Bộ Công an: Xây dựng cơ sở dữ liệu về tai nạn giao thông
Trong dự thảo Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông (ATGT) đường bộ, Bộ Công an đưa ra nhiều quy định mới mang tính tích cực liên quan đến điều tra, giải quyết tai nạn giao thông (TNGT).
Đại tá Nguyễn Quang Nhật, Trưởng phòng Hướng dẫn tuyên truyền, điều tra, giải quyết TNGT, Cục CSGT, cho biết dự thảo Luật Bảo đảm trật tự, ATGT đường bộ, Bộ Công an bổ sung quy định rất cụ thể về trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân tại hiện trường nơi xảy ra vụ tai nạn. Trong đó, doanh nghiệp bảo hiểm khi được thông báo về TNGT phải tới ngay hiện trường để phối hợp với cơ quan có thẩm quyền giải quyết vụ tai nạn, đồng thời giải quyết bồi thường thiệt hại do TNGT gây ra đúng quy định.
Đặc biệt, Đại tá Nhật nhấn mạnh tai nạn xảy ra sẽ gây thiệt hại về người và tài sản. Tuy nhiên, Luật Giao thông đường bộ năm 2008 dù quy định nhưng còn chưa đầy đủ, tản mát ở nhiều điều luật, chủ yếu hướng dẫn tại các thông tư của các bộ… Để khắc phục điểm trên, dự thảo Luật Bảo đảm trật tự, ATGT đường bộ quy định rõ nguyên tắc bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng cho các bên liên quan trong vụ TNGT phải căn cứ vào kết luận của cơ quan có thẩm quyền xác định rõ nguyên nhân, hậu quả để làm căn cứ bồi thường. “Sẽ không có chuyện xe to đương nhiên đền xe nhỏ nữa. Ví dụ xảy ra tai nạn giữa ô tô và người đi bộ, không thể mặc định tài xế ô tô là người phải bồi thường mà phải chờ kết luận chính thức của cơ quan công an, lúc đó xác định lỗi thuộc về ai thì người đó bồi thường” – vị này giải thích.
Một điểm mới đáng chú ý khác là dự thảo luật do Bộ Công an soạn thảo quy định khi giải quyết TNGT phải làm rõ nguyên nhân do con người, do cơ sở hạ tầng giao thông hay do phương tiện không đảm bảo an toàn hoặc các yếu tố bất ngờ gây ra. Đây sẽ là căn cứ xác định trách nhiệm của người có liên quan trong vụ tai nạn; trách nhiệm cá nhân, cơ quan, tổ chức trong việc quản lý nguồn nguy hiểm gây tai nạn (UBND các cấp, công an, quân đội, đơn vị bảo trì khai thác đường bộ, cơ quan, đăng kiểm…).
“Việc này nhằm tránh hiện tượng đùn đẩy, né tránh trách nhiệm khi giải quyết hậu quả của vụ TNGT, từ đó giảm thiểu hậu quả vụ tai nạn” – Đại tá Nhật cho hay.
Cũng trong dự thảo luật, Bộ Công an đề xuất xây dựng cơ sở dữ liệu về TNGT, được thu thập và lưu giữ tập trung tại Trung tâm dữ liệu của Cục CSGT. Đặc biệt, việc đánh giá chỉ số về TNGT sẽ tính theo số vụ, số người chết, số người bị thương trên 100.000 dân và trên 10.000 phương tiện giao thông, thay vì tính cơ học như hiện nay. Thời hạn tính số người chết do TNGT là 30 ngày kể từ ngày xảy ra vụ tai nạn.
Giải thích, Đại tá Đỗ Thanh Bình, Phó Cục trưởng Cục CSGT, nói đề xuất này đã được Tổng cục Thống kê ủng hộ, hướng tới đúng chuẩn quốc tế. Giữa các tỉnh, TP khác nhau sẽ có hệ số về ATGT khác nhau.
Video đang HOT
Ví dụ, Hà Nội và TP.HCM là hai địa phương có số lượng dân và xe rất lớn, số vụ TNGT cũng nhiều theo. Nếu chỉ tính cơ học thì sẽ thấy tình hình ATGT tại hai TP này là rất áp lực. Tuy nhiên, nếu tính trên 100.000 dân thì sẽ khác, hệ số an toàn có thể không cao hơn so với địa phương khác.
Lãnh đạo Cục CSGT khẳng định cách tính mới này phản ánh đúng mức độ phát triển của hệ thống giao thông đường bộ, con số thống kê đi vào thực chất hơn.
Chứng chỉ lái xe: Đề xuất không hợp lý của Bộ GTVT
Dự thảo Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ đã quy định khá chi tiết về người lái xe nhưng dự thảo Luật Giao thông đường bộ sửa đổi vẫn đề ra yêu cầu riêng, trong đó có việc cấp chứng chỉ hành nghề lái xe.
Tuy Chính phủ đã lưu ý từ đầu là "không chồng chéo" nhưng vì cùng quy định về giao thông đường bộ (GTĐB) mà hai dự thảo hiện tại của Luật Bảo đảm trật tự, an toàn GTĐB và Luật GTĐB sửa đổi vẫn còn giẫm nhau.
Dự luật này đã quy định, dự luật nọ vẫn đề ra yêu cầu
Báo cáo với Quốc hội vào chiều 24-10, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể cho biết so với Luật GTĐB 2008 thì dự thảo mới nhất của Luật GTĐB sửa đổi (do Bộ GTVT soạn thảo) đã có sự thu hẹp phạm vi điều chỉnh.
Cụ thể, dự thảo luật sửa đổi chỉ quy định về kết cấu hạ tầng GTĐB, phương tiện GTĐB, vận tải đường bộ và quản lý nhà nước về GTĐB. Theo đó, quy tắc GTĐB và quy định về người lái xe không còn có trong Luật GTĐB nữa mà được chuyển sang dự thảo Luật Bảo đảm trật tự, an toàn GTĐB (do Bộ Công an soạn thảo).
Lý là vậy nhưng dự thảo lần thứ tư (ngày 23-9) Luật GTĐB sửa đổi vẫn tiếp tục có một số quy định về người lái xe. Từ đó dẫn đến việc cùng về người lái xe mà có đến hai dự luật điều chỉnh.
Ở dự thảo 5 (ngày 22-9) Luật Bảo đảm trật tự, an toàn GTĐB, Bộ Công an đưa ra đến bảy điều luật để áp dụng chung cho mọi người lái các loại xe, không phân biệt có hay không có kinh doanh. Chẳng hạn, quy định về độ tuổi, sức khỏe, nội dung đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe theo hạng...
Ấy thế, ở dự luật GTĐB sửa đổi nêu trên, Bộ GTVT vẫn đề ra thêm những quy định riêng về người lái xe kinh doanh.
Đơn cử, ở chương IV về vận tải đường bộ có hai điều quy định về quyền, nghĩa vụ của người lái ô tô kinh doanh vận tải hành khách và của người lái ô tô vận tải hàng hóa. Điều 61 của chương IV còn quy định về thời gian làm việc của người lái ô tô kinh doanh vận tải mà theo đó "người có giấy phép lái xe ô tô muốn hành nghề lái xe ô tô kinh doanh vận tải phải được đào tạo nghiệp vụ vận tải và được cấp chứng chỉ hành nghề lái xe ô tô kinh doanh vận tải" (khoản 2). Cần lưu ý là chứng chỉ hành nghề lái xe theo dự kiến này là một yêu cầu hoàn toàn mới, không có trong Luật GTĐB hiện tại.
Khách hàng đi Grabcar tại TP.HCM. Ảnh: HOÀNG GIANG
Bộ GTVT: Người hành nghề lái xe gây nhiều tai nạn giao thông
Theo Luật GTĐB 2008 thì giấy phép lái xe được cấp căn cứ vào kiểu loại, công suất động cơ, tải trọng và công dụng của xe; được phân thành không thời hạn, có thời hạn. Cũng theo luật này thì việc cấp giấy phép lái xe có sự phân biệt giữa người không hành nghề lái xe với người hành nghề kinh doanh vận tải. Trong đó, chỉ phân biệt hạng B1 cấp cho người không hành nghề lái xe, hạng B2 cấp cho người hành nghề kinh doanh vận tải; các hạng còn lại không phân biệt đối tượng.
Dự thảo Luật Bảo đảm trật tự, an toàn GTĐB nói trên cũng có nhiều quy định tương tự về căn cứ, về việc không có thời hạn và có thời hạn của giấy phép lái xe. Tuy nhiên, có điểm khác lớn ở dự luật này là không còn có sự phân biệt giữa người không hành nghề lái xe với người hành nghề kinh doanh vận tải trong việc cấp giấy phép lái xe.
Chưa rõ sự thay đổi này của Bộ Công an ảnh hưởng thế nào đến đề xuất cấp chứng chỉ hành nghề lái xe của Bộ GTVT nhưng có thể thấy đề xuất đó có xuất phát từ số tai nạn giao thông khiến Bộ GTVT muốn có sự quản lý chặt chẽ hơn.
Trong tờ trình ngày 1-9 gửi Quốc hội về dự luật GTĐB sửa đổi, Chính phủ cho biết: Thời gian qua, chỉ có những người kinh doanh vận tải mới có nhu cầu được cấp giấy phép lái xe các hạng còn lại (không tính B1, B2); tỉ lệ gây ra các vụ tai nạn giao thông từ nghiêm trọng trở lên chủ yếu ở người hành nghề lái xe kinh doanh vận tải.
Không chấp nhận giấy phép con gây phiền toái
Lại lần nữa phải nhận thấy là việc tách ra hai luật riêng biệt để cùng điều chỉnh về GTĐB là không hợp lý, dễ dẫn đến chồng chéo, cắt khúc vì hạ tầng giao thông hay các loại xe, người lái xe... luôn có mối quan hệ mật thiết với nhau.
Trong trường hợp vẫn muốn đệ trình lên Chính phủ, Quốc hội hai luật và chờ Quốc hội sáng suốt quyết định thì hai bộ GTVT, Công an cần thống nhất cách xây dựng luật. Theo đó, hết thảy quy định về người lái xe phải được xếp ở một luật để người dân lẫn các cơ quan chức năng tiện tra cứu, dễ thực hiện. Nếu đã đồng ý chuyển giao quy định về người lái xe sang Luật Bảo đảm trật tự, an toàn GTĐB thì Bộ GTVT không nên đưa một số nội dung liên quan đến việc này vào dự thảo Luật GTĐB sửa đổi.
Thay vào đó, Bộ GTVT có thể đề nghị Bộ Công an xem xét, tính toán thêm trong quá trình soạn thảo, hoàn chỉnh dự luật Bảo đảm trật tự, an toàn GTĐB. Ví dụ, với "nghiệp vụ vận tải" là một trong những nội dung đào tạo lái xe đang được quy định ở các thông tư của Bộ GTVT và được bộ này đề xuất đưa vào dự luật GTĐB sửa đổi, Bộ Công an có thể bổ sung vào nội dung đào tạo lái xe trong dự luật do Bộ Công an soạn thảo.
Riêng về chứng chỉ hành nghề lái xe, nếu không có căn cứ xác đáng, thuyết phục là chứng chỉ này sẽ làm giảm thiểu tai nạn giao thông thì các bộ tham mưu cho Chính phủ nên loại bỏ để tránh gây phiền toái, lãng phí về một giấy phép con không được phép có.
Trong việc bảo đảm trật tự, an toàn GTĐB, nếu dự luật mới đã đề ra được nhiều quy định cần thiết, phù hợp về điều kiện của người lái các loại xe thì cứ thế mà thực hiện đúng để ai làm sai đều phải bị xử lý nghiêm nhằm đạt hiệu quả.
Bộ Công an sẽ xã hội hóa công tác đào tạo lái xe, sát hạch lái xe như thế nào? Sau chuyển giao Bộ Công an sẽ quản lý chặt chẽ từ đào tạo, sát hạch, quá trình tham gia giao thông của người lái xe theo hệ thống cơ sở dữ liệu kết nối liên thông trong các lĩnh vực qua căn cước công dân, cơ sở dữ liệu dùng chung về quản lý vi phạm pháp luật hành chính, hình sự......