Bộ Công Thương kiến nghị cho xuất khẩu gạo nếp, không hạn ngạch
Cho rằng, nếp sản xuất chủ yếu phục vụ xuất khẩu, không nằm trong danh mục hàng dự trữ quốc gia, Bộ Công Thương đã có văn bản trình Thủ tướng, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đề xuất cho xuất khẩu gạo nếp và không tính vào hạn ngạch 400.000 tấn trong tháng 4 và thời gian tới nếu vẫn còn duy trì xuất khẩu gạo theo hạn ngạch.
Theo đó, trong văn bản của Bộ Công Thương ngày 17/4 do Thứ trưởng Trần Quốc Khánh ký nêu rõ, sản lượng nếp được trồng tại Đồng bằng sông Cửu Long (chủ yếu là An Giang và Long An) đạt 453.000 tấn. Số liệu của hải quan cho hay tình hình xuất nếp từ năm 2018 là 676.902 tấn và 2019 là 297.405 tấn, và 2 tháng đầu năm 2020 là 72.476 tấn.
Bộ Công Thương cũng đã nhận được công văn của Văn phòng Chính phủ chuyển văn bản của một số cơ quan hữu quan tỉnh Long An, An Giang về vấn đề xuất khẩu gạo.
Bộ Công Thương kiến nghị cho xuất khẩu gạo nếp trở lại. Ảnh: I.T
Ngày 17/4, Thủ tướng cũng giao Bộ Công Thương nghiên cứu ý kiến của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam; kiến nghị của Công ty TNHH Dương Vũ để tổng hợp, báo cáo Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng.
Sau khi có văn bản hỏi ý kiến Bộ NNPTNT ngày 15/4 về việc gạo nếp có trong danh mục dự trữ lương thực quốc gia hay không, Bộ Công Thương cũng đã nhận được văn bản của Bộ NNPTNT kiến nghị tiếp tục cho xuất khẩu gạo nếp.
Video đang HOT
Bộ Công Thương cũng thừa nhận, một số thương nhân chỉ xuất khẩu gạo nếp. Đại diện các tỉnh Long An, An Giang cũng đánh giá “người dân trong nước chủ yếu tiêu dùng gạo tẻ, không dùng nhiều gạo nếp cho nhu cầu lương thực hằng ngày và gạo nếp hiện nay được sản xuất chủ yếu phục vụ xuất khẩu”.
Ngoài ra, trong văn bản gửi Thủ tướng và Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, Bộ Công Thương cũng viện dẫn lại quy định hàng dự trữ chỉ bao gồm “thóc tẻ, gạo tẻ”. “Có nghĩa là, ngay cả trong tình huống đột xuất, cấp bách phải sử dụng tới biện pháp nêu tại khoản 2 Điều 3 Nghị định số 94/2013 thì thóc nếp, gạo nểp và tấm nếp cũng không thuộc diện huy động vào dự trữ quốc gia” – Bộ Công Thương nêu.
Từ các kiến nghị và diễn giải quy định pháp luật về dự trữ như vậy, Bộ Công Thương kiến nghị Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ xem xét, cho phép tiếp tục xuất khẩu nếp, bao gồm thóc nếp, gạo nếp và tấm nếp theo nhu cầu.
Bộ Công Thương cũng kiến nghị không tính lượng gạo nếp xuất khẩu vào lượng hạn ngạch gạo được phép xuất khẩu trong tháng 4/2020 và thời gian tới trong trường hợp tiếp tục duy trì xuất khẩu gạo theo hạn ngạch.
Trước đó, Văn phòng Chính phủ cũng có văn bản số 3083/VPCP-KTTH ngày 17/4/2020 gửi Bộ Công Thương truyền đạt ý kiến của Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Công Thương khẩn trương nghiên cứu ý kiến của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam và kiến nghị của Công ty TNHH Dương Vũ về việc tháo gỡ khó khăn cho xuất khẩu gạo và việc cho phép xuất khẩu gạo nếp.
Bộ Công Thương có trách nhiệm báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong ngày 20/4/2020, đồng thời báo cáo Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng tại cuộc họp về tháo gỡ khó khăn cho xuất khẩu gạo sẽ diễn ra vào sáng ngày 20/4/2020.
Bộ Tài chính cũng đã 2 lần có văn bản gửi Bộ Công Thương đề xuất việc chỉ tạm dừng xuất khẩu gạo tẻ, gạo tẻ thường đến ngày 15/6, còn lại vẫn cho xuất khẩu gạo nếp, gạo thơm, gạo chất lượng cao bình thường.
Khánh Nguyên
Doanh nghiệp xuất khẩu gạo cầu cứu, Thủ tướng chỉ đạo khẩn
Ngay sau khi các doanh nghiệp xuất khẩu gạo có đơn gửi Thủ tướng Chính phủ kiến nghị sớm có giải pháp tháo gỡ vướng mắc trong xuất khẩu gạo, hôm nay 17/4, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã có văn bản yêu cầu Bộ Công Thương khẩn trương có giải pháp tháo gỡ.
Theo đó, tại văn bản số 3083/VPCP-KTTH ngày 17/4/2020, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Công Thương khẩn trương nghiên cứu ý kiến của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam và kiến nghị của Công ty TNHH Dương Vũ về việc tháo gỡ khó khăn cho xuất khẩu gạo và việc cho phép xuất khẩu gạo nếp.
Bộ Công Thương có trách nhiệm báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong ngày 20/4/2020, đồng thời báo cáo Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng tại cuộc họp về tháo gỡ khó khăn cho xuất khẩu gạo sẽ diễn ra vào sáng ngày 20/4/2020.
Các doanh nghiệp xuất khẩu gạo đang gặp nhiều khó khăn do hàng còn tồn đọng tại cảng. Ảnh: Thanh Cường.
Trước đó, Công ty TNHH Dương Vũ (xã Bình Thạnh, huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An), một trong 4 công ty lớn trong lĩnh vực chế biến và xuất khẩu gạo của Long An, chuyên thu mua, sản xuất và xuất khẩu gạo nếp và tấm nếp với tổng sản lượng 220.000 tấn/năm, bao tiêu sản phẩm cho nông dân trồng nếp ở tỉnh Long An và An Giang với diện tích khoảng 50.000 ha đã có văn bản số 03/2020DV gửi Thủ tướng, các bộ ngành "cứu" doanh nghiệp xuất khẩu gạo trước bờ vực phá sản.
Theo ông Nguyễn Quang Hòa, Giám đốc Công ty TNHH Dương Vũ, mặt hàng nếp và tấm nếp là mặt hàng không thuộc diện dự trữ lương thực quốc gia, không ảnh hưởng đến an ninh lương thực quốc gia và đang xuất sang Trung Quốc chủ yếu sử dụng để làm bột.
Trong khi khách hàng đang có nhu cầu cao, doanh nghiệp có thể xuất khẩu với giá cao mang lại lợi ích cho nhà nước, nông dân và doanh nghiệp thì lại không được phép xuất khẩu và cũng không thể tiêu thụ trong nước.
Việc tạm dừng xuất khẩu gạo khiến Công ty Dương Vũ đang đứng trước bờ vực phá sản (công ty hiện đang nợ ngân hàng Viettinbank 300 tỷ đồng), 400 công nhân viên của công ty lâm vào tình cảnh thất nghiệp.
Ngày 15/4/2020, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cũng đã có văn bản số 2969/VPCP-KTTH ngày 15/4/2020 chỉ đạo các Bộ: Công Thương và Tài chính báo cáo về việc triển khai thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc xuất khẩu gạo.
Theo đó, Bộ Tài chính phải báo cáo về trách nhiệm quản lý, kiểm soát số lượng gạo được phép xuất khẩu tháng 4/2020 theo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại văn bản số 2827/VPCP-KTTH ngày 10/4/2020 của Văn phòng Chính phủ, trong đó nêu cụ thể về quy trình, cách làm, danh sách các doanh nghiệp, thời gian mở tờ khai hải quan và số lượng gạo xuất khẩu của từng doanh nghiệp đã đăng ký thành công trên hệ thống; công tác phối hợp với Bộ Công Thương về việc này.
Đồng thời, Bộ Tài chính báo cáo việc mua tạm trữ lương thực theo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Thông báo số 140/TB-VPCP ngày 3/4/2020 và văn bản số 2827/VPCP-KTTH ngày 10/4/2020 của Văn phòng Chính phủ.
Bộ Công Thương báo cáo về việc triển khai văn bản số 2827/VPCP-KTTH ngày 10/4/2020 của Văn phòng Chính phủ và công tác phối hợp với Bộ Tài chính để thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại văn bản số 2827/VPCP-KTTH ngày 10/4/2020 của Văn phòng Chính phủ.
Sau cuộc họp ngày 20/4, trên cơ sở ý kiến các bộ, cơ quan, doanh nghiệp, hiệp hội, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng sẽ báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định
Khánh Nguyên
Tổng cục Hải quan: Hải quan các tỉnh, thành không được sách nhiễu DN xuất khẩu gạo Tổng cục Hải quan yêu cầu Cục Hải quan các tỉnh, thành phố không để tình trạng sách nhiễu doanh nghiệp xuất khẩu gạo, đồng thời kiến nghị Thủ tướng giao cơ quan chức năng tiến hành điều tra, xác minh, làm rõ các tổ chức, cá nhân có liên quan không thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng. Kiểm tra gạo:...