Bộ Công Thương lần đầu lên tiếng về vụ Liên Kết Việt “lừa” 6 vạn người
Liên quan tới “Tập đoàn lừa đảo” Liên Kết Việt, Bộ Công Thương mới phát đi thông tin trả lời báo chí của người đứng đầu đơn vị trực tiếp quản lý hoạt động kinh doanh đa cấp. Đây cũng được xem là lần đầu tiên lãnh đạo của Bộ lên tiếng về vụ việc này.
Lê Xuân Giang (Lê Xuân Hà), mặc bộ quân phục cùng bộ sậu của Liên Kết Việt đã bị bắt về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Cuối tháng 12/2015, Cơ quan Cảnh sát điều tra C46, Bộ Công an đã khởi tố, bắt giam Lê Xuân Giang trong vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản tại Công ty cổ phần Liên kết sản xuất thương mại Việt Nam (Công ty Liên Kết Việt). Mới đây, C46, Bộ Công an đã chính thức công bố kết quả điều tra ban đầu về các sai phạm, thủ đoạn lừa đảo của tổ chức này.
Chiều 28/2, Bộ Công Thương mới phát đi thông tin trả lời báo chí của ông Bạch Văn Mừng – Cục trưởng Cục Quản lý Cạnh tranh – người đứng đầu đơn vị trực tiếp quản lý hoạt động kinh doanh đa cấp. Đây cũng được xem là lần đầu tiên lãnh đạo Bộ này lên tiếng về lùm xùm liên quan đến Liên Kết Việt.
Về quá trình đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp của Liên Kết Việt, ông Mừng cho biết, công ty Liên Kết Việt được Sở Công Thương Hà Nội cấp Giấy chứng nhận thực hiện bán hàng đa cấp vào ngày 10/2/2014. Từ ngày 1/7/2014, việc đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp được chuyển từ các Sở Công Thương về Bộ Công Thương (Cục Quản lý cạnh tranh) theo Nghị định 42/2014/NĐ-CP. Theo đó, Cục Quản lý cạnh tranh đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp cho Công ty Liên Kết Việt ngày 22/12/2014.
“Nghị định số 42 đã nâng cao các điều kiện đăng ký hoạt động so với trước đây để thanh lọc các doanh nghiệp yếu kèm. Tuy nhiên, Nghị định không giới hạn số lượng doanh nghiệp được đăng ký hoạt động, đồng thời cũng quy định rất rõ ràng, minh bạch các điều kiện để đảm bảo thuận lợi cho doanh nghiệp trong quá trình thực hiện thủ tục đăng ký. Theo đó, doanh nghiệp nào đáp ứng đủ các điều kiện đều được đăng ký hoạt động”, ông Bạch Văn Mừng lý giải.
Theo ông Mừng, sau khi Công ty Liên Kết Việt được cấp đăng ký hoạt động, Cục Quản lý cạnh tranh đã tiến hành hậu kiểm hoạt động bán hàng đa cấp của công ty vào ngày 15/7/2015. Căn cứ kết quả kiểm tra, Cục Quản lý cạnh tranh đã tiến hành điều tra vụ việc cạnh tranh đối với Công ty Liên Kết Việt. Căn cứ kết quả điều tra, Cục trưởng Cục Quản lý cạnh tranh đã ban hành Quyết định xử phạt với số tiền 570 triệu đồng về các hành vi vi phạm các quy định trong hoạt động bán hàng đa cấp.
Video đang HOT
Trong đó, công ty này bị phạt vì vi phạm các nghĩa vụ liên quan đến thông báo hoạt động bán hàng đa cấp ở một số tỉnh/thành phố, nghĩa vụ liên quan đến thông báo hoạt động hội nghị, hội thảo, nghĩa vụ liên quan đến đào tạo người tham gia và cấp thẻ cho người tham gia, nghĩa vụ báo cáo định kỳ với cơ quan nhà nước có thẩm quyền và nghĩa vụ khấu trừ thuế thu nhập cá nhân theo quy định.
Cơ quan quản lý cũng xử phạt hành vi không thực hiện thủ tục đề nghị cấp sửa đổi, bổ sung Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp khi có thay đổi, bổ sung liên quan đến Hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp; Cung cấp các thông tin gian dối và gây nhầm lẫn cho khách hàng về chất lượng, công dụng của sản phẩm;
Liên Kết Việt cũng không thường xuyên giám sát hoạt động của người tham gia bán hàng đa cấp để đảm bảo người tham gia thực hiện đúng Quy tắc hoạt động, Chương trình trả thưởng của doanh nghiệp; Duy trì nhiều hơn một vị trí kinh doanh đa cấp, hợp đồng bán hàng đa cấp, mã số kinh doanh đa cấp hoặc các hình thức khác tương đương đối với cùng một người tham gia bán hàng đa cấp.
Đại diện Bộ Công Thương nói, Cục Quản lý cạnh tranh đã chủ động thực hiện hậu kiểm Công ty Liên Kết Việt 7 tháng sau khi cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp cho công ty này và đã xử lý nghiêm các hành vi vi phạm của công ty, với số tiền phạt rất lớn.
Đánh giá về công tác phối hợp giữa các cơ quan quản lý trong việc phát hiện, xử lý các sai phạm tại Công ty Liên kết Việt, ông Mừng cho biết, đầu tháng 11/2015, Cục Quản lý cạnh tranh đã phối hợp với C46 – Bộ Công an và Công an Quận Cầu Giấy kiểm tra hoạt động của Công ty Liên Kết Việt tại trụ sở Công ty và đã có nhiều buổi làm việc với đại diện Công ty tại trụ sở Cục Quản lý cạnh tranh – Bộ Công Thương và Bộ Công an để làm rõ các nội dung liên quan. Sau đó, Cục Quản lý cạnh tranh đã bàn giao hồ sơ kiểm tra Công ty Liên Kết Việt cho C46. Trong quá trình Cơ quan cảnh sát điều tra – Bộ Công an điều tra vụ việc Cục Quản lý cạnh tranh đã phối hợp cung cấp các tài liệu và phối hợp xác minh thêm thông tin liên quan đến Công ty Liên Kết Việt.
Căn cứ kết quả điều tra, xác minh ban đầu, Cơ quan cảnh sát điều tra – Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản, khởi tố bị can đối với một số thành viên của Ban lãnh đạo Công ty Liên Kết Việt. Tháng 2/2016, Cơ quan cảnh sát điều tra – Bộ Công an đã ra quyết định áp dụng biện pháp tạm giam đối với một số thành viên ban lãnh đạo Công ty Liên Kết Việt.
Phương Dung
Theo Dantri
Vụ lừa đảo đa cấp tại Liên kết Việt: "Vỡ trận" vì tiền người dân đổ về quá nhiều
Bản thân Chủ tịch HĐQT Cty Liên kết Việt cũng "ngợp" và không hình dung nổi số tiền của người dân đổ về nhiều đến thế.
Liên quan đến vụ lừa đảo đa cấp tại Liên kết Việt, báo Dân trí cho hay, Lê Xuân Giang, Chủ tịch HĐQT Cty Liên Kết Việt thừa nhận, bản thân Giang cũng "ngợp" và không hình dung nổi số tiền của người dân đổ về nhiều đến thế. Cơ quan điều tra cũng đã chỉ ra sơ hở lớn nhất khiến công ty đa cấp này có thể lừa tới 1.900 tỷ đồng.
Lê Xuân Giang (mặc quân phục) tại lễ đón nhận bằng khen của Thủ tướng. Đây là bằng khen bị các đối tượng làm giả - Ảnh: báo Dân trí
Tiền nhiều quá, Liên kết Việt vỡ trận!
Đại tá Trần Quang Huy, Trưởng phòng hướng dẫn và điều tra án tham nhũng, Cục cảnh sát điều tra tội phạm về Kinh tế và tham nhũng (Bộ CA) cho biết, trước khi thành lập công ty đa cấp này, Lê Xuân Giang cũng là người có tiền, xin được cấp giấy phép đầu tư. Có tiền ở đây là tiền thật, vì theo quy định khi thành lập công ty kinh doanh đa cấp, Giang phải nộp ký quỹ 10 tỷ đồng.
Nhưng Giang không phải là người giỏi về kinh doanh đa cấp. Giang gặp Nguyễn Thị Thủy, một người từng làm nhiều nghề ngoài xã hội và kinh qua nhiều công ty đa cấp nên Thủy có nhiều kinh nghiệm về lĩnh vực này.
Giang và Thủy bắt tay làm ăn, Giang cho Thủy đứng đầu nhóm, đứng đầu hệ thống đa cấp. Cứ mỗi người đến để nộp tiền hoặc mua hàng phải trả 290 nghìn đồng. Sau đó mở rộng mạng lưới, Giang đàm phán xuống, Thủy hưởng 210 nghìn đồng, còn 80 nghìn đồng Giang giữ lại mở rộng mạng lưới.
Trong khoảng 1 năm, Giang và Thủy đã mở rộng hệ thống bán hàng đa cấp của Liên Kết Việt ra 27 tỉnh thành và thu về 1.900 tỷ đồng.
Theo Đại tá Huy, khi bị bắt giữ, khai nhận với cơ quan điều tra, bản thân Lê Xuân Giang cũng thừa nhận bị "ngợp" về số tiền thu về, không thể ngờ nhanh và nhiều đến vậy.
Giang cũng thừa nhận, quá nhiều tiền trong một thời gian ngắn khiến cho Giang và các đồng phạm khác của Liên kết Việt mất kiểm soát, không thể điều tiết được và "vỡ trận"!.
Mượn danh Bộ quốc phòng để lừa đảo
Theo số liệu mới nhất, số nạn nhân Liên kết Việt đã lên đến 60.000 người, bao Tiên Phong đưa tin, để tạo lòng tin cho khách hàng đóng tiền tham gia vào hệ thống kinh doanh đa cấp của mình, ngoài việc giới thiệu Cty Liên Kết Việt là Cty trực thuộc Bộ Quốc phòng, dán logo "BQP" lên các sản phẩm hàng hóa thì mỗi lần tổ chức các cuộc hội nghị khuếch trương, Giang đều mời một số cán bộ Quốc phòng nghỉ hưu đến ăn uống, tặng quà.
Bản thân Lê Xuân Giang cũng tự đeo "lon" đại tá, trong khi bị can này khi xuất ngũ mới chỉ là chuẩn úy. CQĐT cho rằng, Lê Xuân Giang đã lợi dụng hình ảnh của một số tướng, tá nghỉ hưu để đánh bóng, gây nhầm tưởng cho khách hàng về việc Cty của Giang là Cty của Bộ Quốc phòng.
Cùng với "bình phong" dựng lên, Cty Liên Kết Việt còn đưa ra mức "hoa hồng" khủng: bỏ ra 9 tỷ thì 1 năm sau thu về 450 tỷ, cứ đóng tiền vào là được tiền hoa hồng, chỉ việc ngồi không, không phải kinh doanh gì, "làm giàu không khó".
Thế nên, có những người đóng tiền không mua hàng, chỉ ngồi chờ tiền về, có nhiều người ôm hàng cũng không bán được, có người bán cả nhà để lấy nộp tiền vào hệ thống của Giang. Vẫn theo CQĐT, người bị lừa ít nhất là 8,6 triệu đồng nhưng cũng có không ít người bị lừa lên tới 5-6 tỷ đồng.
Theo Đời sống Pháp luật
Từ vụ đa cấp Liên Kết Việt: Bị lừa hay lòng tham quá lớn? Nộp tối thiểu 8,6 triệu đồng để được mua máy ozone, thực phẩm chức năng, sau 5 năm được hưởng gần 500 triệu tiền hoa hồng, lãi thưởng. Quảng cáo về kiểu kinh doanh siêu lợi nhuận của công ty Liên Kết Việt khiến 60 nghìn người đã bỏ tiền đầu tư vào doanh nghiệp này. Khoan hãy kết tội các doanh nghiệp...