Bỏ cấm vận vũ khí: Dấu ấn Tái cân bằng của Obama
Tổng thống Mỹ Barack Obama vừa chính thức tuyên bố gỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm vận vũ khí sát thương đối với Việt Nam, một trong những nội dung quan trọng của chuyến công du này.
Mỹ áp đặt lệnh cấm vận vũ khí sát thương đối với Việt Nam từ năm 1984 tới nay. Dù hai nước đã bình thường hoá quan hệ và và nâng cấp lên mức Đối tác toàn diện, việc Washington duy trì lệnh cấm vận được coi là sự “phân biệt” của Mỹ trong quan hệ đối với Việt Nam.
Trước thềm chuyến thăm, Thượng nghị sĩ John McCain kêu gọi Mỹ bỏ lệnh cấm vận vì “ngày nay, Việt Nam là đối tác ngày càng quan trọng ở khu vực cam kết duy trì các nguyên tắc để đảm bảo trật tự theo luật lệ ở châu Á-Thái Bình Dương: Tự do trên biển, thương mại cởi mở, giải quyết hoà bình các tranh chấp”.
Bỏ cấm vận vũ khí đối với Việt Nam sẽ trở thành dấu ấn lớn trong nhiệm kỳ của Tổng thống Mỹ Barack Obama. Ảnh: AP
Trở ngại đối với việc bỏ cấm vận là một số nhóm bảo thủ trong chính quyền Mỹ muốn gây sức ép với Việt Nam trên một số vấn đề.
Trong khi các đồng minh Mỹ ở Đông Á phàn nàn về việc Washington đã chuyển sự chú ý của Mỹ về Đông Âu và Trung Đông trong 3-4 năm gần đây, chính sách chuyển trục về châu Á của Nhà Trắng vẫn thể hiện cụ thể và xuyên suốt ở Việt Nam và Philippines.
Từ năm 2013, Tổng thống Obama và Ngoại trưởng John Kerry đã tuyên bố về việc tài trợ tàu tuần tra và viện trợ nâng cấp năng lực trên biển cho Việt Nam. Năm 2015, hai nước ký tuyên bố chung về tầm nhìn quốc phòng nhân chuyến thăm của Bộ trưởng quốc phòng Mỹ Ashton Carter.
Ở Philippines, Mỹ đã tái ký thoả thuận phòng thủ chung (MDT) vào năm 2014 và cung cấp thêm tàu chiến cho Manila trong năm 2015.
Video đang HOT
Cũng trong năm 2015, Mỹ đã công bố sáng kiến An ninh hàng hải (MSI) trị giá 500 triệu USD để xây dựng năng lực trên biển cho các nước Đông Nam Á. Giới quan sát nhận định những diễn biến ở biển Đông đẩy nhanh hơn nữa quá trình Mỹ trở lại và gắn kết ở khu vực này.
Báo Los Angeles Times gọi Việt Nam là “đối tác chính” của tái cân bằng ở châu Á. Murray Hiebert, chuyên gia của Trung tâm Nghiên cứu và Chiến lược Quốc tế (CSIS) ở Washington cũng nói với Zing.vn: “Việt Nam cần hiện đại hoá dần lực lượng quân sự của họ và Việt Nam đánh giá cao công nghệ quân sự Mỹ, coi các vũ khí này có giá trị chiến lược lớn.”
16 năm trước, khi tổng thống Mỹ Bill Clinton hạ cánh xuống Hà Nội, mục tiêu của ông là đưa quan hệ Việt – Mỹ vượt qua cuộc chiến đau thương cách từ vài thập kỷ trước. Chuyến thăm trở thành một trong những dấu ấn quan trọng nhất của nhiệm kỳ Clinton.
Với Obama, tới Việt Nam để bỏ cấm vận vũ khí là điểm nhấn quan trọng nữa của Tái cân bằng về châu Á. Cùng với TPP, đây là một trong những di sản nổi bật nhất của ông ở châu lục.
Thanh Tuấn
Theo Zing News
Thăm Việt Nam, Obama tuyên bố bỏ lệnh cấm bán vũ khí?
Chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Barack Obama đánh dấu mốc quan trọng trong việc thiết chặt quan hệ ngoại giao hai nước.
Tạp chí uy tín Forbes đăng bài viết của chuyên gia theo dõi các vấn đề châu Á Ralph Jennings về chuyến thăm Việt Nam từ ngày 23-25/5 tới của Tổng thống Mỹ Barack Obama, trong đó có nhắc tới Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) và khả năng Mỹ dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm vận vũ khí sát thương.
Hai bên dự kiến thảo luận về vai trò của Việt Nam trong TPP - khu vực thương mại tự do chiếm tới 40% sản lượng kinh tế toàn cầu, song lại không có sự tham gia của Trung Quốc, quốc gia cũng nằm trên Vành đai Thái Bình Dương và có Tổng Sản phẩm Quốc nội (GDP) lớn thứ hai thế giới.
Bắc Kinh bị bỏ rơi vì một số nước thành viên TPP muốn dùng hiệp định này làm đối trọng với Trung Quốc trong hoạt động thương mại toàn cầu hiện nay.
Chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Mỹ Barack Obama có ý nghĩa rất lớn trong quan hệ hai nước
TPP đòi hỏi Việt Nam, được coi là nước được hưởng lợi nhiều nhất từ hiệp định thương mại tự do này, phải cải thiện các điều kiện lao động và tiêu chuẩn về môi trường.
Bài viết dẫn lời Oscar Mussons, Cố vấn về thương mại quốc tế thuộc hãng tư vấn Dezan Shira & Associates ở TP.HCM, nhận định Tổng thống Obama có thể tận dụng chuyến thăm để hối thúc Việt Nam phải đi theo hướng này.
Việt Nam là nước xuất khẩu hàng hóa sang Mỹ nhiều nhất trong số các nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), đồng nghĩa với việc "thương mại song phương sẽ tăng vọt sau khi TPP được thực thi".
Chuyến thăm Việt Nam của ông Obama sẽ là một dịp tốt để nhắc nhở nghĩa vụ của cả hai nước, cũng như là một cơ hội để Việt Nam chứng tỏ nước này sẵn sàng thúc đẩy và tiếp tục điều chỉnh luật pháp hướng tới một môi trường kinh doanh thân thiện hơn. Quốc hội Việt Nam dự kiến sẽ biểu quyết thông qua TPP trong phiên họp thứ nhất của Quốc hội khóa XIV, dự kiến khai mạc vào tháng 7/2016.
Một chủ đề được dư luận nhắc tới nhiều trong thời gian gần đây là khả năng Mỹ dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm vận vũ khí sát thương cho Việt Nam trong chuyến thăm của Tổng thống Obama.
Theo Fobers, đối với Việt Nam, Nhà Trắng đang cân nhắc việc dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm vận vũ khí sát thương áp đặt ba thập kỷ qua, một "vết đen" trong quan hệ lạnh nhạt giữa hai nước sau cuộc Chiến tranh Việt Nam.
Việt Nam đã kêu gọi Mỹ dỡ bỏ lệnh cấm vận này trong bối cảnh quan hệ song phương đang ấm lên.
Bán vũ khí cho Việt Nam sẽ giúp các nhà thầu quốc phòng Mỹ như Boeing BA, Raytheon hay Lockheed Martin tăng mạnh hoạt động kinh doanh ở nước ngoài.
Sở dĩ có tin Tổng thống Obama có thể sẽ công bố quyết định dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm bán vũ khí sát thương cho Việt Nam vì Bộ trưởng Quốc Phòng Ash Carter đã xác nhận ông ủng hộ việc này.
Về khả năng Mỹ dỡ bỏ cấm vận vũ khí sát thương, trả lời phóng viên TTXVN tại Washington Đại sứ Việt Nam tại Mỹ Phạm Quang Vinh cho biết với tư cách là Đại sứ Việt Nam tại Mỹ, ông đã làm việc với các cơ quan trong chính quyền và các nghị sĩ trong Quốc hội Mỹ.
Đại sứ Phạm Quang Vinh cho rằng việc dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm vận vũ khí sát thương là cần và càng sớm càng tốt, và đặc biệt là nếu đạt được trong chuyến thăm này thì đó là điều rất tốt cho quan hệ hai nước.
Việc dỡ bỏ lệnh cấm vận chứng tỏ rằng quan hệ hai nước được bình thường hóa một cách hoàn toàn. Bên cạnh đó, việc dỡ bỏ lệnh cấm vận này sẽ giúp tăng thêm độ tin cậy giữa hai nước, mở ra các cơ hội hợp tác mới.
"Ông Obama sẽ hối thúc Trung Quốc ngừng các hành động hung hăng ở Biển Đông, và sẽ kêu gọi Trung Quốc đảm bảo tự do hàng hải và tuân thủ luật pháp và đàm phán quốc tế để giải quyết các bất đồng", Forbes dẫn lời ông Murray Hiebert, chuyên gia tại Viện nghiên cứu quốc tế và chiến lược (CSIS) của Mỹ nhận định.
Ông Hiebert cũng nhận định, chuyến thăm Việt Nam sẽ là cơ hội để ông Obama tăng cường quyền lực mềm trong chính sách ngoại giao của Mỹ tại Đông Nam Á.
Tờ Diplomat nhận định, chuyến thăm diễn ra trong bối cảnh đặc biệt, sau Đại hội XII của Đảng Cộng sản Việt Nam và trước thềm bầu cử tổng thống ở Mỹ vào tháng 11.
Phó giáo sư Admund Malesky thuộc Khoa Kinh tế Chính trị Đại học Duke (Mỹ) nhận định: "Chuyến thăm có thể sẽ là cơ hội để hai nước thúc đẩy giao lưu trong tương lai và xây dựng mối quan hệ mà chúng ta không thể hình dung được trên nhiều lĩnh vực từ thương mại, giáo dục cho tới hợp tác năng lượng...".
Theo Baodatviet
Nghị viện châu Âu gây áp lực đòi EU cấm vận vũ khí đối với Ả-rập Xê-út Ngày 25-2, Nghị viện châu Âu (EP) đã kêu gọi Liên minh châu Âu (EU) áp đặt lệnh cấm vận vũ khí đối với Ả-rập - Xê-út, với quan điểm rằng chính phủ Anh, Pháp và các nước EU khác không nên bán vũ khí cho một quốc gia bị cáo buộc là đang tấn công dân thường ở Yemen. Theo Reuters, Anh...