Bộ bàn ghế hình rồng giá bạc tỷ tại Tuyên Quang
Được làm bằng gỗ ngọc am dưới đáy sông Gâm, bộ bàn ghế của ông Nguyễn Quang Vịnh (70 tuổi) được trả giá hơn 4 tỷ đồng nhưng chủ nhân không bán.
Bộ bàn ghế hình rồng bằng gỗ ngọc am từng được chào mua với giá 4 tỷ đồng.
Cách cầu Chiêm Hoá không xa là ngôi nhà nhỏ của nghệ nhân Nguyễn Quang Vịnh – người sở hữu bộ bàn ghế hình rồng độc đáo làm bằng gỗ ngọc am. Khi vào nhà, chúng tôi ngửi thấy mùi thơm thoang thoảng từ bộ bàn ghế toả ra. Theo ông Vịnh, càng về đêm thì mùi thơm từ bộ bàn ghế càng đậm đặc hơn. Trong nhà không bao giờ xuất hiện ruồi muỗi hay côn trùng vì chúng sợ mùi thơm của loại gỗ này.
Bộ bàn ghế này có hình dáng khá đặc biệt, với 4 chiếc ghế được chạm trổ rồng phượng tinh xảo. Mỗi con rồng với dáng uốn lượn, trạng thái hoàn toàn khác nhau. Những hoa văn họa tiết của tứ linh gồm “long – ly – quy – phượng” cũng được sắp đặt một cách tự nhiên, hài hoà.
Mỗi chiếc ghế có chiều cao khoảng 1,5m với hình dáng tự nhiên, ít phải đục đẽo, chỉ có phần bệ ngồi là bào nhẵn đánh bóng. 4 chiếc ghế này không theo một quy chuẩn hình dáng nhất định. Theo ông Vịnh, để thuận theo tự nhiên nên ông không muốn can thiệp quá sâu vào việc tạo dáng hay lắp ghép các hoa văn vào ghế.
Mặt chiếc bàn gỗ ngọc am lại không bằng phẳng mà lồi lõm, uốn lượn giống như những cung đường Tây Bắc. Xung quanh mặt bàn hình tròn là một “con đường” mà ông Vịnh gọi là “đường vành đai” được tạo tác kỳ dị, gấp khúc, chỗ dựng đứng, chỗ hoắm sâu. Trên “con đường” ấy có 7 điểm nghỉ được đặt 7 chiếc chén nhỏ và một cái chuyên.
Chiếc bàn giống như một tấm bản đồ mô tả những cung đường hiểm trở nhất của Tây Bắc. Ở đó có đỉnh Mã Pì Lèng nhìn xuống dòng sông Nho Quế, lại có đèo Pha Đin khấp khểnh, có U Ma Tu Khoòng xa lắc xa lư, có đỉnh Phan Xi Păng hùng vĩ… tất cả gợi tả cho người xem những cảm giác lạ lùng giống như đi trên trực thăng nhìn xuống núi đồi.
Cảm giác ấy bỗng như thành hiện thực khi ông Vịnh rót trà ra 7 chiếc chén nhỏ. Khói nóng bốc lên nghi ngút len lỏi vào những thẳm sâu ngõ ngách gồ ghề của chiếc bàn, bỗng chốc phủ kín những “cung đường” gấp khúc kia. Ông Vịnh chia sẻ: “Đây là cách đi du lịch trong nhà, khói phủ kín mặt bàn như mây phủ núi, không cần đi xa nhưng như đang được rong ruổi”.
Bị điếc một tai vì Lặn sông Gâm tìm gỗ quý
Từ trước những năm 2000, ông Vịnh đã có đam mê với gỗ ngọc am. Nhưng ngọc am lúc ấy chưa có giá, cũng chưa có ai dùng gỗ ngọc am để làm đồ vật trong nhà. Hằng ngày ra sông Gâm ngâm mình, ông thấy gỗ ngọc am đã hoá thạch nhưng vẫn có mùi thơm. Từ lạ đến mê, ông đem về nhà từng mảnh nhỏ, dù chẳng để làm gì nhưng lại thành thói quen.
Bộ bàn ghế bằng gỗ ngọc am của ông Vịnh.
Video đang HOT
Sau này, khi đã bước chân vào nghề làm gỗ lũa, ông Vịnh mới quyết định chuyên tâm vào gỗ ngọc am. Ngày nào người dân Chiêm Hoá cũng thấy ông Vịnh lặn ngụp dưới sông chỉ để vớt lên những khúc gỗ cứng như đá. Có lần, ông phải mất 3 ngày mới đưa được khối gỗ khổng lồ giữa đáy dòng Gâm lên bờ.
Nhiều lần vì ngâm mình quá lâu dưới nước nên máu cam chảy ra mà ông không hay. Đến khi chọn đủ gỗ cho bộ bàn ghế độc nhất này thì ông bị điếc một bên tai phải.
Ông Vịnh bảo: “Không biết trước đây sông Gâm là gì, có biến động gì xảy ra nhưng dưới đáy có rất nhiều gỗ ngọc am. Nếu có cơ hội mà tát sông đào sâu dưới đáy chắc chắn sẽ có những khối gỗ hoá thạch khổng lồ. Tài sản ở đấy chứ ở đâu mà phải đi tìm nhiều”.
4 tỷ đồng vẫn chưa bán
Ông Vịnh phải mất 3 năm liên tục mới hoàn thành bộ bàn ghế hình rồng. Kể từ năm 2012, khi hoàn thành bộ bàn ghế, ông Vịnh có một cái tên khác là “Vịnh ngọc am”.
Nhiều đại gia từ TPHCM và Hà Nội cũng lên Chiêm Hoá để xem bộ bàn ghế đặc biệt này. Ông Vịnh bảo, khách ở Hà Nội đã trả giá 2 tỷ nhưng ông không bán, bởi trước đó một người châu Âu đã trả hơn gấp đôi mức đó.
Ông Vịnh cho biết: “Không phải tôi không thích tiền, nhưng bộ bàn ghế này như đứa con tinh thần của mình, bán đi tiếc đứt ruột. Tiền tiêu rồi cũng hết, chứ bộ bàn ghế như thế này tìm cả thế giới cũng chỉ có một mà thôi. Hơn nữa, không cần tính đến giá trị của bộ bàn ghế mà chỉ tính số gỗ quý mà tôi dùng để làm cũng đã lên tới tiền tỷ rồi”.
Ngoài bộ bàn ghế độc nhất vô nhị này, ông Vịnh còn một bộ ghế khổng lồ bằng gỗ ngọc am tuyệt đẹp chạm khắc hình rồng được đặt tại nhà cậu con trai. Ông Vịnh hy vọng sẽ có ngày được đem xuống Hà Nội triển lãm để thoả mãn sự tò mò và niềm đam mê của những người yêu gỗ lũa.
Theo xahoi
Cuộc săn "thần dược" ướp xác Việt Nam
Từ giữa tháng 6 đến nay, thị trường tinh dầu ngọc am bỗng dưng nở rộ bất thường. Khách mua tinh dầu ngọc am dễ như mua rau, dù giá rất đắt. Vậy, đường đi thực sự của tinh dầu ngọc am thật và rởm được sản xuất thế nào, qua tay những ai?
Tinh dầu ngọc am được chiết xuất từ gỗ ngọc am - loại cây thuộc bộ thông, họ hoàng đàn, mùi rất thơm. Loại cây này sống nhiều ở rừng Hoàng Su Phì (Hà Giang), hiện chưa có bất cứ một công trình nghiên cứu hoàn chỉnh nào về công dụng thực sự của gỗ và tinh dầu ngọc am. Tuy nhiên qua đồn thổi, tinh dầu ngọc am bỗng dưng trở thành một "thần dược" để ướp xác và làm đẹp. Đó cũng là nguyên nhân khiến gỗ ngọc am bị săn lùng ráo riết, thị trường tinh dầu ngọc am cũng "dậy sóng" sau những lời đồn thổi của dân buôn.
Ngọc am quý hơn cả sưa đỏ
Người viết bài này đã từng nhiều lần tiếp xúc với dân buôn gỗ ngọc am ở tỉnh Hà Giang. Hầu hết trong số họ đều cho rằng, ngọc am là loại gỗ quý đứng số một, trên cả sưa đỏ. Tuy nhiên, loại gỗ này chỉ còn sót lại ở một số khu rừng của huyện Hoàng Su Phì nên việc buôn bán không hề dễ dàng.
Gỗ ngọc am xếp trong kho của một đầu nậu
Qua tìm hiểu, chúng tôi đã 2 lần đến Hoàng Su Phì và được "mục sở thị" những khúc gỗ khô sần sùi được xếp đống trong một căn phòng nhỏ của trụ sở xã Tả Sử Choóng. Số ngọc am này theo lời của ông Lù Văn Tuấn, Phó trưởng Công an xã là do thu giữ được từ những người dân vào rừng khai thác trái phép.
Theo nghiên cứu của các nhà khoa học Việt Nam và Nhật Bản thì tinh dầu ngọc am có độc tố đối với tế bào, gây đông vón protein ở người và động thực vật. Cho nên gỗ và dầu ngọc am chỉ thích hợp với việc bảo tồn tế bào, bảo tồn xác ướp theo kinh nghiệm của người xưa. Cần hết sức thận trọng khi tiếp xúc với loại tinh dầu này vì những mối nguy hiểm tiềm ẩn mà nó gây ra.
Có một thực tế là thời gian vừa qua, do dân buôn gỗ săn lùng gỗ ngọc am nên người dân ở huyện Hoàng Su Phì đã tranh thủ vào rừng kiếm gỗ. Họ dùng những chiếc thuốn dài nhọn bằng sắt để đâm xuống đất. Khi rút lên nếu đầu thuốn có mùi thơm tức là dưới đất có gỗ ngọc am, họ sẽ hò nhau đào bới lấy gỗ đem bán.
Gỗ ngọc am sẽ được một đầu nậu tên ở ngay trung tâm xã Tả Sử Choóng thu gom hoặc chuyển ra thị trấn Vinh Quang bán với giá cao hơn cho một dân buôn chuyên nghiệp. Theo đầu nậu này, mấy năm trước gỗ ngọc am được mua chỉ để làm tượng hoặc tạc hình những con vật để trong nhà với quan niệm xua đuổi tà ma, ám khí. Nhưng bây giờ, những khối gỗ lớn mới được giữ lại, còn gỗ nhỏ sẽ đem chiết xuất lấy tinh dầu.
Và chuẩn bị công đoạn chiết xuất lấy tinh dầu
Truy tìm ngọc am dưới đáy sông Gâm
Được sự giới thiệu của một tay buôn và chiết xuất tinh dầu ngọc am có tiếng ở thị trấn Vinh Quang, chúng tôi xuôi về huyện Chiêm Hóa (Tuyên Quang) tìm một đầu nậu ngọc am được mệnh danh là lớn nhất nhì tỉnh.
Không khó lắm để chúng tôi tìm ra nhà của ông đầu nậu, ở gần ngay cầu thị trấn Chiêm Hóa đi Na Hang. Vừa vào nhà, mùi thơm của gỗ ngọc am đã ngào ngạt. Những bộ bàn ghế rồng phượng được làm từ gỗ ngọc am nghe nói có giá tiền tỷ trưng bày ngay trong gian phòng khách.
Đầu nậu này cho hay: "Tôi là người tìm gỗ ngọc am lâu đời nhất ở Tuyên Quang. Người ta cứ nói ngọc am chỉ có ở Hoàng Su Phì là sai lầm. Ở Tuyên Quang cũng đầy, vấn đề là có duyên tìm thấy và có gan đi tìm hay không mà thôi". Được biết, đầu nậu này đã bắt tay truy tìm ngọc am dưới đáy sông Gâm từ những năm 1990, khi đó ngọc am chưa được biết đến nhiều.
Một chai tinh dầu ngọc am mà đầu nậu khoe với phóng viên
Và thời gian đó, đầu nậu này cũng chỉ dùng ngọc am để đóng bàn ghế và tượng thần tài chứ không bao giờ nghĩ sẽ chiết xuất tinh dầu. Chỉ từ đầu năm 2012 đến nay, khi nhiều khách hàng ngỏ ý muốn mua tinh dầu thì đầu nậu này mới làm theo đơn đặt hàng.
Theo đầu nậu này, ông không sành chiết xuất tinh dầu nên một số đầu nậu chuyển hàng từ Hà Giang xuống cho ông bán kiếm lời, đây là thời điểm giáp Tết nên tinh dầu ngọc am được tiêu thụ mạnh và giá bán cũng rất cao.
Đừng mơ mua được tinh dầu thật
Giá thị trường hiện nay là 2 triệu đồng/1 lít tinh dầu ngọc am. Đấy là giá bán tận gốc, còn nếu đưa xuống các thành phố lớn hoặc ra nước ngoài thì giá sẽ được "thổi" lên cao gấp nhiều lần.
Khi tôi đề cập đến việc mua tình dầu ngọc am ở Hoàng Su Phì dễ hơn mua rau, đầu nậu ngọc am ở thị trấn Chiêm Hóa nói thẳng: "Đừng mơ mua được tinh dầu thật, đấy là tinh dầu rởm thôi, tinh dầu thật cậu biết bao nhiêu 1 lít không và cậu có biết nó dùng để làm gì không?".
Tượng thần tài cao 10cm, rộng 20cm có giá 3 triệu đồng
Theo ông này giải thích, cách chiết xuất tinh dầu ngọc am của các đầu nậu ở Hà Giang cũng giống cách làm của ông. Tức là dùng phần gỗ tạp của ngọc am để lấy tinh dầu. Nhưng dầu ngọc am không được nhiều nên đầu nậu nghĩ cách làm giả, dùng tinh dầu thông và pơ mu trộn với một lượng nhỏ ngọc am rồi đem bán.
"Dân nhà giàu mua tinh dầu ngọc am chỉ với 2 mục đích mà tôi biết là, ướp xác và làm đẹp. Họ mua tinh dầu về hòa với nước ấm rồi ngâm mình trong đó để diệt khuẩn và đem lại mùi thơm lâu dài. Tôi đã từng thử và cũng thấy công hiệu, tôi còn phát hiện ra dầu ngọc am có khả năng chữa thấp khớp và giải rượu rất tốt, chỉ 10 phút sau khi uống một giọt tinh dầu thì rượu sẽ được giải hết. Vấn đề là phải là tinh dầu ngọc am thật 100%", đầu nậu này khẳng định.
"Tinh dầu ngọc am được pha trộn rồi chuyển cho một số "đại lý". Các "đại lý" lại một lần nữa pha trộn tinh dầu, cứ qua mỗi "đại lý" thì tinh dầu ngọc am lại bị loãng ra một ít. Giá chung trên thị trường là 2 triệu đồng/lít. Nếu là ngọc am thật thì không có giá 2 triệu đồng đâu, cái giá ấy rẻ quá. Tôi vừa chiết xuất vừa bán tinh dầu ngọc am. Ngọc am thật tôi để nhà dùng, còn lại pha trộn đem bán, ai biết thật giả thế nào mà tính", đầu nậu ở Tuyên Quang cho hay.
Theo 24h
Thủy điện Việt Nam đi "ngược chiều" thế giới Vì tránh gia tăng thêm chi phí, các nhà đầu tư đã cố tình bỏ quên thiết kế âu tàu cho các dự án thủy điện. Khi thiết kế thủy điện Hòa Bình, các chuyên gia Liên Xô đã đặt vấn đề làm âu tàu, nhưng sau đó Việt Nam bỏ qua hạng mục này - Ảnh: Ngọc Thắng Cắt đứt giao thông...