu với kim ngạch ước đạt 105,6 tỷ USD, tăng 16,1% so với cùng kỳ năm trước và chiếm 86% trong tổng kim ngạch xuất khẩu chung.
Nhìn chung, kim ngạch xuất khẩu hầu hết các mặt hàng trong nhóm đều tăng trưởng cao hơn so với cùng kỳ năm trước, chẳng hạn như phân bón các loại tăng 46,9% về lượng nhưng tăng tới 192,6% về giá trị do giá xuất khẩu tăng cao; kim ngạch xuất khẩu hóa chất tăng 72%; đá quý và kim loại quý tăng 70,7%; Máy ảnh, máy quay phim và linh kiện tăng 46,6%; Kim loại thường khác và sản phẩm tăng 35,9%; sản phẩm từ sắt thép tăng 30,7%; hàng dệt và may mặc tăng 21,6%.
Về thị trường xuất khẩu hàng hóa trong 4 tháng đầu năm 2022, Hoa Kỳ tiếp tục là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước tính đạt 35,6 tỷ USD, chiếm 29% tổng kim ngạch xuất khẩu và tăng 18,9% so với cùng kỳ năm trước; tiếp đến là Trung Quốc ước đạt 19 tỷ USD, tăng 16,7%; thị trường EU ước đạt 15,5 tỷ USD, tăng 19,9%; thị trường ASEAN ước đạt 11,1 tỷ USD, tăng 20,7%; Hàn Quốc ước đạt 8,5 tỷ USD, tăng 21%; Nhật Bản ước đạt 7,4 tỷ USD, tăng 12,2%.
Về nhập khẩu hàng hóa, Bộ Công Thương cho biết, trong tháng 4/2022, giá các mặt hàng chiến lược, thiết yếu (xăng dầu, khí đốt) và giá các mặt hàng nguyên vật liệu sản xuất (than, gỗ, phân bón, titan, nhôm...) tiếp tục tăng cao, một số mặt hàng chạm các mốc kỷ lục đã dẫn đến kim ngạch nhập khẩu của một số mặt hàng tăng cao, làm tăng tổng kim ngạch nhập khẩu hàng hóa chung của cả nước.
Kim ngạch nhập khẩu hàng hóa tháng 4/2022 ước tính đạt 32,2 tỷ USD, giảm 1,5% so với tháng trước và tăng 15,5% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 4 tháng đầu năm 2022, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước tính đạt 119,8 tỷ USD, tăng 15,7% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khu vực kinh tế trong nước ước đạt 40,9 tỷ USD, tăng 14,3%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 78,8 tỷ USD, tăng 16,7%.
Về thị trường nhập khẩu hàng hóa trong 4 tháng đầu năm 2022, Trung Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 36,78 tỷ USD, tăng 8,3% so với cùng kỳ năm trước; tiếp theo là Hàn Quốc đạt 23,3 tỷ USD, tăng 40,1%; thị trường ASEAN đạt 16,4 tỷ USD, tăng 15,3%; Nhật Bản đạt 8,2 tỷ USD, tăng 14,7%; thị trường EU đạt 5,3 tỷ USD, giảm nhẹ so với cùng kỳ năm trước (giảm 0,7%); Hoa Kỳ đạt 4,7 tỷ USD, giảm 6,2%.
Như vậy, cán cân thương mại hàng hóa tháng 4 và cả trong 4 tháng đầu năm 2022 của nước ta đạt kết quả tích cực khi đều đạt trạng thái xuất siêu, Trong đó, cán cân thương mại hàng hóa trong tháng 4 ước tính xuất siêu 1,089 tỷ USD. Tính chung 4 tháng đầu năm 2022, cán cân thương mại ước xuất siêu 2,53 tỷ USD.
Bộ Công Thương hỗ trợ hiệu quả doanh nghiệp kháng kiện phòng vệ thương mại Trong bối cảnh hội nhập sâu rộng, kim ngạch xuất khẩu gia tăng nhanh chóng, xu thế sử dụng các biện pháp phòng vệ thương mại ngày càng gia tăng, việc hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam ứng phó với các biện pháp này sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ, phát triển các thị trường xuất khẩu....