Bộ Công an: Bỏ hộ khẩu giấy tiết kiệm 1.600 tỷ đồng mỗi năm
Bộ Công an đang lấy ý kiến về lựa chọn quản lý dân cư bằng hộ khẩu hay qua mã số định danh cá nhân.
Ngày 17/10, Bộ Công an công bố Dự thảo Báo cáo đánh giá tác động của chính sách trong dự án Luật Cư trú ( sửa đổi) để lấy ý kiến đóng góp trong hai tháng.
Trong dự thảo, Bộ Công an đưa ra hai phương án: giữ nguyên hình thức quản lý hộ khẩu như hiện nay hay bãi bỏ hình thức quản lý dân cư bằng sổ hộ khẩu, sổ tạm trú giấy mà thay thế bằng hình thức quản lý theo số định danh cá nhân cập nhật từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Với phương án một, Bộ Công an sẽ không phải sửa đổi, bổ sung hệ thống văn bản quy phạm pháp luật hiện hành quy định về thủ tục hành chính có liên quan tới giấy tờ công dân. Nhà nước không phải bảo đảm kinh phí để sửa đổi, bổ sung hệ thống văn bản quy phạm pháp luật này.
Dự kiến năm 2020 Chính phủ sẽ bỏ quản lý bằng sổ hộ khẩu giấy, thay thế bằng mã số định danh cá nhân. (Ảnh: Sơn Thành)
Tuy nhiên, người dân vẫn phải mất thời gian, công sức, chi phí liên quan tới sổ hộ khẩu, sổ tạm trú khi tham gia các giao dịch hoặc thực hiện các thủ tục hành chính có yêu cầu phải xuất trình. Nhà nước vẫn phải duy trì các bộ phận quản lý chuyên trách ở nhiều cấp để thực hiện các công đoạn quản lý sổ hộ khẩu, sổ tạm trú như lập tờ khai, thống kê, lập biểu mẫu…
Quản lý bằng mã số định danh tiết kiệm 300 tỷ đồng làm sổ bảo hiểm
Với cách quản lý dân cư thông qua số định danh cá nhân cập nhật từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Bộ Công an cho rằng đây là giải pháp đáp ứng xu thế ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động của cơ quan nhà nước, hướng tới Chính phủ điện tử… Việc này góp phần đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân liên quan đến quản lý dân cư, giảm chi phí khi thực hiện thủ tục đăng ký cư trú.
Video đang HOT
Hiện, công dân khi đi giao dịch phải mang theo rất nhiều loại giấy tờ như chứng minh nhân dân, sổ hộ khẩu, giấy chứng nhận kết hôn, giấy chứng nhận đăng ký quyền sử dụng đất, bằng lái xe…, thậm chí học sinh phải có giấy khai sinh.
Khi Cơ sở dữ liệu quốc gia về cư dân được hoàn thành, công dân không cần mang theo các loại giấy tờ nêu trên, không phải công chứng, chứng thực các loại giấy tờ này mà chỉ mang theo thẻ căn cước công dân hoặc cung cấp mã số định danh cá nhân cho cơ quan chức năng.
Theo Bộ Công an, khi ứng dụng công nghệ thông tin (cập nhật thông tin cá nhân từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư) vào giải quyết thủ tục hành chính sẽ giúp giảm chi phí ước tính khoảng 1.600 tỷ đồng mỗi năm từ việc công dân không phải khai nhiều lần các thông tin cơ bản của mình; không phải thực hiện việc sao, chụp hoặc thực hiện thủ tục hành chính chứng thực bản sao từ bản chính giấy tờ công dân như trước đây.
Sử dụng số định danh cá nhân vào quản lý dân cư sẽ là nền tảng để phát triển và sử dụng thẻ công dân điện tử (hoặc phương tiện điện tử), mở rộng các ứng dụng để tích hợp thông tin của nhiều ngành trên một thẻ (hoặc phương tiện điện tử).
Nếu có số định danh cá nhân thì bảo hiểm xã hội lấy số đó làm căn cứ để cấp. Hiện nay, việc nhập dữ liệu bảo hiểm mới phải trả 10.000 đồng/tờ khai. Nếu 30 triệu người phải cấp mới thì sẽ tiêu tốn khoảng 300 tỷ đồng. Điều này gây lãng phí rất lớn.
Dù nêu ra nhiều điểm mạnh của phương án này song Bộ Công an cũng cho rằng, việc xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư là dự án quy mô lớn, tính chất phức tạp, phạm vi triển khai rộng khắp từ trung ương tới tận xã, phường, thị trấn với vốn đầu tư tới trên 3.367 tỷ đồng trong khi điều kiện ngân sách nhà nước còn nhiều hạn chế, khó khăn…
Năm 2020 đủ điều kiện để bỏ quản lý bằng sổ hộ khẩu giấy
Trong Dự thảo, Bộ Công an cho biết việc triển khai dự án Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đã đạt được một số kết quả bước đầu như: hoàn thiện khung pháp lý cho việc triển khai dự án; đã xây dựng hạ tầng Trung tâm dữ liệu quốc gia về dân cư tại Hà Nội và TP.HCM; tổ chức cấp hơn 8 triệu số định danh cá nhân tại 16 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thông qua công tác cấp căn cước công dân và phối hợp với Bộ Tư pháp cấp hơn 900.000 số định danh cá nhân cho trẻ em mới sinh tại 18 địa phương.
Ngoài ra, ngành công an đang lưu trữ, khai thác, sử dụng có hiệu quả hệ thống tàng thư chứng minh nhân dân với hơn 60 triệu người và hệ thống tàng thư hộ khẩu với hơn 80 triệu nhân khẩu.
Với thông tin, tài liệu sẵn có cùng các dữ liệu chuyên ngành khác là nguồn quan trọng để cung cấp cho Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Bộ Công an đánh giá có thể tiết kiệm được chi phí và rút ngắn thời gian xây dựng cơ sở dữ liệu này.
“Vì thế việc triển khai đồng bộ xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư trên toàn quốc theo lộ trình đến năm 2020 là khả thi”, dự thảo của Bộ Công an nêu.
Năm 2017, Chính phủ ban hành Nghị quyết 112 về việc đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân liên quan quản lý dân cư thuộc phạm vi chức năng quản lý nhà nước của Bộ Công an. Trong đó có nêu phương án đơn giản bãi bỏ một số thủ tục liên quan đăng ký thường trú. Cụ thể, với nhóm thủ tục đăng ký thường trú (tại cấp huyện, cấp xã), nhà chức trách sẽ bãi bỏ hình thức quản lý dân cư đăng ký thường trú bằng “sổ hộ khẩu” và thay thế bằng quản lý thông qua mã số định danh cá nhân; bỏ “giấy chuyển hộ khẩu”; bỏ giấy tờ chứng minh về mối quan hệ gia đình, giấy khai sinh với trẻ em đăng ký thường trú….
Nguồn: VnExpress
Cảnh báo thủ đoạn giăng bẫy nạn nhân của các đối tượng cho vay tín chấp
Hiện nay tại Đắk Lắk đang nổi lên tình trạng cho vay tín chấp với thủ tục nhanh chóng, lãi xuất cao nhưng khi thu hồi nợ lại mang tính chất uy hiếp và khủng bố nạn nhân.
Theo Trung tá Nguyễn Hải Bình - Phòng Tham mưu, Công an tỉnh Đắk Lắk, thời gian gần đây trên địa bàn tỉnh xuất hiện tình trạng vay tín chấp phát triển đột biến. Tuy nhiên, điều nguy hiểm hơn chính là thủ đoạn của các đối tượng hết sức tinh vi để đưa nạn nhân vào bẫy.
Theo đó, đánh vào tâm lý cần tiền nhanh chóng nhưng thủ tục vay hết sức đơn giản, chỉ cần chứng minh nhân dân, giấy phép lái xe, sổ tạm trú, sổ hộ khẩu và các giấy tờ photo khác, người vay đã được giao tiền.
Tình trạng vay tín chấp tại Đắk Lắk tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Để thu hút người vay, ban đầu trong quá trình ký hợp đồng vay mượn, các đối tượng dùng thủ đoạn để trống mức lãi suất, sau khi người vay đã ký vào hợp đồng vay, các đối tượng tự điền mức lãi suất vào. Bên cạnh đó, các đối tượng còn dùng thủ đoạn khi tư vấn vay mượn thì nói lãi suất thấp nhưng khi ký hợp đồng lại chèn lãi suất cao nhưng quy thành mức trả lãi và gốc hàng tháng qua số tiền cụ thể nên nạn nhân không tỉnh táo tính mức lãi suất và ký vào các hợp đồng vay mượn về sau gánh lãi suất rất nặng.
Không chỉ vậy, Trung tá Nguyễn Hải Bình thông tin thêm, các đối tượng còn chèn vào hợp đồng vay mượn các điều khoản vô cùng bất lợi cho người vay như: Phí phạt cao khi không thanh toán đúng hạn, phạt khi thanh toán hợp đồng trước hạn và nhiều điều khoản bất lợi khác.
Tuy nhiên, điều khiến nhiều nạn nhân bất bình chính là cách các đối tượng đi thu tiền hàng tháng. Nếu người vay chậm trả khi đến hạn, các đối tượng khủng bố bằng cách liên tục gọi điện thoại, kể cả gọi cho người nhà để đe dọa, không ngại dùng cách bôi xấu danh dự của người vay để đòi nợ và đến nơi nạn nhân đang làm việc để gây áp lực. Bên cạnh đó, còn có trường hợp các đối tượng đòi nợ theo kiểu xã hội đen, bằng cách bôi hoặc ném chất bẩn vào nhà và nơi kinh doanh của nạn nhân để gây áp lực và khủng bố tinh thần người vay.
Trước tình trạng trên, Phòng tham mưu- Công an tỉnh Đắk Lắk khuyến cáo, người vay mượn và ký các hợp đồng vay mượn cần hết sức tỉnh táo để tính toán mức lãi suất cũng như lựa chọn các dịch vụ vay tiền kiểu tín dụng hợp pháp để tránh bất lợi cho mình.
Đặc biệt, khi có nhu cầu về vốn vay nên lựa chọn các ngân hàng uy tín và có mức lãi suất thấp hoặc các kênh hỗ trợ vốn để phục vụ sản xuất kinh doanh được Nhà nước khuyến khích.
Ngoài ra, theo Phòng tham mưu, nếu việc vay mượn lãi suất cao có dấu hiệu của hành vi cho vay nặng lãi thì báo cho các cơ quan chức năng để kịp thời xử lý và ngăn chặn để tránh những rủi ro, tình huống xấu cho bản thân và gia đình, đảm bảo tình hình ANTT trên địa bàn tỉnh.
An Dương
Theo vietq.vn
Tội phạm ma túy là "nguồn" của các loại tội phạm khác Ngày 28/9, tại Thành phố Vinh (Nghệ An), VKSND tối cao tổ chức Hội nghị tổng kết việc thi hành Luật phòng, chống ma túy năm 2000 (sửa đổi, bổ sung năm 2008) trong ngành Kiểm sát nhân dân. Đồng chí Trần Công Phàn - Phó Viện trưởng VKSND tối cao chủ trì hội nghị Cùng dự có các cơ quan thuộc Văn...