Bộ Công an lên phương án đối phó với siêu bão Haiyan
Đại tướng Trần Đại Quang, Bộ trưởng Bộ Công an vừa có Công điện gửi các lực lượng trong toàn ngành triển khai các biện pháp ứng phó với siêu bão Haiyan.
Để chủ động đối phó với siêu bão, Bộ trưởng Trần Đại Quang đã có Công điện số 361/ĐK gửi Công an các đơn vị, địa phương về công tác phòng, chống bão Haiyan.
Dự kiến đường đi của siêu bão Haiyan.
Theo đó, Bộ trưởng Trần Đại Quang yêu cầu các lực lượng trong ngành thực hiện 5 nội dung:
Thực hiện nghiêm túc Công điện số 1816/CĐ-TTg, ngày 07/11/2013 của Thủ tướng Chính phủ, Công điện số 88/CĐ-TW, ngày 07/11/2013 của Ban Chỉ đạo Phòng, chống lụt bão Trung ương – Ủy ban quốc gia tìm kiếm cứu nạn và sự chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương về công tác phòng, chống bão. Theo dõi sát diễn biến của cơn bão trên các phương tiện truyền thông đại chúng để chủ động đối phó, tập trung cao nhất mọi lực lượng, phương tiện có thể nhằm hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về người và tài sản do cơn bão gây ra.
Chỉ đạo lực lượng Công an ở cơ sở, Công an xã phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng đảm bảo tốt an ninh, trật tự, bảo vệ an toàn tài sản của cơ quan, tổ chức và nhân dân. Tổ chức di dời, sơ tán dân ra khỏi khu vực nguy hiểm, kể cả ở khu vực hạ lưu ở các hồ chứa nước đến nơi an toàn trước 19 giờ ngày 09/11/2013; kiểm soát chặt chẽ tàu thuyền hoạt động ở ven biển, cửa sông, hướng dẫn, sắp xếp neo đậu tàu thuyền ở khu vực an toàn; tuyệt đối không để tàu thuyền ra biển và người ở trên tàu, thuyền, lồng bè.
Video đang HOT
Chủ động có phương án hướng dẫn, phân luồng giao thông, trọng điểm là quốc lộ 1, đường Hồ Chí Minh và thông báo trên các phương tiện truyền thông đại chúng để nhân dân biết thực hiện. Nghiêm cấm các phương tiện lưu thông qua khu vực bão đổ bộ (trừ các phương tiện làm nhiệm vụ phòng, chống bão); bố trí lực lượng thường trực điều tiết giao thông tại các khu vực bị ngập, bến đò, ngầm qua đường để hướng dẫn người dân, phương tiện qua lại, đảm bảo an toàn. Kiên quyết cấm mọi phương tiện đi qua vùng ngập lụt. Dừng các hoạt động du lịch đường thủy nội địa.
Tổ chức trực ban, trực chiến 24/24 giờ, đảm bảo 100% quân số trực và ứng trực. Thủ trưởng Công an các đơn vị, địa phương dừng tổ chức các hội nghị; thường trực ở cơ quan và phân công trực tiếp xuống các địa bàn trọng điểm để chỉ đạo phòng, chống bão. Duy trì thông tin liên lạc đảm bảo thông suốt giữa Bộ với Công an các đơn vị, địa phương.
Các cơ quan báo chí trong lực lượng Công an nhân dân thường xuyên cập nhật thông tin về diễn biến cơn bão để nhân dân, cán bộ, chiến sĩ chủ động có biện pháp phòng, chống bão; kịp thời thông tin, tuyên truyền về hoạt động phòng, chống bão của lực lượng Công an; cổ vũ, động viên những gương cán bộ, chiến sĩ Công an tích cực giúp dân phòng, chống bão.
Trúc Dân
Theo_VnMedia
Người con miền Trung thấp thỏm nghe quê nhà đón siêu bão
"Mỗi lần nghe tin bão đổ bộ những người con xa quê như tụi mình chỉ có thể gọi điện hỏi thăm. Chưa kể mỗi lần như vậy, cúp nước, cúp điện, điện thoại không liên lạc được là đứng ngồi không yên".
Hàng ngàn người con của miền Trung đi làm xa đang nín thở dõi theo tin tức quê nhà. Lo lắng, hỏi han, đợi chờ, cầu nguyện... là tất cả những việc họ có thể làm lúc này.
Bạn Ngô Mai, nhân viên công ty Orion Vina tại TPHCM chia sẻ: "Khu nhà Mai ở Chu Lai, Núi Thành, Quảng Nam. Mấy cơn bão trước cũng không ảnh hưởng gì nhiều, chỉ là cây cối trong vườn bị gió quật gãy. Cơn bão vừa rồi gió thổi tốc 1 phần mái nhà anh trai Mai. Còn khu nhà ngoại Mai ở ngoài Tam Kỳ, ngay gần sông thì ảnh hưởng nhiều hơn.
Gia đình Mai cũng đã chuẩn bị rồi. Còn phía nhà ngoại thì sơ tán lên trên nhà cậu mợ hết. Trước thời điểm bão đổ bộ, nhiều người mua mì tôm, cháo gói, thực phẩm khô để phòng. Khu nào gần sông biển thì đi sơ tán hết. Còn nguồn nước có khi là hứng từ nước mưa rồi đun sôi sử dụng, có khi cũng không có củi lửa để đun, cứ vậy mà uống.
Mai nhớ hồi còn nhỏ mỗi khi bão lũ khu nhà Mai xe khách bắc nam hay đậu tránh bão ngang đó, vì ra khoảng 20 - 30 km nữa là nước ngập lênh láng không đi được. Ngày đó Mai cũng hay đi phát cơm, phát cháo từ thiện cho những người khách lỡ đường trong cơn bão.
Đi làm xa nhà, mỗi lần nghe tin bão vào miền Trung lòng cứ nơm nớp lo lắng. Năm nay cơn bão này chưa qua, cơn bão khác lại đến. Hôm qua mẹ Mai gọi vào, báo là chiều hôm nay bão về, thấy lo quá, chỉ biết cầu nguyện bình an cho cả nhà và những người dân ngoài đó.
Đợt vừa rồi nhóm mình kết hợp với 3 nhóm nữa đã làm chương trình cứu trợ trực tiếp ra tỉnh Quảng Bình. Hiện tại mình đang kêu gọi để 5/12 này về Quảng Nam cứu trợ, sẻ chia tiếp với bà con. Không biết cơn siêu bão này đổ bộ vào, bà con ngoài đó sẽ ra sao nữa, thấy nó vào Philippines mà xót lòng!"
Một gia đình tại Quảng Nam trong mùa bão (ảnh chia sẻ của bạn có nickname Quê Nhà)
Còn gia đình bạn Nguyễn Duy Quý, sinh viên năm nhất trường ĐH Quốc Tế - ĐHQG TPHCM, đã chuyển vào Nam từ năm Quý học lớp 3. Nhưng ở quê của Quý (xã Phước Lộc, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định) vẫn còn bà nội và họ hàng.
Quý chia sẻ: "Giờ em rất lo cho ngoài quê, đặc biệt là bà nội đã nhiều tuổi. Từ nhỏ em đã biết cảm giác khi có bão. Em nhớ có lần bão kéo tới, nhà em còn thô sơ, tối đó gió lùa mạnh lắm, thổi tung cửa, cửa sổ đập ầm ầm, tiếng cây đổ, mái nhà bị thổi bay ì xèo! Em sợ quá cứ chui vô lòng mẹ mà khóc và cố ngủ. Sáng dậy thấy một cảnh hoang tàn! Mọi thứ hỗn loạn hết ! Nhà em bị bay mái, cửa thì sắp rớt ra, cây trong vườn đổ rạp.
Gia đình em ở đây ai rất mong cơn bão này sẽ không ảnh hưởng nhiều! Ba mẹ em cũng thường xuyên gọi điện hỏi thăm, dặn dò bà nội em mọi việc".
Trên mạng xã hội, rất nhiều bản tin về bão Haiyan được chia sẻ, mọi người cùng nhau góp lời cầu nguyện, hi vọng cơn thịnh nộ của thiên nhiên giáng xuống miền Trung sẽ giảm bớt phần nào.
Theo Dantri
Siêu bão Haiyan giữ nguyên sức tàn phá khi vào bờ Khoảng 16h chiều mai (10/11), vị trí tâm bão đi vào vùng biển các tỉnh Quảng Ngãi - Hà Tĩnh. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 13, cấp 14 giật cấp 15, cấp 16. Dự báo miền Bắc mưa lớn. Tin mới nhất từ Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn TƯ cho biết đến 16h chiều nay...