BLV Quang Tùng: ‘Tuyển Việt Nam không được buông bỏ’
Bình luận viên Quang Tùng kỳ vọng thầy trò huấn luyện viên Park Hang-seo dồn hết tâm huyết cho trận đấu trên sân Nhật Bản và tự tin đặt mục tiêu có điểm.
Tối 29/3, tuyển Việt Nam chơi trận cuối ở vòng loại World Cup 2022. Tuyển Nhật Bản chắc suất giành vé dự World Cup 2022, do đó truyền thông nước này dự đoán huấn luyện viên (HLV) Hajime Moriyasu có thể tung đội hình dự bị để tiếp đón Việt Nam.
Bình luận viên (BLV) Quang Tùng nhận định: “Kể cả đội hình dự bị, sức mạnh của Nhật Bản vẫn vượt trội Việt Nam. Do đó, chúng ta cần chơi một trận quả cảm, xuất thần để hy vọng giành điểm cuối ở vòng loại ba. Đây là cơ hội quý để tuyển Việt Nam tiếp tục tích lũy kinh nghiệm. Riêng Văn Lâm và Quang Hải càng phải chứng minh năng lực vì đó có thể là bước ngoặt cho sự nghiệp của họ”.
Tuyển Việt Nam rút thêm bài học qua từng trận ở vòng loại ba. Ảnh: Việt Linh.
Tuyển Việt Nam tiến bộ từng trận
- BLV Quang Tùng chờ đợi gì trong lần cuối cùng thầy trò HLV Park chinh chiến ở vòng loại ba World Cup 2022?
- Chơi trên sân Nhật Bản lúc này là thử thách không dễ. Với việc tuyển Việt Nam đã hết mục tiêu tại vòng loại ba World Cup 2022, nhiều người có tâm lý buông bỏ, kiểu đá cho xong. Tuy nhiên, đội tuyển không được buông bỏ, bởi trận gặp Nhật Bản lúc này mang nhiều giá trị cho bóng đá Việt Nam hơn là điểm số.
Từ trận thua Australia, thắng Trung Quốc 3-0, cho đến thất bại gần nhất trước Oman, tuyển Việt Nam tiến bộ từng trận. Suy cho cùng, mục tiêu của tuyển Việt Nam khi đến vòng loại ba World Cup 2022 là có điểm và cọ xát. Chúng ta đã giành chiến thắng lịch sử là coi như đạt được kỳ vọng.
Giờ đây, các tuyển thủ Việt Nam không phải áp lực khi đối đầu Nhật Bản, nhưng cần vào trận trong tâm thế tiếp tục tích lũy, bởi sau vòng loại ba World Cup 2022 là những sân chơi quan trọng khác của tuyển Việt Nam ở cấp độ thấp hơn.
- Đối chiếu từ trận gần nhất trước Oman, BLV Quang Tùng nhìn ra điểm tích cực và hạn chế nào của thầy trò ông Park?
- Về ưu điểm, tuyển Việt Nam trong trận thua Oman đã chơi với nhịp độ nhanh, trực diện hơn, nhưng độ chuẩn xác trong các pha xử lý quyết định vẫn còn vấn đề. HLV Park không có lực lượng mạnh nhất ở trận gặp Oman, do đó lối chơi ảnh hưởng. Nhưng xét về tính tổ chức hệ thống, tuyển Việt Nam ngày càng kỷ luật và tăng tính sắc sảo khi tổ chức phòng ngự lẫn tấn công.
Phạm Tuấn Hải là phát hiện mới của tuyển Việt Nam. Sự khác biệt ở Tuấn Hải là cậu ấy chơi trực diện, có tốc độ và táo bạo, do đó sẵn sàng cầm bóng và đâm thẳng vào hàng thủ. Những pha bóng kiểu này không xuất hiện khi tuyển Việt Nam ra sân với Phan Văn Đức, Nguyễn Công Phượng và thậm chí là Nguyễn Văn Toàn. Chỉ Tuấn Hải thật sự tạo ra đột biến.
Khuyết điểm của tuyển Việt Nam vẫn là sự tập trung của hàng thủ, đặc biệt trong các tình huống bóng bổng. HLV Park và các trợ lý cần thêm thời gian để tổ chức lại hàng thủ, từ cách di chuyển, kèm người. Và quan trọng nhất là sau giải này, chúng ta nhìn rõ tầm quan trọng của yếu tố thể hình khi tổ chức hàng thủ.
- Chúng ta đã thua Nhật Bản trên sân Mỹ Đình theo cách nào, liệu cục diện ở trận lượt về có khác?
- Nhật Bản khi thắng tuyển Việt Nam trên sân Mỹ Đình chưa phải phiên bản tốt nhất. Họ chơi cầm chừng, chưa tự tin và thiếu độ chính xác thường thấy khi tổ chức trận đấu. Các pha tấn công nguy hiểm của Nhật Bản, với tình huống thành bàn, chủ yếu đến từ phản công.
Khi đó, lối chơi của Nhật Bản bị trục trặc. Họ bị hoài nghi về sức mạnh, nên phần nào đó cẩn trọng khi làm khách ở Mỹ Đình. Nhưng hiện tại, tình thế hoàn toàn khác, bởi phong độ và tinh thần của cầu thủ Nhật Bản đều cao.
Ngay cả khi Nhật Bản dùng đội hình dự bị, họ vẫn vượt trội tuyển Việt Nam. Chúng ta không có nhiều phương án để đối phó Nhật Bản, ngoài việc tập trung phòng ngự thật chắc và chọn thời điểm tấn công bất ngờ – có thể diễn ra ở đầu hiệp như phong cách thường thấy của tuyển Việt Nam khi gặp đội lớn.
Quang Hải cần ghi điểm trước các nhà tuyển trạch. Ảnh: Việt Linh.
Cơ hội để Văn Lâm, Quang Hải thay đổi sự nghiệp
- Theo anh, sự vắng mặt của Hoàng Đức ảnh hưởng thế nào đến cách chơi của tuyển Việt Nam?
- HLV Park xếp Nguyễn Tuấn Anh và Đỗ Hùng Dũng là cặp tiền vệ trung tâm đối đầu Oman. Về đấu pháp, cặp Tuấn Anh – Hùng Dũng tương tự cặp Hoàng Đức – Hùng Dũng. Cụ thể là Tuấn Anh làm vai trò của người kéo bóng lên tuyến trên và luân phiên cùng Hùng Dũng để đá mỏ neo.
Tuy nhiên, Tuấn Anh không hoàn thành nhiệm vụ vì chủ yếu chuyền ngang, chuyền về và thiếu dấu ấn trên mặt trận tấn công. Sau 45 phút, HLV Park thay Tuấn Anh và đưa Quang Hải trám vào vai trò đó. Thế trận của tuyển Việt Nam trong hiệp 2 được cải thiện vì tuyến giữa làm bóng tốt hơn.
Hoàng Đức là tiền vệ hay nhất Việt Nam ở vai trò kéo bóng từ giữa sân. Đức có nền tảng thể chất tốt, kỹ thuật, tốc độ, che chắn bóng khôn khéo và sự uyển chuyển. Khi cầm bóng, Hoàng Đức có thể che chắn, tiếp tục rê dắt để kéo giãn đội hình đối phương trước khi chuyền. Đó là khác biệt của Hoàng Đức so với Tuấn Anh, chủ yếu nằm ở tốc độ, sức mạnh và thể lực.
Cặp Hoàng Đức – Hùng Dũng đang là số một trong cách xây dựng lối chơi của HLV Park. Khi Hoàng Đức vắng mặt, thầy Park không còn phương án nào tốt hơn Tuấn Anh.
- Về đội hình xuất phát của tuyển Việt Nam, anh dự đoán thế nào?
- HLV Park sẽ đưa Đặng Văn Lâm trở lại khung gỗ. Ba trung vệ gồm Nguyễn Thanh Bình, Quế Ngọc Hải và Bùi Hoàng Việt Anh. Hồ Tấn Tài, Vũ Văn Thanh đá 2 cánh. Tuấn Anh, Hùng Dũng là cặp tiền vệ. Bộ ba tấn công là Nguyễn Quang Hải, Tuấn Hải và Công Phượng.
Đây là trận đấu đặc biệt cho Quang Hải và Văn Lâm (nếu bắt chính).
Văn Lâm cần chứng tỏ năng lực ngay trên đất Nhật Bản để được CLB chú ý nhiều hơn. Trong khi đó, Quang Hải đang trong giai đoạn đàm phán hợp đồng với CLB nước ngoài. Trong 2 tháng tới, Quang Hải không còn nhiều dịp ra sân. Việc khoác áo tuyển Việt Nam, đối đầu Nhật Bản trong trận đấu chính thức ở vòng loại World Cup 2022 là cơ hội gần như duy nhất để Quang Hải chứng minh anh sẽ làm được gì nếu gia nhập CLB ở tầm cao hơn V.League.
- Cảm ơn BLV Quang Tùng về cuộc trao đổi!
Highlights tuyển Việt Nam 0-1 Oman Thầy trò huấn luyện viên Park Hang-seo nhận thất bại trên sân nhà khi gặp Oman ở vòng loại thứ ba World Cup 2022 khu vực châu Á tối 24/3.
Sức mạnh của tuyển Nhật Bản
Quá nhiều khó khăn ập xuống tuyển Việt Nam trong khi Nhật Bản vẫn thể hiện đẳng cấp cùng lực lượng vượt trội trước thềm trận đấu cuối cùng của Vòng loại World Cup 2022.
Đối thủ cuối cùng của tuyển Việt Nam tại Vòng loại World Cup 2022 là Nhật Bản, đội vừa giành vé tới Qatar ở lượt đấu trước sau khi đánh bại Australia 2-0 ngay trên sân khách.
Nếu nhìn vào tỷ số và thời gian Nhật Bản ghi bàn (phút 89 và 90 3), người hâm mộ không theo dõi có thể nghĩ tới việc "Samurai xanh" đá giằng co với Australia và cuối cùng có được bàn vào thời điểm đối thủ buộc phải dâng cao.
Trên thực tế, Nhật Bản thể hiện sức mạnh vượt trội hoàn toàn so với Australia. Nếu thần may mắn mỉm cười, Nhật Bản có thể đã đè bẹp đội chủ nhà 4-5 bàn cách biệt.
Tuyển Nhật Bản vẫn là anh cả của khu vực châu Á. Ảnh: Reuters.
Nhật Bản gặp Việt Nam khi đã giành vé tới World Cup khiến trận cầu trên sân Saitama chỉ còn mang ý nghĩa thủ tục. Tuy nhiên, việc chơi trên sân nhà vẫn sẽ là động lực khiến thầy trò Hajime Moriyasu giành trọn 3 điểm.
Điểm mạnh của Nhật Bản
Nhật Bản mất bao nhiêu thời gian để có cơ hội ngon ăn đầu tiên trước Australia? Câu trả lời là 26 giây. Mất chưa đầy nửa phút, Takumi Minamino đã có cơ hội dứt điểm trong tư thế không bị ai theo kèm.
Cơ hội này xuất phát từ hàng loạt tình huống pressing liên tục của Nhật Bản ngay bên phần sân Australia. Kỹ năng chơi bóng chủ động, cùng khả năng chuyển trạng thái là một trong những điểm mạnh nhất của "Samurai xanh".
Hậu vệ phải Yamane sẵn sàng dâng cao pressing gây khó dễ cho Australia trong quá trình triển khai bóng.
Cự ly đội hình của Nhật bản được giữ rất chuẩn. Hậu vệ trái Yuto Nagatomo dâng cao khi trung vệ lệch trách Yoshida có bóng.
Với sơ đồ 4-3-3, Nhật Bản luôn giữ chuẩn vị trí trong cách triển khai lệch. Nếu trung vệ lệch trái Maya Yoshida cầm bóng, hậu vệ trái Yuto Nagatomo sẽ dâng cao hơn hậu vệ phải và ngược lại. Điều này luôn giúp Nhật Bản giữ được cự ly đội hình chuẩn trong trường hợp mất bóng.
Đây lại là điểm yếu của tuyển Việt Nam. Ở trận lượt đi tại Mỹ Đình, bàn thua của tuyển Việt Nam đến từ tình huống mất bóng ngay sau pha phát bóng lên. Cự ly đội hình không được giữ chuẩn khi Duy Mạnh không theo kèm được Minamino còn Hồng Duy không cản được cú căng ngang của tiền đạo Liverpool cho Junya Ito ở phía trong.
Nhật Bản cũng đặc biệt nhất quán trong cách thoát pressing. Australia về cơ bản không yếu nên tạo ra áp lực đáng kể lên hàng phòng ngự Nhật Bản. Tuy nhiên, "Samurai xanh" có phương án xuyên suốt khi bóng không thể luân chuyển theo hình chữ U từ hàng phòng ngự lên tuyến tiền vệ và tiền đạo: chuyền dài vượt tuyến.
Yoshida, Yamane hay Nagatomo đều sẵn sàng tung những đường chuyền vượt tuyến ra phía sau hàng phòng ngự đối thủ để hai tiền đạo cánh Ito, Minamino cũng như trung phong Asano đua tốc gây áp lực.
Những đường chuyền dài này giúp Nhật Bản đạt được hai mục tiêu: Một, đẩy Australia về phía phần sân đối thủ từ đó hóa giải lớp pressing tầm cao. Hai, bắt đầu lại từ đầu tình huống bóng, đưa lại người dấn sang phần sân đối thủ để bắt đầu lớp pressing của mình.
Phương án này của Nhật Bản tỏ ra đặc biệt hiệu quả khi Ito hay Minamino luôn tìm được cách phá bẫy việt vị của Australia để lẻn ra phía sau hàng phòng ngự đối thủ.
Mũi khoan biên phải
Junya Ito là cầu thủ có thể coi là biểu tượng cho sự vùng dậy mạnh mẽ của Nhật Bản ở Vòng loại thứ 3 World Cup 2022 khu vực châu Á. Cầu thủ chạy cánh sinh năm 1993 ghi 4 bàn và có 1 đường kiến tạo giúp Nhật Bản lật ngược thế cờ sau khi thua Oman và Saudi Arabia ở các lượt đấu đầu tiên.
Báo chí khu vực đã dành nhiều thời gian để phân tích Ito trong cách tấn công của tuyển Nhật Bản. Tuy nhiên, Ito không phải nhân tố duy nhất tạo ra dấu ấn trong chuỗi 6 chiến thắng liên tiếp của Nhật Bản trong giai đoạn đoạn.
Tiền vệ chơi sát với Ito, Hidemasa Morita là nhân tố đặc biệt phải xem trọng tại đội hình "Samurai xanh". Morita đang chơi bóng tại Bồ Đào Nha cho Santa Clara, tức về danh tiếng là thua thiệt hoàn toàn so với những cựu binh như Gaku Shibasaki (Leganes), Reo Hatate (Celtic) hay Genki Haraguchi (Union Berlin).
Tuy nhiên, Morita để lại dấu ấn lớn nhờ khả năng lên công về thủ không biết mệt mỏi ở khu vực hành lang trong bên phải của Nhật Bản. Trước Australia, Morita tạo ra đột biến lớn nhất trong bàn mở tỷ số của Nhật Bản khi tung đường chuyền xé toang hàng phòng ngự của Australia.
Trong khâu phòng ngự, Morita cũng đặc biệt xuất sắc khi luôn xuất hiện đúng điểm nóng. Khả năng đánh chặn của Morita và Wataru Endo là điểm nhấn lớn giúp Nhật Bản có được tấm lá chắn vững vàng trước hàng phòng ngự.
Ngoài Ito, Morita, hậu vệ phải Miki Yamane cũng là nhân tố đặc biệt nguy hiểm của Nhật Bản,
Bộ ba này đã làm loạn hành lang cánh phải của Australia nhờ hai bàn phối hợp cơ bản, nhưng đặc biệt hiệu quả. Trong hiệp 1, các pha chồng biên (overlap) từ cánh phải của Nhật Bản tạo ra xáo trộn lớn trong hàng phòng ngự Australia. Thông thường, Yamane hay Ito rất ưa các pha tạt bóng ở đáy biên. Nếu Minamino may mắn vào giữa hiệp 1, Nhật Bản đã mở tỷ số thay vì chỉ có một pha bóng đi dội xà.
Ở hiệp 2, Ito, Morita và Yamane lại chọn cách công phá hàng phòng ngự Australia bằng các tình huống đánh vào hành lang trong (underlap), và có được bàn thắng khi Yamane tiếp tục có một pha đưa bóng vào từ đáy biên.
Kỹ năng di chuyển không bóng, hoán đổi vị trí, làm tường, phối hợp third-man run của bộ ba này có thể coi là đứng tốp đầu châu lục. Trong khi vị trí hậu vệ trái của Văn Thanh và Hồng Duy lại là điểm yếu nhất của hàng phòng ngự Việt Nam. Rất khó để tin tuyển Việt Nam phong tỏa thành công bài đánh từ cánh phải này của Nhật Bản.
Chênh lệch lực lượng
Trước khi loạt trận tập trung ĐTQG diễn ra, tiền vệ Ritsu Doan nhấn mạnh trên MXH rằng "tôi không chấn thương". Cầu thủ từng sút tung lưới Việt Nam tại Asian Cup 2019 không được HLV Moriyasu gọi lên tuyển lần này, bất chấp việc có phong độ cao tại PSV kể từ đầu năm 2022.
Ritsu Doan không phải ngôi sao duy nhất bị cho thi đấu nhỏ giọt dưới thời HLV Moriyasu. Daizen Maeda nổi như cồn trong màu áo Celtic cũng đang mài đũng quần trên ghế dự bị khi tập trung ĐTQG. Trước Australia, ngôi sao Takefusa Kubo cũng ngồi dự bị trọn 90 phút.
Nếu nhìn sang tuyển Việt Nam, chênh lệch quả thật khó diễn tả bằng lời. Hàng loạt trụ cột như Tiến Linh, Hoàng Đức, Duy Mạnh, Đình Trọng... vắng mặt vì chấn thương và Covid-19. Ngay cả khi có nhóm cầu thủ này, việc đấu với Nhật Bản và kỳ vọng có điểm cũng khó.
HLV Moriyasu bày tỏ quan điểm "muốn thắng" tuyển Việt Nam trong phòng họp báo trước trận. Với chênh lệch cả về lối chơi lẫn lực lượng, có thể nhìn ra trước về kết quả trận đấu trên sân Saitama tối 29/3 tới. Ngay cả khi Nhật Bản tung ra đội hình không phải mạnh nhất, chừng đó vẫn là quá sức với thầy trò HLV Park.
Tuyển Việt Nam đứng cuối bảng B. Đồ họa: Minh Phúc.
Tuyển Nhật Bản tập kín ở sân Hàng Đẫy 18h tối 8/11, ban huấn luyện tuyển Nhật Bản cùng vài cầu thủ đã tập kín ở sân vận động Hàng Đẫy. Do phần lớn các cầu thủ Nhật Bản chưa sang Việt Nam, buổi tập tối 8/11 trên sân Hàng Đẫy chỉ có ban huấn luyện cùng một số cái tên gồm các tiền đạo Daizen Maeda, Yuya Osako và hậu vệ...