Bỏ chứng chỉ ngoại ngữ, thầy cô ví như “cơn mưa rào đi qua vùng nắng hạn”
Có những người cả năm đi dạy nhưng do không đúng chuyên ngành, cả năm chứng chỉ ấy chỉ đút túi đâu có đưa ra để sử dụng được.
Bộ Giáo dục và Đào tạo chính thức bỏ chứng chỉ tin học, ngoại ngữ cho giáo viên từ tháng 3/2021, đây là một trong những nội dung trong các Thông tư quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương viên chức giảng dạy trong các cơ sở giáo dục mầm non, các trường phổ thông công lập vừa được Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành.
Các Thông tư này được ban hành trên cơ sở sửa đổi, thay thế các Thông tư liên tịch số 20,21,22,23/2015/TTLT-BGDĐT-BNV do Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ Nội vụ ban hành năm 2015 và có hiệu lực thi hành từ tháng 3/2021.
Sau khi các thông tư này được ban hành, nhiều giáo viên ví điều này như “cơn mưa rào đi qua vùng nắng hạn” mà họ đang mong mỏi bao lâu nay.
Cô Ngô Thị Lễ – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Lê Hồng Phong, Thành phố Tam Điệp, Ninh Bình. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Dưới góc độ của một nhà quản lý, cô Ngô Thị Lễ – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Lê Hồng Phong, Thành phố Tam Điệp, Ninh Bình hơn ai hết là người nắm rõ tâm tư, nguyện vọng của các giáo viên và đã có những chia sẻ thẳng thắn với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam về vấn đề này.
Cô Lễ cho biết: “Theo tôi việc làm này của Bộ Giáo dục là rất đúng đắn. Ví dụ, nếu một cơ sở giáo dục nào đó thuộc tầm cao cấp hoặc mang chuẩn quốc tế, họ cần một giáo viên phải đảm bảo tới một mức yêu cầu nhất định nào đó. Họ sẽ xét tuyển đầu vào đáp ứng được đủ chuẩn thì việc đề ra các yêu cầu phù hợp là đúng.
Giáo viên ở các trường Tiểu học, Trung học cơ sở hay Trung học phổ thông hệ công lập ở mức độ đại trà thì nên bằng chuẩn đào tạo đầu ra sư phạm.
Theo kinh nghiệm công tác, tôi thấy rằng, những chứng chỉ đó chỉ là điều kiện cần để khi mình xét cho giáo viên đó làm việc gì đó cụ thể thôi.
Video đang HOT
Còn thực ra với giáo viên, có những người cả năm đi dạy, cho dù đầy đủ các loại chứng chỉ đó trong tay nhưng không đúng chuyên ngành giảng dạy của người đó thì rõ ràng cả năm những cái chứng chỉ ấy chỉ đút túi đâu có đưa ra để sử dụng.
Như vậy khác gì chúng ta đang lãng phí thời gian và tiền bạc để đầu tư vào một cái không thực sự cần thiết hay sao.
Vì thế, khi Bộ đề ra quyết định này, không đơn lẻ chỉ là với những người làm công tác quản lý như chúng tôi mà tất cả các giáo viên đều hết sức vui mừng và hoan nghênh quyết định đúng đắn của Bộ Giáo dục. Điều này là thiết thực và phù hợp với tâm tư nguyện vọng của rất nhiều giáo viên.
Tuy nhiên, cũng phải nhìn vào thực tế chung hiện nay, khi nền giáo dục của chúng ta đang trong quá trình đổi mới mạnh mẽ thì việc Bộ Giáo dục không yêu cầu giáo viên cần có những chứng chỉ đó không có nghĩa là chúng ta xem nhẹ mức trình độ về ngoại ngữ và tin học với giáo viên, hơn ai hết tự bản thân mỗi giáo viên cần cố gắng trau dồi hơn nữa các kinh nghiệm và kỹ năng.
Vì đã bước chân vào môi trường giáo dục thì nếu một giáo viên đảm bảo hoàn thiện về các trình độ chuyên môn bao giờ cũng sẽ gặp thuận lợi hơn so với các giáo viên khác”.
Khi phóng viên đặt câu hỏi về việc, nếu trong quá trình tuyển dụng đầu vào mà trong hồ sơ của giáo viên ấy không có những loại chứng chỉ trên thì quá trình tuyển dụng có làm khó cho nhà quản lý hay không? Và căn cứ vào đâu để đánh giá chính xác được năng lực của giáo viên đó, những điều này được cô Lễ thẳng thắn chia sẻ: “Thực tế, với một giáo viên nếu nếu họ có năng lực thực sự thì bằng con mắt nghề nghiệp và kinh nghiệm công tác quản lý lâu năm thì để đánh giá được chất lượng giáo viên đó là điều rất dễ dàng qua phỏng vấn, thực tế công việc.
Vì thế, không nhất thiết các giáo viên ấy phải trình ra được những chứng chỉ ấy thì mới được chúng tôi nhận vào.
Bởi một giáo viên muốn được vào công tác tại một cơ sở giáo dục nào đó thì tại cơ sở ấy luôn có một khung chung để cho các giáo viên đó thi đánh giá năng lực đầu vào.
Điều này đã được áp dụng bao lâu nay và luôn chọn được những giáo viên có năng lực thực sự.
Vì thế, khi tuyển dụng thì hồ sơ của họ chúng tôi cũng chỉ coi là điều kiện cần, cái cơ bản nhất vẫn là năng lực của chính bản thân họ”.
Bỏ chứng chỉ ngoại ngữ, tin học cho giáo viên là quyết định đúng của Bộ Giáo dục
Việc Bộ Giáo dục và Đào tạo bỏ yêu cầu chứng chỉ ngoại ngữ, tin học cho giáo viên là một quyết định phù hợp với thực tiễn, loại bỏ tính hình thức trong giáo dục.
Theo nội dung các Thông tư quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương viên chức giảng dạy trong các cơ sở giáo dục mầm non, các trường phổ thông công lập của Bộ Giáo dục và Đào tạo, từ tháng 3/2021, Bộ sẽ chính thức loại bỏ chứng chỉ ngoại ngữ, tin học cho giáo viên.
Trong nhiều năm qua, việc triển khai quy định về chứng chỉ ngoại ngữ, tin học đối với giáo viên đã bộc lộ một số bất cập như xuất hiện các đơn vị đào tạo, bồi dưỡng không chất lượng, thực hiện tổ chức thi, cấp chứng chỉ ngoại ngữ, tin học không đúng quy định; người học chỉ tìm cách để tích lũy đủ văn bằng nhưng việc học không thực chất; vấn nạn mua bán chứng chỉ tràn lan,...
Chính vì vậy, quy định bỏ chứng chỉ ngoại ngữ, tin học được xem là một tín hiệu tích cực của ngành giáo dục, giúp các thầy cô tháo gỡ những "trói buộc" hình thức bấy lâu nay.
Chia sẻ vấn đề này với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Thị An - Đại biểu Quốc hội khóa XIII cho biết: Đây là một quyết định đúng đắn, phù hợp với thực tiễn, giảm bớt những áp lực, sự cồng kềnh và những yêu cầu mang tính hình thức cho giáo viên.
Phó giáo sư, Tiến sĩ Bùi Thị An cho rằng từng vị trí việc làm của các giáo viên sẽ cần trình độ ngoại ngữ, tin học ở những mức khác nhau (Ảnh: Tùng Dương)
Theo Phó Giáo sư Bùi Thị An, nếu chứng chỉ của giáo viên là thực chất, phản ánh năng lực thực sự thì sẽ rất có ý nghĩa trong việc nâng cao, bồi dưỡng trình độ cho thầy cô. Còn trường hợp những chứng chỉ đó chỉ là mang tính hình thức thì cần phải được loại bỏ.
Tuy nhiên, quy định mới này không có nghĩa là những yêu cầu về trình độ ngoại ngữ, tin học không còn quan trọng với giáo viên. Bộ Giáo dục chỉ bỏ những yêu cầu mang tính hình thức nhưng vẫn cần khuyến khích giáo viên học tập, tự nâng cao, bồi dưỡng năng lực cần thiết về ngoại ngữ, tin học.
Bởi đây là những năng lực quan trọng giúp thầy cô giáo nâng cao chuyên môn của mình, hỗ trợ quá trình dạy học hiệu quả hơn, chất lượng hơn, đặc biệt trong thời đại công nghệ số và xu hướng hội nhập quốc tế như hiện nay.
Cũng theo Phó Giáo sư Bùi Thị An, điều quan trọng là Bộ Giáo dục đã có những điều chỉnh phù hợp liên quan đến trình độ ngoại ngữ, tin học của giáo viên.
Cụ thể, trình độ ngoại ngữ, tin học của giáo viên các cấp, các hạng được điều chỉnh từ tiêu chuẩn về trình độ đào tạo, bồi dưỡng sang tiêu chuẩn về năng lực chuyên môn nghiệp vụ.
Đối với trình độ ngoại ngữ, không còn quy định "cứng" là phải đảm bảo bậc 1 hay bậc 2, bậc 3 như trước đây mà chuyển thành "có khả năng sử dụng ngoại ngữ hoặc tiếng dân tộc thiểu số trong một số nhiệm vụ cụ thể được giao".
Đối với trình độ tin học, không còn là đạt chuẩn kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin cơ bản theo quy định tại Thông tư số 03/2014/TT-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông mà là "có khả năng ứng dụng công nghệ thông tin trong thực hiện các nhiệm vụ" của giáo viên theo hạng chức danh nghề nghiệp.
Như vậy, sự thay đổi này là phù hợp với thực tiễn, đi vào thực chất, góp phần mang đến những thay đổi tích cực cho giáo dục khi giáo viên được gỡ bỏ những vướng mắc mang tính hình thức.
Theo quan điểm của Phó Giáo sư Bùi Thị An, những quy định cụ thể về trình độ ngoại ngữ, tin học sẽ phụ thuộc vào từng vị trí việc làm, không áp dụng một cách cứng nhắc đối với tất cả các giáo viên, bởi mỗi giáo viên ở một vị trí sẽ có nhiệm vụ riêng, tính chất công việc khác nhau.
"Mỗi vị trí sẽ tương ứng với những tiêu chí, yêu cầu riêng. Có thể ở vị trí này, thầy cô cần đáp ứng yêu cầu về trình độ tin học cao nhưng ở vị trí khác lại chỉ cần đáp ứng trình độ tin học ở mức cơ bản.
Mỗi thầy cô giáo với chức trách, nhiệm vụ, công việc cụ thể được giao sẽ cần đáp ứng chuẩn năng lực về chuyên môn nghiệp vụ phù hợp với yêu cầu vị trí công việc. Nó sẽ đi vào thực chất.
Điều quan trọng là sau khi có quy định mới, điều chỉnh lại thì cần phải giám sát việc thực hiện, theo dõi, đánh giá quá trình chỉ đạo thực hiện như thế nào, kết quả đạt được ra sao. Làm được như vậy mới đảm bảo cho mục tiêu và ý nghĩa của sự thay đổi này", bà An khẳng định.
Bỏ chứng chỉ ngoại ngữ, tin học giáo viên đồng tình, hiệu trưởng băn khoăn Thầy cô đang giảng dạy tại Thành phố Hồ Chí Minh đồng tình với quyết định bỏ chứng chỉ tin học, ngoại ngữ trong quy định tiêu chuẩn chức danh. Chính thức bỏ chứng chỉ tin học, ngoại ngữ cho giáo viên từ tháng 3/2021, là một trong những nội dung trong các Thông tư quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh...