Bộ Công an cảnh báo đường dây ‘tín dụng đen’ lãi suất 1.600%/năm của người Trung Quốc
Bộ Công an vừa điều tra vụ án “ Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự” do nhóm người Trung Quốc cùng đồng bọn thực hiện với lãi suất tương đương 1.600%/năm.
Ngày 1/11, Bộ Công an cho biết, vừa qua, Cục Cảnh sát hình sự Bộ Công an phối hợp, chỉ đạo Phòng Cảnh sát hình sự Công an TP.HCM điều tra vụ án “Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự” do nhóm người Trung Quốc cùng đồng bọn thực hiện tại TP.HCM và các tỉnh, thành trên cả nước.
Đáng chú ý, trong vụ án này, nhóm người Trung Quốc cho người dân vay tiền với lãi suất 1 ngày là 4,4%, tương đương 1.600%/năm; tất cả các giao dịch của người vay và người cho vay tiền đều được thực hiện thông qua mạng internet và điện thoại di động.
Khi người vay không trả nợ đúng hạn sẽ bị những kẻ cho vay nặng lãi gọi điện đến số điện thoại của người thân quen trong danh bạ của người vay tiền nhục mạ, hạ uy tín, gây sức ép, buộc người vay tiền phải trả nợ. Đây là thủ đoạn hoàn toàn mới, tinh vi, là biến tướng của loại tội phạm cho vay “ tín dụng đen”, cần được tập trung ngăn chặn trong thời gian tới.
Theo đó, một số người nước ngoài lập công ty tài chính, thuê người đứng tên giấy phép kinh doanh, đại diện pháp luật, tạo ra ứng dụng để cho vay tiền trực tuyến (thường gọi là App); điển hình như ứng dụng “Vaytocdo”, “Moreloan”, “VD online” vừa bị lực lượng công an triệt phá.
Khi khách có nhu cầu vay tiền thì phải tải một trong ba ứng dụng trên về máy điện thoại di động của mình.
Để được cho vay, người vay phải điền đầy đủ các thông tin cá nhân, cung cấp hình ảnh chứng minh thư nhân dân hoặc căn cước công dân, số tài khoản ngân hàng; bắt buộc phải chọn mục “Đồng ý” trong hợp đồng cho vay điện tử, trong đó có điều khoản “người vay đồng ý cho ứng dụng truy cập danh bạ trên máy điện thoại di động”.
Sau khi người vay hoàn tất việc tạo tài khoản, ứng dụng sẽ tự động báo về hệ thống và có nhân viên của bộ phận cho vay tiếp nhận, liên lạc điện thoại với người vay để thu thập thêm thông tin, kiểm tra lại thông tin đã đăng ký trên App.
Nếu người vay thỏa mãn điều kiện vay tiền, người cho vay và người vay không cần gặp mặt mà chỉ cần vài phút đồng hồ, hệ thống tài khoản của Công ty cho vay sẽ tự động chuyển tiền vay cho khách hàng bằng số tài khoản ngân hàng kê khai trước đó.
Video đang HOT
Đối với khách hàng vay qua ứng dụng “Vaytocdo” thì người vay lần đầu chỉ được vay 1.700.000 đồng nhưng thực tế nhận về chỉ là 1.428.000 đồng, còn Công ty sẽ thu 272.000 đồng tiền phí dịch vụ. Trong 8 ngày người vay phải trả 2.040.000 đồng (trong đó, 1.700.000 đồng tiền gốc và 340.000 tiền lãi 8 ngày). Nếu khách vay trả chậm sẽ bị phạt 102.000 đồng/ngày.
Đối với khách hàng vay qua ứng dụng “Moreloan” và “VD online” thì người vay lần đầu được duyệt vay số tiền là 1.500.000 đồng, nhưng thực tế người vay chỉ được nhận 900.000 đồng, còn 600.000 đồng là tiền phí dịch vụ và tiền lãi trong 7 ngày. Sau 7 ngày, người vay phải trả tiền gốc vay là 1.500.000 đồng. Nếu người vay tiền trả chậm 01 ngày sẽ bị phạt từ 2 % đến 5 %/ngày.
Nếu người vay trả nợ đúng hạn, có uy tín thì lần vay sau, nhân viên Công ty sẽ duyệt cho người vay số tiền cao hơn từ cấp độ 1 đến cấp độ 7 (mỗi cấp độ gọi là 1 App), với số tiền tối đa được vay là 2.750.000 đồng. Tuy nhiên, sau một thời gian, mỗi người có thể vay nhiều App khác nhau cùng lúc, để có thể vay được số tiền mình có nhu cầu vay.
Như vậy, với hình thức cho vay nêu trên, nhóm người này đã cho vay với lãi suất 4,4 %/ngày, tương đương 30,8 %/tuần, 132 %/tháng và 1.600 %/năm.
Khi đến gần thời hạn trả nợ, nhân viên bộ phận thu hồi nợ của Công ty cho vay sẽ điện thoại nhắc nhở người vay phải trả nợ đúng hạn. Nếu đến hạn trả nợ mà người vay chậm trả, thì nhân viên thu hồi nợ sẽ liên tục điện thoại cho người vay để đòi nợ.
Nếu sau vài ngày, người vay vẫn không trả được số tiền nợ và không đạt được thỏa thuận trả lãi với bên cho vay, các nhân viên thu hồi nợ sẽ điện thoại “khủng bố” cho tất cả những người trong danh bạ điện thoại của người vay (gồm gia đình, bạn bè, đồng nghiệp…) nhằm đe dọa, chửi bới và yêu cầu những người quen biết với người vay tiền phải tác động đến người vay tiền phải chuyển tiền trả nợ cho chúng.
Cơ quan công an xác định từ tháng 4/2019 đến khi bị phát hiện, ngăn chặn, xử lý, có khoảng 60 nghìn giao dịch vay tiền qua 3 ứng dụng nói trên với tổng số tiền cho vay vào khoảng 100 tỷ đồng.
Đây là hoạt động “tín dụng đen” sử dụng công nghệ cao, ẩn dưới dạng cho vay trực tuyến, với lãi suất rất cao, tiềm ẩn nhiều rủi ro cho cả người vay và người cho vay.
Bộ Công an cảnh báo đến người dân về thủ đoạn cho vay lãi nặng mới xuất hiện này. Đồng thời, khuyến cáo người dân khi gặp khó khăn về tài chính, hãy tìm đến các ban, ngành, đoàn thể, chính quyền địa phương hoặc trực tiếp đến các tổ chức tín dụng, ngân hàng tin cậy để được hỗ trợ; cảnh giác cao với vay tiền qua các ứng dụng (app, web) trên mạng internet.
TÙNG LÂM
Theo vtc.vn
Công an khuyến cáo người dân muốn vay tiền nên chọn tổ chức uy tín
Công an tỉnh Ninh Bình vừa phát đi thông báo tới người dân, cảnh báo nguy cơ tiềm ẩn các loại tội phạm hoạt động tín dụng đen trên địa bàn.
Cụ thể, theo Công an tỉnh Ninh Bình, Bộ Công an thông báo thời gian qua trên địa bàn cả nước tình hình tội phạm hoạt động theo hình thức "Tín dụng đen" với phương thức, thủ đoạn mới là cho vay "Online" qua ứng dụng điện thoại di động "App".
Tuy số tiền cho vay không cao nhưng mức lãi suất cho vay rất cao, chỉ thực hiện qua ứng dụng điện thoại di động, giao dịch vay trả đều không có giấy tờ và địa chỉ Công ty cho vay không có thật, luôn có sự câu kết, chỉ đạo của các đối tượng trong và người nước ngoài nên đã gây rất nhiều khó khăn cho công tác phát hiện, điều tra, xử lý.
Cục cảnh sát hình sự Bộ Công an phối hợp với Công an thành phố Hồ Chí Minh phát hiện một số đối tượng người Việt Nam câu kết với các đối tượng người Trung Quốc thực hiện hành vi cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh qua các ứng dụng "Vaytocdo"; "Moreloan"; "VD Online".
Quá trình điều tra xác định, từ tháng 4/2019 đến nay các đối tượng đã thực hiện trên 60.000 giao dịch với số tiền khoảng 100 tỷ đồng. Quá trình điều tra ban đầu, cơ quan Công an đã làm rõ, số tiền các đối tượng cho vay đều với lãi suất rất cao từ 4,4%/ ngày, 30,8% /tuần, 132% /tháng và 1.600%/năm....
Tại Ninh Bình, theo thống kê, nhà chức trách chưa phát hiện, tiếp nhận vụ việc nào tội phạm hoạt động "Tín dụng đen" thực hiện các vụ việc tương tự, tuy nhiên nguy cơ tiềm ẩn các loại tội phạm này là rất lớn.
Tình hình tín dụng đen ngày càng phức tạp, trước tình hình này Công an Ninh Bình đã có cảnh báo tới người dân về loại hình tín dụng này. (Ảnh minh hoạ)
Nhằm phòng ngừa, đấu tranh có hiệu quả với tội phạm "Tín dụng đen", đặc biệt là những phương thức, thủ đoạn mới của loại tội phạm này, Giám đốc Công an tỉnh, Thủ trưởng Cơ quan cảnh sát điều tra để có những yêu cầu cấp bách đối với các lực lượng liên quan.
Thứ nhất, tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, thông báo rộng rãi phương thức, thủ đoạn, đặc biệt là những thủ đoạn mới, thủ đoạn lợi dụng công nghệ cao của tội phạm và tội phạm, vi phạm pháp luật trong hoạt động "Tín dụng đen" để nâng cao nhận thức, hiểu biết của nhân dân nhằm huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị và toàn dân trong phòng ngừa, đấu tranh.
Tiếp theo, tổ chức cho các cơ sở kinh doanh dịch vụ cầm đồ, cơ sở hỗ trợ tài chính, cho vay tài chính... ký cam kết thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật, không tham gia hoạt động "Tín dụng đen" dưới mọi hình thức.
Cùng với đó, phát động mạnh mẽ phong trào toàn dân tham gia phòng ngừa, phát hiện, tố giác các hoạt động kinh doanh dịch vụ có biểu hiện hoạt động "Tín dụng đen" trên địa bàn.
Ngoài ra, Giám đốc Công an tỉnh Ninh Bình cũng đã chỉ đạo các phòng nghiệp vụ, Công an các huyện, thành phố phối hợp với các ban ngành chức năng, các địa phương tổ chức tổng rà soát, đánh giá, phân loại đôi vơi toan bô cac cơ sơ kinh doanh nói chung, kinh doanh cầm đồ, cho vay tài chính, hỗ trợ tài chính nói riêng... trên đia ban tỉnh này để có biện pháp quản lý phù hợp, tập trung vào những cơ sở kinh doanh dịch vụ cầm đồ không có giấy phép hoặc không thực hiện đúng các quy định trong giấy phép để thu lãi suất cao, cầm cố tài sản không có giấy tờ sở hữu chính chủ; tài sản cầm đồ được chủ cơ sở cất, giấu tại nơi khác và không ghi vào sổ sách, kinh doanh dịch vụ hỗ trợ tài chính nhưng lợi dụng hoạt động này để phạm tội...
Công an Ninh Bình khuyến cáo người dân khi có nhu cầu vay tiền thì nên chọn lựa những những Ngân hàng, tổ chức tín dụng có uy tín, những cơ sở được cấp phép, có trụ sở rõ ràng.
Giám đốc Công an Ninh Bình yêu cầu kiên quyết xử lý các ổ nhóm tội phạm đứng ra thực hiện hoạt động "Tín dụng đen", bảo kê, tranh chấp, phân chia địa bàn, điều tiết, đòi nợ thuê ... các đối tượng hình sự núp bóng doanh nghiệp như công ty hỗ trợ tài chính, công ty thu hồi công nợ ...
Các lực lượng phối hợp với các ngành làm án đưa các vụ án ra xét xử công khai theo chế độ án điểm để giáo dục, răn đe chung. Phát hiện những sơ hở, thiếu sót trong công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực này để đề xuất, kiến nghị chấn chỉnh kịp thời.
"Khi có nhu cầu vay vốn, cầm đồ, thế chấp, tín chấp người dân cần phải tỉnh táo chọn lựa những những Ngân hàng, tổ chức tín dụng có uy tín, những cơ sở được cấp phép, có trụ sở rõ ràng...không nên quá tin vào những lời quảng cáo, tô vẽ của các đối tượng hay cũng vì nhu cầu vay tiền quá bức bách mà "nhắm mắt làm liều"...để tránh để tiền mất, tật mang" - Công an Ninh Bình khuyến cáo.
Theo danviet
Đánh sập ổ bạc cho vay lãi nặng gần 3 tỷ Từ năm 2018 đến nay, người đàn ông tên Hiếu đã cho 232 người vay lãi suất cao với số tiền 2,7 tỷ đồng. Ngày 24/10, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Tuyên Quang cho biết đã khởi tố, tạm giam Lê Đức Vinh (45 tuổi, có nhiều tiền sự về hành vi Đánh bạc, trú tại xã Lưỡng Vượng,...