Bố chồng là người Cha đầu tiên trong cuộc đời tôi
Chỉ khi lập gia đình nhỏ của mình, tôi mới được tận hưởng cảm giác có bố. Giờ đây, tôi lại muốn được viết ‘tiếng lòng’ về thứ tình cảm thiêng liêng này: ‘Cha và con gái’.
“Cha và con gái” – một cuộc thi nghe tên thôi mà tôi đã muốn viết ra tình cảm của mình với bố. Nếu như trước kia, tôi sẽ lẳng lặng rời đi khi đọc được từ “cha, bố, ba, thầy” và “con gái”. Vì tôi sống với mẹ và gia đình ngoại từ nhỏ, tôi chưa từng hiểu cảm giác có bố ra sao. Chỉ khi lập gia đình nhỏ của mình, tôi mới được tận hưởng cảm giác có bố. Giờ đây, tôi lại muốn được viết “tiếng lòng” về thứ tình cảm thiêng liêng này: “Cha và con gái”.
Từ nhỏ, tôi không thể hiểu được cảm giác ngồi sau xe được bố đón đưa đi học, hay khi buồn bã tủi hờn có vòng tay bố ôm ấp vỗ về như bao cô gái khác. Thậm chí, cảm giác bố khóc khi con gái lấy chồng ra sao, tôi cũng chưa được cảm nhận. Nhưng… nay đã khác rồi. Tôi đã có Bố! May mắn biết bao khi được làm dâu của bố, được bố quan tâm như con gái ruột. Bao lâu rồi, tôi không gọi bố là “bố chồng”? Thoáng cái đã hơn 5 năm làm dâu ở đây, với sự tử tế và tốt bụng của bố mẹ chồng, tôi đã coi họ là bố mẹ ruột của mình.
Hai ông cháu vui vẻ nói chuyện. Tôi biết ơn vì bố luôn dành tình yêu thương vô bờ cho cháu nội!
Bố tôi tên Nguyễn Duy Hợp (là con cháu dòng họ Nguyễn Duy nổi tiếng ca trù của xã Thượng Mỗ, Đan Phượng), người bố dong dỏng cao, năm nay đã sáu mươi sáu tuổi, một người nông dân miệt vườn chất phác, thật thà, chăm chỉ.
Độ chăm chỉ của bố tôi khiến thanh niên phải thán phục. Bố mẹ tôi luôn cùng nhau làm mọi việc. Ở độ tuổi của bố, đáng lẽ ông bà được con cái chăm sóc. Nhưng chưa, vì thời gian của tôi làm việc nhiều nên nói chính xác là bố mẹ lại là người chăm sóc chúng tôi cùng cháu nội. Đôi khi, tôi cảm thấy thật hổ thẹn!
Ngày mới về đây, dân làng vẫn bảo tôi: “Cháu có phúc lắm mới được làm con dâu ông Hợp bà Ngó, ông bà tốt tính mà hiền lành lắm!”.
Video đang HOT
Quả đúng như vậy! Bố đối xử với tôi giống như các con gái, con trai của ông. Mỗi khi tôi bị ốm đau, bố vẫn thường hỏi han tôi rồi bảo mua thuốc thang hay đi khám xem thế nào. Cái gì chưa hiểu, chưa biết thì bố hướng dẫn. Khi mắc lỗi, bố cũng chỉ lỗi và răn dạy tôi. Bố tôi quan tâm từng cái nhỏ nhặt để chỉ bảo cho các con mình.
Bố tôi như một ông bụt vậy, luôn xuất hiện khi con cháu cần giúp. Tôi vốn là một người không có tài bếp núc, món ăn có hôm bị cháy đen hay mặn chát. Bố tôi chính là người hướng dẫn tôi nấu các món ăn, từ việc chuẩn bị nguyên liệu có những gì, cho gia vị nào đến canh lửa ra sao,… Có ai đi làm dâu lại được bố chồng chỉ bảo từ tốn như người Thầy như vậy không? Tôi nghĩ mình đã thật may mắn! Bố tôi cũng thật bao dung và độ lượng khi luôn ân cần chỉ dạy cho tôi – một người vụng về, mà không bao giờ cáu giận.
Bát canh cá dưa chua do bàn tay bố tôi nấu màu rất đẹp, vị cay mà ngon.
Hai bố con tôi tuy có khác nhau về thế hệ nhưng đó không phải là rào cản. Tôi thấy bố mình thật hiện đại, có khi giới trẻ còn thua xa về sự quan tâm. Những dịp lễ hay kỉ niệm như sinh nhật, ngày 8/3, 20/10, ông cũng nhắc khéo để cả gia đình tổ chức cho mẹ và tôi, cùng vui cùng chơi, tăng sự gắn kết tình cảm gia đình.
Mọi thứ bố dạy cho tôi thực sự là điều tốt và giúp ích cho cuộc sống, giúp tôi từng bước trưởng thành hơn. Một số người cũng đã cười chê rằng tôi có bố mẹ chồng cao tuổi, cách biệt về thế hệ. Nhưng với tôi, mọi thứ tôi được nhận từ gia đình – sự quan tâm yêu thương của bố mẹ chính là niềm hạnh phúc lớn nhất của tôi, khi bản thân tôi chưa làm được gì cho bố mẹ.
Bố luôn sẵn sàng dang đôi tay giúp đỡ, hỗ trợ, lo lắng cho gia đình. Còn nhớ, tháng 9/2018, tôi đi sinh bé. Bố tôi ở nhà lo lắng ngóng đợi mà hay gọi điện hỏi han, trong khi đã có hai mẹ và chồng tôi bên cạnh, cả dì ruột của tôi luôn túc trực. Thế rồi, tôi ở viện đến ngày thứ 3 là được về nhà. Dù cho bố tôi có sợ bệnh viện, sợ máu nhưng bố vẫn đi xe máy vào tận bệnh viện đón cháu.
Sau khi làm các thủ tục, các mẹ tôi chuẩn bị đồ và bế cháu, còn tôi đi bộ để xuống sân bệnh viện ngồi taxi về. Lúc đó, tôi không đi lại thuận lợi như bao người khác. Một tay tôi bám tường mà đi chầm chậm từng bậc xuống cầu thang, một tay bám vào vai bố làm điểm tựa mà đi. Tuy có ngại ngùng nhưng tôi cảm nhận được tình yêu thương, quan tâm tôi như con gái của bố.
Hai mươi năm chưa từng được cảm nhận sự quan tâm của bố, tôi lại may mắn gặp được người bố chồng tận tụy vì con cái như vậy! Thế rồi, con cái cùng cháu của ông cứ thế lớn dần theo thời gian, dưới sự chăm bẵm và quan tâm của ông bà. Ngay ở thời điểm hiện tại, bố tôi cũng là người đón đưa cháu nội mỗi ngày, nấu ăn, chăm sóc cho cháu. Cùng với mẹ tôi, mọi hành động của ông đều là sự hy sinh cao cả!
Bố tôi là nông dân miệt vườn chăm chỉ, chịu khó
Chính sự tử tế, tốt bụng, tình yêu thương con cháu của bố làm tôi càng thêm trân trọng, tôn trọng và kính nể ông! Mặc cho bao khó khăn vất vả nhưng bố tôi chưa từng một lần than thở. Có lẽ, ở tuổi bố, chẳng thiếu điều đau đớn nào mà bố chưa trải qua, từ việc được rèn giũa trong bộ đội, đến việc con mất, rồi bươn chải làm đủ nghề kiếm sống,…
Đặc biệt, tôi rất thích nghe những câu chuyện xưa: Kỉ niệm những ngày bố đi bộ đội với các bác cùng quê, ngày bố mẹ tôi vất vả mưu sinh, đi xe đạp thồ cả tạ chuối đi bán ngoài Hà Nội,… Nên đến bây giờ, mọi sự yêu thương, tình cảm gia đình đều được bố tôi gửi gắm qua mỗi hành động, cử chi, lời nói với các con của mình.
Bố tôi đã có tuổi, bệnh tật cũng có chẳng tránh ông. Tôi chỉ mong sao bố luôn khỏe mạnh, sống thật lâu với gia đình và hơn hết là sự vui vẻ, an yên trong chính gia đình của mình. Những điều yêu thương, tình cảm gia đình có khi sẽ rất khó để bày tỏ ra, đặc biệt là con dâu và bố chồng. Sự chăm sóc của bố mẹ dành cho con cháu không phải là lẽ tất nhiên mà đó là sự yêu thương, đức hy sinh của bậc làm cha làm mẹ vì con cháu.
Bằng tất cả tình cảm của mình, tôi chỉ muốn nói với bố rằng: “Con cám ơn bố! Con biết rằng bố đặt hy vọng ở các con của mình rất nhiều và con cũng đang cố gắng để mọi thứ tốt nhất có thể, trong khả năng của mình.
Con cám ơn bố đã làm bố chồng của con. Cao cả hơn, bố thực sự là người Thầy, “ Người Cha đầu tiên” trong cuộc đời con. Cũng may là con đã làm con dâu của bố, không phải khóc lóc sướt mướt như bao cô con gái khác khi lấy chồng, khóc vì xa bố đẻ. Con cám ơn Bố vì tất cả. Con biết ơn sự hy sinh cao cả của Bố!”.
Con không cần là kim cương
Người ta bảo: Áp lực tạo ra kim cương, tôi lại nghĩ coi lũ trẻ là kim cương thì lũ trẻ sẽ bị áp lực.
Con là một viên kim cương của cha mẹ. Hầu hết mọi người cha, người mẹ bình thường đều như vậy. Chúng ta coi con như tài sản giá trị liên thành của đời mình. Nhiều người cha, người mẹ sẵn sàng bán thận nuôi con, trở thành hổ dữ nếu như ai đó làm tổn hại con mình. Chúng ta ai mà không yêu con, ai mà không dùng cả sinh mạng của mình để bảo vệ con. Nói con là viên kim cương lẽ là hơi... rẻ. Phần đa cha mẹ còn coi con giá trị cao hơn toàn bộ số kim cương trên Trái Đất này, trong đó có cả tôi, tất nhiên!
Nhưng. Nhưng vì con là kim cương, con là vàng, con là bạc, chúng ta đôi khi vô tình tạo áp lực lên con. Như muốn viên kim cương lúc nào cũng sáng bóng mà chúng ta chà sát con bằng sự kỳ vọng của mình. Coi con là tương lai của đời mình nên ai cũng muốn tương lai ấy phải sáng lạn. Vì yêu con, chúng ta luôn muốn con có được những điều tốt nhất mà không ngần ngại làm những điều xấu. Nhiều cha mẹ tù tội vì chạy điểm cho con đấy thôi. Vì yêu con, sợ mất con mà chúng ta xây đủ mọi lệnh áp đặt vào con, xây tường thép quanh con. Càng sợ xã hội ngoài kia chúng ta càng tôn lên nhiều bức tường, xây hào sâu, gia tăng sức mạnh xung quanh con để bảo vệ con mình. Những đứa trẻ bị đặt vào môi trường vô trùng bằng nỗi sợ hãi của cha mẹ. Như dịch Covid này, nhiều cha mẹ kiên quyết không muốn con tới lớp vì sợ con nhiễm. Chúng ta yêu con vậy có sai không? Thật, không sai. Cha mẹ mà! Nhưng với các con, đó là một áp lực.
Lũ trẻ không bao giờ hiểu việc cha mẹ yêu mình, muốn bảo vệ mình. Lũ trẻ chỉ hiểu cha mẹ đang không tin mình, áp đặt mình, dữ dằn với mình. Là bởi chúng đã bao giờ là người lớn đâu, chúng chưa bao giờ làm cha mẹ cả. Chỉ đến khi làm cha mẹ rồi chúng ta mới hiểu vì sao cha mẹ ta hành xử như vậy khi xưa mà, đúng không? Nên cha mẹ ạ, chúng ta có nên coi con mình như kim cương không?
Ảnh minh hoạ
Không coi con như kim cương thì coi con là gì? Yêu con thế nào cho đúng? Làm sao để con không phải áp lực vì con là con của cha mẹ yêu con thái quá? Tôi nghĩ đó là TRÁCH NHIỆM. Là hãy cho con cơ hội để con chịu trách nhiệm nhiều hơn. Với chính bản thân chúng trước nhất. Như việc học hành. Hãy cho con quyền tự chịu trách nhiệm với việc học của con. Là con học cho chính con chứ không phải học cho cha mẹ. Học giỏi thì cái gì cũng được, học kém thì quyền lợi nhận ít đi, không học thì mất quyền. Luôn là vậy, trách nhiệm càng cao thì quyền lợi càng rộng. Và luôn rõ ràng. Như 3 đứa trẻ nhà tôi chúng có thể dùng điện thoại cả ngày nếu như chúng đã hoàn tất mọi bài vở trước đó, hoàn tất những trách nhiệm của chúng ở nhà. Cha mẹ buộc phải tuân thủ với những quy định mình đã đề ra. Bằng sự tôn trọng và gìn giữ những nguyên tắc đó.
Vợ chồng tôi chưa bao giờ coi con mình là kim cương cả. Chỉ muốn chúng bình thường bởi vợ chồng chúng tôi chẳng phải kẻ phi thường. Vợ chồng tôi cũng có những giấc mơ. Nhưng đó là giấc mơ của riêng 2 vợ chồng. Lũ trẻ không liên quan. Cuộc đời chúng là cuộc đời của chúng. Nếu lỡ mai này chúng không vẽ ra được giấc mơ của chúng thì về đây sống ké bố mẹ. Đằng nào chả thế, chúng ta sinh ra chúng và chúng ta phải làm cha mẹ chúng suốt đời mà. Chạy trời sao khỏi nắng? Thế nên kệ đi! Tốt thì tốt mà không tốt cũng chẳng bỏ chúng được. Miễn là đừng làm hại người khác bởi sự bất tài của mình. Có hại thì hại bố mẹ là đủ rồi. Chẳng có cha mẹ nào sinh con ra mà muốn con sau này là cướp cả. Nhưng nhiều kẻ cướp đều là những kẻ bị cha mẹ ngừng lại việc yêu thương chúng đấy thôi!
Tất cả mọi thứ đều không miễn phí, trừ yêu thương mà cha mẹ dành cho con. Miễn phí và vô điều kiện. Nuôi con là những kỳ công nhưng không đặt ra kỳ vọng. Nghĩ vậy chúng ta sẽ không tạo ra áp lực cho các con. Mà vui vẻ sống cùng các con. Và yêu thương thì phải vui mà, đúng không? Thế nên thi thoảng vẫn cứ ôm nhau 1 cái, khoác vai nhau một cái, thơm trán thơm má nhau 1 cái. Lớn cũng như bé, các con có 30 tuổi bố mẹ vẫn cứ thơm con, sến kệ, chả sao. Chúng mình là cha mẹ và con cái với nhau suốt đời mà. Học dốt hay học giỏi cũng sẽ nhận được yêu thương y chang, vì yêu thương là miễn phí, là nền tảng vậy. Các con không cần phải thực hiện giấc mơ nào giùm cha mẹ cả. Hãy học cách chịu trách nhiệm với chính bản thân mình, vậy thôi! Tự khắc, cha mẹ cũng sẽ thành viên kim cương của đời chúng và ngược lại!
Bố chồng khuyên đừng ly hôn, biết rõ lý do con dâu chỉ muốn chia tay thật nhanh Vợ chồng lục đục, bất hòa từ lâu nhưng chưa dám ly hôn vì bố chồng ra sức níu kéo. Tâm sự chuyện bố chồng nàng dâu Tôi kết hôn chỉ được vài năm đầu gọi là tạm ổn, chồng chịu khó làm ăn, quan tâm vợ con. Chúng tôi sớm mua được nhà, xe ô tô... Nhưng sau đó là nhạt dần...