Bỏ cà phê trồng cam lòng vàng, “bắt” đất dốc “đẻ” cả tỷ bạc
Đang sống khỏe từ 4 ha cây cà phê nhưng vì “giặc” sương muối, lão nông Hoàng Văn Chất, bản Củ 2 ( xã Chiềng Ban, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La) đã mạnh dạn chuyển đổi toàn bộ diện tích sang trồng cây cam lòng vàng. Sau 5 năm làm bạn với cây cam, không những giúp phủ xanh đất trống đồi trọc mà mỗi năm, 4 ha cam còn “đẻ” cho ông Chất cả tỷ bạc.
Đến xã Chiềng Ban hỏi bà con về hộ nông dân làm kinh tế giỏi, mọi người đều chỉ đường hướng đến nhà ông Chất. Tìm đến vườn cam rộng 4ha ở bản Củ 2, ông Chất đang tíu tít chuyền trò với hàng chục khách hàng đến tham quan. Nhìn vườn cam rộng ngút tầm mắt của ông Chất, cây nào cây nấy cho quả sai trĩu cành, khách đến tham quan ai cũng trầm trồ, thán phục.
Theo ông Chất, để thành công trong trồng cam, đòi hỏi người trồng phải tâm huyết và thương xuyên cập nhật những bí quyết trồng cam trên các phương tiện truyền thông
Với tính hiếu khách của người dân tộc Thái ở vùng Tây Bắc, sau khi được ông Lò Văn Sâm, Chủ tịch Hội Nông dân xã Chiềng Ban giới thiệu có phóng viên đến tham vườn, ông tay bắt mặt mừng như người thân xa lâu ngày mới gặp.
Dẫn chúng tôi tham quan một vòng quanh khu vườn, ông Chất kể: Trước kia, toàn bộ khu vườn này được gia đình tôi trồng cây cà phê. Thời điểm đó, giá cà phê cao nên nhà nào trồng càng nhiều, đời sống càng sung túc. Đầu những năm 90, từ trồng cà phê, tôi cũng xây được ngôi nhà cấp 4 khang trang đẹp nhất bản.
Trong vườn cam rộng 4 ha của ông Chất có mặt đầy đủ các loại cam như: Lòng vàng, Vinh, V2
Đang sống tốt với cây cà phê thì đột nhiên xuất hiện hiện tượng sương muối làm chết hàng loạt vườn cà phê ở bản Củ 2 và vườn của ông Chất cũng không ngoại lệ. Theo ông Chất, như thường lệ, cứ 3 – 4 năm sương muối lại xuất hiện một lần. Bởi vậy, bà con gọi hiện tượng sương muối là “giặc”.
Không nản chí, sau hiện tượng sương muối, ông Chất lại cặm cụi trồng lại diện tích cà phê đã chết. Nhưng “đến hẹn lại lên”, sau 3 năm cần mẫn chăm sóc, diện tích cà phê trồng mới chuẩn bị cho thu hoạch thì lại chết dần, chết mòn vì sương muối. 3 lần vườn cà phê của mình bị sương muối “hỏi thăm”, ông Chất đành ngậm ngùi từ bỏ cây cà phê và tìm cây trồng khác thay thế.
Video đang HOT
Vườn cam của ông Chất, cây nào cây nấy đều cho quả sai trĩu cành
Ông Chất nhận thấy, ở dọc triền núi sau nhà có giống cam địa phương chống chọi rất tốt với hiện tượng sương muối, nhưng sản lượng quả thấp và chất lượng không ngon. Để tìm được giống cam cho hiệu quả kinh tế cao, ông Chất “khăn gói” đến những vùng trồng cam có tiếng như: Yên Bái, Hòa Bình, Bắc Giang, Nghệ An để học hỏi kỹ thuật trồng và chăm sóc cây cam.
“Sau khi về nhà, cảm thấy kiến thức trồng cam vẫn chưa đủ, tôi tiếp tục xuống Hà Nội “lùng” tìm mua và đọc sách hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc, phòng bệnh cho cây có múi. Tôi phải mất 4 ngày đi bộ ở thủ đô Hà Nội mới gom đủ các sách hướng dẫn kỹ thuật trồng cây có múi…” – ông Chất kể với giọng sang sảng.
Do diện tích trang trại quá rộng, ông Chất phải đầu tư cả camera để giám sát
Sau khi nắm được bí kíp trong lòng bàn tay, năm 2012, ông Chất xuống Đại học Nông nghiệp 1 Hà Nội, nay là Học viện Nông nghiệp mua 200 giống cam lòng vàng về trồng. Nhờ mua được giống tốt cộng với kỹ thuật, kinh nghiệm chăm cam học hỏi được từ trước nên giống cam lòng vàng được ông Chất trồng đến đâu phát triển xanh tốt tới đó.
Không phụ công chăm bón, đến năm 2015, vườn cam nhà ông Chất cho thu lứa quả đầu tiên, xuất bán được hơn 18 tấn quả. Với giá bán 30.000đ/kg, ông Chất thu hơn 500 triệu đồng. Có vốn trong tay, ông Chất tiếp tục mở rộng diện tích và mua thêm cây giống về trồng.
Ông Chất tận tình hướng dẫn khách hàng đến tham quan vườn tược về cách trồng, chăm sóc cam
Chia sẻ bí quyết trồng cam, ông Chất tiết lộ: Quan trọng nhất là phải chọn được giống tốt, có nguồn gốc, xuất xứ. Trước khi trồng, đất phải được cài ải, đào hố rộng 80×80, cây cách cây 3m, hàng cách hàng 4m. Sau khi đào hố xong, bón phân lót rồi để từ 30 đến 45 ngày mới bắt đầu trồng.
Không chỉ làm giàu cho gia đình, ông Chất còn tạo việc làm thường xuyên cho 3 lao động địa phương với mức lương 4 triệu đồng/người/năm
Lý giải về việc đào hố, bón lót trước khi trồng từ 1 – 1,5 tháng, ông Chất cho hay: Làm như vậy, đất được phơi khô sẽ tạo điều kiện cho vi sinh vật có lợi hoạt động mạnh, làm cho đất tươi xốp; đồng thời hạn chế sự tồn tại các mầm mống sâu bệnh con lưu trú, tồn dư trong đất. Tiếp đó, dùng chế phầm sinh học ủ phân chuồng cho hoai mục trước khi đem bón cho cây.
Ngoài trồng cam, ông Chất còn trồng thêm bưởi da xanh theo tiêu chuẩn VietGAP. Ông Chất cho biết, hiện tại HTX đã ký hợp đồng với Vincom Sơn La để tiêu thụ sản phẩm cho các thành viên trong HTX
Thì thầm bên tai chúng tôi, ông Chất phấn khởi bảo: Năm ngoái, nhà chú xuất bán được hơn 40 tấn quả, với giá trung bình 28.000 đ/kg, thu hơn 1 tỷ đồng. Sau khi trừ chi phí, lãi 600 triệu đồng. Dự kiến, năm 2018, sản lượng toàn vườn thu trên 80 tấn.
Thấy một số hộ dân còn có thói quen dùng nhiều thuốc bảo vệ thực vật để kích thích, phun cho cây cam gây ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng, tháng 4.2018, ông Chất đã mạnh dạn đứng lên thành lập hợp tác xã (HTX) Trường Tiến. Hiện tại, HTX đã được cấp chứng nhận VietGAP, với 12 thành viên và diện tích đất canh tác 12 ha, chủ yếu trồng cây cam với bưởi.
Theo Danviet
Ghép mắt cam Vinh trên gốc bưởi dại, tưởng làm chơi mà lại có tiền
Anh Trần Hùng Mạnh, sinh năm 1978 ở xóm 3, tiểu khu Nà Sản (xã Chiềng Mung, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La) ghép mắt cam Vinh trên 300 gốc bưởi dại. Ban đầu, nhiều người kêu anh làm chơi, ai ngờ lại hay. Những mắt cam Vinh phát triển "cực khỏe" trên gốc bưởi dại mang lại nguồn thu không nhỏ cho gia đình anh Mạnh...
Nhiều năm trở lại đây, người dân sinh sống ở tiểu khu Nà Sản, xã Chiềng Mung đã chuyển đổi toàn bộ diện tích nương vườn sang trồng hoặc ghép cây ăn quả có múi thành công, đời sống kinh tế của bà con nơi đây đã dư giả hơn so với trước. Gia đình anh Trần Hùng Mạnh là hộ tiên phong trong ghép cam Vinh trên gốc bưởi dại ở khu nương vườn hơn 6.000m2, mỗi năm vườn cây nhà anh cho thu nhập hàng trăm triệu đồng.
Nhờ ghép cam Vinh trên 300 gốc bưởi dại, anh Mạnh đã có đời sống khấm khá hơn trước.
Anh Mạnh cho biết: "Tôi ghép cam Vinh trên 300 gốc cây bưởi dại từ năm 2014. Mắt ghép cam Vinh được tôi xuống mua tại TP. Vinh (Nghệ An) về ghép tại vườn. Khi mới đầu bắt tay vào ghép cam Vinh nhiều người thân trong gia đình đều can ngăn và nói sao không mua hẳn cây giống về trồng cho tiện, chứ ghép lên cây bưởi dại thế này sẽ cho hiệu quả thấp, nhưng tôi đều bỏ ngoài tai, cứ thế bắt tay vào ghép. Ai ngờ cành ghép cam Vinh trên gốc bưởi dại phát triển "cực khỏe". Sau đó, tôi đầu tư xây dựng hệ thống tưới nước tự động khắp vườn cây để tiện lợi cho việc tưới tiêu và tạo điều kiện cho cây sinh trưởng và phát triển tốt hơn. Sau 2 năm ghép, tôi thấy vườn cam của gia đình phát triển tốt và cho quả xum xuê".
Anh Mạnh đang kiểm tra qúa trình phát triển cây cam Vinh tại vườn.
Trong quá trình trồng và chăm sóc cam Vinh ghép lên gốc bưởi dại, anh Mạnh hầu như không được học qua bất kỳ trường lớp đào tạo về kỹ thuật, chăm bón cây trồng nào. Mọi quy trình chăm sóc anh đều tự tìm hiểu trên mạng internet và tích lũy từ thực hành tại vườn. Về phân bón, anh Mạnh dùng phân NPK kết hợp với phân chuồng bón cho vườn cam Vinh. Bởi vậy, mà vườn cam Vinh của gia đình anh từ khi ghép mắt đến hiện tại cây nào cây nấy đều xanh tốt, ít bị sâu bệnh.
Anh Mạnh lắp đặt hệ thống tưới nước tự động tại vườn cam Vinh, để tạo điều kiện cho vườn cây phát triển tươi tốt.
Trung bình 1kg cam Vinh, anh Mạnh bán tại vườn với giá 20.000 đồng/kg.
Theo anh Mạnh chia sẻ: Sau một vụ thu hoạch quả, tôi phải cắt tỉa cành khô đi, để lại những cành khỏe mạnh để năm tiếp theo cây cho quả tiếp và tiếp tục bón phân thúc phân NPK, phân hữu cơ, tạo điều kiện cho cây bù đắp lại chất dinh dưỡng sau một thời gian nuôi quả.
Từ khi tôi ghép cam Vinh lên gốc bưởi dại đến giờ, thu nhập của gia đình cao gấp 8 lần so với trồng ngô trước đây, đời sống kinh tế đã khấm khá và có của ăn của để. Bình quân 1kg cam Vinh, tôi bán tại vườn với giá 20.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí, tôi lãi khoảng 130 triệu đồng".
Theo Danviet
Làm giàu ở nông thôn: Chỉ trồng rau, cà thôi mà tôi lãi 400 triệu Nhận thấy việc trồng hoa màu, anh Đoàn Trung Kiên, ở Hợp tác xã 3 (xã Chiềng Ban, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La) đã chuyển trồng ngô, đỗ sang trồng rau màu sạch bán ra thị trường, thu nhập ngày càng tăng. Với 2ha trồng rau màu, gia đình anh Kiên lãi 400 triệu đồng mỗi năm. Quyết tâm vượt khó Trước...