Bộ Công Thương đề nghị chuyển vụ Khaisilk sang cơ quan điều tra
Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đã yêu cầu chuyển hồ sơ vụ Khaisilk gian lận bán hàng Trung Quốc gắn mác “made in Vietnam” sang cơ quan điều tra của Công an TP Hà Nội để xử lý theo quy định của pháp luật.
Chiều ngày 30.10.2017, tại trụ sở Bộ Công Thương, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đã chủ trì họp với các đơn vị liên quan để nghe báo cáo về việc kiểm tra và xử lý vụ vi phạm liên quan đến xuất xứ hàng hóa của sản phẩm khăn lụa Khaisilk.
Khaisilk bị tố bán hàng Trung Quốc trên mạng xã hội làm nóng dư luận trong những ngày qua. (Ảnh: IT)
Tại cuộc họp, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đã chỉ đạo: Cục Quản lý thị trường chỉ đạo đơn vị chức năng ra quyết định chuyển hồ sơ vụ vi phạm hành chính có dấu hiệu tội phạm để truy cứu trách nhiệm hình sự sang Phòng Cảnh sát kinh tế, Công an Thành phố Hà Nội đối với cơ sở kinh doanh hàng dệt may do bà Nguyễn Thị Thu Nga làm chủ hộ kinh doanh tại địa chỉ số 113 Hàng Gai, Hoàn Kiếm, Hà Nội để điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật.
Video đang HOT
Ngoài ra, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cũng yêu cầu, thành lập Đoàn kiểm tra liên ngành bao gồm đại diện các cơ quan liên quan như công an, hải quan, thuế, khoa học công nghệ, Hiệp hội dệt may, Hiệp hội Bảo vệ người tiêu dùng và các đơn vị trong Bộ để tiến hành kiểm tra, làm rõ những vấn đề liên quan đến dấu hiệu vi phạm về nhãn mác, xuất xứ hàng hóa của sản phẩm khăn lụa Khaisilk.
Cửa hàng Khaisilk tại 113 Hàng Gai (Hà Nội) phải đóng cửa sau sự cố bán khăn lụa “ made in China”. (Ảnh: Việt Linh)
Bộ Công Thương cũng đề nghị UBND Thành phố Hà Nội, UBND TP.HCM có văn bản chỉ đạo các cơ quan chức năng phối hợp Đoàn kiểm tra liên ngành để làm rõ dấu hiệu vi phạm của Tập đoàn Khaisilk, Công ty TNHH Khải Đức và chi nhánh của Công ty TNHH Khải Đức tại 113 Hàng Gai.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cũng yêu cầu, Cục Quản lý thị trường chỉ đạo, phối hợp với các cơ quan chức năng để thu thập thêm thông tin, dấu hiệu vi phạm liên quan đến vụ việc .
Trước đó, vào chiều ngày 26.10, sau khi có chỉ đạo từ Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh, các đơn vị chức năng của Bộ này đã tiến hành kiểm tra tại các địa điểm kinh doanh của Khaisilk, thu thập chứng từ và các sản phẩm vi phạm. Biên bản của Đoàn kiểm tra ghi rõ: Thống nhất đề xuất trưởng đoàn tạm giữ toàn bộ 56 (năm sáu)chiếc khăn vuông lụa tơ tằm, giả mạo xuất xứ hàng để xử lý.
Ngoài ra, đoàn kiểm tra còn thu giữ nhiều hóa đơn xuất, nhập hàng của Khaisilk tại 113 Hàng Gai (Hà Nội). Hiện các cơ quan chức năng cũng đang làm rõ Khaislik đã thu mua “gom” sản phẩm từ những nguồn nào.
Trước đó, như Dân Việt đưa tin, ngày 23.10, trên trang Facebook cá nhân của một khách hàng đã phản ánh sự việc mua phải khăn lụa Khaisilk có gắn mác “made in China” trong khi nhãn hiệu Khaisilk từ trước đến nay được biết đến là sản phẩm hoàn toàn “made in Vietnam”.Trả lời trên báo chí sau đó, doanh nhân Hoàng Khải, ông chủ của Tập đoàn Khaisilk – đã thừa nhận những sản phẩm trên là hàng nhập từ Trung Quốc. Ông này cúi đầu xin lỗi khách hàng và hứa bồi thường thiệt hại, thậm chí đã thừa nhận việc Khaisilk nhập khăn Trung Quốc và bán lẫn với khăn của Việt Nam từ giữa những năm 90 khi ngành sản xuất tơ lụa của Việt Nam suy thoái.Sau khi ông Hoàng Khải thừa nhận, dư luận phản ứng rất mạnh mẽ và cho rằng trong suốt một thời gian dài, Khaisilk đã gian dối với người tiêu dùng, đánh cắp niềm tin của người tiêu dùng khi tin tưởng vào một sản phẩm được cho là hoàn toàn có nguồn gốc từ Việt Nam, thậm chí được đánh giá là niềm tự hào của thương hiệu Việt khi giới thiệu với bạn bè quốc tế.
Theo Danviet
Kiểm tra thuế đối với Khaisilk
Tổng cục Thuế đã giao cơ quan thuế trên địa bàn Hà Nội có hoạt động tiếp theo trong phạm vi trách nhiệm thuế của doanh nghiệp Khaisilk sau bê bối bán sản phẩm gắn mác "Made in China".
Chiều 27.10, ông Nguyễn Đại Trí, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thuế, cho biết bước đầu đã giao cơ quan thuế trên địa bàn Hà Nội có hoạt động tiếp theo trong phạm vi trách nhiệm thuế của doanh nghiệp Khaisilk, cụ thể là về thực tế bán hàng với nội dung báo chí phản ánh.
"Ngành thuế thực hiện chức trách của mình trong việc đánh giá về việc chấp hành nghĩa vụ thuế, bán hàng, kê khai của Khaisilk như thế nào. Chúng tôi được biết Bộ Công Thương đã có văn bản chỉ đạo, cán bộ quản lý thị trường kiểm tra trực tiếp tại địa điểm kinh doanh, trực tiếp lập biên bản. Câu chuyện tiếp theo tất nhiên sẽ có phần tham gia của cơ quan thuế"- ông Nguyễn Đại Trí nói.
Lực lượng liên ngành kiểm tra tại cửa hàng Khaisilk ở 113 phố Hàng Gai (Hà Nội) chiều ngày 26.10. Ảnh: Hoài Dương
Vụ bê bối của Khaisilk bị phanh phui khi một doanh nghiệp ở Hà Nội cho biết đã mua sản phẩm khăn lụa tơ tằm Việt Nam của Khaisilk tại cửa hàng trên phố Hàng Gai (quận Hoàn Kiếm) để làm quà tặng cho đối tác với giá 644.000 đồng/chiếc. Sau khi nhận hàng, khách phát hiện một chiếc khăn trong lô hàng 60 chiếc này có gắn 2 nhãn mác khác nhau: một nhãn với nội dung "Khaisilk Made in Vietnam" còn một nhãn nữa với nội dung "Made in China". Khách hàng cũng cho biết khi kiểm tra 59 chiếc khăn còn lại, phát hiệu dấu hiệu của việc cắt mác cùng màu với dòng chữ "Made in China". Tuy nhiên khi trả lời khiếu nại của khách hàng, một đại diện của cửa hàng Khaisilk 113 Hàng Gai - nơi bán lô hàng trên, khẳng định chất liệu khăn được làm từ 100% lụa tơ tằm.
Cơ quan quản lý thị trường (Bộ Công Thương) đã vào cuộc và xác định doanh nghiệp có dấu hiệu vi phạm pháp luật về xuất xứ hàng hoá. Đáng lưu ý, người sáng lập Khaisilk là ông Hoàng Khải lại là một người từng có uy tín với phong trào Startup Việt. Bản thân ông Hoàng Khải cũng xây dựng được một hình tượng doanh nhân Việt gắn với các sản phẩm rất Việt, từ lụa tơ tằm, phở đến kinh doanh nghỉ dưỡng, bất động sản.
Theo T.Hà (Lao Động)
Bán khăn Trung Quốc gắn mác hàng Việt, Khaisilk đối mặt hình phạt nào? Các luật sư đưa ra ý kiến nhận định các trường hợp pháp lý Khaisilk sẽ phải đối mặt nếu bị xác định mua khăn "Made in China" gắn mác hàng Việt bán cho khách. Cơ quan chức năng xác minh thông tin Khaisilk thay đổi nhãn mác khăn lụa từ "Made in China" sang "Khaisilk made in Vietnam". Sản phẩm giả mạo...