Bộ Công an sẽ quy định việc cấp bằng lái xe?
Bộ Công an thừa ủy quyền Chính phủ báo cáo Quốc hội hai phương án về đào tạo, sát hạch và cấp giấy phép lái xe.
Sau khi Chính phủ thống nhất tách Luật Giao thông đường bộ (GTĐB) ra thành hai dự án luật, bộ trưởng Bộ GTVT và Bộ Công an đã thừa ủy quyền Chính phủ báo cáo Quốc hội dự án Luật GTĐB sửa đổi và Luật Bảo đảm trật tự, an toàn (TTAT) GTĐB (luật mới). Trong đó, đáng chú ý là việc Chính phủ đề xuất giao Bộ Công an quy định việc đào tạo, sát hạch và cấp giấy phép lái xe (GPLX).
Chính phủ đề xuất phương án một
Theo tờ trình của Bộ Công an, Luật Bảo đảm TTATGTĐB được Chính phủ thống nhất sẽ quy định các vấn đề về quy tắc giao thông; đăng ký và cấp, thu hồi biển số xe cơ giới; tổ chức an toàn giao thông và chỉ huy, điều khiển GTĐB; giải quyết ùn tắc, tai nạn giao thông…, đặc biệt là vấn đề đào tạo, sát hạch và cấp GPLX.
Tuy nhiên, do còn ý kiến khác nhau nên trong tờ trình Quốc hội về dự án luật này, Chính phủ đề nghị Quốc hội cho ý kiến về vấn đề đào tạo, sát hạch và cấp GPLX theo hai phương án. Quy định đào tạo, sát hạch và cấp GPLX trong Luật Bảo đảm TTATGTĐB hoặc giữ nguyên trong Luật GTĐB như hiện hành.
Nhận nhiệm vụ thay mặt Chính phủ thuyết minh hai phương án trên với Quốc hội, Bộ Công an đã chủ trì cuộc họp với các bộ, ngành liên quan. Qua đó, thống nhất đề xuất phương án 1, quy định đào tạo, sát hạch và cấp GPLX vào Luật Bảo đảm TTATGTĐB.
Nguyên nhân, theo Bộ Công an, việc bảo đảm TTAT giao thông là một nội dung của bảo đảm an ninh quốc gia, TTAT xã hội về tính mạng, sức khỏe cho người tham gia giao thông, bảo vệ quyền con người. Còn đầu tư, xây dựng, phát triển, quản lý kết cấu hạ tầng GTĐB, vận tải đường bộ thuộc lĩnh vực kinh tế – kỹ thuật để bảo đảm các điều kiện về cơ sở vật chất – kỹ thuật cho hoạt động giao thông, phục vụ phát triển kinh tế – xã hội.
Chính phủ đồng ý để Bộ Công an quy định việc đào tạo, sát hạch và cấp giấy phép lái xe. Ảnh: L.THY
Video đang HOT
Cạnh đó, thành tố chính để bảo đảm TTAT giao thông gồm tài xế, phương tiện giao thông, người và phương tiện kết nối với hạ tầng giao thông. Trong đó, người lái xe vừa là chủ thể cần bảo vệ, vừa là nhân tố chính gây mất an toàn giao thông.
Do đó, để bảo đảm TTAT giao thông, phải quản lý được hành vi chấp hành pháp luật của người lái xe một cách xuyên suốt và nhất quán, từ khâu đào tạo, sát hạch, cấp GPLX và sau khi được cấp GPLX. “Mục tiêu lớn nhất của Luật Bảo đảm TTATGTĐB là bảo vệ quyền con người, phòng ngừa, hạn chế tai nạn giao thông. Vì vậy, người tham gia giao thông phải có đủ kiến thức, kỹ năng điều khiển và ý thức chấp hành pháp luật là chính sách trọng tâm được điều chỉnh trong luật…” – Bộ Công an lý giải.
Việc quy định vấn đề đào tạo, sát hạch, cấp GPLX trong dự án Luật Bảo đảm TTATGTĐB theo Bộ Công an nhằm lập lại trật tự, nề nếp, kỷ cương, xây dựng nền giao thông văn minh, tôn trọng pháp luật. “Đặc biệt giải quyết được những vấn đề thực tiễn đang đặt ra như công tác quản lý nhà nước, nâng cao chất lượng người lái xe về kỹ năng điều khiển, kiến thức và ý thức chấp hành pháp luật giao thông, phòng ngừa, hạn chế các vụ tai nạn giao thông…” – Bộ Công an cho hay.
Xác định lại mục tiêu Luật GTĐB
Với phương án 2, Bộ Công an cho rằng từ năm 2001 đến nay, công tác đào tạo, sát hạch, cấp GPLX đã được quy định trong Luật GTĐB và được thực hiện ổn định. Cạnh đó, công tác này cũng đã được xã hội hóa mạnh mẽ. Đồng thời, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh về hoạt động này được ban hành đầy đủ, đồng bộ. Chương trình đào tạo, quy trình sát hạch được xây dựng trên cơ sở phù hợp với kết cấu hạ tầng GTĐB, quy tắc giao thông, yêu cầu về điều kiện của phương tiện tham gia giao thông, hoạt động vận tải đường bộ và các điều ước quốc tế mà Việt Nam tham gia…
Tuy nhiên, Bộ Công an lại cho rằng phương án này không phù hợp với cấu trúc, mục tiêu và nội dung của Luật GTĐB sửa đổi là thúc đẩy phát triển mạnh mẽ kết cấu hạ tầng hiện đại, hiệu quả, nâng cao chất lượng hệ thống mạng lưới đường bộ, phát triển vận tải đường bộ phù hợp với thực tiễn, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội. Do vậy, dù không đồng tình với phương án này nhưng Bộ Công an vẫn đưa ra để Quốc hội tham khảo, cho ý kiến.
Với quyết định trên của Chính phủ, Bộ GTVT cho biết so với Luật GTĐB năm 2008, dự thảo Luật GTĐB sửa đổi có sự thay đổi về phạm vi điều chỉnh. Theo đó, dự luật này chỉ quy định về kết cấu hạ tầng GTĐB, hệ thống báo hiệu đường bộ, tổ chức giao thông; quản lý an toàn kỹ thuật phương tiện GTĐB, vận tải đường bộ, quản lý nhà nước về GTĐB.
“So với Luật GTĐB năm 2008, dự luật này sẽ không còn quy định về đăng ký, cấp thu hồi biển số phương tiện GTĐB; quản lý đào tạo, sát hạch lái xe; cấp, đổi, thu hồi GPLX, chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức pháp luật về GTĐB…” – Bộ GTVT cho biết.
Bộ Công an muốn thay Bộ GTVT quy định về báo hiệu đường bộ
Hiện Bộ GTVT đang đảm nhận nhiệm vụ quy định nội dung hệ thống báo hiệu đường bộ, tuy nhiên Bộ Công an muốn đảm nhận vai trò này.
Dự thảo Luật Giao thông đường bộ (GTĐB) sửa đổi do Bộ GTVT soạn và dự thảo Luật Bảo đảm trật tự, an toàn (TTAT) GTĐB do Bộ Công an soạn vừa được trình Chính phủ. Tuy nhiên, hai dự thảo luật có sự chồng lấn khi hai bộ đều muốn được quy định nội dung hệ thống báo hiệu đường bộ (BHĐB).
Bộ Công an muốn quản
Theo đó, Bộ Công an đưa ra hai phương án xác định cơ quan ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia hệ thống BHĐB. Cụ thể, phương án 1, Bộ Công an sẽ đảm nhận nhiệm vụ ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia hệ thống BHĐB, quy định này sẽ nằm trong Luật Bảo đảm TTATGTĐB. Phương án 2 giao Bộ GTVT ban hành quy định này và được quy định trong Luật GTĐB.
Trong hai phương án trên, Bộ Công an đề xuất phương án 1. "Bởi hệ thống thông tin tín hiệu an toàn là sự cụ thể hóa các quy tắc giao thông, liên quan chặt chẽ đến TTATGT" - Bộ Công an lý giải.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể cho rằng hệ thống BHĐB bao gồm năm nhóm. Trong đó, ngoài hiệu lệnh của người điều khiển giao thông thì các BHĐB còn lại bao gồm: Tín hiệu đèn giao thông, biển BHĐB, đinh phản quang, tiêu phản quang, dải phân cách... Tất cả hạng mục trên đều thuộc công trình đường bộ và tài sản kết cấu hạ tầng GTĐB.
Cạnh đó, hiện nay các chỉ tiêu kỹ thuật của BHĐB ngoài việc được cụ thể hóa trong quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về BHĐB do Bộ GTVT ban hành còn phải đồng bộ, thống nhất với các chỉ tiêu kỹ thuật khác của công trình đường bộ, đồng thời được quy định trong các tiêu chuẩn, quy chuẩn chuyên ngành công trình GTĐB.
Ngoài ra, việc sản xuất, lắp đặt BHĐB cũng phải phù hợp và tuân thủ theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về BHĐB và các tiêu chuẩn thiết kế đường bộ. "Do đó, để bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất trong công tác quy hoạch, đầu tư, xây dựng, quản lý, khai thác tài sản kết cấu hạ tầng giao thông, phù hợp với quy định của pháp luật hiện hành và tạo thuận lợi trong quá trình triển khai thực hiện thì nội dung trên cần được quy định trong Luật GTĐB..." - ông Thể nêu kiến nghị.
Hệ thống báo hiệu đường bộ ngoài biển báo còn nhiều báo hiệu khác. Ảnh: V.LONG
Bộ Tư pháp đề nghị cân nhắc
Thẩm tra nội dung trên, Bộ Tư pháp cho rằng hệ thống BHĐB ngoài hiệu lệnh của người điều khiển giao thông còn nhiều báo hiệu khác. Theo đó, trên cơ sở ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ Công an cần xác định rõ tại dự án luật này chỉ điều chỉnh các quy định về hệ thống BHĐB dưới góc độ là các biện pháp tổ chức giao thông và bảo đảm TTATGT.
Còn các quy định gắn với việc sản xuất, tổ chức đặt, cắm các biển BHĐB với tính chất là các hạng mục của công trình đường bộ và thuộc tài sản kết cấu hạ tầng GTĐB thì không quy định tại dự thảo Luật Bảo đảm TTATGTĐB.
"Ngoài ra, việc sản xuất, lắp đặt BHĐB cũng phải phù hợp và tuân thủ theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về BHĐB và các tiêu chuẩn thiết kế đường. Do đó, đề nghị cân nhắc quy định giao Bộ Công an chịu trách nhiệm ban hành tiêu chuẩn kỹ thuật quốc gia hệ thống BHĐB tại dự thảo luật" - Bộ Tư pháp nhấn mạnh.
Phản hồi quan điểm trên, Bộ Công an cho rằng đơn vị sẽ không thực hiện việc sản xuất và lắp đặt hệ thống biển BHĐB. "Tuy nhiên, đơn vị sẽ đảm nhiệm vai trò quy định nội dung, ý nghĩa của hệ thống BHĐB, nhằm thông báo, hướng dẫn cho người tham gia giao thông..." - Bộ Công an cho hay.
Đa số thành viên Chính phủ không tán thành
Trước ý kiến còn khác nhau, Văn phòng Chính phủ tiến hành phát phiếu lấy ý kiến các thành viên Chính phủ. Đến ngày 11-8, có 19/26 thành viên Chính phủ cho ý kiến về vấn đề này.
Theo đó, có 14 thành viên Chính phủ đồng ý Luật GTĐB sẽ quy định hệ thống BHĐB và do Bộ GTVT quản lý. Chỉ có năm thành viên đồng ý phương án quy định tại Luật Bảo đảm TTATGTĐB và Luật GTĐB chỉ quy định việc sản xuất, tổ chức đặt, cắm các biển báo hiệu.
Theo Văn phòng Chính phủ, trong hệ thống báo hiệu GTĐB, chỉ có "hiệu lệnh của người điều khiển giao thông" thuộc nội dung tổ chức chỉ huy, điều khiển. Các loại báo hiệu còn lại gắn liền với các hạng mục của công trình đường bộ, thuộc hệ thống tài sản kết cấu hạ tầng GTĐB, được quản lý thông qua các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia do Bộ GTVT ban hành.
Vì vậy, Văn phòng Chính phủ đề nghị quy định theo hướng Luật GTĐB quy định quy chuẩn, tiêu chuẩn và quản lý các loại BHĐB gắn với thiết kế, đầu tư, xây dựng và quản lý, khai thác kết cấu hạ tầng GTĐB (hệ thống báo hiệu giao thông tĩnh). Nội dung "hiệu lệnh của người điều khiển giao thông" và việc chỉ huy, điều khiển hệ thống đèn tín hiệu đường bộ (hệ thống báo hiệu giao thông động) quy định tại Luật Bảo đảm TTATGTĐB.
"Nội dung này có tính chất giao thoa giữa chức năng, nhiệm vụ của hai bộ, vì vậy để bảo đảm tính thống nhất, khả thi và hiệu quả, đề nghị hai bộ phối hợp chặt chẽ trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện các quy định của hai luật này..." - Văn phòng Chính phủ nêu quan điểm.
Tai nạn 8 người chết: Những điểm đen rình rập ở Bình Thuận Đoạn đường bị tai nạn đã được Bộ GTVT phê duyệt mở rộng ba cầu hẹp, thắt cổ chai nhưng ba năm qua chưa thực hiện. Ngày 21-7, lãnh đạo UBND tỉnh Bình Thuận có báo cáo gửi Ủy ban An toàn giao thông quốc gia và Bộ GTVT về vụ tai nạn xảy ra sáng cùng ngày tại Km 1767 quốc lộ...