Bộ Công an nghiên cứu xã hội hóa sản xuất thẻ Căn cước công dân
Theo tính toán của đơn vị tư vấn cho Bộ Công an, nếu xã hội hóa sản xuất thẻ Căn cước công dân thì giá thành bình quân một chiếc thẻ sẽ giảm từ 52.000 đồng hiện nay xuống còn khoảng 35.000 đồng.
Hội thảo về thẻ căn cước công dân do Tổng cục Cảnh sát, Bộ Công an tổ chức hôm qua tại Hà Nội (Ảnh: T.S)
Tại cuộc Hội thảo công nghệ lưu trữ thông tin và xã hội hóa sản xuất thẻ Căn cước công dân do Tổng Cục cảnh sát, Bộ Công an tổ chức hôm qua (20/10), Trung tướng Trần Văn Vệ – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát cho biết, Chính phủ và Bộ Công an đang tính tới phương án xã hội hóa việc sản xuất thẻ Căn cước công dân. Việc này xuất phát từ quá trình tổng kết 10 năm thực hiện Dự án cấp chứng minh nhân dân (hiện nay là thẻ Căn cước công dân) theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Đến nay, Tổng cục Cảnh sát đã cấp khoảng 4,2 triệu Chứng minh nhân dân mới/thẻ Căn cước công dân 12 số, có mã vạch bảo mật 2 chiều ở 16 địa phương trên cả nước.
“Theo chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Công an sẽ tổng kết, đánh giá lại toàn bộ quá trình thực hiện dự án để chỉ rõ những mặt ưu điểm và nhược điểm; từ đó tính toán những phương án tiết kiệm chi phí trong quá trình sản xuất thẻ Căn cước công dân khi Nhà nước còn khó khăn về ngân sách”- Tướng Vệ nói.
Dự kiến từ năm 2020, cả nước sẽ được cấp thẻ Căn cước công dân. Khi đó, Việt Nam sẽ áp dụng thẻ Căn cước công dân với công nghệ mã vạch như hiện hành hay sử dụng thẻ có gắn chíp điện tử – xu hướng được nhiều nước trên thế giới áp dụng thì Bộ Công an đang phải xin ý kiến góp ý của các bộ ngành liên quan.
Lý giải điều này, ông Vệ cho biết mức đầu tư của thẻ Căn cước công dân gắn chíp lớn gấp 3 lần thẻ căn cước có mã vạch. Khi chưa tích hợp được các loại giấy tờ khác vào thẻ nên Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết Quyết định 446/2004 phê duyệt dự án theo phương án thẻ Căn cước công dân mã vạch. Đến nay, để triển khai Luật Căn cước công dân, Thủ tướng giao Bộ Công an nghiên cứu về công nghệ thẻ và xây dựng dự án thẻ căn cước.
Tại hội thảo, hầu hết các chuyên gia đều khẳng định thẻ Căn cước công dân nếu được gắn chíp điện tử sẽ có nhiều ưu điểm hơn, lượng thông tin lữu trữ lớn gấp 200 lần so với thẻ căn cước mã vạch. Ngoài ra, việc nhận diện về sinh trắc học (vân tay, quét võng mạc) hay gắn nhiều ứng dụng của dịch vụ ngân hàng, bảo hiểm… sẽ đảm bảo tốt hơn. Tuy vậy, rào cản lớn nhất chính là chi phí đầu tư khá lớn.
Thẻ Căn cước công dân.
TS Nguyễn Trường Thắng – Viện trưởng Viện Công nghệ thông tin thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam (đơn vị đang tư vấn cho dự án của Bộ Công an) cho rằng, toàn bộ việc đầu tư máy móc, lắp đặt, vận hành sản xuất thẻ Căn cước công dân hiện nay đều được thực hiện tại các đơn vị nghiệp vụ thuộc Bộ Công an. Tuy nhiên trong quá trình vận hành đã bộc lộ nhiều nhược điểm lớn như đầu tư các máy móc thiết bị ban đầu rất lớn, bình quân một chiếc máy in cá thể hóa khoảng 15 tỉ đồng, chưa kể các loại máy móc kèm theo như máy ép, cắt, vật tư tiêu hao và các linh kiện thay thế.
Với quy mô 100 triệu dân khi áp dụng thẻ Căn cước công dân gắn chíp điện tử thì ngân sách nhà nước phải bỏ ra khoảng 5.000 tỉ đồng, chưa kể phải đầu tư hàng nghìn tỉ vào mua sắm máy móc thiết bị hạ tầng kỹ thuật để lắp đặt từ Trung ương xuống địa phương. Hơn nữa, hiện nay Việt Nam chưa có đủ hành lang pháp lý cho phép liên thông dữ liệu giữa thẻ Căn cước công dân với các loại thẻ khác của bảo hiểm xã hội, ngân hàng…
“80% dân số Việt Nam vẫn đang sống ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa, nhu cầu sử dụng loại thẻ này không nhiều nên việc áp dụng thẻ gắn chíp không mang lại hiệu quả. Giải pháp là tiếp tục sử dụng công nghệ hiện hành để phát huy cơ sở hạ tầng sẵn có và định hướng sẵn sàng nâng cấp công nghệ”- ông Thắng nêu quan điểm.
Video đang HOT
Với đề xuất xã hội hóa sản xuất thẻ Căn cước công dân, TS Nguyễn Trường Thắng khẳng định, Nhà nước sẽ không mất khoản tiền đầu tư máy móc thiết bị ban đầu, nhu cầu thẻ bao nhiêu sẽ làm bấy nhiêu. Tuy vậy các chuyên gia lo ngại thẻ Căn cước công dân chứa đựng nhiều thông tin quan trọng, nếu không có bảo mật tốt thì có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến công tác quản lý nhà nước.
Đại diện Cục Cảnh sát Đăng ký, Quản lý cư trú và Dữ liệu quốc gia về dân cư (C72 – Tổng cục Cảnh sát) cũng nhấn mạnh, dự án mà Bộ Công an đang xây dựng hiện nay được thiết kế theo phương án mở, cho phép nâng cấp từ thẻ Căn cước công dân mã vạch hai chiều lên thành thẻ chíp khi điều kiện kinh tế – xã hội phù hợp.
Chốt lại cuộc họp, Trung tướng Trần Văn Vệ khẳng định Bộ Công an sẽ tiếp tục tham vấn các bên liên quan trước khi hoàn thiện đề án về cấp thẻ Căn cước công dân trước khi trình Thủ tướng phê duyệt.
Thế Kha
Theo Dantri
"CMND còn thời hạn người dân không cần đổi sang thẻ căn cước"
Từ hôm nay 1/1/2016, Bộ Công an triển khai cấp thẻ Căn cước công dân tại 16 địa phương trên cả nước nhưng Thiếu tướng Trần Văn Vệ - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát khẳng định: "Nếu CMND còn thời hạn sử dụng thì người dân đừng đi đổi sang thẻ Căn cước, mà cứ sử dụng tới khi hết hạn".
Thiếu tướng Trần Văn Vệ cho biết CMND 12 số và thẻ Căn cước công dân được cấp tới đây cơ bản giống nhau (Ảnh: Thế Kha)
Phóng viên: Hôm nay là ngày nghỉ làm việc nhưng được biết, Bộ Công an vẫn triển khai cấp thẻ Căn cước công dân tại 16 địa phương theo Luật Căn cước công dân chứ, thưa ông ?
Thiếu tướng Trần Văn Vệ: Luật Căn cước công dân có hiệu lực từ ngày 1/1/2016. Trước khi luật có hiệu lực, Bộ Công an đã triển khai công tác chuẩn bị, ban hành thông tư hướng dẫn thi hành luật. Cũng từ ngày hôm nay Luật Hộ tịch có hiệu lực, nên Bộ Công an cũng tiến hành cấp số định danh cá nhân cho trẻ em mới sinh ra. Số định danh này gồm 12 số, sẽ được ghi vào giấy khai sinh, tới năm trẻ em đủ 14 tuổi - độ tuổi đủ để được cấp Căn cước công dân thì sẽ được in lên thẻ căn cước công dân. Bộ Công an đã phối hợp với Bộ Tư pháp để thực hiện việc đó nên hôm nay vẫn làm việc bình thường. Thượng tôn pháp luật, thực hiện luật là không có ngày nghỉ.
Sẽ có 14 tỉnh, thành cấp Căn cước từ hôm nay gồm Hà Nội, Vĩnh Phúc, Hưng Yên, Hải Dương, Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình, Thái Bình, Hải Phòng, Quảng Ninh, Thanh Hoá, TPHCM, Cần Thơ và Tây Ninh. Chắc khoảng ngày mùng 10/1 thì sẽ thêm 2 tỉnh nữa là Quảng Bình và Bà Rịa-Vũng Tàu thực hiện cấp Căn cước công dân. Theo đúng lộ trình trong Luật căn cước công dân, từ ngày 1/1/2020 sẽ triển khai cấp thẻ Căn cước công dân trong phạm vi cả nước.
Người dân tại các địa phương này có nhất thiết phải xin cấp đổi CMND sang thẻ Căn cước công dân không ?
Bộ Công an không bắt buộc người dân xin cấp đổi CMND sang thẻ Căn cước công dân. Nếu CMND cũ của người dân đang sử dụng (CMND 9 số hoặc CMND 12 số) vẫn còn thời hạn sử dụng thì người dân cứ sử dụng bình thường tới khi nào hết hạn thì mới phải đi làm thủ tục đổi sang thẻ Căn cước công dân.
CMND 9 số, CMND 12 số hay thẻ Căn cước công dân đều có giá trị sử dụng như nhau. Khi đổi CMND 9 số hoặc CMND 12 số sang Căn cước công dân, Bộ Công an sẽ cắt góc CMND cũ và giao lại cho người dân giữ để thực hiện các giao dịch với cơ quan, tổ chức như ngân hàng, nhà đất,... Đồng thời cơ quan công an sẽ cấp giấy xác nhận về việc thay đổi CMND sang thẻ căn cước để người dân thuận tiện hơn khi thực hiện các giao dịch.
Mặt trước thẻ Căn cước công dân (Ảnh: T.K).
Mặt sau thẻ Căn cước công dân (Ảnh: T.K)
Ưu điểm của thẻ Căn cước công dân với CMND cũ hiện nay là gì ?
Đây là bước tiến rất lớn về khoa học công nghệ, tương lai sẽ mang lại tiện lợi cho người sử dụng và tiện lợi cho quản lý. Ngoài độ bền, độ đẹp thì thẻ Căn cước công dân không thể làm giả được và tránh được tình trạng một người dùng nhiều số CMND, tráo người, thay đổi họ trên CMND. Sau này, người dân đi công tác ở xa chẳng hạn và chẳng may bị mất thẻ Căn cước công dân thì vẫn có thể nhờ người ở nhà làm lại, bởi thông tin đều đã được lưu trữ trên cơ sở dữ liệu.
Tính năng và hình thức của Căn cước công dân không khác gì so với CMND 12 số cả. CMND 12 số hay Căn cước công dân đều có dãy 12 số. Đó chính là số định danh cá nhân mà mỗi người dân sẽ chỉ có một số duy nhất suốt cuộc đời. Sau này khi cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư được Bộ Công an xây dựng hoàn chỉnh thì người dân chỉ cần mang thẻ này hoặc đọc dãy số định danh cá nhân, truy cập là ra các dãy thông tin cá nhân.
Những ngày vừa qua người dân phản ánh khi đi làm thủ tục hành chính ở ngân hàng, cơ quan thuế đã bị làm khó vì thay đổi số CMND. Bộ Công an đã có hướng dẫn mà việc "hành dân" này vẫn diễn ra ?
Các cơ quan đó như vậy là không chấp hành luật. CMND hay Căn cước công dân được Nhà nước giao cho Bộ Công an cấp cho người dân sử dụng.
Khi thí điểm cấp CMND 12 số trước đây, Bộ Công an đã có thông báo cho các cơ quan liên quan nhà đất, ngân hàng, thuế,... về việc này nhưng người dân vẫn gặp khó khăn nên Bộ Công an đã ban hành thông tư quy định về việc cắt góc CMND cũ, giao lại cho người dân giữ và cấp thêm giấy xác nhận thay đổi số CMND. Người dân có CMND cũ cắt góc và giấy xác nhận thay đổi số CMND thì các cơ quan phải giải quyết theo đúng luật, không được làm khó. Nếu người dân đã xuất trình rồi mà vẫn bị làm khó thì các cơ quan đó đã làm sai pháp luật.
Việc này mới xuất hiện ở 16 địa phương cấp CMND mới 12 số và từ ngày triển khai cấp Căn cước công dân (hôm nay, 1/1/2016) thôi, còn ở các địa phương khác vẫn đang cấp CMND cũ 9 số như bình thường.
Những trường hợp cá nhân bị mất CMND 9 số hoặc mất CMND 12 số và đi làm lại thẻ Căn cước công dân thì có phiền hà gì khi xin giấy xác nhận không ?
Người dân chỉ cần tới địa điểm cấp căn cước thì sẽ được cấp lại và được cấp giấy xác nhận, không có sự phiền hà nào cả. Bộ Công an đã có hướng dẫn rồi, nơi làm căn cước sẽ làm xác nhận cho người dân, để người dân thuận lợi.
Bộ Công an có đường dây nóng nào để người dân phản ánh khi gặp phải phiền hà, hoặc bị các cơ quan hành chính "hành" dù có đầy đủ CMND cũ cắt góc và giấy xác nhận thay đổi CMND không?
Người dân có thể gọi theo đường dây nóng của công an tỉnh, thành phố phản ánh.
Thời gian cơ quan công an trả thẻ Căn cước công dân là bao lâu kể từ khi người dân hoàn thành các thủ tục xin cấp đổi ?
Công an các địa phương sau khi tiếp nhận thông tin sẽ chuyển theo đường truyền về Trung tâm quản lý căn cước của Tổng cục Cảnh sát. Sau đó Tổng cục Cảnh sát sẽ kiểm tra thông tin và cấp thẻ Căn cước công dân.
Thời hạn giải quyết hồ sơ, cấp trả thẻ ở thành phố, thị xã là 7 ngày làm việc và ở vùng nông thôn, miền núi là 15 ngày theo luật định.
Việc cấp số định danh cá nhân cho trẻ em mới sinh ra sẽ được triển khai thế nào ?
Bộ Tư pháp sẽ chuyển dữ liệu và hệ thống cấp số của Bộ Công an sẽ sinh số tự động. Ở 4 địa phương thực hiện thí điểm phần mềm cấp khai sinh thì số định danh cá nhân sẽ có ngay. Ở các địa phương còn lại, việc cấp số định danh cá nhân cho trẻ mới sinh ra sẽ có độ trễ nhất định.
Xin cảm ơn Thiếu tướng!
Bộ Tư pháp phối hợp Bộ Công an cấp số định danh trực tuyến
Ông Nguyễn Công Khanh - Cục trưởng Cục Hộ tịch, quốc tịch và chứng thực (Bộ Tư pháp) cho biết, để triển khai Luật Hộ tịch có hiệu lực từ hôm nay 1/1/2016, Bộ Tư pháp đã phối hợp, thống nhất với Bộ Công an cấp thí điểm phần mềm giấy khai sinh tại 4 địa phương gồm Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng và TPHCM. "Đây là những địa phương có điều kiện hạ tầng tốt hơn cả, trình độ cán bộ tư pháp hộ tịch cũng khá hơn so với các tỉnh thành khác"- ông Khanh nói.
Tại 4 địa phương này, cán bộ tư pháp - hộ tịch đã được hướng dẫn sử dụng phần mềm đăng ký khai sinh và lấy số định danh cá nhân trực tuyến. Ở những địa phương còn lại, việc lấy số định danh cá nhân (do Bộ Công an quản lý) để ghi vào giấy khai sinh sẽ có độ trễ nhất định.
Theo ông Khanh, triển khai thí điểm cấp số định danh trực tuyến cho trẻ em mới sinh ra tại 4 địa phương trên sẽ được thực hiện đến hết tháng 3/2016. Sau đó các đơn vị sẽ sơ kết và báo cáo Bộ trưởng Bộ Tư pháp và Bộ trưởng Bộ Công an để xin phép triển khai diện rộng.
Thế Kha (thực hiện)
Theo Dantri
Ngưng miễn phí cấp mới thẻ căn cước công dân Công dân đủ 14 tuổi trở lên khi được cấp mới thẻ căn cước công dân sẽ phải đóng 70.000 đồng. Các cán bộ làm công tác cấp thẻ CCCD . Ảnh: TUYẾN PHAN Bộ Tài chính vừa đăng tải công khai dự thảo Thông tư hướng dẫn chế độ thu, nộp, quản lý lệ phí cấp thẻ căn cước công dân (CCCD)....